Những câu hỏi khi làm nghiên cứu khoa học

Những câu hỏi khi làm nghiên cứu khoa học
Bạn nghĩ gì về 4 chữ “nghiên cứu khoa học”? Bạn đã hiểu thực sự về ý nghĩa của hoạt động NCKH trong học tập và trong đời sống? Tại sao nhiều sinh viên lựa chọn tham gia hoạt động này? Tại sao sinh viên nên tham gia NCKH? Và có thể còn nhiều câu hỏi khác chính bạn tự hỏi sẽ xuất hiện trong loạt bài viết này đấy! Hãy cùng Cộng đồng sinh viên kinh tế NCKH (RCES) đi tìm những câu trả lời nhé!

1. Nghiên cứu khoa học là gì?

Nghiên cứu khoa học là từ được mỗi người hiểu theo cách khác nhau và với nhiều người đây là một từ rất “cao siêu”. Tuy nhiên, với những người nghiên cứu chuyên nghiệp, nghiên cứu khoa học lại được hiểu rất đơn giản, chỉ là đi trả lời những câu hỏi nhằm tìm ra những kết quả mới bằng việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học. Thông qua đó, các câu trả lời có tính thuyết phục cao hơn hẳn so với những câu trả lời mà chúng ta vẫn thường trả lời cho các câu hỏi đơn giản hàng ngày và mang lại những giá trị đóng góp cho thực tiễn hoặc hoạt động học thuật.

2. Vậy sinh viên có làm nghiên cứu khoa học được không?

Như đã đề cập, nghiên cứu khoa học được hiểu đơn giản là việc trả lời những câu hỏi để tìm ra những kết quả mới. Chắc hẳn ai trong chúng ta đều có những câu hỏi và mong muốn trả lời những câu hỏi ấy. Ngay từ ngày thơ bé, chúng ta đã đặt ra nhiều câu hỏi ngây ngô như  “Tại sao trên mặt trăng lại có hình chú cuội”, “Tại sao Nhà nước không in tiền thật nhiều mà đi vay tiền từ các nước khác làm gì?”, “Tại sao một số sản phẩm được bán ở siêu thị còn có giá rẻ hơn ở ngoài chợ?” … Cho đến 1 ngày lớn hơn, có lẽ bạn đã tìm ra những câu trả lời cho các câu hỏi đó.

Và trong thời gian học đại học, chính là thời gian bạn tự tìm tòi và nạp nhiều kiến thức, kĩ năng nhất để sẵn sàng cho bước đường tương lai. Sinh viên luôn là là những người trẻ tuổi, sáng tạo nhất và chưa bao giờ bị giới hạn khả năng của mình. Vì vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học chưa bao giờ nằm ngoài vùng phủ sóng của các sinh viên tại các trường đại học trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, ở các giải thưởng NCKH sinh viên hàng năm đều ghi nhận nhiều thành quả, mang tính đột phá cho những kết quả nghiên cứu thực tiễn, đóng góp lớn cho các hoạt động đời sống thực tiễn. Dù trình độ chưa cao như các tiến sĩ, giáo sư; tuy nhiên chính sức trẻ, sự táo bạo và tiềm năng không giới hạn chính là lí do chúng ta làm nên những điều tuyệt vời đó. Vì vậy, nếu bạn đang là một sinh viên, bạn hoàn toàn có thể!

Những câu hỏi khi làm nghiên cứu khoa học

3. Nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kinh tế có gì khác so với nghiên cứu trong lĩnh vực tự nhiên hay nghiên cứu khoa học cơ bản?

Khác với sinh viên khối khoa học cơ bản hay tự nhiên, sinh viên khối kinh tế nghiên cứu về các vấn đề kinh tế – xã hội đang không ngừng chuyển động mỗi ngày. Đặc thù kinh tế là một ngành thuộc khoa học xã hội và nhân văn nên sinh viên khối kinh tế không nghiên cứu về vũ trụ, công nghệ nano, địa chất, thiết bị công nghệ cao … mà nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến các hoạt động kinh tế trong nhiều lĩnh vực như nghiên cứu kinh tế học cơ bản, kinh tế quốc tế, quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng, kinh tế phát triển, marketing, kế toán, … Đây đều là những lĩnh vực mang đậm hơi thở của thế giới thực tiễn đang diễn ra và liên quan mật thiết đến sự chuyển động và phát triển từng ngày của mỗi quốc gia và toàn thế giới đấy!

Những câu hỏi khi làm nghiên cứu khoa học

Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam – Giải thưởng danh giá dành cho sinh viên các trường đại học, học viện tại Việt Nam trong lĩnh vực NCKH sinh viên

Không giống nhau từ đối tượng nghiên cứu, vì vậy địa điểm nghiên cứu của sinh viên khối kinh tế khi tham gia hoạt động NCKH cũng hoàn toàn khác. Sinh viên kinh tế sẽ không ngồi trong các phòng lab và thực hiện các thí nghiệm, đo đạc mà sẽ làm việc tại bất cứ đâu có máy tính và mạng internet; hoặc ở những doanh nghiệp, địa phương, cơ quan, thị trường … có liên quan đến đề tài mình nghiên cứu. Ví dụ, với đề tài nghiên cứu về đánh giá chất lượng dịch vụ của siêu thị BigC, sinh viên sẽ tới trực tiếp siêu thị này để quan sát về chất lượng phục vụ của nhân viên BigC và khảo sát sự đánh giá của những người mua sắm tại siêu thị này. Hay với nghiên cứu về tiềm năng phát triển cho 1 sản phẩm mới của thương hiệu Vinamilk (hiện chưa ra mắt thị trường) thì sinh viên phải đi ra thị trường và xem xét các sản phẩm cạnh tranh hiện có, thực hiện các khảo sát với người tiêu dùng nếu cho ra mắt sản phẩm mới dự kiến. Hoặc một ví dụ khác, với đề tài nghiên cứu về mối liên hệ giữa tỉ lệ nam/nữ trong doanh nghiệp với hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; sinh viên cần tìm kiếm tỉ lệ nam/nữ của các doanh nghiệp trong mẫu nghiên cứu và các dữ liệu phản ánh hiệu quả hoạt động kinh doanh. Sau đó, sẽ sử dụng các phần mềm, công cụ để tìm ra kết quả cho câu hỏi tương ứng với đề tài.

Kinh tế – một trong những trụ cột của mọi quốc gia luôn thay đổi không ngừng, và là những người trẻ, sinh viên khối kinh tế chúng mình hãy đặt ra những câu hỏi mình muốn giải đáp, tìm tòi, sáng tạo để thỏa sự hứng thú và tìm ra những điều mới mẻ cho bạn và cho những người khác nhé. Khi ấy, chúng ta đã tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học rồi đấy!

4. Sinh viên năm mấy có thể tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học?

Tại nhiều nước trên thế giới, ngay từ khi học tiểu học, học sinh đã được làm quen với những bước đầu tiên trong hoạt động nghiên cứu, như đặt câu hỏi, đặt giả thuyết nghiên cứu hay hướng dẫn cách để đi tìm câu trả lời. Điều này làm cho học sinh phát triển hướng tư duy rất khoa học ngay từ nhỏ, và từ “nghiên cứu khoa học” được hiểu đúng theo nghĩa đó chứ không phải là hoạt động rất “cao siêu” như nhiều sinh viên Việt Nam vẫn thường nghĩ.

Những câu hỏi khi làm nghiên cứu khoa học

Chính vì vậy, ngay từ khi còn học năm nhất, sinh viên đã có thể bắt đầu tiếp cận hoạt động này. Tuy nhiên, để nghiên cứu sâu hơn vào một lĩnh vực cụ thể, sinh viên khối kinh tế cần có một kiến thức nền tảng về kinh tế nhất định để có thể làm tốt hơn. Toàn bộ thời gian trong năm đầu tiên tại đại học sẽ giúp sinh viên có được điều này. Từ đó, khi sang tới năm thứ 2 và năm thứ 3, sinh viên đã có thể đi sâu hơn nghiên cứu về các vấn đề mà mình quan tâm. Riêng đối với sinh viên năm 4, thời gian thường eo hẹp hơn vì các bạn phải làm khóa luận hoặc chuẩn bị sâu hơn cho lĩnh vực mình theo đuổi sau này. Chính vì vậy, nếu bạn là sinh viên năm 2 và năm thứ 3 thì đây là thời điểm thích hợp nhất để bạn tham gia vào hoạt động NCKH sinh viên. Đặc biệt, nếu bạn đã tham gia NCKH ngay từ năm thứ 2 thì khi sang năm 3, với kinh nghiệm đã có và những đột phá mới trong suy nghĩ, chắc hẳn bạn sẽ có những công trình NCKH để đời thời sinh viên của mình đấy!

5. Sinh viên năm nhất có thể bắt đầu tiếp cận hoạt động NCKH như thế nào?

Khi là sinh viên năm nhất, bạn đang được tiếp nhận kiến thức nền toàn diện về lĩnh vực mình học tập và có thể bắt đầu tiếp cận hoạt động NCKH bằng việc tự tìm hiểu những vấn đề mình quan tâm và hứng thú. Thông qua việc này, bạn sẽ tăng cường được kĩ năng đọc và khả năng tư duy, lập luận khi tiếp nhận được nhiều kiến thức mới mà mình tự khai phá và lĩnh hội. Từ những sự chuẩn bị về kĩ năng và năng lực như vậy, bạn sẽ sẵn sàng hơn khi tham gia NCKH trong năm thứ 2. Bạn cũng hoàn toàn có thể tham gia các chương trình hỗ trợ hoạt động NCKH sinh viên khác ngay từ năm nhất để biết khi NCKH mình sẽ làm những gì, và ngay trong mùa hè đầu tiên ở đại học, bạn đã có thể chuẩn bị cho bước đầu tiên khi nghiên cứu, chính là tìm đề tài nghiên cứu.

6. Điểm học tập trên lớp của mình không thực sự cao. Vậy mình có thể NCKH tốt được không?

Như đã nói ở trên, NCKH là việc trả lời các câu hỏi, nhằm tìm ra kết quả mới, thông qua việc áp dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, khi tham gia NCKH bạn sẽ chỉ tập trung về 1 chủ đề duy nhất mà mình quan tâm và có hứng thú; điều này hoàn toàn khác với việc học nhiều môn học cùng lúc trên trường đại học. Bên cạnh đó, có một vấn đề là nhiều sinh viên không thực sự thích ngành mình học, vì vậy kết quả GPA không cao như mong muốn. Tuy nhiên, khi tham gia NCKH, bạn có thể hoàn toàn nghiên cứu về chủ đề mình quan tâm và không nhất thiết phải đúng với ngành mình học. Chính vì vậy, với sức trẻ, sự ham học hỏi và tiềm năng không giới hạn, mọi sinh viên đều có khả năng tham gia hoạt động này và gặt hái những thành công đáng nhớ thời sinh viên.

Chắc hẳn các bạn vẫn còn rất nhiều câu hỏi khi mới bắt tay vào nghiên cứu, mời bạn đón đọc phần 2 của loạt bài này trong thời gian sắp tới nhé !

Cộng đồng sinh viên kinh tế nghiên cứu khoa học (RCES)