Những câu nói của Bác Hồ dành cho phụ nữ

Họ và tên:

Email:*

Điện thoại:

Mã bảo vệ:*

Những câu nói của Bác Hồ dành cho phụ nữ

Tấm lòng của Bác Hồ với phụ nữ Việt Nam 

Khi đất nước đắm chìm trong đêm trường nô lệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, chú ý đến người phụ nữ. Bởi phụ nữ là lớp người khổ nhất trong những “người cùng khổ”. Họ không những phải chịu đựng nỗi đau của một người dân mất nước, bị tước đoạt hết các quyền tự do, dân chủ mà còn bị ngược đãi, chà đạp lên cả phẩm giá con người. Người căm ghét bọn thống trị đã "đối xử một cách hết sức bỉ ổi với người phụ nữ, xúc phạm tới phong hóa, trinh tiết và đời sống của họ". Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần bản chất của thực dân Pháp đó là chế độ “ăn cướp và giết người”, “hãm hiếp đàn bà và trẻ nhỏ”. Người đã tố cáo những hành động phi nhân tính của bọn thực dân xâm lược đối với phụ nữ: "Một người Âu mắng phụ nữ An Nam là con đĩ, con bú dù là một việc thông thường. Ngay giữa chợ Bến Thành ở Sài Gòn... bọn gác chợ người Âu cũng không ngần ngại dùng roi gân bò, dùi cui đánh người phụ nữ bản xứ bắt họ tránh không làm nghẽn lối đi"

Xuất phát từ lòng nhân ái bao la và sự đồng cảm sâu sắc với nỗi đau khổ tột cùng mà người phụ nữ phải gánh chịu dưới chế độ thực dân, phong kiến nên Hồ Chí Minh luôn đặt ra yêu cầu bức thiết phải giải phóng “nửa thế giới” khỏi “xiềng xích nô lệ”. Người xác định: “Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ”.
Đây chính là một trong những động lực giúp Người vượt qua mọi khó khăn, thử thách để cùng với toàn Đảng và toàn dân ta lật đổ chế độ thuộc địa nửa phong kiến, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhằm thực hiện “nam nữ bình quyền”. Ngay trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày mồng 6 tháng 01 năm 1946, Người vui sướng nhận ra rằng "Phụ nữ là tầng lớp đi bỏ phiếu hăng hái nhất". Sau khi đã trở thành Chủ tịch nước, mặc dầu bận trăm công ngàn việc nhưng Bác vẫn luôn giành cho các thế hệ phụ nữ Việt Nam sự quan tâm, yêu thương, tôn trọng.

2. Đánh giá đúng vai trò, vị trí của phụ nữ

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá rất cao vị trí, vai trò của người phụ nữ đối với tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong diễn ca "Lịch sử nước ta", Người đã khẳng định:"Phụ nữ ta chẳng tầm thường. Ðánh Ðông, dẹp Bắc làm gương để đời". Vì vậy, Người luôn tự hào: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng… Phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng”. Nhân kỷ niệm ngày khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Quốc tế phụ nữ (08/3/1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư động viên, khen ngợi chị em phụ nữ. Cuối bức thư Người khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định phụ nữ là một trong những nhân tố quyết định đến sự thành bại của cách mạng. Tại Lễ kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10-1966), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến truyền thống yêu nước đầy tự hào của người Phụ nữ Việt Nam: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu nước, cứu dân, cho đến ngày hôm nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”.

Người đã thấu hiểu được sự vất vả, hy sinh thầm lặng của phụ nữ Việt Nam trong điều kiện chiến tranh ác liệt. Không những tham gia kháng chiến mà họ còn phải cáng đáng việc nhà để chồng con yên tâm đi đánh giặc. Ruộng nương, vườn tược, nhà cửa, chăm sóc nuôi dạy con cái, phụng dưỡng cha mẹ… đều đổ dồn lên đôi vai gầy yếu của các chị, các mẹ. Do đó nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam, Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta. Ghi nhận những cống hiến to lớn của chị em trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thần thánh của dân tộc, Bác đã trao tặng cho phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng cao quý: “Anh hùng - Bất khuất-  Trung hậu - Đảm đang”.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Người nhận thấy rằng phụ nữ có nhiều khả năng làm lãnh đạo, có nhiều phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo ở từ cơ sở đến trung ương, nhiều người rất giỏi, ưu điểm của cán bộ nữ là “ít mắc tệ tham ô, lãng phí, không hay chè chén, ít hống hách, mệnh lệnh như một số cán bộ nam”. Vì vậy Đảng, Chính phủ và các cấp, các ngành phải đặc biệt chú ý, cất nhắc phụ nữ vào đúng những vị trí, chức vụ phù hợp với khả  năng để chị em có điều kiện phát huy năng lực của mình. Người đã thẳng thắn phê bình một số cán bộ của Đảng chưa đánh giá đúng về vai trò, vị trí của phụ nữ và xem đây như một “căn bệnh hết sức nguy hiểm”, là một tàn dư tồi tệ nhất của chế độ cũ nên Người yêu cầu phải kịp thời sữa chữa.

3. Động viên phụ nữ kịp thời

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thường xuyên động viên, nhắc nhở chị em phải cố gắng vươn lên để “tự giải phóng mình” chứ không được trông chờ vào Đảng và Chính phủ. Một lần, tới một hội nghị, thấy phụ nữ ngồi hết ở dãy ghế cuối. Bác nói: Ngay việc ngồi cũng không bình đẳng. Phụ nữ muốn được bình đẳng không phải đợi Đảng và Chính phủ hay nam giới mời lên ngồi mới ngồi mà phải tự đấu tranh, phấn đấu giành lấy. Muốn vậy, bản thân phụ nữ phải chủ động quyết tâm, khắc phục, khó khăn, tự tin, tự lực, tự cường, không nên tự ti. Phải gắng học tập chính trị, học tập văn hóa kỹ thuật; nâng cao tinh thần yêu nước và giác ngộ xã hội chủ nghĩa; hăng hái thi đua thực hiện "Cần kiệm xây dựng Tổ quốc, cần kiệm xây dựng gia đình” để xứng đáng là người làm chủ nước nhà.

Người đã giành trọn vẹn cả cuộc đời mình cho dân, cho nước. Trước khi “vĩnh viễn ánh mặt trời” để về với Mác - Lê nin, Bác đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta một bản Di chúc lịch sử. Trong đó Người không quên nhắc tới phụ nữ Việt Nam: “… Ðảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ".

Khắc sâu lời dạy của Người, ngày nay “một nửa thế giới” đã nỗ lực vươn lên để khẳng định mình. Vị thế của người phụ nữ ngày càng được nâng cao trong gia đình và ngoài xã hội. Họ không chỉ làm tốt thiên chức “làm vợ - làm mẹ” mà còn hoàn thành tốt vai trò của một người công dân đối với xã hội. Thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phụ nữ Việt Nam đã có mặt trên tất cả các lĩnh vực công tác của đời sống xã hội, ngày càng có nhiều chính trị gia; nhà lãnh đạo, quản lý; nhà khoa học và doanh nhân thành đạt  là phụ nữ.

Để không phụ lòng tin yêu và sự kỳ vọng của Bác, phụ nữ Việt Nam đang nỗ lực vượt qua định kiến giới, vượt lên chính mình để “tự giải phóng cho mình”. Đồng thời phải không ngừng học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt và làm tròn bổn phận của một người mẹ, người vợ trong gia đình để trở thành người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. 

Thấm nhuần những tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh giành cho phụ nữ Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để chị em vươn lên khẳng định mình. Đại hội XI của Đảng khẳng định: Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần tiếp tục thực hiện bình đẳng giới. Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em.

T.H (Tổng hợp) 

Ngày 8/3/1965, nhằm đánh giá cao cống hiến của phụ nữ miền Nam, Đảng, chính phủ, Bác Hồ đã tặng họ bức trướng thêu 8 chữ vàng "Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang".

Những câu nói của Bác Hồ dành cho phụ nữ

Bức trướng thêu 8 chữ vàng mà Đảng, chính phủ, Bác Hồ  tặng phụ nữ miền Nam.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và đánh giá cao vị trí, vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Bác nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”; “Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng”; “Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại”.

Ngày 8/3/1965, nhân kỷ niệm 55 năm ngày quốc tế phụ nữ (1910-1965) Bác dành tặng phụ nữ Việt Nam bức trướng thêu 8 chữ vàng: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”. 

Hai chữ “Anh hùng” là thể hiện thái độ hăng hái tham gia kháng chiến chống giặc ngoại xâm và giành những điều tốt đẹp cho dân tộc ta. “Bất khuất” là chỉ sự kiên cường gan dạ không sợ kẻ thù mà vẫn xông ra chiến trường làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước. “ Trung hậu” là sự quyết trí chống lại những cái tiêu cực không chỉ cho gia đình, số phận mà còn cho cả vận mệnh của đất nước. “Đảm đang” là chỉ sự chăm chỉ, khéo léo trong việc chăm chồng, chăm con, chăm gia đình có một cuộc sống hạnh phúc hay đảm đang trong việc ứng xử đấu tranh cho đất nước có một cuộc sống hạnh phúc.

Những câu nói của Bác Hồ dành cho phụ nữ

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cán bộ cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở Việt Bắc, tháng 2/1949. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh) 

Người phụ nữ Việt Nam xưa và nay.

Văn hóa Việt Nam ta là lối sống cộng đồng, trọng tình, trọng nghĩa, trọng tĩnh, trọng nữ. Bởi vậy, ở nước ta, phụ nữ từ xa xưa đã có vị trí, vai trò vô cùng to lớn trong cuộc sống. 

Thời chiến tranh, chị em phụ nữ không quản khó khăn, hiểm nguy, người xung phong ra tiền tuyến, người nhiệt huyết ở hậu phương. Dù ở bất kể phương diện nào, phụ nữ Việt Nam luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những người phụ đã lưu danh cho tận ngày nay: “nữ vương” đầu tiên trong lịch sử là Trưng Trắc, Trưng Nhị, “bà chúa thơ Nôm” - Hồ Xuân Hương, chiến sĩ Nguyễn Thị Minh Khai, nữ anh hùng Võ Thị Sáu, nữ tướng Nguyễn Thị Định,..

Thời bình, phụ nữ Việt Nam càng khẳng định vị trí quan trọng của mình trong cuộc sống. Người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà. Vừa đóng góp cho xã hội những giá trị lớn lao, vừa tròn nghĩa vụ người mẹ, người vợ khi trở về mái ấm của riêng mình. Điển hình là bà Nguyễn Thị Kim Ngân đang giữ vị trí Chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Bình nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội bà Tòng Thị Phóng,...

Ngày nay, phụ nữ Việt Nam hội nhập cùng thế giới, tiếp thu những nét tính cách thời đại, đồng thời vẫn luôn giữ vững và phát huy nét đẹp truyền thống dân tộc. Không chỉ dừng lại ở 8 chữ vàng, phụ nữ Việt Nam ngày càng hiện đại, văn minh, giỏi giang. Họ thông minh và cá tính, khác hẳn với những mẫu phụ nữ điển hình thời trước. Phụ nữ ngày nay không dành hết thời gian để làm các công việc nội trợ mà chủ động và hoạt bát với công tác xã hội. Họ không chỉ giúp bản thân tốt hơn, giúp bảo vệ quyền của nữ giới mà còn giúp quảng bá hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với thế giới.

Hoa hậu H’hen Niê - cô gái dân tộc thiểu số dũng cảm, tự tin vượt ra khỏi định kiến để khẳng định giá trị của mình. Thành công của nhiều nữ doanh nhân Việt Nam: bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch hãng hàng không Vietjet Air, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG (từng được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 người phụ nữ quyền lực nhất châu Á), bà Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk… 

Những câu nói của Bác Hồ dành cho phụ nữ

Đại biểu phụ nữ các dân tộc tỉnh Hà Giang về thăm Hà Nội vui mừng được gặp Bác Hồ 25/11/1965.

TS Nguyễn Thị Ánh Hồng, người có nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy về văn hóa nhấn mạnh: “Ý nghĩa 8 chữ vàng mà Bác Hồ dành tặng cho phụ nữ Việt Nam vẫn đúng. Nhiều người vẫn nhầm tưởng rằng anh hùng chỉ có trong thời xưa, là đội quân tóc dài - đội quân mà làm rung chuyển cả dãy núi Trường Sơn. Anh hùng không chỉ sinh ra thì khói lửa chiến tranh mà còn hiện thân trong hình ảnh những người lao động sản xuất”. 

Nhiều quan điểm cho rằng ngành báo chí nguy hiểm, cần thể lực nên phù hợp với nam giới hơn nhưng điều này không hẳn đúng. Ngày nay, các nữ nhà báo, phóng viên không chỉ hoạt động tích cực mà còn thử thách bản thân trong cả mảng báo chí điều tra. Ở đây sức mạnh được thể hiện ở năng lực trí tuệ, nữ giới dám làm, cống hiến. Vượt lên mặc cảm bản thân, định kiến xã hội, mặc cảm về giới, thậm chí nhiều người hy sinh cả sở thích cá nhân, cả thiên chức làm mẹ để xông lên khẳng định mình, sáng tạo, cống hiến. 8 chữ vàng thể hiện phẩm chất của con người thì dù là ở thời kỳ nào thì nó cũng đúng và có giá trị”.  

Phụ nữ Việt Nam ngày nay và lời dạy của Bác

TS Hồng cho rằng: “Nhiều người nghĩ rằng phụ nữ ngày nay không còn “Trung hậu”, “Đảm đang” nữa, tôi thì không nghĩ thế. Để phụ nữ ngày nay xứng đáng với 8 chữ “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” thì có nhiều biện pháp. Biện pháp mà các nhà xã hội học có nói đó là phải đấu tranh cho bình đẳng giới. 

Những câu nói của Bác Hồ dành cho phụ nữ

Bình đẳng giới ở đây không chỉ nói bằng lời mà phải thể hiện bằng hành động. Người phụ nữ phải biết tự vươn lên, tự khẳng định mình, tự đấu tranh cho quyền hạnh phúc của mình, quyền được cống hiến, được thừa nhận. Rất nhiều phụ nữ cứ sợ, thậm chí là nhiều người phụ nữ bị bạo hành về cả thể xác lẫn tinh thần mà họ không dám đấu tranh. Vậy nên phụ nữ cần phải đấu tranh cho chính mình.

Thứ hai, người đàn ông phải nhìn nhận đúng người phụ nữ cả trong gia đình và cả trong xã hội. Rất nhiều người đàn ông thiển cận, nhìn người phụ nữ giống chỉ như cây chổi lau nhà, chỉ nội trợ trong gia đình mà quên mất họ là những người “gánh cả non sông vượt dặm dài” và trên vai của họ còn công việc của xã hội. Nên người đàn ông phải chia sẻ. 

Thứ ba, người phụ nữ phải tự nâng cao năng lực của mình và hoàn thiện phẩm chất của mình. Năng lực ở đây là họ phải sống với đam mê, nhiệt huyết và sẵn sàng hy sinh cho đam mê đó.

Cùng với đó, cộng đồng, xã hội, các thiết chế văn hóa xã hội phải tạo điều kiện cho phụ nữ thực thi trách nhiệm, quyền lợi, bổn phận và nghĩa vụ của mình với tư cách là một công dân nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Lê Lan Anh - CJC