Tại sao ăn uống không hợp lý sẽ dẫn đến phát sinh bệnh

Chế độ dinh dưỡng với bệnh không lây nhiễm

Theo thống kê, bệnh mạn tính không lây bao gồm béo phì, đái tháo đường, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, ung thư,…đang là nguyên nhân dẫn đến tử vong của 40 triệu người trên thế giới mỗi năm. Ở Việt Nam, các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng nhanh chóng, là nhóm bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất, chiếm 73% các trường hợp.

Hiện nay, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển kinh tế và toàn cầu hóa thị trường đã có những ảnh hưởng nhất định đến lối sống, chế độ ăn, tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của quần thể dân cư, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Mức sống cải thiện, thực phẩm sẵn có tràn ngập… đã làm gia tăng các hậu quả liên quan đến thay đổi lối sống và thói quen ăn uống không hợp lý, ít hoạt động thể lực và sử dụng thuốc lá thường xuyên dẫn đến sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm.

Càng ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học chứng mình rằng: Việc thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, dinh dưỡng lành mạnh có tác động mạnh mẽ tới sức khỏe của mỗi con người trong suốt cả cuộc đời, thậm chí liên quan đến cả thế hệ sau của họ (dinh dưỡng với chu kỳ vòng đời). Hành vi ăn uống thiếu khoa học không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe hiện tại mà còn có thể là nguyên nhân của các bệnh như ung thư, bệnh tim mạch và đái tháo đường.

Dinh dưỡng hợp lý - phòng bệnh không lây nhiễm

Theo ThS.BS Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng quốc gia, các bệnh không lây nhiễm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Thiếu và thừa các chất dinh dưỡng đều tác động tiêu cực tới sự phát triển những căn bệnh này. Vì vậy, việc thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý là rất cần thiết trong phòng bệnh không lây nhiễm.

Không có một thức ăn nào là toàn diện và có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết theo nhu cầu cơ thể. Mỗi loại thức ăn có chứa một số loại chất dinh dưỡng nhất định với tỷ lệ khác nhau. Cho nên, bữa ăn hàng ngày cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm. Các chất dinh dưỡng của các loại thực phẩm này sẽ bổ sung cho nhau và giá trị dinh dưỡng của bữa ăn sẽ tăng lên. Trong khẩu phần ăn hàng ngày nên có sự phối hợp giữa nguồn chất đạm động vật và thực vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản... đậu, đỗ...).

Ngoài ra, nên có cả dầu thực vật và mỡ động vật ở tỷ lệ cân đối trong khẩu phần ăn. Tăng cường ăn vừng lạc, đậu đỗ, rau xanh và hoa quả chín. Không nên ăn các thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn vì có nhiều muối/ngọt/mỡ, thức ăn có chỉ số đường huyết cao. Ăn đủ nhu cầu, cần phân chia hợp lý các bữa ăn trong ngày (tùy theo lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, mức độ lao động); Không nên ăn mặn, sử dụng muối i-ốt trong chế biến thức ăn; Tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi; Duy trì cân nặng ở mức “nên có”.

Hiện nay, chế độ dinh dưỡng hợp lý phòng chống bệnh không lây nhiễm được khuyến nghị là: chế độ ăn cần đủ các chất dinh dưỡng so với nhu cầu cơ thể, ăn đa dạng các loại thực phẩm, các chất dinh dưỡng ở tỷ lệ cân đối giữa nguồn gốc động vật và nguồn gốc thực vật.

Lương thực

Đầu tiên phải kể đến là nhóm ngũ cốc, là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể hoạt động. Hiện nay trên thị trường thường bán các loại gạo trông rất trắng và đẹp mắt do quá trình xay sát kỹ nên đã làm mất đi các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như các vitamin nhóm B nhất là vitamin B1, chất xơ… Gạo lứt là gạo không bị xay sát kỹ, vẫn còn lớp cám gạo bên ngoài hạt gạo, có chứa hàm lượng dinh dưỡng cao hơn và đã được chứng minh có tác dụng hỗ trợ trong việc kiểm soát đường huyết, để hỗ trợ dự phòng và điều trị bệnh đái tháo đường.

Ngoài ra, cũng nên ăn thay đổi các loại ngũ cốc khác nhau (như khoai lang, khoai tây, ngô …) để làm đa dạng bữa ăn và các chất dinh dưỡng, tăng cường lợi ích cho sức khỏe. Năng lượng từ ngũ cốc chỉ nên chiếm 55 - 67 % (tổng năng lượng khẩu phần, phần còn lại do các chất béo cung cấp chiếm 20 - 25% và 13-20% là từ chất đạm. Mỗi người trưởng thành có mức lao động thể lực trung bình nên ăn mỗi bữa 2 bát cơm.

Chất đạm

Cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu đạm động vật từ các loài gia súc, gia cầm, hải sản và đạm thực vật từ các loại đậu, đỗ… Nên ăn thức ăn giàu đạm với tỷ lệ cân đối giữa nguồn đạm động vật và thực vật, tăng cường ăn đậu phụ và cá.

Các loại thịt đỏ (như thịt lợn, thịt bò…) có nhiều sắt giúp phòng chống thiếu máu thiếu sắt, đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và phụ nữ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên, ăn nhiều thịt đỏ lại làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư, gout… do có chứa nhiều cholesterol, nhân purin... vì vậy, không nên ăn nhiều. Nên tăng cường ăn thịt gia cầm (như gà, vịt, ngan, chim…) và ăn ít nhất 3 bữa cá mỗi tuần.

Ăn thịt ở mức vừa phải (không quá 100g/ngày/người trưởng thành). Trung bình 1,5kg thịt/tháng. Các loại thịt đỏ không sử dụng quá 10% năng lượng, ưu tiên thịt gia cầm. Khuyến khích ăn cá, ít nhất ba bữa cá/tuần, trung bình 2,5kg cá/tháng.

Tăng sử dụng đậu tương và chế phẩm từ đậu tương như đậu phụ, sữa đậu nành... (nguồn chất đạm, chất béo quí giá, nhiều hoạt chất sinh học có vai trò chống oxy hóa, chống ung thư và điều hòa chuyển hóa cholesterol) và các hạt họ đậu khác. Nên ăn 2 - 3kg đậu phụ/tháng.

Chất béo

Cần đảm bảo một tỷ lệ cân đối giữa nguồn chất béo động vật (mỡ lợn, mỡ gà,...) và chất béo thực vật (dầu, đậu tương, vừng, lạc...). Nên giữ trong khẩu phần hàng ngày ít nhất là 40% chất béo thực vật. Chất béo động vật không nên vượt quá 60%. Nên ăn phối hợp cả mỡ động vật và dầu thực vật, không nên thay thế hoàn toàn mỡ động vật bằng các chất béo thực vật. Dầu, mỡ để rán chỉ dùng một lần rồi đổ bỏ; hạn chế ăn đồ nướng vì làm tăng nguy cơ gây ung thư.

Thực phẩm chế biến sẵn có nhiều chất béo cũng là nguồn cung cấp năng lượng đáng kể. Nếu tiêu thụ quá nhiều cũng dễ gây thừa cân béo phì, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Mỗi người trưởng thành mỗi ngày trung bình nên ăn khoảng 25 - 30g dầu, mỡ tương đương 5 - 6 thìa cà phê dầu, mỡ.

Rau và quả chín

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo: Nên ăn ít nhất 400 gram rau, quả mỗi ngày, có tác dụng phòng chống các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như tim mạch, ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng. Những người thừa cân, béo phì, rối loạn glucose máu, đái tháo đường nên lưu ý hạn chế các loại quả chín ngọt và nhiều năng lượng như chuối, xoài, mít, vải…

Muối, gia vị

Thói quen ăn mặn làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh như tăng huyết áp, ung thư dạ dày. Chỉ nên ăn < 5g muối/ngày/người (gần bằng một thìa cà phê).

Thực hiện lối sống lành mạnh

Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, tăng cường vận động mỗi ngày và duy trì cân nặng ở mức vừa phải là những yếu tố quan trọng để có sức khỏe tốt, phòng chống các bệnh không lây nhiễm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Thói quen ăn uống thiếu khoa học có thể khiến nhiều người mắc các bệnh như thiếu vi chất, suy nhược, thấp còi, loãng xương… hoặc các bệnh mạn tính tăng nặng.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng - Bác sĩ trưởng Nutrihome Lê Đại Hành, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome cho biết, nhiều người hiện nay chưa hiểu rõ bệnh lý dinh dưỡng là bệnh gì, hoặc nếu có thì cũng chưa quan tâm đúng mức để có những điều chỉnh và điều trị kịp thời nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Theo bác sĩ Tùng, có thể tạm chia bệnh lý dinh dưỡng ra thành 2 nhóm như sau. Nhóm liên quan trực tiếp đến dinh dưỡng bao gồm các bệnh lý như biếng ăn, suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân, thiếu vi chất, thừa cân béo phì, táo bón, bất dung nạp lactose... Nhóm liên quan gián tiếp đến dinh dưỡng bao gồm các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, ung thư, bệnh cơ xương khớp...

"Rất nhiều bệnh lý dinh dưỡng không chỉ tác động trực tiếp tới sức khỏe của một người, mà có thể ảnh hưởng đến cả các thế hệ sau đó. Với cả 2 nhóm bệnh nói trên, dinh dưỡng đều đóng vai trò rất quan trọng. Dinh dưỡng càng thiếu phù hợp thì bệnh tình sẽ càng tiến triển nặng hoặc gây khó khăn cho việc điều trị", bác sĩ Tùng cho biết.

Tại sao ăn uống không hợp lý sẽ dẫn đến phát sinh bệnh

Béo phì là một trong những bệnh lý dinh dưỡng phổ biến hiện nay ở cả trẻ em và người lớn. Ảnh: Shutterstock.

Theo đó, bác sĩ Tùng khuyến cáo dưới đây là các bệnh lý dinh dưỡng dễ có nguy cơ mắc phải ở cả trẻ em và người lớn.

Suy dinh dưỡng, nhẹ cân, thấp còi

Đây là tình trạng cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng chủ yếu là các chất sinh năng lượng bao gồm thiếu glucid, protid, lipid. Bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em. Tuy nhiên, các nguyên nhân hầu như xuất phát từ chế độ dinh dưỡng cho trẻ, thói quen ăn uống không hợp lý hay những vấn đề dinh dưỡng không tốt trong thai kỳ của người mẹ.

Thiếu vi chất dinh dưỡng

Tình trạng này xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Vi chất dinh dưỡng gồm 2 nhóm: nhóm các nguyên tố khoáng (kẽm, sắt, đồng, canxi, i-ốt...) và nhóm vitamin (A, B, C, D, E, K...) đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển thể trạng, sức khỏe, trí tuệ, nâng cao sức đề kháng, phòng chống bệnh tật. Thiếu vi chất dinh dưỡng được ví như "nạn đói tiềm ẩn" gây hậu quả nghiêm trọng, làm suy giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh cấp và mãn tính, trẻ còi cọc, chậm phát triển...

Biếng ăn

Biếng ăn là tình trạng người bệnh ăn ít hơn bình thường và không vui vẻ, "tự nguyện" ăn uống khiến mỗi bữa ăn trở thành một "cuộc chiến" căng thẳng. Bệnh lý này thường gặp ở trẻ em mọi lứa tuổi và cả người lớn, nếu không can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả thiếu vi chất, suy dinh dưỡng, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.

Thừa cân béo phì

Tình trạng này hiện đang là vấn nạn của toàn cầu. Bệnh có nhiều hậu quả nguy hiểm như chứng ngưng thở khi ngủ, các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư...

Táo bón

Người bị táo bón thường có số lần đi tiêu ít hơn 3 lần/tuần. Đồng thời, khi đi tiêu có thể gặp khó khăn, cảm giác đau rát, chảy máu hậu môn, phân cứng... Táo bón dễ gặp ở trẻ từ 2 - 6 tuổi và ít hơn ở người trưởng thành. Mặc dù táo bón không gây nguy hiểm đến tính mạng, nếu để bệnh kéo dài có thể gây hại cho hệ tiêu hóa, ảnh hưởng đến sức khỏe và làm chậm tăng trưởng ở trẻ em.

Suy dinh dưỡng trong thai kỳ và sau sinh

Đối với mẹ bầu và mẹ sau sinh, dinh dưỡng tốt giúp tăng sức đề kháng, "vượt cạn" thành công, sớm phục hồi sức khỏe sau sinh, tăng cường nguồn sữa cho con bú, giảm nguy cơ mắc một số tai biến sản khoa hoặc các bệnh lý dễ gặp trong thai kỳ. Ngược lại, nếu mẹ có chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn khiến thai chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng, tăng tỷ lệ sinh non.

Suy nhược, suy dinh dưỡng ở người lớn tuổi

Tình trạng này xảy ra do thiếu các chất sinh năng lượng và nhiều chất dinh dưỡng khác trong thời gian dài khiến cơ thể mệt mỏi, kém tập trung hoặc suy nhược. Hậu quả của suy dinh dưỡng, suy nhược là cơ thể nhạy cảm hơn với các bệnh nhiễm trùng do hệ miễn dịch suy yếu, rối loạn tiêu hóa kéo dài, trí nhớ sụt giảm...

Loãng xương: Là tình trạng xương trở nên giòn, mỏng và xốp dẫn đến xương không thể nâng đỡ cơ thể và rất dễ gãy, sụp lún vào nhau. Mặc dù loãng xương thường thấy ở người già (nhất là phụ nữ sau mãn kinh), tuy nhiên bệnh cũng có thể thấy ở người trẻ tuổi nếu bị rối loạn ăn uống, chế độ ăn uống thiếu canxi.

Các bệnh lý liên quan đến dinh dưỡng

Bệnh tim mạch (tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ): Là các tình trạng liên quan đến sức khỏe của tim mạch, gây tử vong hàng đầu. Một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch hoặc khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn là do chế độ ăn uống nhiều thực phẩm chế biến sẵn nhiều dầu mỡ, ăn nhiều chất béo no; sử dụng thuốc lá, bia rượu...

Đái tháo đường: Là bệnh mạn tính do rối loạn chuyển hóa chất bột đường, hậu quả của tình trạng tăng đường huyết kéo dài, tỷ lệ mắc bệnh này ngày càng tăng trong xã hội hiện đại. Chế độ ăn uống thiếu khoa học cũng là một trong các nguyên nhân khiến bệnh tăng nặng, khó kiểm soát.

Tại sao ăn uống không hợp lý sẽ dẫn đến phát sinh bệnh

Chế độ ăn thiếu cân bằng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các bệnh lý liên quan đến dinh dưỡng như béo phì, tiểu đường. Ảnh: Shutterstock

Ung thư: Là bệnh của các tế bào - vốn là những đơn vị cấu trúc cơ bản của cơ thể. Cơ thể liên tục sản sinh ra các tế bào mới để thay thế những tế bào đã chết hoặc hàn gắn tế bào bị tổn thương. Nếu vì một lý do nào đó các tế bào bình thường trở nên bất thường (đột biến) sẽ dẫn đến ung thư. Bất cứ ai cũng có thể mắc ung thư, song các đối tượng dễ có nguy cơ mắc bệnh là người có chế độ ăn không đảm bảo an toàn, hấp thu nhiều chất béo, thịt đỏ, ít ăn rau, ăn không đúng giờ, hay bỏ bữa, người thường xuyên thức khuya...

Các bệnh lý khác: Viêm khớp, bệnh gan, thận, hen suyễn, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính... có thể trở nặng hoặc khó điều trị hiệu quả nếu người bệnh có chế độ dinh dưỡng không phù hợp. Ngược lại, thực hiện dinh dưỡng tốt sẽ gia tăng khả năng phản ứng và kích hoạt cơ chế tự bảo vệ của cơ thể, điều hòa các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể góp phần giảm các bệnh mãn tính như dạ dày, bệnh về gan, suy thận...

Để có thể nhận biết tình trạng dinh dưỡng của cơ thể có vấn đề, bác sĩ Tùng đưa ra một số triệu chứng thường gặp như: luôn cảm thấy mệt mỏi, uể oải; tóc - móng khô, dễ gãy rụng; mắc các vấn đề về răng miệng; các bệnh ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón, kém hấp thu dinh dưỡng); dễ bị bầm tím, vết thương lâu lành; hệ miễn dịch suy giảm dễ mắc bệnh; dễ mắc các chứng rối loạn lo âu, trầm cảm... Ở trẻ em, các dấu hiệu còn là chậm tăng trưởng, nhẹ cân, thấp còi...

Dinh dưỡng đúng không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, cải thiện đáng kể tình trạng bệnh mà còn tăng cường sức khỏe, giúp cơ thể luôn dẻo dai, năng động.

Tại sao ăn uống không hợp lý sẽ dẫn đến phát sinh bệnh

Bác sĩ dinh dưỡng đang khám và tư vấn dinh dưỡng cho người dân tại Nutrihome. Ảnh: Nutrihome.

Trên thực tế, chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh được khuyến nghị cho tất cả mọi đối tượng, đặc biệt là trẻ em và những người có nguy cơ hoặc đang mắc phải bệnh mạn tính, bệnh lý dinh dưỡng là: nên phân chia bữa ăn hợp lý, ăn đủ nhu cầu, ăn đa dạng các loại thực phẩm, bữa ăn cần cân bằng 4 nhóm dưỡng chất chính: chất đạm, chất bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất.

Trong đó, đặc biệt tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất thông qua chế độ ăn nhiều rau xanh, củ quả, trái cây. Hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, ăn quá mặn hoặc thức ăn chứa nhiều muối...

"Đa số người dân chưa có sự quan tâm đúng mực đến dinh dưỡng và các bệnh lý dinh dưỡng. Mọi người, đặc biệt là các trường hợp đang hoặc có nguy cơ mắc bệnh cần đi khám để được xác định nguyên nhân, mức độ và có phương pháp điều trị phù hợp. Mỗi bệnh dinh dưỡng đều có đặc thù riêng, tình trạng sức khỏe của mỗi người cũng khác nhau, do đó không thể có công thức dinh dưỡng chung cho tất cả", bác sĩ Tùng cho biết.

Diên Vĩ