Trà leng ở đâu

Cách đây hơn 3 tháng, những đợt mưa lũ liên tiếp trong tháng 10/2020 đã khiến các tỉnh miền Trung bị tàn phá ghê gớm, mưa lũ đã làm 111 người chết và mất tích. Tại xã Trà Leng [huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam] ngày 28/10/2020, trong cơn bão số 9, một trận lũ ống đã xóa sổ một khu dân cư [làng Ông Đề] với 15 nóc nhà nằm hiền hòa bên triền núi. Trận lũ kinh hoàng này đã cướp đi sinh mạng 10 người và 13 người đến nay vẫn chưa thể tìm thấy.

Những hình ảnh tang thương đau xót sau đợt thiên tai là nỗi ám ảnh và xót xa đối với nhân dân cả nước nói chung và lực lượng phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn nói riêng. Đau thương mất mát quá lớn nhưng ít ai nghĩ rằng chỉ sau hơn 3 tháng, với tình cảm yêu thương đùm bọc của toàn xã hội, người dân xã Trà Leng đã gượng dậy vượt qua nỗi đau để xây dựng một cuộc sống mới ở làng tái định cư.

UBND huyện Nam Trà My tổ chức lễ bàn giao nhà cho các hộ dân bị thiệt hại trong lũ. Ảnh: VGP/Thế Phong

Ông Lê Thanh Hưng, Bí thư huyện Nam Trà My [tỉnh Quảng Nam] cho biết, ngay sau khi xảy ra các sự cố sạt lở đất, huyện đã tập trung nguồn lực con người và ngân sách để khắc phục hậu quả thiên tai, quyết không để bất cứ người dân nào lâm cảnh ‘màn trời, chiếu đất’, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống. Về nhà ở, huyện đã huy động nhiều nguồn lực để cùng với nhân dân làm nhà tạm trong khi chờ xây dựng lại nhà mới dành cho các hộ gia đình bị thiệt hại về nhà tại thôn 1, thôn 2 xã Trà Leng, thôn 1 xã Trà Vân.

Cùng với nguồn lực của Nhà nước và sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, huyện Nam Trà My đã tiến hành khảo sát và chọn địa điểm xây dựng khu tái định cư cho đồng bào với diện tích 6 ha, thuộc thôn 2, xã Trà Dơn, cách làng Ông Đề 5 km. Mỗi hộ được địa phương cấp 200 m² đất, diện tích xây dựng mỗi căn nhà khoảng 50 m² với kiểu nhà sàn bằng bê tông kiên cố. Sau 1,5 tháng gấp rút thi công, đến nay cơ bản hoàn thành, bàn giao để đồng bào được đón một cái Tết ấm cúng trong những ngôi nhà mới.

Ngày 6/2 vừa qua, 13 hộ dân ở làng Ông Đề được nhận nhà mới trong niềm vui xen lẫn nước mắt. Lần đầu tiên trong đời cầm cuốn sổ đỏ của nhà mình, ông Hồ Văn Đề, người không may mất đi 8 người thân trong trận lũ xảy ra hồi tháng 10/2020, xúc động nói: “Sau trận lũ, gia đình tôi mất mát quá lớn, quá sức chịu đựng. Nhưng được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự cưu mang đùm bọc của cán bộ, bộ đội và đồng bào nên vợ chồng tôi cảm thấy bớt đau buồn. Nay được nhận nhà mới, tôi rất phấn khởi. Cảm ơn chính sách của Đảng, Nhà nước lo cho đồng bào vùng thiên tai”.

Người dân Trà Leng vui mừng khi đón nhận nhà mới. Ảnh: VGP/Thế Phong

Những căn nhà mới san sát nhau được xây dựng theo kết cấu nhà sàn bê tông cốt thép, do người dân chọn mẫu đúng theo mô hình nhà truyền thống của đồng bào. Ngôi nhà chính có 2 phòng ngủ, một phòng khách, mái xà gồ sắt, lợp tôn, đặt trên 12 trụ bê tông cắm sâu vào lòng đất, đảm bảo chỗ ở bền vững lâu dài. Cùng với đó là nhà bếp, nhà vệ sinh, đảm bảo chỗ ở mới của bà con có điều kiện sinh hoạt tốt hơn rất nhiều lần so với nơi ở cũ.

Trong khuôn viên khu tái định cư cho đồng bào vùng sạt lở xã Trà Leng, Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng theo đúng mô hình nhà cộng đồng truyền thống của người dân địa phương, trị giá 3 tỷ đồng, do cán bộ, chiến sĩ Bộ tư lệnh Quân khu 5 tặng cũng đang được xây dựng để làm nơi sinh hoạt cộng đồng và làm nơi trú ẩn an toàn cho bà con trong mùa mưa, bão lớn.

Đến Trà Leng những ngày này có thể cảm nhận nhịp sống hồi sinh mạnh mẽ. Những tia nắng ấm đã xua tan đi cái lạnh giá, lấm lem và tang tóc nơi đây. Không khí xuân càng rộn ràng khi dọc hai bên đường vào làng tái định cư được cắm cờ Tổ quốc, trưng các cặp chậu hoa cúc vàng để chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc. Làng tái định cư sáng bừng không gian Tết.

Những ngôi nhà được thiết kế theo kiểu nhà sàn bằng bê tông kiên cố, là nơi an toàn cho người dân trước thiên tai. Ảnh: VGP/Thế Phong

Niềm vui có nhà mới ngay trước Tết Nguyên đán đã góp phần xoa dịu nỗi đau mất người thân, mất làng. Ông Nguyễn Thành Sơn, xã Trà Leng cho biết: “Vợ tôi mất tích trong trận lũ gây sạt lở núi hồi tháng 10, căn nhà cũng bị vùi lấp hoàn toàn. Hôm nay tôi rất cảm động khi được nhận nhà mới. Nếu không có sự giúp đỡ thì không biết đến lúc nào gia đình tôi mới dựng lại được nhà. Có nhà mới chúng tôi thấy yên tâm và cũng có nơi thờ cúng người đã khuất”.

Cùng với làng tái định cư trên, huyện Nam Trà My đang có kế hoạch xây dự thêm các khu tái định khác để giúp người dân khu vực sạt lở có nơi ở an toàn trước thiên tai, lũ lụt. Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: “Về lâu dài chúng tôi sẽ xây dựng khoảng 60 khu như vậy để sắp xếp chỗ ở an toàn cho 2.987 hộ dân. Để khôi phục sản xuất, hiện huyện đang khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển trồng trọt, ưu tiên trồng rừng trồng quế, măng cụt và các loại cây ăn quả khác để cải thiện sinh kế”.

Mới đây khi đến thăm, động viên nhân dân Trà Leng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định: “Ngày hôm nay, khi đoàn công tác đến Trà Leng thì tình hình đã ổn hơn. Cuộc sống của người dân được chính quyền địa phương chăm lo chu đáo, các cháu học sinh sớm được trở lại trường, cơ sở hạ tầng thiết yếu từng bước phục hồi, đặc biệt là nhà ở cấp thiết cho các hộ dân bị ảnh hưởng do thiên tai được quan tâm kịp thời”.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bà Trương Thị Mai đã biểu dương và ghi nhận sự nỗ lực tích cực, đầy trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền địa phương và các lực lượng vũ trang để giúp đồng bào vùng bị thiên tai sớm vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống. Đồng thời đề nghị tỉnh và cộng đồng xã hội tiếp tục giúp đỡ, chăm lo đời sống, hỗ trợ khôi phục sản xuất, hạ tầng thiết yếu, để mỗi người dân vùng thiên tai như Trà Leng đều có một niềm vui, có cuộc sống hạnh phúc và yên bình.

Sau biến cố thiên tai, tinh thần ‘tương thân tương ái’ lan tỏa, sự đoàn kết và chia sẻ của xã hội đã mở ra hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp trên vùng đất này. Nỗi đau mất đi người thân của người dân nơi đây dần nguôi ngoai, nụ cười đã trở lại với đồng bào Trà Leng.

Thế Phong


Ông Hồ Văn Đề [thôn 1] mong chờ thông tin về người thân của mình. Ảnh: VGP/Thế Phong

Tang thương thôn 1, Trà Leng

Con đường từ trung tâm huyện Bắc Trà My vào thôn 1, xã Trà Leng đèo dốc quanh co, đất đá, cây xanh ngã đổ ngổn ngang hai bên đường; những triền núi vẫn tiềm ẩn nguy cơ sạt xuống đường bất cứ lúc nào.

Trên đường vào hiện trường sạt lở thôn 1, thượng tá Hà Ra Diêu, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My cho biết ngay sau khi nhận thông tin về sạt lở, bộ đội và lực lượng địa phương ngày đêm tiến hành khoan cắt cây cối ngã đổ, khắc phục các điểm sạt lở, kịp thời thông tuyến để đưa các phương tiện, thiết bị vào Trà Leng tìm kiếm cứu nạn và đưa người bị thương đi cấp cứu.

Ngay sau khi đến điểm tập kết cuối cùng-nơi bộ đội dựng lán trại phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn- chúng tôi phải đi bộ thêm khoảng 1km mới đến hiện trường vụ sạt lở. Trước mắt là cảnh tượng tang thương và đổ nát khi  cả một khu dân cư nằm bên triền đồi, phía trước là khe suối bị vùi lấp hoàn toàn trong đống đất đá, cây gỗ, bùn non.

Trận lũ ống xảy ra chiều 28/10 đã sang phẳng cả một xóm với 15 hộ dân, 55 nhân khẩu, trong đó 33 người may mắn sống sót. Đến sáng 31/10, các lực lượng tìm thấy 8 thi thể, 14 người vẫn còn mất tích.

Người mẹ trẻ Hồ Thị Hòa  trong tuyệt vọng vẫn mong điều kỳ diệu đến với đứa con trai 4 tuổi của mình. Ảnh: VGP/Thế Phong

Hơn 2 ngày qua, người mẹ trẻ Hồ Thị Hòa [thôn 1] ngồi trên triền núi, ánh mắt thất thần nhìn về hướng các lực lượng đang đào bới đống đổ nát, mong điều kỳ diệu đến với đứa con trai 4 tuổi của mình. Cả nhà Hòa có 8 người [bố, mẹ, em gái, con trai 4 tuổi, vợ chồng ông cậu cùng đứa con nhỏ và dượng là Bí thư xã Trà Leng Lê Hoàng Việt] bị cuốn theo cơn lũ, đến nay mới chỉ tìm được thi thể của người cha, còn 7 người vẫn chưa tìm thấy...

Hòa nấc nghẹn nói: “Lúc sạt lở, em đang ở thành phố Tam Kỳ, em không biết là có chuyện xảy ra với gia đình mình. Trên đường về thăm nhà, em nghe nhiều người quen nói gia đình em mất hết rồi, không còn ai nhưng em không tin. Đường sạt lở nên em đi bộ mong về nhà sớm để xem thế nào. Khi về đến thôn lúc 11h ngày 29/10, em choáng váng không biết chuyện gì đang xảy ra với xóm làng mình, người thân của mình”.

“Từ một xóm văn hóa giờ thành bãi đất cát như ri đây. Chỉ toàn là cây cối, đất đá. Em cũng không biết mẹ, con em và người thân đang ở đâu. Con em mới 4 tuổi làm sao chạy cho kịp trước trận lũ. Em thức trắng đêm để chờ nhưng vẫn không thấy đâu. Nếu không có ở đây [khu vực bị vùi lấp] chắc cháu xuống suối rồi...”, Hòa nghẹn ngào nói.

Từ lúc xảy ra vụ sạt lở làm 8 người thân trong gia đình bị cuốn trôi, vùi lấp, ông Hồ Văn Đề đã khóc cạn nước mắt.

Đôi mắt sâu thâm quầng nhìn về phía các lực lượng đang tìm kiếm nạn nhân, ông Đề bần thần nói: "Bố đi thu hoạch lúa trên rẫy. Lúc về người dân báo tin cả nhà bố Đề bị sạt lở, trôi hết. Bố về đến đây thấy cả xóm bị lấp. Bố bị mất người thân, mất nhà. Buồn đau lắm. Khóc mấy ngày nay rồi".

Đường vào Trà Leng sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: VGP/Thế Phong

Mưa càng nặng hạt, tiếng cuốc xẻng đào bới, tiếng máy cưa cắt gỗ, tiếng gọi đã phát hiện được thi thể người bị nạn  của các lực lượng tìm kiếm cứu nạn, tiếng khóc nức nở của những con người đã mất đi người thân vang vọng núi rừng Trà Leng.

Một không khí tang tóc, buồn đau bao trùm cả thôn nghèo bên khe suối, dòng nước đục ngầu đang cuộn chảy.

Quyết tâm phải tìm thấy hết các nạn nhân

Để đẩy nhanh công tác cứu hộ, tìm kiếm các nạn, ngày 31/10, Bộ Quốc phòng đã tăng cường thêm lực lượng, phương tiện, huy động chó nghiệp vụ vào hiện trường trợ giúp. Đồng thời lực lượng cứu hộ đang tích cực hoàn thành việc thông tuyến, giúp đưa các phương tiện, thiết bị chuyên dụng tiếp cận hiện trường.

Các lực lượng tìm kiếm cứu nạn đào bới từng lớp đất để tìm người còn bị vùi lấp. Ảnh: VGP/Thế Phong

Một phóng viên bật khóc khi lực lượng cứu hộ tìm thấy thi thể một em bé trong bùn đất. - Ảnh: VGP/Thế Phong

Trực tiếp chỉ huy bộ đội tại hiện trường, Thượng tá Huỳnh Văn Chinh, Chính ủy Lữ đoàn Công binh 270 cho biết khu vực sạt lở, bùn, đất, cây rừng đổ lên rất dày nên việc tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn. Lực lượng công binh đã sử dụng máy cưa lốc để cắt cành cây, máy cắt sắt để cắt các mảng bê tông và thép, kết hợp với cuốc, xẻng xà beng để đào bới từng lớp đất đá.

Thượng tá Hồ Song Ân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam chỉ huy 80 cán bộ, chiến sĩ chia thành các tổ để phối hợp triển khai việc tìm kiếm. Do địa hình phức tạp, rộng lớn và địa chất đất chưa ổn định, trời lại có mưa, vì vậy, yêu cầu hàng đầu được quán triệt đến tất cả các lực lượng tham gia tìm kiếm là phải quyết tâm tìm kiếm cho bằng được các nạn nhân còn mất tích nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm an toàn cho lực lượng, phương tiện tìm kiếm.

Các lực lượng tìm kiếm cũng xác định quan điểm chỉ đạo là sẽ có thể tìm kiếm lâu dài, do đó phải tính toán, bố trí lực lượng thay đổi liên tục, kể cả trời mưa và ban đêm.

Tất cả đều quyết tâm phải tìm thấy hết những nạn nhân bị vùi lấp trong thời gian ngắn nhất. Ảnh: VGP/Thế Phong

Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó Tư lệnh Quân khu 5 cho biết đơn vị  cử 540 cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Tham mưu, Cục Hậu cần, Lữ đoàn Công binh 270, Sư đoàn 315, Lữ đoàn Thông tin 575, Trung đoàn 885 Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam mang theo xe thông tin cơ động, thiết bị vệ tinh Vsat, xe cứu thương, máy đào, máy xúc lật, máy phát điện nhỏ, máy khoan cắt bê tông, cưa máy, cuốc, xẻng, thuốc men, vật chất hậu cần thiết yếu… cùng với lực lượng địa phương tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích. Họ quyết tâm tìm thấy hết các nạn nhân bị mất tích trước đợt mưa lũ đầu tháng 11 này.

Thế Phong

Video liên quan

Chủ Đề