Vì sao nga bị cô lập

Libération cho rằng, do lo ngại làm kinh tế Nga suy yếu trong khi nền kinh tế này vốn đã có dấu hiệu hụt hơi, điện Kremlin muốn tỏ ra là một nhân tố muốn giải quyết khủng hoảng Ukraina trong hòa bình nên hôm qua, Tổng thống Putin đã lên án « Châu Âu không có khả năng giữ vị trí độc lập trong các vụ việc quốc tế.

Tờ báo cũng nhận định, Nga có thể đi xa hơn và có khả năng, Tổng thống Putin sẽ cấm các hãng hàng không phương Tây bay qua vùng Siberi, một hiệp định đã được ký kết từ những năm 1970, thời chiến tranh lạnh. Biện pháp này sẽ làm tăng thời gian bay và chi phí các chuyến bay có liên quan.

Công luận Nga dường như ủng hộ chủ nhân điện Kremlin can thiệp vào Ukraina. Theo một kết quả thăm dò mới nhất, đại đa số dân Nga ủng hộ ý tưởng hỗ trợ nhân đạo, ngoại giao và thậm chí kinh tế cho Ukraina. Trái lại, 60% dân Nga lại phản đối việc Nga can thiệp quân sự trực tiếp vào Ukraina.Trong tình huống này, Nga làm sao phải tìm ra một giải pháp đồng thuận để giữ thể diện.

Bên cạnh đó, nhật báo Le Monde có bài viết : « Vladimir Putin ngày càng cáu tiết trước trừng phạt của phương Tây ». Theo bài viết, sự cô lập của phương Tây bắt đầu tác động lên nền kinh tế Nga. Đồng rúp của Nga truợt giá so với đồng đô la. Giới đầu tư hoài nghi nên cũng lần lượt rút vốn khỏi nước này.

Nhật báo kinh tế Les Echos đăng bài : « Nguy cơ leo thang kinh tế giữa Nga và phương Tây ». Theo tờ báo, Mátxcơva đã tuyên bố tăng giá khí đốt bán cho Châu Âu. Đồng thời, các biện pháp trả đũa có thể lan sang cả lĩnh vực nhập khẩu đồ điện tử, quần áo của các nhãn hiệu phương Tây, cấm visa nhập cảnh một số doanh nhân phương Tây…

Bài báo nhận định, vẫn còn sớm để đánh giá được tác động của các biện pháp trã đũa của Nga nhưng trước sự trừng phạt của phương Tây, Nga đang rơi vào thế bị cô lập. Hôm qua, chủ tịch phòng thương mại Pháp-Nga khẳng định, các công ty Pháp tại Nga sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

NATO lo ngại Nga tấn công Ukraina

Liên quan đến tình hình tại Ukraina, báo Les Echos đặt câu hỏi: liệu Nga có trực tiếp can thiệp vào Donetsk để tránh cho thành phố vùng Donbass rơi vào tay chính phủ Kiev ? Donetsk đang nằm trong thế gọng kìm, bị quân đội Ukraina bao vây, trong khi đó, hôm qua, Nga triển khai 20.000 binh sĩ đồn trú tại biên giới Ukraina, trong khi vào tháng Bảy, Nga chỉ huy động có 12.000 binh lính.

Theo Les Echos, Nga lấy cớ “hoạt động nhân đạo và duy trì hòa bình” để tràn vào Ukraina. Amanda Paul, chuyên gia phân tích của Trung tâm chính trị Châu Âu tại Bruxelles phân tích: “Putin sẽ ngụy trang việc can thiệp quân sự dưới vỏ bọc của một hành động gìn giữ hòa bình nhưng qua các cuộc xung đột dưới thời Liên Xô cũ cho thấy, vào năm 1992, tại vùng tự trị Transnistria của Moldova, khi quân đội Nga xâm nhập được vào lãnh thổ Transnistria thì sẽ trụ lại mãi và gia tăng quân số”.

Thứ ba vừa qua, Mátxcơva yêu cầu triệu tập khẩn cấp Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc để bàn về việc Nga muốn gửi hoạt động nhân đạo vào Ukraina nhưng phương Tây đã bác bỏ ý định này. Đồng thời, phương Tây lập luận, khủng hoảng Ukraina sẽ được giải quyết một cách đơn giản nếu Nga ngưng viện trợ vũ khí cho phe ly khai thân Nga.

Theo Liên Hiệp Quốc, 280.000 người đã lánh nạn do các cuộc giao tranh. Lougansk, một thành phố khác miền Đông Ukraina hiện không có nước và điện. Les Echos cũng nhận định, trình độ của quân đội Ukraina cũng khá hơn trước nhiều. Họ có tổ chức hơn và hẳn là được Hoa Kỳ trợ giúp dưới dạng tư vấn, cung cấp ảnh vệ tinh và áo chắn đạn. Kiev cho biết, từ bên kia biên giới, Nga vẫn thường bắn đại bác vào các đơn vị Ukraina đang đồn trú.

Trung Quốc tấn công vào thị trường smartphone

Trên lĩnh vực kinh tế, báo Le Monde quan tâm đến các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc đang làm chao đảo Samsung và Apple, hai nhãn hiệu sang trọng của giới ưu chuộng high-tech. Le Monde có bài viết : « Trung Quốc tấn công vào thị trường smartphone ».

Theo Le Monde, Samsung, ông hoàng ngành sản suất smartphone, không còn là nhà cung cấp điện thoại thông minh hàng đầu tại Trung Quốc, thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Công ty Trung Quốc Xiaomi đã soán ngôi vị của Samsung bằng một kết quả vô cùng ấn tượng : 1 tỷ chiếc smartphone được bán ra trên thế giới vào năm 2013, tăng 38,4% trong vòng một năm.

Kết quả mới nhất của tập đoàn Hàn Quốc cũng gây nhiều thất vọng : doanh thu giảm 20%, lợi nhuận giảm 8,9%. Nguyên nhân, theo Samsung là do nhu cầu về điện thoại thông minh đang chựng lại.
Le Monde đặt câu hỏi, phải chăng, đây sẽ là hồi kết của Samsung và Apple ? Một chuyên gia phân tích, kết quả trên không nói lên tất cả. Hai ông khổng lồ trong ngành sản xuất smartphone đã có một thời kỳ hoàng kim, chiếm lĩnh thị trường và dường như xu hướng đó đang dần thay đổi.

Bên cạnh đó, Nokia chính là một ví dụ điển hình cho việc không theo kịp thời đại, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng nên tập đoàn Phần Lan chỉ chiếm được 2,8% thị trường. Nokia đã không kịp cho ra đời loại smartphone với màng hình cảm ứng để kịp cạnh tranh với các đối thủ khác.

Tuy nhiên, số phận của Samsung và Apple sẽ không như Nokia, bởi vì theo chuyên gia Francisco Jeromino thuộc văn phòng tư vấn và nghiên cứu IDC, vấn đề của hai tập đoàn hùng mạng trên là họ tập trung sản xuất hàng cao cấp trong khi nhu cầu của thị trường này không tăng nữa mà đa số là nhu cầu về mặt hàng giá rẻ.

Thực tế là những người có khả năng mua các món hàng cao cấp, họ đã trang bị đầy đủ rồi. Trái lại, những nước đang trỗi dậy hay tầng lớp trung lưu không muốn hoặc không thể chi ra những món tiền quá lớn để sắm một chiếc điện thoại quá đắt tiền. Đây mới chính người tiêu thụ đang mang lại doanh thu cho các công ty Trung Quốc. Từ nay đến cuối năm, ba trong số năm nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới là Trung Quốc.

Thông tín viên Le Monde từ Thượng Hải thuật lại, chỉ trong vòng 3 năm, Xiaomi đã giữ vị trí số một tại Trung Quốc. Xiaomi bán ra thị trường điện thoại tối tân chỉ với giá 1999 nhân dân tệ [240 euro]. Nhãn hiệu này, cùng với Lenovo và Hoa Vi đã biết chứng tỏ cho công chúng thấy hàng Trung Quốc cũng chất lượng không kém nhưng có giá thành rẻ.

Họ đã xóa đi hình ảnh hàng Trung Quốc chất lượng kém, một định kiến mà cả thế giới đều gắn cho Trung Quốc. Tập đoàn Xiaomi đã phá giá thị trường khi chỉ bán hàng qua mạng và dựa vào sự truyền miệng của người tiêu dùng hơn là bỏ ra cả khối tiền đầu tư vào các chiến dịch quảng cáo đắt đỏ.

CIA tra tấn người tình nghi khủng bố

Liên quan đến Hoa Kỳ, nhật báo Le Figaro bình luận về báo cáo mà Quốc hội Mỹ vừa công bố về những biện pháp hỏi cung mà Cơ quan tình báo Hoa Kỳ [CIA] đã sử dụng sau sự kiện khủng bố 11/09. Tiết lộ trên đang gây bối rối cho chính phủ Mỹ.

Theo Le Figaro, CIA đã bắt giữ hàng chục nghi can có liên quan với tổ chức khủng bố al-Qaida và đã sử dụng nhiều biện pháp mạnh để hỏi cung, trong đó có việc cấm ngủ, nhận nước, lột đồ nghi phạm và thả chó vào các phòng giam.

Thứ sáu vừa qua, Tổng thống Obama đã xác nhận là CIA có sử dụng những biện pháp tra tấn và đây là những điều trái với những giá trị của nước Mỹ. Ông mong muốn lật sang trang mới. Tuy nhiên, Tổng thống Hoa Kỳ cũng nhiệt liệt bảo vệ các nhân viên tình báo của ông.

Ông Obama kêu gọi nước Mỹ không nên quá suy xét vụ việc theo chiều hướng đạo đức và nhắc cho dân chúng nhớ lại bối cảnh mà CIA phải dùng đến biện pháp mạnh với nghi phạm. Ông nói : « cần phải nhớ rằng, sau vụ tấn công khủng bố làm sụp tòa tháp đôi, dân chúng đã hoảng sợ đến mức nào…Do đó, một áp lực cực mạnh đè lên vai lực lượng an ninh ».

Sự khoan dung của Tổng thống Obama đối với hành vi của CIA không được Quốc hội Mỹ tán đồng. Trong báo cáo sắp tới, Thượng viện Mỹ nhận xét các biện pháp « hỏi cung » mạnh của CIA được áp dụng sau 11/09 hoàn toàn không hiệu quả.

Kết quả này là một cái tát đối với cơ quan tình báo danh tiếng Hoa Kỳ. Trong quá khứ, đối thủ cạnh tranh của CIA là Cục điều tra liên bang FBI từng nhận mình không hề dùng các biện pháp hỏi cung bằng tra tấn.

Điều này từng làm CIA phẫn nộ và mới đây, Thượng viện nắm được báo cáo nội bộ của CIA cho biết các biện pháp tra tấn không mấy hiệu quả. Một vụ rò rỉ thông tin mà CIA không mấy hài lòng. CIA vẫn tiếp tục bảo vệ cho lập trường dùng các biện pháp tra tấn trên.

Xăm hình là một cách thể hiện bản ngã

Nhân dịp triễn lãm nghệ thuật xâm hình tại bảo tàng Quai Branly, hôm nay, mục văn hóa của nhật báo La Croix phỏng vấn nhà xã hội học David le Breton nhằm giúp độc giả hiểu hơn về lịch sử của môn nghệ thuật này.

Từ lâu, xăm hình bị cấm đoán vì lý do tôn giáo do làm thay đổi hiện trạng tự nhiên của cơ thể mà Thượng đế đã ban tặng. Trái với truyền thống của người Do Thái giáo và Hồi giáo, Giáo Hội Thiên Chúa giáo có vẻ khoan nhượng hơn cho việc xăm cơ thể.

Những người Thiên Chúa giáo đầu tiên xăm lên cơ thể các dấu hiệu hoặc một chữ thập để phân biệt với những người ngoại đạo hay trong các cuộc giao tranh tìm kiếm đồng minh.

Tại sao xâm hình lại mang hình ảnh tiêu cực trong xã hội con người ? Trong lịch sử, những dấu ấn bị xăm trên người dùng để lên án ai đó hay để gạt họ ra ngoài lề xã hội. Hy Lạp xâm lên người những tù nhân đào tẩu bị bắt lại hay những tội phạm. Tại Pháp, vào thế kỷ XIV, người ta xăm chữ « M » [Mendiant] lên trán những người ăn xin chuyên nghiệp bị tống ngục, chữ « V » [voleur] dành cho những kẻ ăn cắp.

Vì sao ngày nay, trào lưu xâm hình được nhiều người ưa thích ? Trong những thập niên 1980, các nhà xăm hình người Mỹ học từ Nhật Bản đã rất thành công khi xăm trên cơ thể nhiều tác phẩm nghệ thuật vô cùng đặc sắc. Thế là, xăm hình trở thành « body art » [nghệ thuật cơ thể].

Ngày này, các họa tiết xăm trên cơ thể vô cùng phong phú. Nhiều nhân vật nổi tiếng như cầu thủ, ca sĩ cũng chạy theo trào lưu này. Thanh niên cũng muốn giống họ nên cũng bắt chước xăm hình.

Trong một xã hội mà người ta quan trọng đến dáng vẻ, tướng mạo bên ngoài như hiện nay, thanh niên có khuynh hướng chọn một hình xăm mà không ai có để tạo nét riêng biệt cho mình và thông qua đó, thể hiện một cá tính và bản ngã riêng trong một thế giới luôn thay đổi. Cơ thể giống như một quyển sách để ghi chép, khắc họa lại những sự kiện quan trọng trong cuộc sống, nơi con người xăm những kỷ niệm của chuyến viễn du đầu tiên, mối tình đầu đời, tên con đầu lòng …
 

Video liên quan

Chủ Đề