Câu 4. để thành công trong học tập, anh/ chị tự nhận thấy cần xác định một thái độ như thế nào?

Câu 4. để thành công trong học tập, anh/ chị tự nhận thấy cần xác định một thái độ như thế nào?
 

   Bạn có từng thắc mắc tại sao trong quan hệ tuyển dụng các nhà tuyển dụng và các ứng cử viên đều có quyền, nghĩa vụ ngang nhau nhưng người ứng tuyển lại phải thật sự hạ mình khép nép trước nhà tuyển dụng, dùng từ xin việc,… trở thành bên yếu thế trong quan hệ tìm việc, phần lớn phụ thuộc vào ý chí của nhà tuyển dụng có muốn chọn mình không. Làm sao để nâng cao vị thế của mình trước nhà tuyển dụng? Làm sao để có việc làm đúng chuyên môn khi ra trường? Làm sao để không góp vào một trong những con số thất nghiệp ngoài kia?...Có thể bài viết này sẽ giúp ít rất nhiều cho bạn đó.

  Kiến thức chuyên môn nền tảng là cái cơ bản nhất  không thể thiếu. Đối với các nhà tuyển dụng khi ứng cử viên của mình có một thành tích học tập tốt, xuất sắc thì đương nhiên đã gây được ấn tượng với họ và là tiền đề quan trọng để bạn có được việc làm. Tuy nhiên điều quan trọng hơn họ cần ở bạn là thực lực thật sự, bạn phải giải quyết được vấn đề thực tế xảy ra chứ không phải một bản thành tích ảo để xem chơi. Thành tích và kiến thức bạn có phải đi đôi. Vậy phải làm thế nào để kiến thức thuộc sở hữu của bạn? Sau đây là một số gợi ý các bạn có thể tham khảo:

       - Chuẩn bị đầy đủ tài liệu, giáo trình phù hợp trong quá trình học và nhớ đọc nó.

       - Thường các buổi học về lý thuyết trên lớp sẽ dễ gây cảm giác nhàm chán, nhưng kinh nghiệm cho thấy các bạn nên tham gia đầy đủ vì có những vấn đề thắc mắc sẽ được giảng viên giải đáp và được bổ sung thêm kiến thức ngoài sách vở, giáo trình. Chỉ cần ghi chú lại sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho bạn khi cần.

       - Tất nhiên là chúng ta không thể nhớ hết tất cả kiến thức trong một buổi học nên cần phải xem đi, xem lại khi về nhà là điều rất cần thiết.

       - Đối với những điều không hiểu nên mạnh dạn chia sẻ với giảng viên, bạn bè để trao đổi, đảm bảo hiểu đúng vấn đề. Việc nhận ra cái sai của mình cũng là một cách hữu hiệu để nhớ kiến thức.

       - Sử dụng Sơ đồ tư duy là một trong những giải pháp hiệu quả để nắm kiến thức một cách rõ ràng, dễ hiểu.

       - Tích cực tìm hiểu thêm thông tin từ các nguồn sách báo, internet để cập nhật kịp thời kiến thức mới, quy định mới.

       - Luyện tập kĩ năng đọc sách nhanh bằng cách bao quát nội dung vấn đề từ bằng những cụm từ cần thiết.

       - Đọc nhiều tình huống trên các tạp chí chuyên ngành và tự tìm cách xử lý đồng thời tham khảo cách xử lý tình huống của người đi trước, có chuyên môn, rút ra kinh nghiệm cho bản thân.

       - Không những phải nắm chắc, nắm vững kiến thức pháp lý, sinh viên cần phải trau dồi khả năng tư duy logic, tư duy khoa học mới có thể giải quyết vấn đề một cách hợp lý nhất.

       - Đừng để đến phút cuối mới chuẩn bị cho kỳ thi

       - Tự tạo môi trường cạnh tranh: Đừng nghĩ mình vào trường chỉ để tốt nghiệp với một tấm bằng, chỉ cần không quá thua kém người khác là chấp nhận được. Nếu chỉ muốn hoà nhập vào đám đông đó, có thể đội ngũ thất nghiệp đang tìm kiếm việc làm sẽ rất vui lòng chào đón bạn sau khi ra trường. Thay vì vậy hãy đặt cho mình những mục tiêu cao và nỗ lực vì những mục tiêu đó để tạo ra lợi thế cạnh tranh của mình trong những cuộc đua phía trước nhé.

       Kỹ năng là những phương cách giúp bạn thực hiện được công việc một cách dễ dàng hơn. Có người nói rằng: Nếu có 6 giờ để đốn cây thì hãy giành 4 giờ để mài rìu, bạn sẽ chặt được cây trong 2 giờ còn lại một cách nhanh chóng và dễ dàng. Có kỹ năng tốt cuộc sống của bạn sẽ trở nên dễ dàng.

  • Vì thế, trong quá trình học các bạn phải rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp bằng cách

       - Tham gia vào các hoạt động thực tế tại khoa, trường.

       - Tham gia các buổi tư vấn pháp luật tại các công ty.

       - Tham dự các buổi sinh hoạt định kì của các câu lạc bộ chuyên môn.

       - Nên tìm các công việc liên quan đến chuyên môn ngành học để làm thêm, có thể là có lương hoặc không lương nhưng có thể tích lũy cho bạn nhiều kinh nghiệm quý báu.

  • Ngoài ra đây là một trong những ngành gắn liền với hoạt động giao tiếp, ứng xử. Bạn có thể rèn luyện thêm kĩ năng mềm cho mình bằng cách:

       - Tham gia các hoạt động xã hội của Khoa, Trường, các câu lạc bộ.

       - Rèn luyện kỹ năng giao tiếp: hỏi những điều muốn hỏi, mạnh dạn đưa ra ý kiến trong các vấn đề, lựa chọn từ ngữ, thái độ, cử chỉ đúng mực.

       - Thường xuyên tham gia các hoạt động nhóm để có kỹ năng làm việc nhóm như lập kế hoạch nhóm, phân chia đầu việc, phối hợp trong các hoạt động.

       - Rèn luyện kỹ năng đàm phán, ứng xử, kỹ năng giải quyết vấn đề qua các phiên tòa giả định, các buổi thực tập tư vấn luật pháp tại Khoa, Trường.

       - Trong quá trình học tập, sinh viên cần rèn luyện kỹ năng tra cứu thông tin trên các phương tiện sách báo, internet,… 

  • Nâng cao trình độ tiếng Anh chuyên ngành

       Khả năng sử dụng tiếng Anh chuyên ngành Luật đóng vai trò quan trọng. Nếu đã quyết định lựa chọn ngành Luật bạn nên xác định cho mình lộ trình học tiếng Anh bằng cách:

       - Tập thói quen đọc các tạp chí chuyên ngành Luật viết bằng tiếng Anh. Khi gặp từ vựng một cách lặp đi lặp lại trong các tình huống tự khắc ta sẽ ghi nhớ.

       - Tìm kiếm các website, từ điển chuyên ngành để đảm bảo học từ vựng một cách sát sao nhất.

       - Tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh để trao đổi, học hỏi đồng thời luyện kỹ năng nghe nói tiếng Anh.

       Vì sao nhà tuyển dụng lại quan tâm nhiều tới thái độ ứng xử?

       Thái độ làm việc là yếu tố quan trọng hơn cả. “Tiên học lễ, hậu học văn’’ Thái độ quan trọng hơn trình độ.Vì kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm việc bạn đều có thể trau dồi thêm trong quá trình làm việc của mình. 

       Con người có thể thay đổi cuộc đời mình bằng cách thay đổi thái độ của mình. Thành công hay thất bại là do thái độ trong suy nghĩ nhiều hơn là khả năng suy nghĩ.

       Hãy nhớ rằng thái độ của bạn sẽ quyết định cuộc đời của bạn!

  • Tóm lại: Ba yếu tố trên là vô cùng quan trọng đối với sinh viên nói chung và sinh viên luật nói riêng. Bạn chỉ thành công khi hội đủ ba yếu tố: kiến thức tốt, kỹ năng tốt, thái độ tích cực. Và sẽ trở nên khó khăn nếu bạn thiếu một trong các yếu tố trên. Ngay từ bây giờ bạn hãy bắt đầu trước khi quá muộn, đừng lãng phí tuổi trẻ của mình một cách vô nghĩa.

BAN TRUYỀN THÔNG ĐOÀN KHOA LUẬT

Xuất bản ngày 01/09/2020 - Tác giả: Huyền Chu

Các đề đọc hiểu Thái độ quyết định thành công đã ra giúp em ôn luyện và thử sức để đạt trọn 3 điểm phần đọc hiểu trong bài thi.

Tổng hợp 3 đề đọc hiểu Thái độ quyết định thành công là một trong đề đọc hiểu xoay quanh những câu chuyện về cuộc sống, về những quan niệm sống đầy ý nghĩa. Có thể nói, đề tài này được thầy cô yêu thích và đưa vào phần Đọc hiểu của các đề thi, đề kiểm tra.

Để giúp bạn hiểu rõ ràng và sâu sắc hơn về các dạng đề đọc hiểu liên quan, cùng Đọc Tài Liệu tham khảo một số câu hỏi sau:

Tổng hợp các đề đọc hiểu Thái độ quyết định thành công

Đề đọc hiểu Thái độ quyết định thành công số 1

Đọc đoạn trích sau:

Thái độ là yếu tố quyết định tất cả. Mỗi người đều có quyền nắm giữ và kiểm soát một thái độ sống cho riêng bản thân. Nó là yếu tố còn quan trọng hơn cả học thức, ngoại hình và tiền bạc. Chính thái độ sẽ quyết định bạn được mọi người yêu quý hay ghen ghét, xem thường. Nó là yếu tố kéo mọi người lại gần bạn hay đẩy họ ra xa bạn.

Bên cạnh đó, thái độ còn quan trọng hơn cả những kĩ năng cần thiết để đạt được thành công. John D. Rockefeller từng nói: “Tôi đánh giá cao người vừa có năng lực vừa có thái độ hợp tác tốt với mọi người hơn bất kỳ khả năng vượt trội nào khác mà họ sở hữu”. Giữ cho mình một thái độ đúng đắn cũng có nghĩa bạn đang phát huy một cách cao nhất tài sản quý báu của mình.

Điều quan trọng không phải là gia đình bạn đang lâm vào tình trạng khó khăn như thế nào, ông chủ của bạn đối xử với bạn ra sao hay bạn kiếm được bao nhiêu tiền. Cái quan trọng hơn nhiều chính là thái độ của bạn với gia đình, với những vấn đề của bản thân, với quyền lực và tiền bạc. Thái độ tạo nên mọi sự khác biệt trên thế giới này.

(Wayne Cordeiro, Thái độ quyết định thành công,

- NXB Tổng hợp TP. HCM, 2016, tr.15)

Thực hiện những yêu cầu:

Câu 1. Theo tác giả, điều gì còn quan trọng hơn cả học thức, ngoại hình và tiền bạc?

Câu 2. Trong ý kiến của mình, John D. Rockefeller đánh giá cao những người như thế nào?

Câu 3. Việc tác giả trích dẫn ý kiến của John D. Rockefeller có tác dụng gì?

Câu 4. Theo tác giả, thái độ đưa đến cho mỗi chúng ta điều gì? (0,5 điểm)

Câu 5. Theo anh/chị, tại sao: Thái độ tạo nên mọi sự khác biệt trên thế giới này?

Câu 6. Hãy đề xuất một thái độ mà anh/chị cho là đúng đắn nhất trong trường hợp anh/chị dễ dàng giành được thành công.

Câu 7. Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trả lời câu hỏi: Thế nào là thái độ hợp tác tốt với mọi người của mỗi cá nhân?

Đáp án đọc hiểu Thái độ quyết định thành công số 1

Câu 1. Theo tác giả, thái độ sống là điều còn quan trọng hơn cả học thức, ngoại hình và tiền bạc.

Câu 2. Trong ý kiến của mình, John D. Rockefeller đánh giá cao những người vừa có năng lực vừa có thái độ hợp tác tốt với mọi người.

Câu 3. 

Việc tác giả trích dẫn ý kiến của John D. Rockefeller có tác dụng:

- Tạo nên tính thuyết phục cho nhận định thái độ còn quan trọng hơn cả những kĩ năng cần thiết để đạt được thành công.

- Gửi gắm lời nhắn nhủ đến mỗi chúng ta là hãy giữ cho mình một thái độ đúng đắn.

Câu 4. 

Theo tác giả, thái độ đưa đến cho mỗi chúng ta:

- Chính thái độ sẽ quyết định bạn được mọi người yêu quý hay ghen ghét, xem thường.

- Nó là yếu tố kéo mọi người lại gần bạn hay đẩy họ ra xa bạn.

- Thái độ đúng đắn cũng có nghĩa bạn đang phát huy một cách cao nhất tài sản quý báu của mình.

- Thái độ tạo nên mọi sự khác biệt trên thế giới này.

Câu 5. Thái độ tạo nên mọi sự khác biệt trên thế giới vì chính thái độ khiến con người dễ dàng đạt được thành công vượt trội so với người khác hay thất bại, thái độ khiến con người trở nên lạc quan, tự tin hay bi quan, chán nản…

Câu 6. Có thể đề xuất những thái độ khác nhau, miễn sao là thái độ đúng đắn nhất trong trường hợp dễ dàng giành được thành công, chẳng hạn: không kiêu căng, tự mãn trước thành công luôn biết ơn những người giúp mình đạt được thành công…

Câu 7. 

a. Yêu cầu kỹ năng: Đảm bảo hình thức của đoạn văn theo cách quy nạp, diễn dịch hoặc tổng - phân - hợp...

b. Xác định vấn đề cần nghị luận: Thế nào là thái độ hợp tác tốt với mọi người của mỗi cá nhân.

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ được: Thế nào là thái độ hợp tác tốt với mọi người của mỗi cá nhân.

Học sinh có thể trình bày theo các ý sau:

- Thái độ hợp tác tốt với mọi người của mỗi cá nhân được hiểu là thái độ sống tích cực, cùng liên kết, giúp đỡ lẫn nhau để đạt hiệu quả cao trong công việc, trong học tập, vì lợi ích chung.

- Thái độ hợp tác tốt với mọi người của mỗi cá nhân được thể hiện:

+ Lắng nghe ý kiến của mọi người.

+ Chia sẻ những thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong công việc.

+ Đặt niềm tin vào người khác.

+ Sẵn sàng góp ý trên tinh thần trách nhiệm, thân ái và xây dựng.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề cần nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Đề đọc hiểu Thái độ quyết định thành công số 2

Đọc đoạn văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Thái độ làm việc mới dẫn tới thành công chứ không phải sự thông minh

Các nhà khoa học đã chứng minh : Thái độ làm việc mới là yếu tố tiên quyết dẫn tới thành công trong công việc chứ không phải là mức độ thông minh.

Nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà tâm lí học Carol Dweck tại Đại học Stanford, người đã dành nhiều năm nghiên cứu mối liên hệ giữa thái độ và hiệu quả công việc.

Trong nghiên cứu lần này, bà đã đưa ra kết luận rằng thái độ làm việc có thể được dùng để dự đoán sự thành công, chứ không phải là chỉ số IQ.

Thái độ của con người thuộc một trong hai trạng thái cốt lõi : nhận thức cố định (fixed mindset) và nhận thức phát triển (growth mind)

Đối với nhận thức cố định, bạn tin rằng bạn là ai và bạn không thể thay đổi. Do đó khi đối mặt với những thử thách mới, bạn sẽ cảm thấy rằng mọi thứ vượt quá tầm kiểm soát của bạn, từ đó dẫn tới cảm giác tuyệt vọng và bị choáng ngợp.

Những người có nhận thức phát triển lại tin rằng họ có thể cải thiện bằng sự nỗ lực. Họ làm việc hiệu quả hơn những người có nhận thức cố định ngay cả khi có chỉ số IQ thấp hơn. Họ chủ động nắm bắt thử thách, xem nó như một cơ hội để học được những thứ mới.

Người ta thường nghĩ rằng có khả năng, có sự thông minh sẽ truyền cảm hứng cho sự tự tin. Điều đó chỉ đúng đối với công việc diễn ra một cách suôn sẻ. Yếu tố quyết định trong cuộc sống là cách bạn xử lí những thất bại và thách thức. Những người có nhận thức phát triển sẽ dang rộng vòng tay để chào đón sự thất bại.

Theo giáo sư Dweck, sự thành công trong cuộc đời phụ thuộc vào cách bạn đối mặt với thất bại. Vậy người có nhận thức phát triển nghĩ gì về sự thất bại ?

Bà cho biết: Sự thất bại là một dữ liệu, chúng ta đặt tên nó là thất bại và hơn nữa, nó còn nói với chúng ta rằng : “Cách làm này không được. Và tôi là người giải quyết vấn đề, do đó tôi sẽ cố gắng làm một cái gì đó khác hơn.”

(Theo www.vietnamnet.vn, 18/9/2015)

Câu 1 : Xác định phương thức biểu đạt chủ yếu của đoạn văn bản trên

Câu 2 : Theo bài viết, đâu là yếu tố tiên quyết dẫn tới thành công ?

Câu 3 : Theo nhà tâm lí học Carol Dweck,  thái độ nhìn nhận cuộc sống của người có nhận thức cố định và người có nhận thức phát triển khác nhau ra sao ?

Câu 4 : Anh/chị có đồng tình với ý kiến của Carol Dweck khi bà cho rằng : “sự thành công trong cuộc đời phụ thuộc vào cách bạn đối mặt với thất bại” hay không ? Vì sao ?

Đáp án đọc hiểu Thái độ quyết định thành công số 2

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản là nghị luận

Câu 2. Theo bài viết, yếu tố tiên quyết dẫn đến thành công là thái độ làm việc chứ không phải là mức độ thông minh.

Câu 3. Theo Carol Dweck, sự khác nhau trong thái độ nhìn nhận cuộc sống của người có nhận thức cố định và người có nhận thức phát triển:

- Người có nhận thức cố định tin rằng mình không thể thay đổi, do đó khi đối mặt với những thử thách mới sẽ cảm thấy mọi thứ vượt quá tầm kiểm soát của bản thân, từ đó dẫn đến cảm giác tuyệt vọng và bị choáng ngợp.

- Người có nhận thức phát triển tin rằng họ có thể cải thiện bản thân bằng sự nỗ lực, do đó họ làm việc hiệu quả hơn, họ chủ động nắm bắt thử thách, xem đó như một cơ hội để học hỏi.

Câu 4. 

- HS trình bày ý kiến của bản thân về quan điểm của Carol Dweck “sự thành công trong cuộc đời phụ thuộc vào cách bạn đối mặt với thất bại” (Phải lí giải được lí do đồng ý hoặc không đồng ý bằng lập luận có sức thuyết phục)

Một số gợi ý cho quan điểm: ý kiến trên là đúng, vì:

- Thất bại là mẹ của thành công (Ai chiến thắng mà không hề chiến bại/ Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần). Trong cuộc sống, có rất ít trường hợp thành công mà không phải trải qua những thất bại.

- Khi đối mặt với thất bại, những người biết nỗ lực đứng dậy và đi tiếp, rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc từ thất bại thì mới có thể đi đến thành công.

- Tuy nhiên, để đến được thành công còn cần có nhiều yếu tố khác nữa (kiến thức, kĩ năng, sự năng động sáng tạo…)

HS có thể đưa ra quan điểm khác, nếu trình bày hợp lí và có sức thuyết phục thì vẫn được chấp nhận.

Đề đọc hiểu Thái độ quyết định thành công số 3

I. ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

Bất kỳ một quan điểm nào cũng có thể thay đổi, điều quan trọng là bạn có “muốn”thay đổi hay không mà thôi. Mọi thứ không bỗng dưng mà có, thái độ cũng vậy. Để có một thái độ sống đúng đắn, trước tiên ta cần hình thành nó, rồi dần dần phát triển lên, biến nó thành tài sản quý giá cho bản thân.

Một số người từ chối việc thay đổi, họ cho rằng “Tôi đã quen sống như này từ nhỏ, thay đổi chỉ làm cuộc sống thêm rắc rối mà thôi!” hoặc “Cha mẹ sinh mình ra thế nào thì cứ thế ấy, thay đổi làm gì cho mệt!”. Bạn cần biết rằng, không bao giờ là quá trễ cho một sự thay đổi.

Nhờ thay đổi, con người mới có những bước tiến vượt bậc. Không chấp nhận thay đổi, cuộc sống của bạn sẽ trở nên nghèo nàn, thậm chí bạn sẽ gặp những rắc rối lớn. Bạn gọi một cái cây không đâm chồi nảy lộc, không ra hoa kết trái là gì? Đó chẳng phải là “cây chết” hay sao?

Con người chúng ta cũng vậy. Cuộc sống sẽ luôn được vận hành tốt nếu ta không ngừng hoàn thiện bản thân.

Những ai không chịu thay đổi cho phù hợp với cuộc đời sẽ chẳng thể nào thích nghi được với hoàn cảnh. Có thể họ vẫn hiện hữu nhưng trong cuộc sống của họ sẽ bị tách biệt, không bắt nhịp được với đồng loại của mình.

(Wayne Cordeiro, Thái độ quyết định thành công, NXB Tổng hợp TP. HCM, 2016, tr.34)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Theo tác giả, tại sao một số người từ chối việc thay đổi?

Câu 3. Anh/Chị hiểu như thế nào về ý của câu Không chấp nhận thay đổi, cuộc sống của bạn sẽ trở nên nghèo nàn, thậm chí bạn sẽ gặp những rắc rối lớn?.

Câu 4. Thông điệp nào từ đoạn trích có ý nghĩa nhất với anh/chị? (trình bày khoảng 5 đến 7 dòng)

Câu 5. Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về những điều cần thay đổi ở thanh niên Việt Nam hiện nay trong việc trở thành công dân toàn cầu.

Đáp án đọc hiểu Thái độ quyết định thành công số 3

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Nghị luận.

Câu 2. Theo tác giả, một số người từ chối việc thay đổi vì họ cho rằng:

+ “Tôi đã quên sống như thế này từ nhỏ, thay đổi chỉ làm cho cuộc sống thêm rắc rối mà thôi”

+ “ Cha mẹ sinh mình ra thế nào thì cứ để thế ấy, thay đổi làm gì cho mệt!”.

Câu 3. Không chấp nhận thay đổi, cuộc sống của bạn sẽ trở nên nghèo nàn, thậm chí bạn sẽ gặp những rắc rối lớn nghĩa là:

- Tụt hậu so với người khác, thiếu hụt về kiến thức, kĩ năng do không chịu học hỏi và trau dồi.

- Những khó khăn, phiền phức mà con người gặp phải trong cuộc sống.

Câu 4. Học sinh nêu thông điệp có ý nghĩa nhất với bản thân nhưng cần lí giải hợp lí, thuyết phục, không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Câu 5.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn (200 chữ)

- Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích hoặc song hành.

- Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề; Phát triển đoạn triển khai được vấn đề; Kết thúc đoạn kết luận được vấn đề

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Những điều cần thay đổi ở thanh niên Việt Nam hiện nay trong việc trở thành công dân toàn cầu.

c. Triển khai vấn đề: Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ một số ý sau:

- Giải thích:

+ Sự thay đổi là những biến chuyển về suy nghĩ, nhận thức, hành động, tình cảm…trong mỗi cá nhân.

+ Công dân toàn cầu là những người có thể sống và làm việc ở một hay nhiều quốc gia khác nhau, trong môi trường đa ngôn ngữ, đa văn hóa.

- Bàn luận: Để trở thành công dân toàn cầu thanh niên Việt Nam:

+ Nỗ lực trong học tập, trau dồi kiến thức cho bản thân, trang bị khả năng sử dụng thông thạo một ngoại ngữ (tiếng Anh) để hội nhập.

+ Tích cực, chủ động tiếp cận công nghệ 4.0, rèn luyện tư duy phản biện, kĩ năng giao tiếp và khả năng thích ứng với một thế giới liên tục thay đổi…

+ Tăng cường trải nghiệm trong cuộc sống để hình thành kĩ năng sống.

+ Phấn đấu theo những chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực giá trị được UNESCO công nhận.

- Bài học nhận thức và hành động:

+ Công dân toàn cầu là ước mơ của tuổi trẻ Việt Nam.

+ Trở thành công dân toàn cầu là phù hợp với xu thế chung của thế giới.

+ Phấn đấu để thực hiện mong muốn đó bằng những hành động, việc làm thiết thực.

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp Tiếng Việt.

-/-

Trên đây là một số đề đọc hiểu Thái độ quyết định thành công đã được ra trong các đề thi, đề kiểm tra mà Đọc tài liệu đã sưu tầm được, mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn tập tại nhà! Đừng quên còn rất nhiều tài liệu văn 12 đang đợi các em khám phá nhé!