Câu nói: Tiên học lễ hậu học văn đề cập đến vai trò của đạo đức đối với

Your browser does not support the audio element.

Từ “Tiên học lễ, hậu học văn” đến “Dạy chữ, dạy người, dạy nghề”

17/12/2014 - Lượt xem: 1239

Ngày 12-12, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở GD&ĐT Tiền Giang tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Quan niệm về dạy chữ, dạy người, dạy nghề trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”. Hội thảo đã thu hút nhiều cán bộ quản lý giáo dục, thầy giáo, cô giáo tham gia đóng góp ý kiến. BBT Trang thông tin điện tử Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang trân trọng giới thiệu đến các nhà quản lý giáo dục, thầy giáo, cô giáo một số  tham luận tại hội thảo này.

1.  Đặt vấn đề: Mới xem qua, đầu đề có vẻ khập khiểng bởi vì vế đầu nói về học vế sau lại nói về dạy. Thật ra trong hoạt động giáo dục dạy và học luôn đi đôi. Khi nói về dạy thì trong dạy có ẩn chứa về học. Khi nói về việc học thì trong học có bao hàm cả việc dạy.  Bởi vì trong dạy và học có mối tương quan "dạy như thế nào, học như thế đấy" và "học cái gì dạy cái nấy"... "Tiên học lễ, hậu học văn" là một quan niệm giáo dục xưa có từ nhiều thế kỷ trước. Nó được áp dụng rộng rãi chẳng những trong nhà trường mà còn ở phạm vi giáo dục gia đình và xã hội. Quan niệm giáo dục này đã được hình thành và phát huy mạnh mẽ ảnh hưởng của nó trong thời kỳ phong kiến với nền giáo dục Nho học ở nước ta. "Tiên học lễ, hậu học văn" tiếp tục duy trì ảnh hưởng trong nền giáo dục "Tân học" – là nền giáo dục theo mô hình phương Tây và lấy chữ quốc ngữ làm chữ viết chính thống. Ảnh hưởng của quan niệm này suy yếu dần trong những thập niên gần cuối thế kỷ XX. Có một thời "Tiên học lễ, hậu học văn" là một phương châm giáo dục, một câu khẩu hiệu phổ biến được treo, vẽ ở hầu hết các phòng học, trường học. Nhưng cũng có một thời câu này đột nhiên vắng bóng, bị lãng quên trong các trường học. Trong vài mươi năm gần đây, câu chữ: "Tiên học lễ, hậu học văn" xuất hiện trở lại ở nhiều trường học. Có nơi được khắc chữ to, trên cao ngay chính diện nhà trường. Bên cạnh " Tiên học lễ, hậu học văn" rất cổ xưa còn có sự xuất hiện các khẩu hiệu mới như "Trường học thân thiện học sinh tích cực". "Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo" hoặc " Học để biết, học để làm người, học để làm việc, học để sống chung" , "Dạy chữ, dạy người, dạy nghề"…Như vậy thì các quan niệm này được hiểu và vận dụng vào trường học như thế nào?

2. Sơ lược một số cách hiểu và vận dụng quan niệm "Tiên học lễ, hậu học văn".

"Tiên học lễ, hậu học văn" chữ nho viết là: 先學禮後學文 [Tiên học lễ, hậu học văn – đọc từ trái qua phải] Khi bàn về xuất xứ của câu chữ này nhiều tác giả cho rằng "Tiên học lễ, hậu học văn" là do người Việt đúc kết trên nền tảng của Nho giáo rồi trở thành một quan niệm, một nguyên tắc giáo dục ở Việt Nam trong thời kỳ phong kiến. Trong khi đó, cùng thời người Trung Hoa thường sử dụng quan niệm "Tiên tác nhân, hậu tác sự" [先作人後作事 tiên tác nhân, hậu tác sự-Trước làm người, sau làm việc].

2.1.Về ngữ nghĩa:

Theo cách hiểu thông thường "Tiên học lễ, hậu học văn" là: Trước học lễ giáo, sau học chữ nghĩa. Theo nguyên nghĩa ban đầu: Tiên, hậu [trước, sau] ở đây chỉ thứ tự về mặt thời gian. Lễ là cái khuôn mẫu đã được định ra thành phép tắc từ quan, hôn, tang, tế, đi đứng, nói năng, ứng xử...đều có cái phép nhất định phải như thế để mọi người tuân theo, đó là lễ. Văn theo nghĩa rộng là cái đẹp, theo nghĩa hẹp là văn hóa, văn chương, văn học, nghệ thuật... Hiểu rộng hơn thì "Tiên học lễ, hậu học văn" là: Trước tiên phải học lễ nghĩa, đạo đức làm người, sau đó học văn tự, chữ nghĩa của thánh hiền hoặc hiểu gọn hơn: Học làm người trước, học tri thức sau. Trải qua hàng chục thế kỷ, quan niệm "Tiên học lễ, hậu học văn" trong cách hiểu, cách vận dụng vào trong nhà trường và xã hội cũng có nhiều biến thể. Như vậy, một cách khái quát ta có thể hiểu: Lễ thuộc phạm trù đạo đức, văn thuộc phạm trù tri thức, kỹ năng. Văn và lễ cũng gần tương đồng với tài và đức trong quan niệm ngày nay.

2.2. Vận dụng trong giáo dục:

Tuy ngữ nghĩa là như vậy trong thực tế khi đưa quan niệm "Tiên học lễ, hậu học văn" vào nhà trường thì không hề có chuyện học lễ xong xuôi rồi mới học văn xét về quá trình giáo dục. Xét về phương pháp giáo dục thì văn và lễ giống như hai chân của một người phải luôn song hành. Mỗi bước tiến lên của văn, của lễ cũng làm cho người dịch chuyển tiến lên. Nếu văn, lễ không bước tới thì con người cũng đứng yên không tiến bộ. Một người nếu chỉ có văn không có lễ hoặc có lễ không có văn thì giống như người một chân không thể đi đứng bình thường được. Xét về nội dung giáo dục thì việc vận dụng quan niệm "Tiên học lễ, hậu học văn" trong nhà trường phong kiến cũng chỉ ra rằng trong văn có lễ, trong lễ có văn "văn dĩ tải đạo" [文以載道-Văn dĩ tải đạo- Văn dùng để chuyển tải đạo lý]. Như vậy nếu xét trên phương diện quá trình giáo dục, phương pháp và nội dung giáo dục thì việc phân định tính trước sau của văn và lễ chỉ mang tính tương đối trong quan niệm "Tiên học lễ, hậu học văn".

2.3. Vận dụng trong cách dùng người:

Quan niệm "Tiên học lễ, hậu học văn" chẳng những được vận dụng vào trong giáo dục, xây dựng con người mà còn vận dụng trong cách dùng người. "Tài cao, đức trọng" là mẫu hình được nhấn mạnh. Các mẫu hình "Tài cao, đức kém" hay "Đức cao, tài kém" … được coi là những mẫu hình chưa toàn vẹn trong thuật dùng người. Người được trọng dụng đề cao trong xã hội phải là người có văn có lễ hài hòa, có tài có đức. Nhưng cái cốt lõi, giá trị của "Tiên học lễ, hậu học văn" chính là ở chỗ: Quan niệm này đề cao đạo đức, nhân cách của con người, đề cao việc học làm người bên cạnh việc học tri thức, kỹ năng. Đây có thể coi là tinh hoa của quan niệm "Tiên học lễ, hậu học văn" của người xưa, nói lên sức sống mạnh mẽ của một quan niệm giáo dục mặc dù đã trãi qua nhiều thế kỷ với những thăng trầm thử thách của lịch sử. Ngày nay "Tiên học lễ, hậu học văn" tuy đã lỗi thời, lạc hậu xét về mục tiêu, nội dung giáo dục ban đầu của nó nhưng về ý nghĩa và tinh hoa thì vẫn còn cao giá trị.

3. Về quan niệm dạy chữ, dạy người và dạy nghề:

3.1 Thiên hướng hiện nay:

Có thể nói rằng dạy chữ, dạy người là 2 yếu tố cơ bản của quá trình phát triển giáo dục trong thời kỳ phong kiến. Mặc dù việc dạy nghề có diễn ra trong xã hội, trong trường học nhưng nó không được quan tâm, không có vị thế trong giáo dục thời bấy giờ. Trong thời kỳ Pháp thuộc việc dạy nghề, học nghề trong các trường học, trường nghề tuy có được khuyếch trương, khuyến khích nhưng với một nền giáo dục ngu dân ít người được đi học thì cũng không tạo được ý nghĩa gì đáng kể. Năm 1949, trong cuốn Sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc [Nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh] Bác Hồ đã viết: "Học để làm việc, làm người...để phục vụ Tổ quốc và nhân loại". Một năm sau đó, năm 1950 trong Hội nghị bàn về công tác huấn luyện và học tập tổ chức tại Chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ lại nhấn mạnh điểm này và nêu lời dạy của các vĩ nhân nói về việc dạy, việc học của Lê - Nin, của Khổng Tử. Ý tưởng đó của Bác đã tạo tiền đề để các nhà giáo dục trong kháng chiến phải tổ chức việc dạy học như thế nào nhằm đáp ứng yêu cầu "Học để làm việc, làm người, học để phục vụ Tổ quốc, nhân loại". Câu trả lời hợp lý chỉ có thể là "Dạy chữ, dạy người, dạy nghề" mà thôi.  Trong những năm 1980 sau khi có Quyết định 126/CP ngày 19/3/1981 của Chính phủ đưa giáo dục hướng nghiệp vào trong nhà trường phổ thông thì phương châm "Dạy chữ, dạy người, dạy nghề" cũng xuất hiện nhiều trong các trường học và các văn bản của ngành giáo dục.

 Năm 1997 tổ chức UNESCO Liên Hiệp Quốc đưa ra thông điệp " Học tập-một kho báu tiềm ẩn" trong đó đề xuất đến 4 trụ cột giáo dục trong thế kỷ XXI là " Học để biết, học để làm việc, học để làm người và học để sống chung". Điều thú vị là nội dung của 4 trụ cột này tương đồng với quan niệm "Dạy chữ, dạy người, dạy nghề"  đã có ở Việt Nam.

Ngày nay, quan niệm "Dạy chữ, dạy người, dạy nghề" được vận dụng vào trong giáo dục từ phổ thông cho đến giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Ngay cả trong giáo dục Mầm non, các bé đến trường cũng được làm quen với chuyên đề lễ giáo "đi thưa về trình", học làm cô giáo, chú cảnh sát giao thông, cô y tá… trong các trò chơi có tính "hướng nghiệp". Tuy vậy trong thời gian qua, việc thực hiện "Dạy chữ, dạy người, dạy nghề" như thế nào ở nước ta cũng chưa được hiểu và thực hiện thông suốt nhất là trong giáo dục phổ thông, bậc học nền tảng của nước nhà. Trong thực tế, việc đặt nặng xem nhẹ một trong ba yếu tố nói trên thường xuyên diễn ra ở từng lúc, từng nơi. Trong đó việc thiên về dạy chữ, xem nhẹ dạy người, dạy nghề là xu hướng chính. Do vậy mục tiêu giáo dục toàn diện khó đạt được mà thường lệch về trí dục. Việc lệch hướng này diễn ra trên nhiều hoạt động giáo dục hiện nay như: Dạy học, quản lý, đầu tư cho giáo dục; thi, kiểm tra, đánh giá giáo dục...thậm chí cả những cuộc thi trên TV, online cũng nhằm khai thác trí dục và trí lực là chính.

3.2 Quan niệm như thế nào về dạy chữ, dạy người, dạy nghề?

Hiểu theo thông thường thì dạy chữ là trang bị kiến thức cho người học, dạy người là giúp hình thành đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho người học và dạy nghề là giáo dục hướng nghiệp, giúp người học chọn nghề phù hợp hoặc đào tạo nghề để người học trở thành người lao động tốt trong tương lai. Cả 3 yếu tố đó tuy có mục tiêu riêng nhằm giáo dục hình thành cho người học những phẩm chất: đạo đức, tri thức, nghề nghiệp. Nhưng cả ba yếu tố đều có một điểm chung là dạy học [dạy tri thức, dạy làm người, dạy nghề đều là dạy]. Do vậy, tôi nghĩ rằng trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục hiện nay, chúng ta có thể xuất phát từ quan niệm dạy học chung nhất để xây dựng quan niệm dạy chữ, dạy người, dạy nghề sao cho phù hợp với bối cảnh, điều kiện mới. Thật vậy, chúng ta tiến hành đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục trong xu thế toàn cầu hóa, trong nền kinh tế tri thức, xã hội thông tin và nước nhà đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, quan niệm về dạy học trước đây cũng cần có sự bổ sung đổi mới thích ứng với điều kiện mới, thay đổi mới.

Nếu như trước đây dạy học được coi là các thao tác có mục đích nhằm chuyển các hiểu biết, các giá trị mà cộng đồng, nhân loại đã đạt được vào bên trong người học...thì nay có lẽ nên bổ sung thêm:...giúp người học từng bước có được năng lực tư duy, năng lực hành động và có khả năng giải quyết được các vấn đề thực tế đặt ra trong toàn bộ cuộc sống của mình là điều hợp lý.

Trên tinh thần đó chúng ta có thể cụ thể hóa các nội dung cơ bản của quan niệm dạy chữ, dạy người, dạy nghề nên đổi mới như sau. [Trên cơ sở có sự kết hợp, bổ sung giữa các quan niệm truyền thống và các quan niệm mới]

+ Về dạy học:

- Dạy học là quan trọng nhưng dạy cách học còn quan trọng hơn. - Dạy học là giúp người học hình thành năng lực độc lập tư duy, năng lực hành động, khả năng sáng tạo, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống của mỗi người trên cơ sở  các tri thức, kỹ năng đã học được. - Dạy học đồng thời với việc hướng người học tiến tới hình thành năng lực tự học trong bối cảnh xã hội học tập và học tập suốt đời.

+ Về người dạy:

- Dạy đúng, đủ nội dung môn học, chương trình học [bao gồm lý thuyết, thực hành, thí nghiệm] - Dạy người học đạt các yêu cầu kiến thức, kỹ năng, thái độ của môn học, chương trình học. - Chú ý dạy từ những việc nhỏ trong nội dung môn học, chương trình học. - Chủ động chọn lựa những phương pháp phù hợp đặc điểm môn học, đối tượng học, trình độ người học với các phương pháp phù hợp, hiệu quả một cách linh hoạt, sáng tạo. - Đánh giá kết quả đạt được của người học người dạy cần  khuyến khích các ưu điểm, tiến bộ đạt được của người học trên cơ sở đảm bảo đánh giá khách quan, toàn diện. Tùy theo cấp học, trình độ học, việc đánh giá có kết hợp giữa tự đánh giá của người học, nhà trường, gia đình, tập thể [ cộng đồng].

 
+ Về người học: -   Học để biết là quan trọng nhưng học để biết cách học còn quan trọng hơn. -   Học để làm người là tinh hoa, cốt lõi của cái học trong mọi thời đại và của mọi người. -   Học để làm việc là hạnh phúc lớn nhất của đời người và là động lực cho học suốt đời. -   Học để sống chung là sự cần thiết cho cuộc sống của hai người, nhiều người và của cả nhân loại trong một thế giới đã trở nên nhỏ bé ngày nay.

Về dạy chữ, dạy người, dạy nghề

- Quá trình hình thành nhân cách của mỗi người gắn liền với quá trình dạy chữ, dạy người, dạy nghề. - Kết quả của quá trình dạy chữ, dạy người, dạy nghề ở mỗi con người biểu hiện qua kết quả học để biết, học để làm viêc, học để làm người, học để sống chung. - Dạy chữ, dạy người, dạy nghề mỗi yếu tố có tính độc lập riêng nhưng có mối quan hệ tương tác chặt chẽ với nhau. - Nếu quá thiên về dạy chữ [như hiện nay] xem nhẹ dạy người, dạy nghề thì kết quả dạy chữ cũng không đạt được toàn diện. - Máy móc có thể giúp con người trong dạy chữ, dạy nghề nhưng không thể giúp con người trong dạy người. Do vậy dạy người là khó nhất, đặc biệt nhất trong 3 yếu tố nói trên. - Việc hình thành hệ thống kiến thức, kỹ năng, thái độ cho người học qua dạy chữ, dạy nghề cần thiết phải thông qua thực tập, thực hành, thí nghiệm. Việc hình thành kiến thức, kỹ năng, thái độ, niềm tin trong dạy người phải thông qua trãi nghiệm. Vì vậy, hình thức, nội dung "Dạy chữ, dạy người, dạy nghề" phải được xây dựng thành chương trình, sách giáo khoa, sách hướng dẫn  phù hợp.

Dĩ nhiên là để những quan niệm đúng đắn về dạy chữ, dạy người, dạy nghề phát huy được tác dụng cũng cần phải tháo gỡ những rào cản, xóa bỏ điều kiện trói buộc như cải tiến thi cử, đánh giá giáo dục, xây dựng chương trình, nội dung sách giáo khoa, bồi dưỡng đào tạo đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục...

Tóm lại từ "Tiên học lễ - hậu học văn" đến "Dạy chữ, dạy người, dạy nghề" và ["Học để biết, học để làm việc, học để làm người, học để sống chung"] là một quá trình biến đổi, tiến hóa và hiện đại hóa một quan niệm căn bản về giáo dục ở nước ta. Trong suốt tiến trình đó, lịch sử đã chỉ ra rằng kiến thức, kỹ năng và tính chuyên nghiệp ngày càng quan trọng nhưng vấn đề cốt lõi, tinh hoa của giáo dục nước ta vẫn là dạy người, học làm người.

NGƯT-TS  Phạm Văn Khanh.
Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam.
Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý và Giáo dục Tiền Giang

 ----------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1.Giáo dục Thủ đô [2010], Giáo dục Thủ đô số 8.  Hà Nội – tháng 8/2010.
2.Hồ Ngọc Đại [1985], Bài học là gì? NXB Giáo dục 1985.
3. Nghị Quyết Hội Nghị TW 8 [Khóa XI]. Internet.
4.Phạm Văn Khanh [2012], Những lệch hướng trong dạy chữ, dạy người, dạy nghề dưới góc nhìn giáo dục phổ thông. Internet.

- + Đọc bài viết In bài viết Gửi bài viết

Tương phản

Video liên quan

Chủ Đề