Có cách nào không cần thi mà vẫn đậu không năm 2024

Bài viết này xuất hiện vào thời điểm này, lúc học sinh bắt đầu thi tốt nghiệp phổ thông, riêng kể từ năm nay, kỳ thi này cũng là tuyển sinh vào đại học, âu cũng là nhân duyên, tôi hoàn toàn không có ý chọn thời điểm này để đưa bài viết, chỉ ngẫu nhiên thôi, mà nội dung bài viết cũng không phù hợp cho học sinh đi thi, nhưng đề tài thì quả có liên quan tới chuyện học hành thi cử.

Sách Tam Tự Kinh của Nho giáo, nói:

幼不學 老何為 Ấu bất học lão hà vi? Nhỏ mà không học già biết làm gì?

玉不琢 不成器 Ngọc bất trác bất thành khí Ngọc không mài dũa không thành đồ vật (quí)

人不學 不知理 Nhân bất học bất tri lý Người không học không biết lẽ phải

Từ xa xưa, nền giáo dục của Khổng Mạnh đã dạy rằng phải học mới biết, không học thì tất nhiên là không biết, không biết đạo trời, không biết lẽ phải, không thể làm được gì. Nền giáo dục của nhân loại ngày nay cũng thế, cho rằng phải học mới biết, học trò phải học mới thi đỗ.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi nền giáo dục đều dạy như vậy. Nền giáo dục của Phật giáo có những phát hiện vô cùng sâu xa. Thích Ca Mâu Ni giác ngộ dưới cội bồ đề, bên dòng sông Ni Liên Thiền, hiểu rõ tất cả sự huyền vi của vũ trụ vạn vật, đã nêu lên những điểm khác với hiểu biết của thế gian. Những tri kiến thế gian do đâu mà có ? Ắt phải có người phát hiện, tìm ra, có thể do nghiên cứu tìm hiểu, cũng có thể do tình cờ phát hiện. Rồi những tri kiến đó được tích lũy, ghi chép trong sách vở và lưu truyền từ đời này sang đời khác, dạy dỗ cho những thế hệ sau. Nhưng Thích Ca còn biết rằng tất cả chúng sinh đều cùng một tâm, cùng một nguồn gốc mà ra cả. Tất cả mọi tri kiến, trong bản tâm (cái tâm gốc) đều có cả, PG gọi là chính biến tri (cái biết chân chính khắp không gian và thời gian), một số người quan tâm nghiên cứu hoặc hữu duyên, dần dần phát hiện những tri kiến đó. Như vậy nếu một cá nhân giác ngộ được bản tâm, tức phát hiện và hòa nhập với tâm nguyên thủy đó, thì trở thành chính biến tri, không có gì là không biết, kể cả quá khứ vị lai, khắp tam giới, nghĩa là khắp không gian và thời gian. Đức Phật, Bồ Tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Phật A Di Đà là những người như vậy, có năng lực vô biên, tri kiến vô cùng tận.

Một hôm đức Phật cầm trong tay một nắm lá “sinsapa” và nói với các vị đệ tử xuất gia: “Các con nghĩ sao? Lá trong tay ta nhiều hơn hay là lá trong rừng này nhiều hơn?” – “Bạch đức Thế Tôn, những ngọn lá Ngài cầm trong tay thì ít mà lá trong rừng thì quá nhiều” – “Cũng như thế đó, này các con, những cái ta biết thì rất nhiều, nhưng những cái ta đem ra dạy các con thì rất ít. Tại sao ta không đem tất cả ra để dạy các con? Bởi vì những cái ấy không có lợi gì cho các con cả. Chúng không giúp gì cho sự giải-thoát cho nên ta không đem ra dạy. Ta dạy những gì? Ta dạy về sự khổ, nguyên nhân cái khổ, sự diệt khổ và con đường đi đến diệt khổ. Những thứ ấy có ích lợi, vì chúng có thể đưa các con đến chỗ giải thoát” (Samyutta).

Có cách nào không cần thi mà vẫn đậu không năm 2024

Ashook tree Sinsapa có nghĩa là cây Ashook như hình trên

Tri kiến của Phật là chính biến tri vô cùng vô tận, bao trùm khắp không gian thời gian.

Như vậy một cá nhân có thể không cần học mà vẫn biết, không học mà vẫn có thể thi đậu nếu giác ngộ bản tâm. Ý tưởng này được thầy Duy Lực nêu ra trong lời giảng sau:

Vấn đề là trong thực tế đời nay, có ai đạt được như vậy không ? Xin thưa rằng có, thậm chí chưa giác ngộ vẫn có một phần năng lực như vậy. Năng lực này chưa phải là chính biến tri, còn xa lắm, chỉ mới một phần rất nhỏ, xưa gọi là tha tâm thông, nay gọi là đặc dị công năng.

Trương Bảo Thắng đến Bắc Kinh không lâu, nhà khoa học lão thành Tiền Học Sâm đã xem anh biểu diễn và tiếp kiến anh. Ông nhận định : công năng của Trương Bảo Thắng rất mạnh, đáng tiếc là trình độ học vấn của anh rất thấp, vì nghiên cứu khoa học và nhu cầu trong tương lai, Trương Bảo Thắng phải đi học đại học.

Lúc đó muốn vào đại học phải kinh qua thi tuyển, căn cứ vào đề nghị của Tiền Học Sâm, Trương Bảo Thắng phải chuẩn bị thi vào đại học. Anh chuẩn bị thi, bắt đầu khẩn trương học tập và đọc sách. Học tập và đọc sách là việc rất nhức đầu đối với Trương Bảo Thắng. Anh nói mỗi lần học là bị nhức đầu, từ lúc nhỏ đã như vậy. Nhưng mà đến nay là lúc thi thố, lại có đề nghị của Tiền Học Sâm, Trương Bảo Thắng chỉ còn cách ôm đầu ứng phó với việc thi cử.

Khảo thí tiến hành tại Lễ Đường Trung Nam Hải. Đối với Trương Bảo Thắng, các đề mục trong bài thi anh không thể làm được. Trong phòng thi yên lặng, không ai biết anh đang thi triển công năng của mình: Anh bắt đầu thấu thị bài thi của người khác. Đáp án của người khác từ từ hiện lên trong não của anh, anh có thể giống như học sinh chép bài giải của thầy giáo trên bảng đen. Sao chép bài thi của người khác, nếu đáp án đúng thì anh cũng đúng, nếu đáp án sai thì anh cũng sai theo. Nhưng anh khôn ngoan, biết chọn người nào làm bài một cách thông suốt tự tin nhất, người đó có biểu hiện rõ ràng để anh an tâm mô phỏng.

Sau khi kỳ thi đặc biệt này kết thúc, điểm trong bài thi của anh không phải thấp, bài làm của anh rất tốt. Nhưng thành tích của cuộc thi có tính đến anh không ? Đương nhiên là không. Trương Bảo Thắng sau khi thi xong, nhất nhất đều báo cáo với thầy giáo và lãnh đạo, rồi nói : “Tôi không thể đọc sách được, vì tôi nhức đầu” do anh thêm một lần phát biểu không tình nguyện học tập, cơ quan hữu quan bèn thôi, bỏ qua việc cho anh vào đại học.

Cái hiểu biết của nhà khoa học Tiền Học Sâm là tri kiến giới hạn của thế gian, tri kiến đó do học mà biết nên ông tưởng rằng cần phải học mới biết, không ngờ rằng cái biết đó là sở tri chướng, nó che lấp chính biến tri, chính vì vậy Trương Bảo Thắng không muốn học mà cũng không thể học cái tri kiến giới hạn đó vì anh vốn đã phần nào liên thông được với chính biến tri.

Từ lúc anh phát hiện mình có thể lợi dụng tri thức của người khác trong việc thi tuyển bằng công năng tư duy cảm tri, bèn thường xuyên lợi dụng tư tưởng của người khác bổ sung tri thức cho mình. Trong một khoảng thời gian, anh thường theo tài xế học lái xe, chỉ cần có tài xế ngồi một bên là anh biết lái xe, người khác cho rằng anh biết lái xe, kỳ thực anh chỉ học các thao tác bên ngoài của tài xế, còn chủ yếu là lợi dụng tín hiệu tư duy trong đại não của tài xế để chỉ đạo thao tác của mình. Lúc mới học lái xe, phát sinh sự kiện này : anh mượn một chiếc xe của người khác, tài xế đi theo xe, nhưng chỉ ngồi trên xe chứ không lái. Bảo Thắng mượn tín hiệu trong não của anh tài xế, tự lái xe từ ngoại ô phía tây đến nội thành. Anh xong công việc, nhưng anh tài xế có việc cũng đã đi rồi. Khi Trương Bảo Thắng lên xe, thấy không có tài xế, chỉ có hai vị khách không biết lái xe, trong một lúc anh hốt hoảng, đã không biết khởi động, lại không biết bẻ lái thế nào, giống như trong phút chốc anh hoàn toàn quên hết kỹ thuật lái xe. Sau đó anh cũng phải khó khăn mới tìm được một người tài xế ngồi trên xe, anh bắt đầu mô phỏng tín hiệu trong não người này và lái xe đi.

Một lần, các chuyên gia máy tính muốn lợi dụng khả năng thấu thị của anh để kiểm tra một bộ máy tính lớn mới nhập khẩu xem tình trạng kết cấu bên trong máy. Để cho anh hiểu máy tính, họ mời anh vào bên trong một phòng máy tính để làm quen với tình huống. Mọi người ngạc nhiên khi phát hiện anh dù chưa hề học qua máy tính, cũng không tiếp xúc với máy tính, nhưng anh tỏ ra không hề xa lạ chút nào.

Sau khi xem thao tác biểu diễn của nhân viên xong, anh ngồi vào máy để tự mình thao tác, nhưng không hề có sai sót. Mọi người mới hỏi anh làm sao học được cách sử dụng máy tính và học lúc nào, anh cười trả lời : “Tôi chưa học bao giờ, bởi vì có nhân viên máy tính ở bên cạnh, tôi chỉ lợi dụng tín hiệu não của anh ta mà biết thao tác” Mọi người bán tín bán nghi về lời anh nói.

Trong một lần chấp hành nhiệm vụ, anh đến vùng tây nam của đất nước, anh xem máy bay trực thăng một cách thích thú, anh muốn lái nó bay lên trời cho bằng được. Phi công và các đồng chí khác kiên quyết không để cho anh lái, cho rằng đó là việc rất nguy hiểm, anh chỉ nói chơi thôi. Anh cười nói “Đừng căng thẳng, chỉ cần có các anh (phi hành đoàn) ở bên cạnh là tôi biết lái máy bay”. Người khác căn bản là không tin lời anh, chỉ để cho anh mò mẫm thao tác một chút. Mọi người ngạc nhiên phát hiện, trình tự thao tác của anh giống như người “biết lái máy bay”. Sau đó anh nói ra cách tư duy bí mật của mình. Mặc dù mọi người đã tin khả năng của anh là thật nhưng cũng không dám để cho anh mạo hiểm.

Rõ ràng Trương Bảo Thắng không học mà biết, cái biết của anh chỉ là tha tâm thông, chỉ là một phần rất nhỏ của chính biến tri, nhưng cũng đủ để làm kinh ngạc chúng ta. Trên đời cũng có những hiện tượng thần đồng. Những em bé này không học mà biết, hiểu biết vượt xa người bình thường. Các em đã học trong tiền kiếp, nên kiếp này không học vẫn biết. Giác ngộ thành Phật thì không cần học gì cả mà biết tất cả, thậm chí làm được những việc mà người đời không thể tưởng tượng nổi và gọi đó là thần thông. Kinh điển Phật giáo liệt kê sáu loại thần thông (lục thông). Một số kỳ nhân hiện đại có một phần thần thông như vậy mà ngày nay gọi là đặc dị công năng. Trên blog này đã nói rất nhiều về những kỳ nhân đó nên không lặp lại ở đây.

Ngay cả người bình thường chúng ta cũng có thể vận dụng cái tri kiến không học mà biết. Ví dụ tôi từ xưa tới nay chưa hề học tiếng Bồ Đào Nha, không biết một chút gì về ngôn ngữ này, nhưng tôi có thể chat bằng tiếng Bồ Đào Nha, bởi vì tôi có thể sử dụng Google phiên dịch có sẵn trên mạng. Google phiên dịch có khả năng dịch chuyển đổi qua lại mấy chục ngôn ngữ khác nhau trên thế giới, những câu nói thông thường, nó đều có thể dịch chính xác. Do đó tôi chỉ cần vận dụng nó, viết bằng thứ ngôn ngữ mà tôi biết (tốt nhất bằng tiếng Anh), rồi dùng nó phiên dịch ra ngôn ngữ mà tôi muốn thể hiện. Ví dụ câu : Tôi hoàn toàn không có học tiếng Bồ Đào Nha, vì vậy tôi không thể nói và viết tiếng Bồ Đào Nha, nhưng tôi vẫn có thể gởi tin nhắn cho người khác bằng ngôn ngữ này. Nó chứng tỏ rằng nếu không học một ngôn ngữ, người ta vẫn có thể sử dụng nó.

Câu này được Google dịch ra tiếng Bồ Đào Nha như sau: Eu absolutamente não aprenderam Português, por isso não posso falar e escrever Português, mas eu ainda pode enviar mensagens para outras pessoas neste idioma. Isso prova que, sem estudar uma língua, as pessoas ainda podem usá-lo.

Thậm chí có thể phát âm thành tiếng Bồ Đào Nha.

Chính vì chính biến tri trong tâm đã có sẵn, thần thông cũng có sẵn, chỉ vì sự trở ngại của sở tri chướng, tức là những tập khí, thói quen tâm lý lâu đời làm chướng ngại nên con người không vận dụng được chính biến tri, không vận dụng được thần thông. Người tu Tổ Sư Thiền tham thoại đầu là buông bỏ kiến thức, dừng bặt suy nghĩ của bộ não, không cần chất chứa tri thức của thế gian, chỉ cầu kiến tánh. Kiến tánh tức phát hiện bản tâm nguyên thủy, chung cho tất cả chúng sinh trong tam giới, phá được ngã chấp và pháp chấp. Như thế cái ta cá nhân của mình không còn, mình tức là bản tâm, không còn năng (chủ thể) và sở (đối tượng). Bản tâm là chính biến tri tự biết, không còn tương đối, PG gọi là bất nhị.

Đã kiến tánh rồi thì biết rằng cái ta cầu kiến tánh là mê muội, là ảo tưởng của bộ não, bởi vì bản tâm lúc nào cũng tròn đầy, khắp không gian, khắp thời gian, không có lúc nào gián đoạn, giống như mặt trời lúc nào cũng chiếu sáng, mây đen che khuất chỉ là tập khí nhất thời của cái ta giả tạo, chỉ vì chúng sinh chấp ngã nên đâm ra mê muội. Thích Ca nói chúng sinh là Phật đã thành, quá khứ cũng là Phật, hiện tại cũng là Phật, tương lai cũng là Phật, không có lúc nào gián đoạn. Tất cả chúng sinh, tất cả Phật, Bồ Tát, chỉ là một (bất nhị). Chỉ cần trực há thừa đương (ngó xuống là thấy).

Khoa học hiện đại, vật lý lượng tử, cũng nhất trí với Phật giáo, bằng chứng là thuyết Big Bang. Vũ trụ vốn là một trường thống nhất (unifield field) vô hình, phi vật chất, chỉ có thông tin (chính biến tri) dưới dạng sóng, ngoài ra không có gì cả. Bỗng xuất hiện một siêu vi hạt. Siêu vi hạt vốn không có thật, chỉ là ảo, là mô tả của con người cho hợp lý hóa sau khi con người đã xuất hiện và tích lũy được một số tri kiến nhất định. Trong nhất niệm vô minh của con người mới tưởng tượng có siêu vi hạt, nó bùng nổ thành vũ trụ hiện nay, tạo ra không gian, thời gian và số lượng. Đây là ba đại lượng cơ bản nhất của vũ trụ và nhân sinh. Thật ra thì cả vũ trụ vạn vật đều là ảo, là tưởng tượng của con người. Nhưng đối với lục căn của con người thì tất cả đều là thật. Từ tàn dư của vụ nổ làm nền cho không gian có nhiệt độ 2,7 độ K, cho tới các hạt cơ bản hạ nguyên tử gồm 17 hạt trong mô hình chuẩn của vật lý hạt hiện đại, cho tới 118 nguyên tố vật chất trong bảng phân loại tuần hoàn hiện đại, cho tới vạn vật, thiên hà, tinh tú, thái dương hệ, hành tinh, sơn hà đại địa, biển đảo, nhà cửa, xe cộ, vật dụng, lương thực thực phẩm…tất cả đều là thật như mọi người hiện nay đang thấy.

Nhưng vì bản chất của vũ trụ vạn vật chỉ là ảo, không phải thật, nên Phật giáo mới nói tánh Không, cả tâm và vật đều không có thực thể, chỉ là thông tin thôi. Thông tin đó Phật giáo gọi là Phật (Giác ngộ) hay còn gọi là Chính biến tri. Thiên Chúa giáo gọi là Thượng Đế, Nho giáo gọi là Trời, Lão giáo gọi là Đạo. Tất cả chỉ là khái niệm, là danh từ, không có thực thể. Tuy không có thực thể nhưng trong tâm niệm của con người thì tất cả đều có thật, đó là sự đánh lừa của nhất niệm vô minh. Nếu cố chấp nhất niệm vô minh là thật thì sẽ mê muội với khổ sướng. Dừng được cái nhất niệm vô minh liên tục mãi mãi này là giác ngộ, là thành Phật. Nói thành Phật chỉ là một cách diễn tả không hoàn toàn đúng, bởi vì chúng sinh xưa nay vẫn là Phật không hề gián đoạn, tâm nguyên thủy giống như đại dương lúc nào cũng là đại dương, mỗi chúng sinh như cái bọt biển, xuất hiện rồi biến mất, bọt biển là sinh tử luân hồi, còn đại dương là tâm giác ngộ.