Đánh giá thị trường vật liệu xây dựng năm 2024

Bức tranh về thị trường vật liệu xây dựng được nhìn nhận rõ nét hơn trong báo cáo do Vietnam Report công bố ngày 24-3, nhân dịp tổ chức này công bố danh sách Top 10 công ty vật liệu xây dựng năm 2023.

Điểm nổi bật của thị trường vật liệu xây dựng trong năm 2022 là làn sóng tăng giá, trong đó có những mặt hàng ghi nhận mức tăng vượt đỉnh.

Biến động mạnh nhất của thị trường vật liệu xây dựng là mặt hàng thép xây dựng, có thời điểm giá thép lên đến gần 21 triệu đồng/tấn, vượt xa đỉnh cũ của năm 2021.

Năm 2022, giá mặt hàng này trải qua gần 30 lần điều chỉnh, trong đó có 7 lần tăng giá liên tiếp vào đầu năm, sau đó giảm liên tiếp 15 lần từ tháng 4 đến tháng 8 xuống xung quanh 14 triệu đồng/tấn. Tính chung năm 2022, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho xây dựng tăng 6,96%.

Còn tính từ đầu năm tới nay, giá thép có tới 5 lần tăng liên tiếp, tương tự giá các mặt hàng xăng dầu, xi măng, cát… cũng không ngừng tăng lên.

Giá tăng trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ nội địa mặt hàng này sụt giảm nghiêm trọng. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, tổng tiêu thụ sản phẩm thép năm 2022 toàn ngành đạt 27,3 triệu tấn, giảm 7,2% so với năm 2021, tổng xuất khẩu là 6,28 triệu tấn, giảm gần 20%.

Với gạch ốp lát, các nhà máy cũng phải giảm sản lượng từ 30 - 50%.

Tuy nhiên, giá các mặt hàng vật liệu xây dựng leo thang không phải do cầu thị trường tăng mà do tác động của giá nguyên liệu đầu vào từ quốc tế như xăng, dầu, than, giá cước vận tải... tăng cao và khan hiếm dẫn đến chi phí khai thác và sản xuất đều tăng, đặt gánh nặng lớn cho các doanh nghiệp.

Dự kiến giá báo vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục tăng khoảng 3,2% trong năm 2023, do tăng theo giá nguyên vật liệu đầu vào.

Khảo sát của Vietnam Report chỉ ra rằng mức độ ảnh hưởng của sự biến động giá nguyên liệu và phụ gia đến chiến lược phát triển và nâng cao uy tín của doanh nghiệp vật liệu xây dựng trong năm 2023. Bên cạnh đó, sự bất cân xứng cung cầu do tình trạng dư thừa nguồn cung sẽ gây nên sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các doanh nghiệp.

Dự báo về triển vọng kinh doanh, đa số các doanh nghiệp đều giữ thái độ thận trọng. Theo khảo sát, 60% số doanh nghiệp ghi nhận tổng chi phí tăng lên so với năm trước, cao hơn so với tỉ lệ tăng lên của chi phí giai đoạn 2020 - 2021 (50%), tương đương tăng 10%.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu không tích cực kéo theo sức cầu của vật liệu xây dựng toàn cầu yếu. So với cùng kỳ năm trước, sản lượng xuất khẩu các sản phẩm từ sắt thép hai tháng đầu năm 2023 đạt 92,2%, trong khi clinker và xi măng chỉ đạt 69,6%.

Các chuyên gia nhận định ngành bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục trong nửa đầu năm nay, kéo theo sự hồi phục chậm của các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng.

Theo thông lệ, thời điểm cuối năm, hoạt động sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) sẽ sôi động hơn, do các công trình xây dựng phải gấp rút hoàn thành tiến độ, nhiều dự án trọng điểm quốc gia đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công… Tuy nhiên, trong quý cuối năm 2023, thị trường tiêu thụ VLXD lại trở nên kém sôi động so với những năm trước.

Khảo sát một số tuyến phố kinh doanh VLXD trên địa bàn Hà Nội cho thấy, nguồn cung VLXD khá dồi dào, giá cả cũng ổn định, thậm chí nhiều loại VLXD giá còn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022, nhưng sức mua lại giảm sút.

Nhiều chủ cửa hàng cho biết, dù đã đưa ra các chương trình khuyến mãi đặc biệt cùng phương thức bán hàng linh hoạt như: Sẵn sàng cho khách hàng trả chậm, vận chuyển vật liệu đến tận chân công trình, đồng thời sẽ chiết khấu cao cho đơn hàng lớn. Song, tình hình tiêu thụ VLXD vẫn diễn ra khá chậm.

Ông Đồng, một chủ phân phối VLXD tại La Khê - Hà Đông cho hay, tình hình tiêu thụ VLXD trong quý IV này thực sự rất khó khăn. So với cùng kỳ những năm trước, kể cả thời điểm dịch bệnh Covid-19, cũng không bán chậm như hiện nay. Ông lý giải, do điều kiện kinh tế năm nay khó khăn, các công trình dân dụng khởi công ít, nên hầu hết các mặt hàng VLXD như: Cát, đá, xi măng, sắt, thép,… đều tiêu thụ rất kém, chỉ bằng 50 - 60% so với cùng kỳ năm trước.

Đánh giá thị trường vật liệu xây dựng năm 2024
Bãi tập kết VLXD của ông Đồng vắng vẻ trong mùa xây dựng.

Bãi tập kết VLXD của ông Đồng cùng thời điểm này những năm trước, xe tải vận chuyển VLXD ra vào tấp nập, nhưng giờ đây các chuyến xe cũng trở nên thưa thớt hơn bởi đơn hàng lớn rất ít.

Đánh giá thị trường vật liệu xây dựng năm 2024
Cửa hàng của anh Hào vắng bóng khách hàng.

Anh Hào, chủ đại lý kinh doanh sắt thép và khung nhôm kính trên đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông) chia sẻ, năm nay hàng tồn kho quá nhiều, sức tiêu thụ giảm quá một nửa năm trước. Bản thân anh cảm thấy lo lắng, vì tình trạng này đã kéo dài nhiều tháng nay, hàng hóa tiêu thụ chậm, trong khi vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, nhân viên hàng tháng.

Chủ cửa hàng thiết bị vệ sinh trên đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông) cũng cho biết, kinh doanh mặt hàng này trên 10 năm nay, nhưng chưa năm nào tình hình buôn bán lại ế ẩm như vậy, có khi ngồi cả ngày không có được đơn hàng nào…

Đánh giá thị trường vật liệu xây dựng năm 2024
Các vật liệu hoàn thiện và thiết bị vệ sinh ế ẩm.

Đó là tình cảnh của hầu hết các đại lý, cửa hàng kinh doanh VLXD nhỏ lẻ. Với các doanh nghiệp lớn, khó khăn cũng bủa vây. Anh Vũ Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư xây dựng VINA STAR, đồng thời là nhà cung cấp VLXD lớn tại KCN Việt Trì - Phú Thọ chia sẻ, tình hình tiêu thụ VLXD cuối năm nay thực sự rất khó khăn, các đơn hàng giảm sút, các chuỗi cung ứng cũng ảm đạm, sức tiêu thụ diễn ra khá chậm.

Tuy nhiên, anh Thanh vẫn kỳ vọng, có thể tháng cuối năm thị trường VLXD nói chung sẽ tốt hơn những tháng vừa qua. Bởi cuối năm các công trình xây dựng trọng điểm và công trình dân dụng đều bị ép tiến độ hoàn thành. Đồng thời, dịp cuối năm các nhà máy sản xuất VLXD có chính sách "khuyến mại" hấp dẫn nhằm đẩy nhanh lượng hàng tồn kho. Từ đó, giá thành cũng tốt hơn, kích thích các giao dịch mua bán.

Anh Quốc Trường, đại diện một doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm gạch granite tại Thanh Ba, Phú Thọ cho biết, hiện tại nhà máy bên anh cũng như nhiều nhà máy sản xuất gạch ốp lát mà anh biết đang phải sản xuất cầm chừng, duy trì khoảng 70 -80% công suất, vì sức tiêu thụ sản phẩm rất chậm. Các doanh nghiệp sản xuất VLXD đang gặp khó khăn, buộc phải giảm sản lượng để không bị tồn kho quá lớn.

Đánh giá thị trường vật liệu xây dựng năm 2024
Cảnh tượng đìu hiu của một cửa hàng bán gạch ốp lát tại Hà Nội.

Theo Anh Trường, do ảnh hưởng của sự suy giảm kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19, chiến tranh Nga và Ukraina kéo dài, tình hình thị trường BĐS trong nước vẫn ảm đạm, xây dựng dân dụng giảm tới 60%... do đó, những đơn hàng của nhà máy cũng xuất đi ít hơn.

Theo đại diện đơn vị chuyên thiết kế và thi công nội thất, bà Vũ Hoàng Yến - Giám đốc Công ty TNHH nội thất và kiến trúc LAS Home, tầm nay năm trước công ty nhận rất nhiều công trình cả ở Hà Nội và các tỉnh. Tuy nhiên, năm nay các công trình xây dựng dân dụng ít nên doanh số của công ty giảm sút khá nhiều.

VLXD miền Trung chật vật vì mùa mưa bão

Cùng chung tình trạng tiêu thụ kém như thị trường miền Bắc, thị trường VLXD miền Trung cũng đang gặp khó khăn. Bởi quý IV là thời điểm mưa bão, vì vậy, hầu hết các công trình xây dựng bị gián đoạn, thậm chí phải ngừng thi công, gây chậm tiến độ, kéo theo tình hình tiêu thụ VLXD tại miền Trung cũng bị ảnh hưởng.

Đánh giá thị trường vật liệu xây dựng năm 2024
Đội thi công trong điều kiện mưa kéo dài tại đoạn tuyến cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn.

Đánh giá thị trường vật liệu xây dựng năm 2024
Mưa bão kéo dài, gây ảnh hưởng nhiều tới hoạt động thi công các công trình tại miền Trung.

Theo anh Đỗ Dũng, chủ chuỗi cung ứng VLXD tại Quảng Nam - Đà Nẵng, đơn hàng ít, giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn các công trình xây dựng nhà ở giảm, vì thế các loại VLXD hoàn thiện cơ bản như: Sơn, gạch, thiết bị vệ sinh… cũng bán rất chậm.

Chị Vân Anh, chủ một đại lý sơn, gạch tại thị trấn Tân Kỳ (huyện Tân Kỳ - Nghệ An) cho hay, các công trình dân dụng xây mới ít hơn những năm trước nên các VLXD hoàn thiện tiêu thụ cũng chậm lại.

Tại các nhà máy sản xuất gạch xây dựng trên địa bàn Tân Kỳ, Yên Thành, Thanh Chương tồn kho rất nhiều. Có những đơn vị sản xuất gạch tạm dừng hoạt động từ nhiều tháng nay do không còn bãi để chứa sản phẩm.

Tương tự, cát sỏi xây dựng cũng tiêu thụ rất chậm tại các mỏ khai thác cát sỏi trên địa bàn các huyện Đô Lương, Thanh Chương, Tân Kỳ…

Mặt hàng xi măng, sắt thép xây dựng, vật liệu trang trí nội ngoại thất cũng chung tình cảnh khó khăn này.

Đánh giá thị trường vật liệu xây dựng năm 2024
Hoạt động thi công xây dựng ở miền Trung gặp khó khăn do mùa mưa.

Anh Đoàn, kỹ sư giám sát kỹ thuật tại tại Dự án cầu Sông Thu - Quảng Nam cho biết, do miền Trung đang mùa mưa bão nên hầu hết các công trình phải hoạt động cầm chừng, thậm chí không thể hoạt động.

Thị trường VLXD miền Nam: Chật vật nguồn cung vật liệu cho công trình trọng điểm

Trái ngược lại với tình hình thị trường VLXD của miền Bắc và Trung, tại miền Nam vấn đề nóng nhất hiện nay là thiếu hụt nguồn cung cát, đá và đất đắp nền đường.

Bởi hàng loạt các dự án cao tốc Bắc - Nam và công trình trọng điểm đều đồng loạt khởi công khiến nguồn cung không đủ cầu và hoạt động khai thác gặp nhiều khó khăn ở các địa phương.

Do đó, giá cát, đá, đất đắp nền đường đã tăng cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.

Thông tin từ Bộ GTVT, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được khởi công từ ngày 01/01/2023, sau khoảng 11 tháng, thi công mới đạt khoảng 11,78% giá trị hợp đồng, chậm 1,29% so kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu nguồn vật liệu cát và đất đắp.

Theo thông tin tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng với UBND các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang về tình hình cung cấp vật liệu phục vụ các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021 - 2025) vừa qua, cho thấy, tiến độ công trình đến thời điểm hiện tại đang chậm khoảng 8 tháng so với kế hoạch.

Giám đốc BQLDA Mỹ Thuận Trần Văn Thi cho biết, dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án đường bộ Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, sau hơn 11 tháng thi công chỉ đạt 13% giá trị hợp đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường nên nhà thầu chỉ có thể triển khai thi công các hạng mục cầu trên tuyến, đắp bờ bao và thi công đường công vụ, cầu tạm…

Đánh giá thị trường vật liệu xây dựng năm 2024
Thiếu hụt nguồn cung cát, đá và đất đắp nền đường là vấn đề nan giải của thị trường VLXD miền Nam.

Cục Quản lý Đầu tư Xây dựng (Bộ GTVT) cũng vừa có báo cáo cho thấy, nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường của dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau là gần 18,5 triệu m3. Khó khăn của dự án là cần thời gian gia tải, chờ lún dài, nếu không cung cấp đủ vật liệu sẽ khó đảm bảo tiến độ yêu cầu. Các địa phương đã hoàn thiện thủ tục để cung ứng và khai thác cấp vật liệu cho dự án. Tuy nhiên, công suất khai thác hiện nay rất thấp, trong khi nhu cầu của dự án lại lớn, gây nên tình trạng thiếu cát để thi công các hạng mục của dự án.

Thị trường còn khó khăn trong ngắn hạn

Có thể thấy, tình hình thị trường VLXD cuối năm 2023 không sôi động như những năm trước, sức tiêu thụ sụt giảm, tồn kho vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, các yếu tố thời tiết cực đoan cũng là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến sức tiêu thụ của thị trường VLXD.

Nếu như quý IV/2022, tình hình tiêu thụ VLXD đã khó khăn thì năm nay được đánh giá còn khó khăn hơn rất nhiều.

Trước đó, nhiều chuyên gia đã dự báo, cuối năm nay giá thép, xi măng, đá, vật liệu trang trí nội - ngoại thất… sẽ tiếp tục bình ổn, không có biến động về giá, do thị trường BĐS vẫn chưa thực sự phục hồi.

TS Thái Duy Sâm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng, những tháng cuối năm có thể tiêu thụ VLXD tăng hơn, nhưng cũng không có đột phá, cho nên đa phần giá của các loại VLXD ổn định. Trong quý IV, chưa có cơ sở nào để tăng giá sắt, xi măng, gạch lát, kính xây dựng… bởi sức mua còn yếu.

Những “mảng sáng” cho thị trường VLXD còn khá mờ nhạt. Trong ngắn hạn, rất khó hy vọng để thị trường này “bứt phá”, kể cả khi các yếu tố thúc đẩy được hình thành.

Trước hết là dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Với những tín hiệu tích cực về ổn định chính trị, môi trường đầu tư tốt, cũng như các cam kết của nhà đầu tư nước ngoài, nguồn vốn FDI kỳ vọng sẽ tiếp tục được đổ về, tạo đà bứt phá cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, kể cả khi dòng vốn này thành hiện thực, thì hoạt động triển khai với các dự án cũng phải đến giữa năm sau mới sôi động. Cũng có nghĩa là, trong ngắn hạn, có rất ít tác động đến thị trường VLXD.

Bên cạnh đó, các tín hiệu tích cực từ việc sản xuất công nghiệp toàn cầu phục hồi được hy vọng từ đầu quý III/2023 kéo sang năm 2024 dường như còn khá chậm chạp khi lại bùng phát tình hình xung đột giữa Israel - Hamas, tình trạng thiếu hụt năng lượng chưa được kiểm soát, các thị trường xuất khẩu VLXD chưa được phục hồi.

Trong nước, những kỳ vọng ở gói tín dụng cho nhà ở xã hội và việc tháo gỡ các khó khăn pháp lý trên thị trường BĐS của Chính phủ sẽ khơi thông cũng chưa được như mong muốn. Con số mới gần 100 tỷ vốn tín dụng được giải ngân ở lĩnh vực này là một minh chứng.

Với những dự án BĐS khác, tình hình triển khai cũng rất thận trọng, nhiều dự án trong cảnh dang dở. Tâm lý "chờ đợi" khiến các nhà đầu tư thận trọng. Một sự bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng VLXD từ các hoạt động này trong ngắn hạn là rất khó.

Những khó khăn với thị trường VLXD và lĩnh vực sản xuất VLXD là khá rõ. Hy vọng một sự bứt phá ở trung hạn khi các chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ được triển khai hiệu quả, đặc biệt là việc tháo gỡ vướng mắc với gói tín dụng cho NƠXH. Thêm nữa, những tác động chính sách, khi Luật Đất đai chưa được Quốc hội thông qua, chắc chắn cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Về tổng thể, theo các chuyên gia, ngành công nghiệp VLXD, lâu dài cần tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, không chỉ trong nước mà cả thị trường khu vực và thế giới, đối với từng loại sản phẩm. Qua đó, giúp các nhà đầu tư, kinh doanh VLXD có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư nâng cấp, đầu tư mới đạt được hiệu quả cao nhất, tránh trường hợp sản xuất ồ ạt dẫn đến việc cung vượt cầu và giảm thiểu được những rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh.