Đề tài sáng kiến kinh nghiệm ngành Y tế


Nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong 07 chức năng, nhiệm vụ của Bệnh viện. Hiện nay theo Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng Bệnh viện do Bộ Y tế ban hành cũng như trong nội dung kiểm tra các đơn vị khối không giường bệnh có riêng mục đánh giá về công tác NCKH. Đây là một trong trong những nhiệm vụ chuyên môn thường quy được chú trọng triển khai hằng năm trong toàn ngành Y tế.

I. VỀ ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

Căn cứ chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, từ năm 2012 việc đăng ký và xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở được thực hiện theo Quy trình đã được Sở Y tế ban hành tại Quyết định số 2694/QĐ-SYT. Các hoạt động sáng kiến được thực hiện theo Quy chế về hoạt động sáng kiến được Sở Y tế ban hành tại Quyết định số 246/QĐ-SYT ngày 17/5/2016.

Hiện nay Sở Y tế thành phố Đà Nẵng có 23 đơn vị trực thuộc và 07 bệnh viện ngoài công lập trên địa bàn thành phố:

  • 09 bệnh viện Đa khoa và Chuyên khoa tuyến thành phố: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi, Bệnh viện Ung bướu; Bệnh viện Da Liễu, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học Cổ truyền.
  • 07 Trung tâm y tế quận, huyện thực hiện đa chức năng khám chữa bệnh, dự phòng, dân số.
  • 07 đơn vị khối không giường bệnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Răng Hàm Mặt, Trung tâm Cấp cứu, Trung tâm Giám định Y khoa, Trung tâm Kiểm nghiệm, Trung tâm Pháp Y, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.
  • 07 bệnh viện ngoài công lập: Bệnh viện Hoàn Mỹ, Bệnh viện Bình dân, Bệnh viện Vĩnh Toàn, Bệnh viện Phụ nữ; Bệnh viện Tâm Trí, Bệnh viện Gia đình, Bệnh viện Vinmec Đà Nẵng.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Số lượng đề tài, sáng kiến

- Tổng số đề tài đạt cấp cơ sở: 196.

- Ngoài ra trong năm 2018 Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc Sở chủ trì thực hiện 03 đề tài cấp thành phố và 02 đề tài cấp cơ sở được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN).

- Tổng số giải pháp được công nhận sáng kiến: 33.

Trong đó có 01 sáng kiến gửi Hồ sơ tham gia xét, công nhận sáng kiến có tác dụng, ảnh hưởng đối với thành phố Đà Nẵng.

2. Mức điểm đánh giá công tác nghiên cứu khoa học năm 2018

- Đối với các Bệnh viện (23 đơn vị): Mức điểm trung bình chung đạt 2.9/5 (Thang điểm 5. Bộ Tiêu chí Chất lượng Bệnh viện).

- Đối với các đơn vị khối không giường bệnh (07 đơn vị): Mức điểm trung bình chung đạt 2.9/5 (Thang điểm 5. Bảng điểm kiểm tra đơn vị khối không giường bệnh).

3. Một số chỉ số hoạt động khác đạt được

STT

Nội dung

Số lượng

Ghi chú

Số bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học trong nước

20

BV Đà Nẵng: 01; BV Phụ sản - Nhi: 03; BV Ung bướu: 08; BV Y học cổ truyền: 03; BV Mắt: 03; BV Da liễu: 02.

Số bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế

03

BV Phụ sản - Nhi: 03.

Số giải thưởng về khoa học và công nghệ, sáng kiến nhận được

01

Giải thưởng nhà nước (TS.BS Lê Đức Nhân - GĐ BV Đà Nẵng): Đồng tác giả Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó với một số dịch bệnh nguy hiểm.

Tổng số buổi sinh hoạt khoa học được tổ chức tại các đơn vị trong toàn ngành

205

Các Bệnh viện duy trì sinh hoạt khoa học 1-2 tháng/1 lần.

Số lượng Hội nghị, Hội thảo khoa học các đơn vị chủ trì hoặc phối hợp tổ chức trong toàn ngành

42

Trong đó có các Hội nghị, Hội thảo quy mô lớn như: Hội nghị Nhi khoa quốc tế; Hội nghị Sản phụ khoa quốc tế; Hội nghị khoa học Hồi sức tích cực và chống độc khu vực miền Trung; Hội thảo ung thư đa chuyên khoa; Hội nghị khoa học bệnh viện Mắt mở rộng.

Số buổi tập huấn, đào tạo khác liên quan đến công tác NCKH, Sáng kiến tại các đơn vị

19

Tập huấn, đào tạo về Phương pháp nghiên cứu khoa học, vấn đề đạo đức nghiên cứu cho cán bộ, nhân viên y tế

4. Việc ứng dụng kết quả đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến vào thực tiễn; Phát triển công nghệ y tế, ứng dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới

- Hiện nay tại các đơn vị đều xây dựng Kế hoạch ứng dụng kết quả đề tài NCKH, Sáng kiến vào thực tiễn và đánh giá việc thực hiện Kế hoạch. Trong năm 2018 đã ứng dụng có hiệu quả kết quả 57 đề tài nghiên cứu khoa học vào thực tiễn cải tiến chất lượng, nâng cao hoạt động chuyên môn tại đơn vị.

- Dựa trên kết quả NCKH, tại các Bệnh viện trực thuộc đã ứng dụng nhiều kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng mới vào công tác khám bệnh, chữa bệnh, giúp người bệnh không phải đi xa, giảm chí phí khám chữa bệnh cho người bệnh. Các nghiên cứu mới trong lĩnh vực quản lý chất lượng BV; triển khai thực hiện 5S; khảo sát mức độ hài lòng của người bệnh về chất lượng dịch vụ y tế, thái độ ứng xử của nhân viên y tế... qua đó rút kinh nghiệm và áp dụng các biện pháp cải tiến về mọi mặt giúp nâng cao hơn nữa sự hài lòng người bệnh theo phương châm "Lấy người bệnh làm trung tâm".

Từ kết quả các đề tài NCKH, các cơ sở y tế đã tiến hành bố trí thêm bàn khám bệnh, sắp xếp lại các bộ phận tiếp đón, khám bệnh, xét nghiệm, viện phí, dược...theo nguyên tắc liên hoàn, đề xuất cải cách các thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác khám, chữa bệnh nhằm giảm thời gian chờ đợi người bệnh, giảm phiền hà, đảm bảo công bằng, minh bạch và nhận được sự hoan nghênh của đông đảo người dân trên địa bàn thành phố và các vùng lân cận.

Các nghiên cứu ở lĩnh vực y học cổ truyền, dược, sử dụng kháng sinh, ứng dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, nghiên cứu về dịch vụ y tế vùng biển. Trong đó đã nghiên cứu bào chế thành công viên hoàn Sâm Nhung Tán dục đơn áp dụng điều trị có hiệu quả cho bệnh nhân suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng tại Bệnh viện Y học cổ truyền; Sử dụng kỹ thuật phẫu thuật ít xâm lấn, kỹ thuật bắc cầu động mạch và các thiết bị hiện đại ứng dụng thành công tại Bệnh viện Đà Nẵng để điều trị cho bệnh nhân phình động mạch não vỡ giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân. Đồng thời các nghiên cứu đang được thực hiện như ứng dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả điều trị vô sinh tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi; nghiên cứu tình hình đề kháng kháng sinh và tình hình sử dụng kháng sinh ban đầu nhằm đề xuất giải pháp sử dụng hợp lý kháng sinh ban đầu ở bệnh nhân viêm phổi tại Bệnh viện Đà Nẵng là các nghiên cứu được thực hiện với ý nghĩa thiết thực góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng trên địa bàn thành phố.

- Tổng số kỹ thuật mới triển khai trong toàn ngành năm 2018 là 272 kỹ thuật... Các kỹ thuật mới điển hình được thực hiện nhờ ứng dụng chuyển giao công nghệ tại một số Bệnh viện năm 2018 như sau: Xem danh mục đính kèm:

/documents/11358/52e519da-db68-4671-b3d8-9e15dd78557c

5. Kinh phí triển khai hoạt động khoa học và công nghệ, sáng kiến

Sở Y tế đã kịp thời cập nhật, phổ biến, triển khai các văn bản mới của Trung ương và địa phương về công tác NCKH trong toàn ngành. Trong đó áp dụng hiệu quả các định mức chi cho công tác khoa học công nghệ, sáng kiến theo các hướng dẫn mới, trong đó từng bước bố trí và tăng mức chi hỗ trợ kinh phí khen thưởng kịp thời để khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành tham gia công tác NCKH, thực hiện sáng kiến.

Tổng kinh phí bố trí cho hoạt động KH&CN, sáng kiến trong toàn ngành năm 2018 là: 3,21 tỷ đồng (bao gồm thực hiện tại Sở Y tế là 387,8 triệu và tại các đơn vị trực thuộc Sở là 2,82 tỷ).

Ngoài ra ngành Y tế còn được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách sự nghiệp KH&CN để thực hiện 03 đề tài cấp thành phố và 02 đề tài cấp cơ sở, tổng kinh phí thực hiện là 3,27 tỷ đồng.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ CÁC HOẠT ĐỘNG ĐÃ TRIỂN KHAI VÀ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Ưu điểm

- Công tác NCKH được triển khai một cách đồng đều và theo đúng quy định Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ thành phố. Phần lớn các đơn vị đều có đề tài NCKH trong năm (28/36 đơn vị, đạt tỷ lệ 77,8%).

- Về nội dung nghiên cứu: ngày càng đa dạng với đầy đủ các lĩnh vực về điều trị; điều dưỡng, chăm sóc người bệnh; dược; y học dự phòng, y tế công cộng; quản lý y tế; quản lý chất lượng bệnh viện.

- Về chất lượng đề tài: với việc tổ chức tốt công tác xét duyệt Đề cương nghiên cứu với số lượng lớn trong toàn ngành (304 Đề cương), chất lượng đề tài được kiểm soát chặt chẽ và ngày càng được nâng cao. Phần lớn các đề tài NCKH bám sát nhu cầu thực tế về chăm sóc sức khỏe, mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nâng cao uy tín ngành Y tế thành phố.

- Công tác kiểm tra, giám sát hỗ trợ được chú trọng: Bộ phận Thường trực Hội đồng Khoa học và Công nghệ ngành theo dõi, giám sát việc thực hiện đề tài các đơn vị. Hằng năm Sở Y tế đánh giá công tác NCKH tại các đơn vị thông qua bảng điểm đánh giá chất lượng bệnh viện, bảng kiểm đánh giá các đơn vị khối không giường bệnh. Qua kết quả đánh giá làm cơ sở lập kế hoạch triển khai công tác NCKH phù hợp với sự đổi mới, phát triển của ngành.

2. Tồn tại

- Còn ít các nghiên cứu thực nghiệm, các nghiên cứu ứng dụng, các nghiên cứu trong lĩnh vực dược, các nghiên cứu chuyên sâu về y học dự phòng.

- Hội đồng NCKH, sáng kiến tại một số đơn vị chưa chặt chẽ trong việc rà soát, lựa chọn đề tài, sáng kiến có chất lượng gửi Sở. Vẫn còn tình trạng gửi về Sở Y tế những đề tài chưa đảm bảo quy định về mặt hình thức và nội dung, các đề tài mang tính "trùng lặp", "sao chép".

- Còn hạn chế trong việc tổ chức đánh giá hiệu quả đề tài, sáng kiến cải tiến ứng dụng vào thực tiễn.

- Tại một số đơn vị: chưa quan tâm bố trí kinh phí cho hoạt động KH&CN phù hợp với quy mô của đơn vị theo tuyến.

- Công tác thống kê, báo cáo của các đơn vị về công tác NCKH chưa thật sự đầy đủ và kịp thời. Chưa đưa ra được các định hướng về trọng tâm phát triển khoa học và công nghệ ngành một cách đầy đủ, toàn diện.

- Chưa tổ chức Hội nghị Khoa học kỹ thuật ngành Y tế thành phố và ban hành Kỷ yếu công trình nghiên cứu khoa học theo định kỳ.

IV. THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN

1. Thuận lợi

- Sự quan tâm, ủng hộ và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo ngành, đã xây dựng nguồn kinh phí riêng cho công tác NCKH.

- Đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật nhiệt tình với công tác, có kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong từng nhiệm vụ chuyên môn được giao.

- Có nhiều hướng phát triển chuyên sâu khoa học kỹ thuật tạo điều kiện cho cán bộ làm nghiên cứu.

- Hệ thống văn bản pháp quy, các văn bản hướng dẫn về công tác NCKH và sáng kiến ngày càng hoàn thiện.

- Được sự hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

2. Khó khăn

- Mặc dù nhân lực khoa học được nâng cao, tuy nhiên phân bổ chưa đồng đều ở các đơn vị. Phần nhiều tập trung ở các đơn vị lớn. Công tác NCKH, sáng kiến tại các Bệnh viện tư nhân còn nhiều hạn chế.

- Các đơn vị chủ yếu thực hiện các đề tài cấp cơ sở; chưa chú trọng hướng đến nhiệm vụ NCKH cấp cao hơn. Công tác chuyên môn tại các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải ảnh hưởng đến thời gian nghiên cứu của cán bộ, nhân viên y tế.

- Việc công nhận đề tài NCKH cấp cơ sở cũng như công nhận sáng kiến có liên quan đến công tác thi đua - khen thưởng, do đó ít nhiều chịu ảnh hưởng của công tác thi đua - khen thưởng.

Việc phân luồng đề tài cấp cơ sở còn gặp nhiều khó khăn do đặc thù ngành Y tế với các tuyến y tế (thành phố, quận/huyện, xã/phường), quy mô các đơn vị khác nhau nên khó đồng đều ở quy mô và chất lượng đề tài.

V. PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, SÁNG KIẾN

1. Đẩy mạnh hơn nữa cơ chế đặt hàng, khoán nội dung nghiên cứu để có được sản phẩm khoa học công nghệ tốt. Chú trọng hướng đến các nghiệm vụ khoa học và công nghệ có quy mô, tầm nhìn và dự báo cho nhu cầu phát triển của ngành (trực tiếp hoặc phối hợp thực hiện các đề tài cấp thành phố, cấp bộ, cấp nhà nước).

Đề xuất xây dựng cơ chế tài chính và chính sách chuyên ngành sâu cho cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ của ngành. Tại các đơn vị cần tăng cường bố trí kinh phí trong triển khai hoạt động khoa học công nghệ, sáng kiến.

2. Kiện toàn Hội đồng nghiên cứu khoa học, Hội đồng sáng kiến tại các đơn vị. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của bộ phận Thường trực Hội đồng NCKH đơn vị trong tham mưu triển khai các hoạt động NCKH tại đơn vị.

3. Tiếp tục tăng khả năng tư vấn, phản biện của các Hội đồng khoa học bằng cách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các Hội chuyên ngành (Hội Y học, Hội Dược học, Hội Đông y, Hội Điều dưỡng,); mời các chuyên gia khoa học có uy tín tham gia các Hội đồng xét duyệt Đề cương; Hội đồng thẩm định đề tài theo từng chuyên ngành phù hợp.

4. Công tác đào tạo: xây dựng kế hoạch và triển khai tập huấn về phương pháp nghiên cứu khoa học; tập huấn về hoạt động sáng kiến trong toàn ngành. Hoạt động tập huấn phải được triển khai đồng bộ từ Sở Y tế đến từng đơn vị.

5. Chuẩn hóa và tăng cường công tác báo cáo, thống kê khoa học công nghệ trong toàn ngành. Xây dựng và ban hành danh mục chủ đề nghiên cứu ưu tiên theo từng năm, từng giai đoạn. Trên cơ sở đó ưu tiên lựa chọn các đề tài phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn tại từng đơn vị, các vấn đề nghiên cứu mang tính cấp thiết, có tính ứng dụng cao trong toàn ngành cũng như phù hợp với định hướng Chương trình NCKH của thành phố.

6. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và triển khai các nhiệm vụ KH&CN: tiến đến xây dựng phần mềm quản lý KH&CN, đồng thời là Kho dữ liệu KH&CN ngành Y tế. Đây là kênh khai thác, sử dụng hiệu quả các sản phẩm KH&CN.

7. Đối với hoạt động sáng kiến: phát động rộng rãi và khuyến khích cán bộ nhân viên trong toàn ngành tham gia phong trào lao động sáng tạo. Tăng số lượng và chất lượng các giải pháp qua từng năm. Hướng đến các sáng kiến được công nhận ở cấp độ cao hơn (các giải thưởng do thành phố, Trung ương tổ chức).

8. Ban hành Kỷ yếu công trình NCKH ngành Y tế theo định kỳ 02 năm/01 lần. Tổ chức Hội nghị khoa học công nghệ ngành Y tế. Đây sẽ là diễn đàn lớn để các nhà khoa học gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm.

9. Tổ chức Hội nghị tổng kết, Hội nghị triển khai công tác NCKH hằng năm. Đánh giá, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác NCKH.

10. Một số định hướng nội dung, chủ đề nghiên cứu và phát triển công nghệ, kỹ thuật cao trong thời gian tới:

a) Ưu tiên lựa chọn các nghiên cứu:

- Các nghiên cứu thực nghiệm, nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong công tác y tế dự phòng; các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị các bệnh tim mạch, tiểu đường, phẫu thuật thần kinh, chấn thương, tạo hình và trong lĩnh vực phụ sản, nhi khoa, ung bướu,; các nghiên cứu về dinh dưỡng tiết chế; nhiễm khuẩn bệnh viện.

- Trọng tâm hơn các nghiên cứu về dược, chăm sóc người bệnh, các nghiên cứu về cung ứng dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tiếp tục khuyến khích các nghiên cứu ở chuyên ngành y học cổ truyền, sức khỏe tâm thần, lão khoa.

- Các nghiên cứu về phát triển mạng lưới y tế công cộng: phòng chống dịch, vệ sinh môi trường, y tế trường học; nghiên cứu về hệ thống cấp cứu; truyền thông y tế.

- Các nghiên cứu về y tế cơ sở, quản lý bệnh không lây nhiễm mạn tính theo nguyên lý y học gia đình.

b) Phát triển các công nghệ, kỹ thuật cao, hiện đại như:

- Kỹ thuật ghép tạng; Kỹ thuật Laser, đốt sóng cao tần trong điều trị bệnh ; Kỹ thuật đường mổ ít xâm lấn; Vi phẫu.

- Robot phẫu thuật nội soi.

- Công nghệ tế bào gốc; Công nghệ giải trình tự gen, công nghệ sinh học.

- Kỹ thuật qEEG (chuyên ngành Tâm thần); Phaco+Fetosecon, Femtosecon+Lasik (chuyên ngành Mắt); PRP (Planete Rich Plasma - Tách huyết tương giàu tiểu cầu), Lăn kim trẻ hóa da điều trị sẹo xấu và xạm da (chuyên ngành Thẩm mỹ). Điều trị bằng điện phân dẫn thuốc; điều trị bằng Parafin; Thủy trị liệu toàn thân; Kỹ thuật tập chuỗi đóng và chuỗi mở (chuyên ngành Phục hồi chức năng).

- Bào chế thuốc y học cổ truyền (thuốc cao, đơn, hoàn, tán y học cổ truyền).

Tin: Xuân Trường