Htx tân lập vũ trung thái bình

Năm 2009, Đảng bộ và nhân dân xã Thanh Tân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; năm 2009 được Chính phủ tặng Cờ thi đua; năm 2010 được UBND tỉnh tặng Cờ đơn vị dẫn đầu trong xây dựng nông thôn mới. Hiện mọi phong trào ở Thanh Tân vẫn luôn được giữ vững và không ngừng phát triển cả bề rộng và chiều sâu.

Hưởng ứng mục tiêu, nội dung thi đua thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Cụm thi đua các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ phát động vào tháng 11/2008 tại Thái Bình nhằm "Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, hiện đại, xây dựng nông thôn mới", xã Thanh Tân được tỉnh Thái Bình chọn thực hiện điểm xây dựng nông thôn mới.

Để tổ chức sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí nông thôn mới, các hộ dân đã tự nguyện góp đất đắp bờ vùng, bờ thửa, hiến đất mở đường giao thông nông thôn, huy động hàng ngàn ngày công làm thủy lợi nội đồng, v.v... Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, xã đầu tư cứng hóa được 5,86 km kênh mương; rải đá láng nhựa đường giao thông từ thôn An Cơ Nam đi thôn Phú Mãn; xây mới 1 trạm bơm. Năm 2009, xã thực hiện việc dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, giảm số thửa bình quân xuống còn 1,86 thửa/hộ phục vụ cho cơ giới hóa và quy vùng sản xuất tập trung. Đến nay, Thanh Tân đã quy hoạch được 04 vùng chuyên canh như vùng trồng cây màu xuất khẩu, cấy lúa giống, lúa chất lượng cao.

Cứng hóa kênh muơng và đường nội động ở xã Thanh Tân

Sau hơn 2 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay Thanh Tân đã đạt 11/19 tiêu chí và phấn đấu đến cuối năm 2011 sẽ đạt thêm từ 2 - 3 tiêu chí nữa như tiêu chí về cơ cấu lao động, thủy lợi, môi trường.

Đồng chí Nguyễn Văn Thành - Chủ nhiệm HTXDVNN Thanh Tân cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Thanh Tân còn một số khó khăn kể cả về chủ quan và khách quan: hiện xã có 350 ha đất nông nghiệp, nhưng chỉ có 290 ha thực hiện được việc luân canh tăng vụ, chủ yếu gieo trồng lúa và các loại rau màu như: khoai tây khoảng 30ha, dưa chuột xuất khẩu 10ha, lạc 15-20ha, đậu tương đông 117ha, v.v... Mặc dù sản xuất lúa giống không khó, nhưng yêu cầu phải cao hơn, đầu tư công lao động nhiều hơn lúa thường trong khi chênh lệch giá mua còn thấp nên nông dân chưa mặn mà gây ảnh hưởng đến việc mở rộng quy mô và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, việc sản xuất nông sản hàng hóa chưa tập trung theo quy mô lớn; nguồn nông sản không ổn định do đó không ký được hợp đồng với các công ty chế biến; không có chợ đầu mối, thiếu các cơ sở thu mua nên việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, giá thành thấp.

Về chăn nuôi, cơ cấu đàn chủ yếu là lợn, thường xuyên có trên 5.000 con với sản lượng xuất chuồng mỗi lứa khoảng 10 tấn nhưng vẫn thiếu đầu mối thu mua trực tiếp. Trước đây, Thanh Tân có phong trào chăn nuôi phát triển mạnh với 63 gia trại, trang trại, song gần đây do dịch bệnh thường xuyên bùng phát, giá thức ăn chăn nuôi cao, giá sản phẩm bán ra không ổn định nên đến nay chỉ còn trên 50 gia trại và trang trại, quy mô bị thu hẹp. Xã cũng đã quy hoạch 5 ha cho chăn nuôi tập trung để tránh dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường nhưng do thiếu vốn, xã không đủ khả năng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để đưa các hộ chăn nuôi ra vùng quy hoạch.

Về phát triển CN-TTCN, xã có các nghề như chế biến cói xuất khẩu, may công nghiệp, mây tre đan, sản xuất bao bì PP, chè thanh nhiệt, v.v... Xã có 1 điểm công nghiệp diện tích 12,6 ha để các doanh nghiệp vào đầu tư nhưng do thủ tục cấp phép đầu tư còn chậm nên gặp nhiều khó khăn. Hiện mới chỉ có 1 cơ sở sản xuất bao bì PP đi và vào sản xuất.

Hiện nay, tỉnh đã hỗ trợ 50% cho nhân dân trong xã mua máy nông nghiệp phục vụ sản xuất, số tiền còn lại người dân phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, tiền hỗ trợ của tỉnh, phải đợi từ 3 tháng đến 6 tháng mới được làm thủ tục hỗ trợ, trong khi đó, máy móc cung cấp chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc, chất lượng thấp dẫn đến tình trạng sử dụng một thời gian ngắn tính theo thời vụ thấp. Dịch vụ bảo hành của các nhà cung cấp không kịp thời, thiết bị thay thế giá quá cao, nên nông dân không giám đầu tư thêm.

Xã đã có quy hoạch hệ thống phân phối vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật tại 7 thôn nhưng do thiếu vốn nên chưa thể thực hiện được. Bên cạnh đó, việc cung cấp các loại vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn hiện nay chủ yếu do các hộ tư nhân tự kinh doanh có nhiều loại sản phẩm mới, giá cả bấp bênh khó kiểm soát. Điều đó làm cho HTXDV nông nghiệp khó cạnh tranh được về giá với chất lượng sản phẩm đảm bảo của các nhà sản xuất uy tín.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, xã đã có ý kiến với Đoàn và đề nghị tỉnh, các cấp, các ngành liên quan một số kiến nghị giúp Thanh Tân đạt đợc các mục tiêu xây dựng nông thôn mới:

- Đề nghị UBND tỉnh, huyện và các ngành liên quan tiếp tục đơn giản hóa thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp của Thanh Tân.

- Hỗ trợ Thanh Tân mở rộng, xây dựng chợ hiện tại thành chợ loại II, đồng thời hỗ trợ xây dựng trung tâm thương mại để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiêu thụ sản phẩm và tiếp cận những sản phẩm chất lượng cao.

- Có cơ chế chặt chẽ về trách nhiệm và hỗ trợ người dân ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông sản với các doanh nghiệp để người dân yên tâm sản xuất.

- Đề nghị hỗ trợ kinh phí để Thanh Tân đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng khu chăn nuôi tập trung, tạo điều kiện phát triển hình thức chăn nuôi gia trại, trang trại khắc phục tình trạng chăn nuôi xen kẽ trong khu dân cư như hiện nay, đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh dịch bệnh lây lan.

- Đề nghị niêm yết công khai giá máy nông nghiệp, thiết bị máy,chất lượng máy vì giá các loại máy móc, thiết bị hiện nay quá cao và tỉnh tạo điều kiện rút ngắn thủ tục giải ngân hỗ trợ mua máy. Đồng thời, cho phép nông dân được mua máy nông nghiệp đã qua sử dụng chất lượng tốt, xuất xứ Nhật Bản, Hàn Quốc... nhưng vẫn được tỉnh hỗ trợ với mức giá nhất định để đảm bảo hiệu quả sử dụng. Hỗ trợ HTXDV nông nghiệp xây dựng tổ dịch vụ sửa chữa máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp thông qua việc hỗ trợ vốn vay ưu đãi và đào tạo tay nghề cho xã viên phục vụ trong tổ dịch vụ sửa chữa máy nông nghiệp.

Như vậy, để sớm đạt được mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Thanh Tân cần đẩy mạnh công tác chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền; sự tham mưu của HTXDV nông nghiệp về phát triển kinh tế nông nghiệp dần từng bước đáp ứng yêu cầu của đề án xây dựng nông thôn mới; sự đóng góp sức người, sức của của nhân dân. Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm hơn nữa của huyện, của tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và có các chính sách hỗ trợ để tháo gỡ những khó khăn giúp Thanh Tân cũng như các địa phương khác thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, xã cần thành lập các tổ, hội nghề nghiệp trên cơ sở tự nguyện các thành viên, quản lý dân chủ, cùng có lợi. Mục đích là để trao đổi khinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong SX - KD, tiêu thụ sản phẩm nhằm mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận của mỗi thành viên. Loại hình tổ hợp tác không có điều lệ, không có tư cách pháp nhân, quan hệ với nhau trên cơ sở tình cảm, quen biết, truyền thống cộng đồng và không mang tính chất pháp lý. Các mô hình tổ hợp tác chủ yếu: tổ hợp tác tưới tiêu, vay vốn, khoa học kỹ thuật chia sẻ kinh nghiệm sửa chữa máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát, vui chơi giải trí, dịch vụ làm đẹp, hợp tác trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi thủy sản, chế biến thu mua, v.v... Điều đó sẽ tạo nên sức mạnh của HTX dịch vụ vật tư nông nghiệp và là động lực để chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, là tiền đề vững chắc cho sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.

Trường mầm non xã Thanh Tân

Bên cạnh đó, xã cần có cơ chế thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí. Trong đó quy hoạch cụ thể: khu phát triển dịch vụ ăn uống, cà phê giải khát; khu phát triển dịch vụ thời trang may mặc, cắt tóc, gội đầu, làm đẹp; khu vui chơi cho các cháu như đu quay, xe ôtô điện, cầu trượt, đạp nước thiên nga…; khu phát triển dịch vụ sửa chữa máy móc thiết bị, v.v... Bên cạnh đó, cần mở ra hàng loạt các lớp học để giúp người dân có được những nghề nghiệp mới phù hợp với khả năng và trình độ (làm đầu, cắt tóc, gội, nghề trang điểm cô dâu, nghề nấu ăn và chế biến nước giải khát các loại, nghề cắt may thời trang, nghề sửa chữa cơ khí, gò hàn…), giúp họ có bài bản, có định hướng rõ ràng; kết hợp trang bị cho người lao động khả năng quản trị nguồn nhân lực mới, có chất lượng, quản trị nguồn vốn quản trị marketing bán hàng, nghệ thuật ứng xử giao tiếp trong kinh doanh, lớp nghiệp vụ tin học, v.v...

Để làm được việc trên, hơn lúc nào hết Ban Lãnh đạo xã Thanh Tân phải tiếp tục củng cố bộ máy lãnh đạo, tích cực phối hợp chặt chẽ với Trung tâm XTTM Thái Bình, khoa Kinh tế Trường Cao đẳng kinh tế trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm và đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời làm tốt công tác vận động, thuyết phục quần chúng để làm sao mọi người dân đều đồng lòng nhất trí tập trung mọi nguồn lực cho phát triển KT- XH của địa phương.