Hướng dẫn dự trù kinh phí công đoàn cơ sỏ

THÔNG TƯ

Hướng dẫn việc cấp phát kinh phí công đoàn

__________________________

Thi hành Luật Công đoàn ban hành theo Sắc lệnh số 108-SL/L10 ngày 5/11/1957, Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư số 07-HCP ngày 3/4/1959, số 76-TC/HCVX ngày 16/4/1970, số 13-TC/HCVX ngày 1/4/1975 và công văn số 87-TC/HCVX ngày 2/12/1975 hướng dẫn việc nộp kinh phí Công đoàn, đã tạo điều kiện cho Công đoàn quản lý tập trung, thống nhất quỹ Công đoàn, phục vụ kịp thời các mặt hoạt động của Công đoàn các cấp.

Từ ngày thực hiện chế độ phân cấp quản lý kinh tế, tài chính cho cấp huyện, một số địa phương chưa thi hành đúng những điều quy định, có nơi nộp chậm, nộp thiếu, nộp không đúng quỹ tiền lương, ảnh hưởng đến công tác quản lý tài chính của Công đoàn.

Thi hành quyết định số 219-CP ngày 29/5/1981 của Hội đồng Bộ trưởng về việc phụ cấp tiền lương tạm thời cho công nhân viên chức Nhà nước, trong khi chờ nghiên cứu đề nghị bổ sung việc nộp kinh phí công đoàn trong hoàn cảnh mới, sau khi thống nhất ý kiến với Tổng Công đoàn Việt Nam, Bộ Tài chính hướng dẫn việc cấp phát kinh phí Công đoàn thống nhất trong toàn quốc như sau:

I- CĂN CỨ ĐỂ TÍNH TOÁN KHOẢN KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN:

Theo điều 19 Chương III của Nghị định 188-TTg ngày 9/9/1958, kinh phí Công đoàn được ấn định bằng 2% tổng số tiền lương cấp cho toàn thể công nhân viên chức, không phân biệt trong hay ngoài biên chế.

Thông tư 186-TTg ngày 2/7/1971, Thủ tướng Chính phủ đã quy định "Nhà nước định khoản chi phí nộp quỹ Công đoàn bằng 2% quỹ lương để đảm bảo nhu cầu chi tiêu của hệ thống Công đoàn, trong đó có những khoản chi tiêu về hoạt động văn hoá quần chúng, thể dục thể thao... Căn cứ vào quỹ lương kế hoạch, Ngân sách Nhà nước chuyển thẳng khoản kinh phí này vào quỹ Công đoàn."

Để thi hành đúng đắn quy định trên đây khi tính toán kinh phí Công đoàn cần chú ý bảo đảm tính đúng tổng quỹ tiền lương.

Theo quy định của Chính phủ, quỹ tiền lương bao gồm:

1- Tiền lương trong khu vực sản xuất (bao gồm cả lương tháng, lương ngày trả theo mức lương và thang bảng lương được Nhà nước ban hành, tiền lương trả theo sản phẩm).

2- Tiền lương của công nhân viên chức thuộc khu vực sự nghiệp và hành chính.

3- Tiền lương công nhật trả cho người phụ động.

4- Những khoản tiền lương trả cho công nhân viên chức trong thời gian ngừng việc vì lý do khách quan (thiếu nguyên liệu, động lực, ...). Tiền lương của công nhân viên chức trong thời gian được cử đi học, đi làm nghĩa vụ... cũng thuộc thành phần tổng quỹ tiền lương.

5- Các khoản phụ cấp được quy định tính vào tổng quỹ tiền lương.

Thi hành Quyết định 219-CP ngày 29-5-1981 của Hội đồng Bộ trưởng về phụ cấp lương tạm thời cho công nhân viên chức Nhà nước, trong thông tư 07-LĐ/TT ngày 1/6/1981 của Bộ Lao động đã quy định khoản phụ cấp tạm thời cũng tính vào quỹ tiền lương, nên khi tính khoản kinh phí Công đoàn cần chú ý tính cả khoản phụ cấp tạm thời này vào tổng quỹ tiền lương.

II. CHẾ ĐỘ CẤP PHÁT KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN:

Theo quy định, kinh phí Công đoàn do Ngân sách Nhà nước chuyển thẳng vào quỹ Công đoàn.

Để phù hợp với hệ thống tổ chức và chức năng nhiệm vụ của Tổng Công đoàn và Công đoàn các cấp, thể thức nộp kinh phí Công đoàn ấn định như sau:

1- Đối với phần phải nộp theo quỹ lương kế hoạch của các xí nghiệp, công, nông, lâm trường, tổ chức và các đơn vị thuộc các ngành Trung ương quản lý sẽ do Bộ Tài chính chuyển nộp bằng ngân sách Trung ương hàng quý cho Tổng Công đoàn.

2- Ở các tỉnh và thành phố, hàng quý căn cứ vào tổng quỹ tiền lương kế hoạch, các Sở, Ty Tài chính bảo đảm trích trong ngân sách tỉnh, thành phố nộp kinh phí Công đoàn cho các xí nghiệp, công, nông, lâm trường và các tổ chức, đơn vị thuộc cấp tỉnh quản lý.

3- Đối với huyện, do trong bước đầu thực hiện phân cấp quản lý tài chính và ở nhiều nơi hệ thống Công đoàn chưa được củng cố nên các địa phương cần phải căn cứu tình hình cụ thể mà giải quyết việc nộp kinh phí Công đoàn như sau:

  1. Ở những huyện đã có hệ thống Công đoàn việc nộp kinh phí Công đoàn cho các tổ chức xí nghiệp và đơn vị trực thuộc huyện quản lý do ngân sách huyện đài thọ. Ban Tài chính giá cả huyện cần bảo đảm việc nộp kinh phí đúng chính sách và chế độ.
  1. Ở những huyện hệ thống Công đoàn chưa có hoặc có nhưng không đủ khả năng quản lý kinh phí Công đoàn, thì các huyện cần đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh xét và quyết định tạm thời do ngân sách tỉnh gánh chịu kinh phí Công đoàn cho huyện. Do đó, việc nộp kinh phí Công đoàn đối với các loại huyện này do các Sở, Ty tài chính thực hiện.

4- Đối với các Đảng và đoàn thể, các tổ chức hội... việc nộp kinh phí Công đoàn chỉ thực hiện đối với những đoàn thể đã có tổ chức Công đoàn. Vì quỹ tiền lương của các Đảng, đoàn thể, các tổ chức hội... không nằm trong quỹ tiền lương kế hoạch của Nhà nước, việc nộp kinh phí Công đoàn do Tổng Công đoàn Việt Nam hướng dẫn.

5- Đối với các xí nghiệp hợp doanh chưa thi hành chế độ tiền lương theo tháng, bảng lương của Nhà nước, quỹ tiền lương của các xí nghiệp này không phản ánh trong kế hoạch quỹ tiền lương chung của Nhà nước, thì việc nộp kinh phí Công đoàn cũng do các Giám đốc các xí nghiệp thực hiện theo quy định của Tổng Công đoàn Việt Nam.

6- Đối với những cơ sở sản xuất mới hình thành (nếu có) mà quỹ tiền lương tính riêng, không nằm trong tổng quỹ tiền lương kế hoạch thì Giám đốc hoặc người phụ trách tổ chức sản xuất thực hiện nộp kinh phí Công đoàn theo quy định của Tổng Công đoàn Việt Nam.

III. CHI TIÊU CỦA QUỸ CÔNG ĐOÀN:

Theo quy định của Tổng công đoàn, kinh phí công đoàn được dùng để chi tiêu cho những nhu cầu sau đây:

1- Chi về bộ máy chuyên trách công tác công đoàn (lương và các khoản phụ cấp, các khoản chi cho hoạt động của công đoàn mua sắm đồ đạc, dụng cụ cần thiết sửa chữa nhà cửa, trụ sở....).

2- Chi cho các hoạt động văn thể mỹ và đời sống của công nhân viên chức do công đoàn lo như: tuyên truyền, giáo dục trong công nhân viên chức, văn hoá quần chúng, thể dục thể thao, tổ chức học bổ túc văn hoá cho công nhân viên chức và động viên phong trào thi đua lao động sản xuất, công tác huấn luyện và đào tạo cán bộ công đoàn; công tác thanh tra của công nhân; công tác bảo hộ lao động; công tác nữ công, thăm hỏi, khen thưởng đoàn viên và cán bộ công đoàn.

3- Chi cho trường đào tạo cán bộ công đoàn.

4- Chi về hoạt động quốc tế của Công đoàn.

5- Những khoản chi khác thuộc chức năng và nhiệm vụ của công đoàn.

Tổng công đoàn đã có hướng dẫn cụ thể cho các cấp công đoàn.

IV- LẬP DỰ TRÙ, CẤP PHÁT VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN:

  1. Việc lập dự trù thu, chi được quy định theo trình tự sau đây:

Ở cấp huyện, quận:

Hàng năm theo sự hướng dẫn của Tổng Công đoàn và Bộ Tài chính, các Công đoàn huyện, quận căn cứ vào tổng số công nhân viên chức do huyện, quận quản lý, căn cứ vào kế hoạch quỹ tiền lương được Uỷ ban kế hoạch Nhà nước địa phương xác định, lập dự trù kinh phí Công đoàn. Đồng thời căn cứ vào nhiệm vụ công tác của năm kế hoạch, lập dự trù chi tiêu của Công đoàn quận, huyện.

Dự trù thu, chi của Công đoàn huyện, quận đều gửi cho Ban Tài chính giá cả huyện, quận và Liên hiệp công đoàn tỉnh, thành phố.

Ban Tài chính giá cả huyện, quận sau khi xem xét cần tính toán ghi vào dự trù ngân sách của huyện, quận khoản chi nộp kinh phí công đoàn theo kế hoạch tổng quỹ tiền lương được duyệt.

Ở cấp tỉnh: Liên hiệp công đoàn tỉnh, thành phố

- Căn cứ chỉ tiêu về cán bộ công nhân viên chức và kế hoạch quỹ tiền lương của cấp tỉnh quản lý do Uỷ ban kế hoạch Nhà nước địa phương xác định, lập dự trù kinh phí 2% phần cấp tỉnh và dự trù chi theo nhiệm vụ của Liên hiệp công đoàn tỉnh.

- Tổng hợp dự trù thu, chi của các huyện, quận cùng với dự trù của bản thân cấp tỉnh, thành phôd, lập thành dự án thu, chi của Liên hiệp công đoàn tỉnh, thành phố gửi cho các Sở, Ty Tài chính và Tổng Công đoàn Việt Nam.

- Các Sở, ty Tài chính sau khi nhận được dự án thu, chi của Liên hiệp công đoàn tỉnh, thành phố, căn cứ kế hoạch tổng quỹ tiền lương của cấp mình, dự trù phần kinh phí phải nộp của cấp tỉnh, thành phố và tổng hợp vào dự án ngân sách tỉnh thành phố số dự chi về kinh phí công đoàn 2% (bao gồm cả phần phải nộp của cấp tỉnh và phần phải nộp của các huyện) để báo cáo Bộ Tài chính trong khi duyệt dự án ngân sách hàng năm.

Ở Trung ương- Tổng Công đoàn Việt nam có nhiệm vụ:

- Căn cứ tình hình cán bộ, công nhân viên chức và kế hoạch tiền lương cấp Trung ương, lập dự toán thu và chi gửi cho Bộ Tài chính.

- Tổng hợp dự trù thu chi quỹ Công đoàn của cả nước (gồm phần của bản thân Văn phòng Tổng Công đoàn và của các Liên hiệp Công đoàn địa phương) lập thành dự án thu chi về quỹ công đoàn gửi Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính sau khi tổng hợp sẽ trình Chính phủ xét duyệt tổng mức kinh phí Công đoàn khi Hội đồng Bộ trưởng xét duyệt Ngân sách Nhà nước hàng năm.

  1. Về cấp phát kinh phí Công đoàn - Để bảo đảm cho các cấp Công đoàn có điều kiện hoạt động, kinh phí Công đoàn được cấp hàng qúy. Trong 15 ngày đầu tháng thứ nhất của mỗi quý, các cơ quan tài chính cần phải bảo đảm nộp vào tài khoản tiền gửi của Tổng Công đoàn mỏ ở Ngân hàng Trung ương, Ngân hàng tỉnh, Ngân hàng thành phố, Ngân hàng huyện khoản kinh phí Công đoàn của Ngân sách cấp mình phải chi.

Nếu Ngân sách gặp khó khăn thì cơ quan tài chính phải thương lượng với cơ quan Công đoàn để chia ra cấp làm 2,3 đợt.

Đầu năm, trường hợp tổng quỹ tiền lương chưa được duyệt chính thức thì các cơ quan tài chính tạm căn cứ vào quý tiền lương năm trước cấp trước kinh phí công đoàn và điều chỉnh lại khi có tổng quỹ tiền lương được duyệt chính thức.

  1. /Về quyết toán kinh phí công đoàn - Cuối năm các Công đoàn quận, huyện, liên hiệp công đoàn tỉnh, thành phố lập báo cáo quyết toán thu, chi gửi Tổng Công đoàn đồng thời gửi một bản cho cơ quan tài chính cùng cấp (Ban Tài chính giá cả huyện, quận; Ty, Sở Tài chính), Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Chi cục thống kê địa phương để các cơ quan này tổng hợp vào quỹ tiêu dùng của địa phương và báo cáo lên trên.

Tổng Công đoàn Việt Nam tổng hợp và lập quyết toán thu, chi gửi Bộ Tài chính, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Tổng cục Thống kê để tổng hợp vào quỹ tiêu dùng xã hội trong Ngân sách Nhà nước và báo cáo lên Hội đồng Bộ trưởng.

Sau khi có quyết toán của Tổng Công đoàn và Công đoàn các cấp các cơ quan tài chính, cần phải tính toán lại số kinh phí công đoàn. Nếu việc nộp kinh phí công đoàn chưa đủ thì Ngân sách phải nộp thêm; ngược lại nếu đã nộp thừa thì sẽ khấu trừ vào kinh phí nộp năm sau.