Làng mai pháp ở đâu

Đạo tràng Mai thôn, hay với cái tên mộc mạc, gần gũi là Làng Mai, nằm cách Paris khoảng 600 km về hướng Tây Nam nước Pháp. Làng Mai nằm trong thị xã Thenac, thuộc tỉnh Dordogne.Làng Mai có diện tích khoảng 1 km vuông chia làm nhiều xóm : Xóm Thượng, Xóm Hạ, Xóm Đoài và Xóm Mới.

Trên con đường vào làng, người ta nhìn thấy những ni cô, những chú tiểu, những thiền sinh đang làm việc chăm chỉ, họ tự trồng rau, trái để ăn. Tất cả mọi người đều làm việc trong im lặng.

Làng Mai có ba ngôi chùa : Chùa Pháp Vân ở Xóm Thượng dành cho các tăng sĩ, Chùa Từ Nghiêm ở Xóm Mới và Chùa Cam Lộ ở Xóm Hạ dành cho các ni.
Một ni cô đến từ Việt Nam sang tu học chia sẻ cảm giác thích thú trong môi trường mới:

“Con tu học được ba năm. Chúng con ở đây thì môi trường nào cũng có sự tu học giống nhau tại vì cùng là con của Thầy, con của Sư Ông nên ở đâu cũng đi như cùng trên một dòng sông, cũng thực tập ăn cơm, cũng thực tập đi thiền hành, cũng thực tập chánh niệm như mọi nơi. Nhưng qua đây thì môi trường khí hậu, thời tiết khác, mát mẻ, thiên nhiên có bốn mùa thay đổi rõ rệt nên mình thưởng thức mỗi mùa có cái hay riêng.”

Làng Mai là một trung tâm Phật giáo được Thầy Thích Nhất Hạnh lập ra với mục tiêu  tu dưỡng tinh thần, thực hành tâm linh, và cũng là một trung tâm giảng dạy về Phật giáo Việt Nam, là môi trường tu, học và sống để mọi người làm quen với đạo Bụt, và nhất là cách sống theo văn hóa thiền học Việt Nam.

Ngôi làng nhỏ Thenac là một ngôi làng nhỏ với chỉ chưa tới 2.000 dân. Vào thập niên 80,  nhiều nông dân Pháp đã bỏ thị xả nhỏ bé này để đi nơi khác và vì thế, chính phủ Pháp đã cho phép Thầy Thích Nhất Hạnh thành lập Đạo tràng Mai thôn với cái tên đầu tiên là  Làng Hồng [vì nơi đây trồng nhiều cây hồng]. Đây cũng là nơi đã từng tiếp đón nhiều thuyền nhân tị nạn cộng sản.

Cho đến nay, Làng Mai đã trở thành một địa điểm thu hút đông đảo nhiều người đến đây thực hành pháp môn chánh niệm của Thiền học Phật giáo, học mỉm cười, học tha thứ, học biết ơn, học im lặng…v.v.. Dần dần những thông điệp hòa bình đã được chia sẻ rộng rãi. Làng Mai có nhiều khóa thiền học theo mùa, mỗi năm làng Mai tiếp đón hàng ngàn thiền sinh mà đa số là người Pháp, hoặc những người ngoại quốc đến từ Anh, Ý, Hoa Kỳ…v.v…
Ông Đặng văn Hòa, từ Việt Nam sang Pháp, cho biết lý do ông vượt hơn 10.000 cây số chỉ với nguyện vọng được đến  làng Mai, ông chia sẻ :
“Mục đích đến Làng Mai là vì bên Việt Nam chúng tôi nghe Làng Mai của Sư Ông rất nổi tiếng. Người đã dìu dắt bao nhiêu phật tử, bao nhiêu tăng ni đến con đường giác ngộ. Ngài là một bậc cao tăng nối bước theo đường tu của Phật Thích Ca, thành ra mình rất kính trọng và quý mến Thầy, muốn đi đến gặp Thầy, đảnh lễ Thầy, để Thầy ban những phép lành cho tôi.”

Và mặc dù không được diện kiến thiền sư, ông Hòa cũng rất hài lòng khi tìm được cảm giác an lạc giữa khung cảnh yên bình của làng Mai.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đi cùng các em nhỏ đến một chùa ở Làng Mai tại Pháp hôm 6/8/2004. AFP

Những thiền sinh đến đây tham gia các khóa tu học, ăn uống trong im lặng. Mỗi người tự rửa chén… tất cả đều diễn ra trong hoàn tĩnh lặng.
Trên các con đường im vắng xuyên qua làng, những người đi dạo trong lặng lẻ, đây đó, những nhóm thiền sinh cùng học, hát, thỉnh thoảng những tiếng chuông vang lên để nhắc nhở những giây phút  tĩnh lặng.

Một thiền sinh đến từ Toulous tham gia các khóa tu tập cho biết đến đây, ông tìm được một cảm giác an bình, hạnh phúc :

“Tôi có một cảm giác hạnh phúc, hạnh phúc của sự chia sẻ, được hòa nhập vào cộng đồng tại đây để khám phá phương thức để hòa hợp giữa tinh thần và thế xác và tìm được sự tỉnh lặng trong bản thân mình, được hiểu thêm về chính mình. Mục tiêu chính là sự chia sẻ với nhau giữa mọi người ở đây. Đúng vậy, đó là sự hạnh phúc được chia sẻ, là niềm vui. Và đặc biệt là nụ cười luôn luôn nở trên môi mà ta không tìm thấy được ở bất cứ nơi đâu, thật vậy!”
Từ các xóm nhỏ bé ở Làng Mai, pháp môn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã phát triển ra nhiều trung tâm trên thế giới như Đức, Mỹ, Thái Lan.

Với 1.250 đệ tử xuất gia và hàng triệu đệ tử tại gia khắp nơi trên thế giới, Thiền sư Thích Nhất Hạnh  đã mang đạo Bụt, đặc biệt là pháp môn chánh niệm đến với Tây Phương. 
Mục sư Martin Luther King đã vinh danh Thiền sư như là “một Thánh tông đồ của hòa bình và bất bạo động” và đề cử Thiền sư cho giải Nobel Hòa bình vào năm 1967.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thế danh Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm 1926 tại tỉnh Thừa Thiên, Huế, ra đi lúc 0 giờ [giờ Việt Nam] ngày 22/1/2022 cũng tại thành phố nơi Thiền sư đã ra đời.

Năm 2009 số lượng qúy thầy quý sư cô đệ tử của Sư Ông Làng Mai đang cư trú tại các trung tâm trên khắp thế giới đã lên tới gần 700 vị, thuộc 30 quốc tịch khác nhau. Ngoài trung tâm tu học chính Làng Mai tại Pháp, nhiều Tu viện đã được thành lập để đáp ứng được nhu cầu tu học của chúng xuất sĩ và tăng thân cư sĩ như: Tu viện Lộc Uyển, tu viện Bích Nham, tu viện Rừng Phong, trung tâm tu tập Thanh Sơn, tu viện Từ Hiếu – Diệu Trạm, Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu, chùa Đại Bi. Hiện nay trung tâm tại Úc và tại Thái Lan cũng đã được hình thành và chính thức đi vào hoạt động.

  • Tu viện Bích Nham, New York, Mỹ
  • Tu viện Lộc Uyển, California, Mỹ
  • Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu [EIAB], Đức
  • Tu viện Mộc Lan, Mississippi, Mỹ
  • Thiền đường Hơi Thở Nhẹ, Paris, Pháp
  • Làng Mai Pháp
  • Tu viện Nhập Lưu, Úc
  • Viện Phật học ứng dụng Châu Á, Hong Kong
  • Trung tâm Làng Mai Quốc tế Thái Lan

Tu viện Bích Nham, New York, Mỹ 

Tu Viện Bích Nham nằm trong vùng Hudson Valley của Tiểu bang  New York, một vùng đất cây cối xanh tươi.  Tu Viện được thành lập vào tháng 5, năm 2007. Tu viện Bích Nham, như các tu viện khác của Đạo Tràng Mai Thôn, luôn mở cửa đón nhận tất cả quý đạo hữu xa gần và quý vị từ nhiều truyền thống khác về tu học theo phương pháp Đạo Bụt nhập thế .

Tu Viện Bích Nham rộng  với 80 mẫu tây rừng cây thiên nhiên.  Không khí ở đây rất trong lành. Tu viện là một nơi tu học yên tĩnh cho các bạn thiền sinh.  Nằm gần thành phố New York và ở ngay giữa những đồi núi ngoạn mục của Tiểu bang New York , nơi đây đã trở  thành nơi lý tưởng để mọi người về tu học, chế tác niềm hỷ lạc, bình an và hài hoà trong đời sống.

Tăng thân Tứ chúng , các thầy, các sư cô và các vị cận sự nam, cận sự nữ  tại Tu Viện Bích Nham xin chào đón quý vị tới Tu viện để cùng chúng tôi tu tập phương pháp chánh niệm trong đời sống hàng ngày.

Được hình thành một nhà nghỉ mát hoạt động từ năm 1939, Tu viện Bích Nham bây giờ đã có nhiều sự đổi mới với nhiều cây cối xanh tươi, những nơi dành cho người khuyết tật và khu nhà ăn mới. Thiền đường Đại Đồng được xây dựng vào năm 2008 có sức chứa đến 800 người.

Tu viện Lộc Uyển, California, Mỹ

Tu Viện Lộc Uyển là một trung tâm thiền tập theo truyền thống Làng Mai. Tu viện nằm êm trong một thung lũng ẩn mình giữa những sườn đồi phía Tây Bắc thành phố Escondido, thuộc quận San Diego, tiểu bang California, với diện tích 400 mẫu Anh, có cảnh núi đồi hùng vĩ và những rừng cây cho nhiều bóng mát. Cách đây hơn hai ngàn sáu trăm năm, tại vườn Lộc Uyển, xứ Isipatana gần Benares [Ba-La-Nại, đức Bụt lần đầu tiên chuyển bánh xe pháp khai thị cho năm anh em ông Kiều Trần Như con đường đưa đến giác ngộ và giải thoát. Do một cơ duyên mầu nhiệm, hai ngàn sáu trăm năm sau, bánh xe pháp tiếp tục được luân chuyển tới một vùng đồi núi có cùng tên Lộc Uyển – Deer Park. Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Tăng đoàn Tu Viện Lộc Uyển cùng với sự ủng hộ của tứ chúng ở khắp nơi đã xây dựng nên một trung tâm tu học nơi đây. Tu viện đã chính thức được thành lập vào tháng 6 năm 2000. Đây là một sự sắp xếp của chư Tổ và ông bà Tổ tiên người Hoa Kỳ cũng như người Việt. Tu Viện gồm có hai xóm: Xóm Vững Chãi [Solidity Hamlet] dành cho các thầy, là vùng đất nằm phía trên đỉnh đồi, Xóm Trong Sáng [Clarity Hamlet] dành cho các sư cô, vùng đất dưới rừng sồi xanh mát. Cơ sở tuy còn đơn sơ, phòng ốc còn thiếu tiện nghi, nhưng với những bàn tay và tấm lòng của các thầy, các sư cô và các vị thân hữu cùng với năng lượng tu tập hàng ngày, Tu viện đã trở thành một nơi nương tựa cho tứ chúng về tu học. Với trên 40 vị xuất gia thường trú, Tu viện đã thường xuyên tổ chức các khóa tu học hằng năm. Về đến Lộc Uyển là về tới nhà, ngôi nhà tâm linh của tất cả mọi người. Vào những buổi sáng sớm leo lên đỉnh núi, ngồi tọa thiền trên những phiến đá bằng phẳng, tiếp xúc với đất trời và không khí trong lành, chúng ta sẽ có cơ hội trở về với chính mình trong giây phút hiện tại. Xin chúc quý vị thân hữu xa gần về đây có được những ngày tu học thật an lạc và thảnh thơi.

Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu [EIAB], Đức

Hiện nay có rất nhiều chương trình giảng dạy Phật pháp xuất sắc trong các viện đại học khắp thế giới. Tuy nhiên người ta nhận thấy rằng, hầu hết các chương trình này đều nhắm vào mục đích trao truyền cho học viên một số kiến thức về Đạo Bụt hơn là dạy cho họ những phương pháp cụ thể rút từ kho tàng giáo huấn của Bụt giúp xoa dịu những khổ đau, đem lại an lạc, hạnh phúc cho bản thân, gia đình, cộng đồng và cho toàn thế giới. Tại các nước Á châu, nơi mà đạo Bụt được truyền bá sâu rộng như Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn… việc học Phật càng lúc càng đi về hướng lý thuyết, xa rời sự thực tập.  Ở Việt Nam cũng vậy, các Phật học viện được mở ra khá nhiều nhưng cũng chỉ nhằm trao truyền một số kiến thức. Các học viên đến Viện học xong thì về lại trú xứ của mình. Đôi khi những điều học được ở trường không phù hợp với cách sinh hoạt tại chùa mình ở nên cảm thấy rất lúng túng.

Từ những dữ kiện trên và từ kinh nghiệm giảng dạy trong gần 30 năm qua cho các thiền sinh về Làng Mai tu tập, cũng như cho các thiền sinh đến tham dự những khóa tu được tổ chức khắp nơi trên thế giới, Thầy Thích Nhất Hạnh và hội đồng Giáo thọ Làng Mai nhận thấy cần phải hệ thống hóa cơ sở dạy dỗ, mới giải quyết được nhu cầu càng ngày càng tăng hiện nay cho những người có những khó khăn trong đời sống hiện đại. Nhất là có thể tạo được cơ hội cho những người muốn tiến xa hơn nữa trong vấn đề tu tập, không những để chuyển hóa các tập khí xấu cho chính mình mà còn có thể giúp được người khác chuyển hóa khổ đau.

Để chính thức hóa cũng như hệ thống hóa công việc của mình, tăng thân Làng Mai đã thành lập một học viện với tên gọi: Viện Phật Học Ứng Dụng Âu Châu [VPHUDAC].

Tu viện Mộc Lan, Mississippi, Mỹ

Tu viện Mộc Lan là trung tâm tu học theo truyền thống Làng Mai, được thành lập bởi Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Cách đây mười năm, Mộc Lan chỉ là một khu đất rộng hơn 120 mẫu tây, do một vài vị thân hữu và gia đình nhiệt tình đóng góp để mua đất. Với phong cảnh đẹp và hội đủ những điều kiện thuận lợi cho việc thành lập tu viện, tháng 10 năm 2005, Mộc Lan chính thức trở thành một trung tâm tu học với sự chấp thuận của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, đúng với mong ước và nguyện vọng của tăng thân địa phương. Hiện tại, đã có hơn 25 vị xuất sĩ thuộc tăng thân Làng Mai đến thường trú tại tu viện Mộc Lan.

Các bạn có thể đến tu học theo thời khóa hàng ngày cùng với chúng tôi tại tu viện vào bất kỳ thời gian nào trong năm, ngoại trừ những lúc có khóa tu đặc biệt. Xin lưu ý rằng chúng tôi chỉ có thể bố trí xe để đưa, đón các bạn vào ngày thứ Sáu trong tuần; và xin đến trước 17giờ 30 nếu có thể. Mỗi sáng thứ Bảy, chúng tôi sẽ có buổi hướng dẫn tổng quát dành cho các bạn thiền sinh mới đến – đây là một buổi rất quan trọng mà các bạn cần tham dự để biết cách thực tập như thế nào cho có nhiều lợi lạc trong những ngày tu học ở đây.

Thiền đường Hơi Thở Nhẹ, Paris, Pháp

Vào ngày 18 tháng 2 năm 2008, 3 thầy và 3 sư cô đã được Tăng thân Làng Mai chính thức đề cử đến chăm sóc trung tâm tu học này. Như một số quý vị đã biết, Thiền đường Hơi Thở Nhẹ là hậu thân của Thiền đường Hoa Quỳnh. Thiền đường Hoa Quỳnh theo thời gian đã trở nên cũ kỹ và nền móng bắt đầu xiêu vẹo, không đủ an toàn để cho mọi người tiếp tục sinh hoạt ở đó nữa. Và thiền đường Hoa Quỳnh đã phải đóng cửa một thời gian chờ điều kiện hội tụ để khởi công xây dựng lại. Trong thời gian đó, những thiền sinh của thiền đường vẫn giữ lấy nhịp độ sinh hoạt thường xuyên của họ, không hề gián đoạn. Họ đã tổ chức tại Evry để họp mặt sinh hoạt theo định kỳ hàng tháng. Qua đó, cái ao ước có các thầy, có các sư cô cùng tu tập chung với họ như thời còn thiền đường Hoa Quỳnh mỗi lúc mỗi cấp thiết và lan rộng. Chính vì vậy mà trải qua một thời gian không lâu sau đó, những bức tường của ngôi nhà cũ đã được đập phá xuống để xây lại. Khi cánh cổng của ngôi nhà mới được dựng lên chưa lâu, nền xi măng vẫn chưa khô, thì 2 giờ khuya hôm đó, các thầy các sư cô từ Làng Mai sau 8 giờ đồng hồ lái xe đã đến trước cổng. Khuya hôm đó các thầy các sư cô đành phải trèo qua cổng! Người trong kẻ ngoài chuyền những thùng đồ qua cổng. Đống gạch vụn từ ngôi nhà cũ trộn lẫn với đất cát và nước mưa đã hình thành lên một con đường gồ ghề và phủ bùn dày đặc từ cổng vào đến cửa của ngôi nhà mới. Các thầy các sư cô đã phải úp ngược nhiều chậu xô lót đường để có thể bước đi trên con đường trơn trợt sình lầy đó.

Quý vị có thể vào trang //maisondelinspir.org/ để biết thêm chi tiết.

Làng Mai, Pháp

Làng Mai là một trung tâm thiền tập tọa lạc tại miền Tây Nam nước Pháp được hình thành vào đầu năm 1982. Làng Mai tiếng Pháp là Village des pruniers, tiếng Anh là Plum Tree Village, gọi tắt là Plum Village. Tên chữ của Làng Mai là Đạo Tràng Mai Thôn.

Trước đây Làng Mai có tên là Làng Hồng vì ở đây có trồng nhiều cây hồng ăn trái. Sau đó 1250 cây mai thuộc loại pruniers dAgen, đã được trồng bằng tiền của các em thiếu nhi gốc Việt Nam về tu học. Mỗi em được bố mẹ cho tiền để trồng một cây. Cái tên Mai Thôn rất đẹp vì vậy cái tên Làng Hồng đã được đổi thành Làng Mai, vì thực tế ở đây chỉ có mấy chục cây hồng trong khi có tới 1250 cây mai.

Tại Làng Mai có ba ngôi chùa: Chùa Pháp Vân, Chùa Từ Nghiêm và chùa Cam Lộ. Chùa Pháp Vân là thiền viện dành cho các vị nam xuất gia. Chùa Từ Nghiêm và chùa Cam Lộ là thiền viện dành cho các vị nữ xuất gia.

Xóm Hạ được hình thành trước nhất, đó là vào ngày 28.9.1982. Xóm Hạ được đặt tên là chùa Cam Lộ, tên chữ là Mai Hoa Thôn Cam Lộ Tự. Sau khi mua Xóm Hạ được vài tháng thì Thầy [Thích Nhất Hạnh] và đại chúng mua được Xóm Thượng. Xóm Thượng trở thành chùa Pháp Vân, tên chữ là Thệ Nhật Sơn Pháp Vân Tự. Tới mùa xuân năm 1996 thì Làng Mai mua thêm được xóm Mới, đặt tên chùa Từ Nghiêm, tên chữ là Thiên Ý Thôn Từ Nghiêm Tự. Chùa Pháp Vân là thiền viện của các vị nam xuất gia, chùa Cam Lộ và chùa Từ Nghiêm là thiền viện của các vị nữ xuất gia. Sau đó nhu cầu tu tập của thiền sinh ngày càng đông, có khóa tu lên tới hàng ngàn người nên Chùa Pháp Vân có thêm Xóm Trung, Xóm Đoài, Sơn Hạ. Còn chùa Từ Nghiêm có thêm : Xóm Đầu Thôn, Xóm Lưng Đồi, và Xóm Giếng Thơm. Ngoài ra Chùa Từ Nghiêm còn có  đồi Dương Xuân và suối Dương Xuân, đây là một niềm vui lớn cho các vị thường trú.

Tu viện Nhập Lưu, Úc.

Tu viện Nhập Lưu được thành lập vào ngày 1/2/2010, nằm trong một vùng rừng núi đẹp gần Beaufort, khoảng hai tiếng lái xe từ Melbourne.

Dưới sự yểm trợ của Tăng thân cư sĩ tại Úc, 5 sư cô đã có mặt tại Úc để bắt đầu cho 3 tháng An cư đầu tiên tại Tu viện Nhập Lưu.

Quý vị có thể xem thêm chi tiết tại trang //www.nhapluu.org để biết thêm chi tiết

Viện Phật học ứng dụng Châu Á [AIAB], Chùa Liên Trì, Hong Kong.

Tháng 5 năm 2011, Tăng Thân Hong Kong may mắn được đón chào Thầy và Tăng Thân sau chuyến hoằng pháp tại Thailand và Taiwan. Tháng 11 năm 2010, Thầy và Tăng Thân cũng đã có chuyến hoằng pháp lớn tại đây sau các nước Đông Nam Á. Năm nay [2011] Thầy đến Hong Kong không tổ chức sự kiện gì như năm ngoái, nhưng sự có mặt của Thầy đã đặt nền tảng cho sự ra đời của Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Á [AIAB]. Tại ngôi Chánh Điện Chùa Liên Trì, ở đảo Lantau, ngày 1 tháng 5 năm 2011 Thầy đã giảng bài Pháp Thoại đầu tiên, bắt đầu cho sự hoạt động của AIAB. Sau bài pháp thoại là buổi lễ cúng dường Tu viện dựa trên chuyện Vua Tần-Bà-Sa-La cúng dường Tu Viện Trúc Lâm cho Tăng đoàn của Bụt ngày xưa, các vị Thí chủ cúng dường Chùa đã rưới nước rửa tay cho Thầy để công bố sự hoạt động củaTăng thân Làng Mai tại đây được bắt đầu trước sự chứng kiến và niềm hân hoan của tứ chúng.

Quý vị có thể vào trang  web của tu viện để b iết thêm chi tiết.

Trung tâm Làng Mai Quốc tế Thái Lan

Năm 2007, trong chuyến hoằng pháp về Việt Nam, Sư Ông đã cùng 80 vị xuất sĩ đặt chân đến Thái Lan dự lễ VESAK thế giới. Sư Ông và tăng đoàn đã tiếp tục gieo xuống mảnh đất này những bước chân thảnh thơi, hơi thở chánh niệm nhiệm mầu. Hai năm sau, khi nhân duyên hội tụ đầy đủ, vào ngày 9.9.2009, sư cô Linh Nghiêm – người Thái Lan đang tu học từ Làng Mai Pháp Quốc – được Sư Ông và tăng thân cử về Thái Lan cùng với năm thầy và năm sư cô khác từ Việt Nam sang để xây dựng trung tâm tu học mới trước nhu cầu khao khát lớn của những cư sĩ Thái Lan muốn được thực tập pháp môn của Làng Mai ngay trên đất Thái, một đất nước có truyền thống Phật Giáo Theravada lâu đời.

Và đến năm 2013, Trung tâm Làng Mai Quốc tế Thái Lan đã dời đến một khu đấ t mới thuộc phía đông bắc của Bangkok và chính thức đi vào hoạt động rộng rãi cho đến nay.

Quý vị có thể vào trang langmaithailan.org để biết thêm chi tiết.

Video liên quan

Chủ Đề