Nguyên nhân gây mất đoàn kết nội bộ

21/12/2021

Xây dựng đoàn kết nội bộ là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác tổ chức, đây là nhiệm vụ then chốt hàng đầu đặt nền móng vững chắc cho mọi thành công. Bởi “đoàn kết là sức mạnh vô địch” và điều đó đã trở thành chân lý, là truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Có đoàn kết ắt sẽ thành công; đoàn kết là sức mạnh, là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân ta từ xưa đến nay đã chứng minh, nếu thiếu sự đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, thì không thể nào đánh đuổi được giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.

Đoàn kết là sự kết hợp được nhiều người, mỗi người một ưu điểm riêng mà người khác không có, nên khi tất cả họ đồng tâm cùng làm một công việc thì công việc ấy sẽ được chia ra theo khả năng mà mỗi người có thể hoàn thành. Mỗi người phải biết cảm thông, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau và phấn đấu hết mình với ý nghĩ “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người” chứ không được ỷ lại cho người khác.

Đoàn kết tạo ra sức mạnh to lớn giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, rào cản, nhằm đem lại kết quả tốt đẹp cho cuộc sống và là chìa khóa vàng đem lại thành công.
Trong điều kiện hiện nay, do ảnh hưởng tác động từ mặt trái của các quan hệ xã hội, của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã làm nãy sinh nhiều vấn đề phức tạp đe dọa đến việc xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng và trong từng tổ chức. Do đó, đòi hỏi Đảng phải kịp thời đổi mới trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng và giữ vững sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng. Kịp thời phát hiện và đập tan những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ, gây mất đoàn kết trong nội bộ của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đoàn kết là vấn đề có tính chiến lược, quyết định mọi thành công”. Đây cũng chính là bài học sâu sắc và thực tiễn mà Đảng bộ Sở Tư pháp thời gian qua đã kiểm chứng. Khi nội bộ chưa thống nhất về tư tưởng, về chủ trương thì không thể có sự đoàn kết, nhất trí cao, đồng nghĩa với nó là sự bất ổn, tạo lực cản kìm hãm sự phát triển chung của Đảng bộ. Xây dựng khối đại đoàn kết tạo nên sức mạnh tổng hợp làm nền tảng, làm động lực cho Đảng bộ phát triển là yêu cầu hết sức quan trọng của Đảng bộ hiện nay và thời gian tiếp theo. Để có sự đoàn kết cần phải thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tập thể cấp ủy phải gương mẫu, đi đầu để xây dựng, tạo sự đồng thuận trên dưới một lòng, từ tập thể cấp ủy đến từng đảng viên trong Đảng bộ. Muốn vậy, cấp ủy cần sáng suốt bảo đảm sự công bằng và bình đẳng cho đảng viên trong việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm cũng như quyền lợi chính trị, quyền lợi kinh tế, chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của cán bộ, đảng viên; kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể.

Hai là, xây dựng khối đại đoàn kết trên cơ sở phê bình và tự phê bình, thẳng thắn, trách nhiệm, có tinh thần xây dựng, không né tránh khuyết điểm, không đoàn kết một chiều, không đoàn kết hình thức. Từ Chi ủy, Chi bộ đến các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Chi Hội Luật gia đều phải tạo cơ chế, cơ hội để mọi cán bộ, đảng viên phát huy tinh thần đấu tranh, góp ý trực tiếp hoặc gián tiếp vì mục tiêu chung, vì sự tiến bộ của cá nhân và tập thể Đảng bộ. Sự trao đổi thẳng thắn thể hiện tinh thần trách nhiệm, tinh thần đồng chí thương yêu lẫn nhau giúp nhau khắc phục khuyết điểm, tự vươn lên để hoàn thiện bản thân.

Ba là, khối đại đoàn kết muốn bền chặt, lâu dài, Đảng bộ cần có môi trường sống và làm việc với tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, có sự bao dung, rộng lượng, luôn tạo cơ hội cho mọi cán bộ, đảng viên có điều kiện phát triển.

QUỐC HƯNG

YênBái - Đoàn kết là sự hợp tác, chung tay, góp sức để kết thành một khối thống nhất, cả về tư tưởng lẫn hành động nhằm đem lại lợi ích, đưa tập thể ngày càng phát triển. Thực tế, nơi nào mất đoàn kết thì nội bộ lục đục, trên dưới không thống nhất. Lãnh đạo nghi ngờ nhân viên, nhân viên mất lòng tin vào lãnh đạo. Bên trong thì tinh thần rệu rã, bên ngoài thì uy tín giảm sút…

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ngày 30/10/2016 về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã cảnh báo: "Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty”. 

Mất đoàn kết gây ra hệ lụy nguy hiểm, khôn lường! Ví như vừa qua, do mất đoàn kết dẫn đến suy yếu, không ít nơi trong đó có một số cấp ủy trực thuộc Trung ương đã để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng của tập thể, cá nhân đến mức bị kỷ luật. Việc một số ban thường vụ cấp tỉnh bị cảnh cáo, cùng hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật trong nhiệm kỳ khóa XII vừa qua càng cho thấy điều đó. 

Tại Điều 8 của Quy định số 102-QĐ/TƯ ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về "Xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm” đã nêu rất rõ các hình thức kỷ luật từ khiển trách tới khai trừ khỏi Đảng đối với cán bộ, đảng viên có hành vi gây mất đoàn kết nội bộ. 

Theo đó, đảng viên có hành vi bị kích động, xúi giục, mua chuộc, lôi kéo, cưỡng ép tham gia các hoạt động gây mất dân chủ, mất đoàn kết nội bộ nhưng gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Trường hợp tái phạm hoặc vi phạm lần đầu mà gây hậu quả nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ). 

Cùng hành vi trên nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc lợi dụng quyền dân chủ để bè phái, lợi ích nhóm hoặc lợi ích cục bộ gây mất đoàn kết trong tổ chức, cơ quan, đơn vị nơi mình sinh hoạt thì sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ. 

Đây vừa là căn cứ để siết chặt kỷ cương, kỷ luật, vừa là cơ sở giúp mỗi cán bộ, đảng viên tự soi mình, tránh sa vào những hành vi gây mất đoàn kết nội bộ. Đối với mỗi cơ quan, đơn vị, nguyên nhân mất đoàn kết nội bộ đều xuất phát từ việc vi phạm Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam: kỷ luật, kỷ cương lỏng lẻo, không "thống nhất trong ý chí và hành động”; một số cán bộ, đảng viên không còn là "đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động”, động lòng tham nên vun vén cá nhân, tạo phe cánh, kèn cựa, đố kỵ lẫn nhau. 

Để trị "bệnh" mất đoàn kết, phải thực hiện nghiêm nguyên tắc xây dựng tổ chức Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Cơ quan, đơn vị phải xây dựng, ban hành đầy đủ các quy định, quy chế nội bộ, quy trình công tác chặt chẽ, rõ ràng, được công khai, minh bạch. Trong sinh hoạt Đảng, gắn với thực hành dân chủ, phải thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Tự phê bình phải chân thành, trung thực. Phê bình phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. 

Người phê bình không được lợi dụng để nói xấu; nhưng cũng không nên nể nang, né tránh, "dĩ hòa vi quý”, "dễ người dễ ta”... Người được phê bình phải thật lòng cầu thị, tiếp thu ý kiến, thực tâm chỉnh sửa. Cùng với đó, mỗi cơ quan, đơn vị cần đề cao kỷ cương, kỷ luật; chú trọng giám sát, kiểm tra thường xuyên và đột xuất; ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân; kỷ luật nghiêm minh, khen thưởng đúng người, đúng việc, công bằng, thuyết phục. Cấp trên gương mẫu, cấp dưới noi theo; cùng thấm nhuần, thực hành đạo đức cách mạng, "dĩ công vi thượng", thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.

Đây là trách nhiệm của tập thể, cá nhân lãnh đạo, của mỗi cán bộ, đảng viên từ Trung ương tới cơ sở, là liều "vắc xin" hữu hiệu giúp phòng, chống "bệnh" mất đoàn kết trong tổ chức Đảng cũng như trong đơn vị, biến đoàn kết thành "lực lượng vô địch” như Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đúc kết.

(Theo HNMO)