Nội dung của hai câu thơ Nam quốc sơn hà Nam đế cư Tiệt nhiên định phận tại thiên thư là gì

Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây

Dưới đây là một vài câu hỏi có thể liên quan tới câu hỏi mà bạn gửi lên. Có thể trong đó có câu trả lời mà bạn cần!

Cuối năm 1076, quân Tống kéo sang xâm lược nước ta. Dưới quyền thống lĩnh của Thái uý Lí Thường Kiệt, quân Nam chặn giặc tại phòng tuyến sông cầu, và đến tháng 3 năm 1077, đánh tan quân giặc. Truyền thuyết kể rằng, để khích lệ ý chí chiến đấu của quân ta và làm tan rã tinh thần quân giặc, Lí Thường Kiệt cho đọc bài thơ sau đây giữa đêm khuya trên bờ sông cầu.

Mở đầu là câu thơ khẳng định quyền độc lập tự chủ của dân tộc: Nam quốc sơn hà Nam đế cư [Sông núi nước Nam, vua Nam ở]

Nam quốc là nước Nam, xưng là quốc để xoá sạch ấn tượng bị trị trong thời kì Bắc thuộc. Từ thế kỉ X, Ngô Quyền đã đánh đuổi quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, thiết lập một nhà nước độc lập, tự chủ, nhưng bọn phong kiến phương Bắc vẫn xem đất nước ta là một quận, huyện thuộc Trung Quốc, như đã sắc phong Đinh Bộ Lĩnh làm Giao Chỉ quận vương. Cho nên vào thời Lí, việc xưng Nam quốc, Nam đế có ý nghĩa lịch sử đặc biệt.

Câu thơ nhấn mạnh một chân lí đơn giản, hiển nhiên nhưng đầy chiều sâu lịch sử sau mười thế kỉ đấu tranh của dân tộc ta, thể hiện tinh thần độc lập tự chủ, tinh thần bình đẳng dân tộc.

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

[Biên giới rõ ràng có ghi tại sách trời.]

Tiệt nhiên là rành rành, có đạo lí chính đáng không thể di dịch được; định phận là danh phận đã được xếp đặt, không thể xáo trộn được. Chủ quyền của vua Nam trên đất nước là việc có ghi sẵn trong sách trời. Thiên thư định phận cho nước Nam có bờ cõi riêng, đó là điều tiệt nhiên, là chân lí hiển nhiên.

Nếu câu thơ đầu nhấn mạnh chân lí do con người quy định, thì câu thứ hai mang tính chất thần linh chủ nghĩa, một niềm tin gần như tuyệt đối trong thời phong kiến, ý thơ như báo trước thế thắng bại giữa ta và địch. Ta sẽ thắng chẳng những do tài sức chính mình, mà còn do ý trời. Địch sẽ bại vì hành động phi nghĩa của chúng.

Chân lí Nam quốc sơn hà được củng cố thêm bằng sức mạnh siêu nhiên thiên thư định phận, nhằm khẳng định niềm tin chiến thắng của ta.

Bài thơ là quyết tâm bảo vệ đất nước, khẳng định thất bại tất yếu của địch:

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?

[Sao mà bọn giặc lại tới xâm phạm?]

Như hà là làm sao, nghịch là trái ngược, lỗ là bọn mọi rợ. Đây là một câu hỏi bao hàm thái độ vừa ngạc nhiên, vừa khinh bỉ. Ngạc nhiên vì chúng tự xưng là thiên triều sao lại làm trái mệnh trời; khinh bỉ vì chúng tự phụ là một nước có văn hiến hàng đầu, là Trung Hoa, tinh hoa của mọi dân tộc, sao lại hành động như kẻ mọi rợ, ỷ mạnh hiếp yếu.

Tư thế của ta vững vàng: ta giữ gìn biên cương, bảo vệ đất nước với đầy đủ danh phận, rõ ràng chính nghĩa. Chúng là giặc, làm trái lòng trời, làm điều càng rõ phản nghịch. Giọng thơ hùng hồn, lời thơ dõng dạc tố cáo dã tâm của giặc, vừa sỉ vả, miệt thị bọn xâm lược với tư thế kẻ bề trên nắm lẽ phải trong tay, mắng bọn ngu xuẩn, tham lam đáng khinh miệt.

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

[Lũ bây hãy xem sẽ ôm lấy thất bại, hư hỏng.]

Nhữ đẳng là cùng một lũ bây, khan tức khán là xem, thủ là nhận lấy, bại là hỏng, thua, hư là trống không, không vào đâu cả. Câu thơ là câu trả lời, nhưng không trả lời trực tiếp mà báo trước cho chúng biết số phận thua trận tan tành không manh giáp của chúng.

Câu thơ cuối cùng nối tiếp mạch thơ của ba câu trên. Không thông được chân lí của nhân gian, cũng không hiểu thiên lí của trời đất, dẫn quân xâm lăng nước người, chúng bay rồi chống mắt xem sự bại vong, tan tác một cách nhục nhã.

Bài thơ khẳng định quyền độc lập, tự chủ của dân tộc ta từ nghìn năm trước. Quyền độc lập, tự chủ này được phát triển cụ thể trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi [Mỗi bên hùng cứ một phương...], và trong Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh [Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập...]

Truyền thống lịch sử ấy xác định một chân lí: dân tộc ta luôn luôn chống ngoại xâm để bảo vệ độc lập, tự chủ trên tư thế chính nghĩa. Bọn phong kiến phương Bắc đã mười lăm lần xâm lược nước ta, gần đây là thực dân Pháp rồi đế quốc Mĩ, nhưng cuối cùng chúng cũng thất bại, bị đánh đuổi ra khỏi bờ cõi. Quả thật tinh thần quật khởi chống xâm lược ấy được phát huy từ tinh thần Nam quốc sơn hà Nam đế cư vậy.

 “Nam quốc sơn hà” là bài thơ nổi tiếng nhất trong sử Việt, được xem là lời khẳng định chủ quyền của dân tộc. Đã là người Việt thì hầu như ai cũng biết đến bài thơ này.

Nam quốc sơn hà

Mặc dù phổ biến, nhưng “Nam quốc sơn hà” có rất nhiều dị bản, ít nhất là 35 dị bản sách và 8 dị bản thần tích. Hơn nữa, bài thơ cũng không có tên, mà do người đời sau lấy bốn chữ đầu của bài thơ làm tên gọi. Thư tịch cổ nhất có chép bài thơ này là “Việt điện u linh tập”, song dị bản được nhiều người biết đến nhất lại là trong “Đại Việt sử ký toàn thư”, phần về cuộc chiến Tống – Việt lần thứ hai:

南國山河南帝居,
截然分定在天書。
如何逆虜來侵犯,
汝等行看取敗虚。

Phiên âm Hán Việt:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Bản dịch của Trần Trọng Kim:

Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành phân định tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời

Trước đây, người ta thường cho rằng “Nam quốc sơn hà” là bài thơ của Lý Thường Kiệt nhằm khẳng định chủ quyền dân tộc và khích lệ tinh thần quân sỹ trong cuộc chiến bảo vệ giang sơn chống lại quân Tống năm 1077. Tuy nhiên, trong cuộc chiến Tống – Việt lần thứ nhất của vua Lê Đại Hành, theo “Lĩnh Nam chích quái”, phần “Truyện hai vị thần ở Long Nhãn, Như Nguyệt” đã xuất hiện “Nam quốc sơn hà”. Nội dung bài thơ như sau:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư
Như hà Bắc Lỗ lai xâm lược
Bạch nhận phiên thành phá trúc dư

Dịch là:

Sông núi nước Nam vua Nam ở
Sách Trời định phận rõ non sông
Cớ sao giặc bắc sang xâm phạm?
Bây hãy chờ gươm chém bại vong

Thủy quân vua Lê Đại Hành trên sông Lục Đầu – nơi xuất hiện lời thơ “Nam quốc sơn hà”. [Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa]

Dẫu có nhiều dị bản, nhưng bản “Nam quốc sơn hà” nào cũng khẳng định việc phân định bờ cõi là dựa vào “thiên thư”, vậy “thiên thư” ở đây mang ý nghĩa như thế nào?

Thiên thư – Căn cứ để phân chia bờ cõi

Người xưa vốn kính ngưỡng trời đất, việc phân chia bờ cõi cũng là căn cứ vào trời đất. Sách Sử ký – Thiên quan thư có ghi chép rằng: “Thiên tắc hữu liệt tú, địa tắc hữu châu vực”, nghĩa là trời thì có các vì sao, đất thì có châu vực. Văn hóa cổ truyền xem sự biến hóa của thiên văn để hiểu những việc ở dưới cõi người, những điều này nằm trong học thuyết về “thiên – địa – nhân” của người xưa.

Từ thời xuân thu chiến quốc, người xưa đã cho rằng các vì sao trên trời là ứng với các châu, quốc dưới mặt đất. Các triều đại trước đây đều có các quan phụ trách về thiên văn, trong đó có nói tới 28 ngôi sao quan trọng là nhị thập bát tú chia đều ở 4 phương Bắc, Nam, Đông, Tây:

Bốn phương cụ thể là: Thanh Long [rồng xanh, ở phương Đông], Bạch Hổ [hổ trắng, ở phương Tây], Chu Tước [sẻ đỏ, ở phương Nam] và Huyền Vũ [rùa đen, ứng với phương Bắc].

Nhị thập bát tú cụ thể gồm 28 sao: “Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ, Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích, Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Túy, Sâm, Tĩnh, Quỷ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chấn”. Trong đó phương Bắc ứng với các sao “Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích”; phương Nam ứng với các sao “Tĩnh, Quỷ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn”.

Quan niệm nước ứng với sao thì dẫu là Trung Hoa hay nước ta cũng đều như vậy. Ví dụ như tại Việt Nam, năm 1833 vua Minh Mạng đã cho xây đài thiên văn để đo lại bóng mặt trời, và quan sát các vì sao trong nhị thập bát tú để duyệt lại cương vực lãnh thổ. Kết quả là Việt Nam hoàn toàn nằm trong phần của sao Dực, sao Chẩn và một phần của sao Quỷ.

Dụng cụ xem thiên văn của Đông phương thời xưa. [Ảnh qua kienthuc.net.vn]

Thời xưa, trong truyền thuyết, khi Kinh Dương Vương lên ngôi vua lập ra vương quốc đầu tiên của các thị tộc người Việt thì tên nước được chọn là “Xích Quỷ”. Nước Việt cổ thời đó rộng hơn bây giờ rất nhiều. Nhưng một số người cho rằng do truyền thuyết này mang âm hưởng tiếng Hán, với những tên như Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, hơn nữa có những sự thay đổi bất thường về mặt không gian và thời gian, nên cũng cho rằng cái tên Xích Quỷ là do người Trung Quốc đặt ra, mang ý nghĩa miệt thị người Việt là bọn quỷ đỏ.

Nhưng thật ra có một cách giải thích khác về “Xích Quỷ”, trong đó “Quỷ” là chỉ sao Quỷ, ngôi sao sáng nhất ở phía Nam trong nhị thập bát tú. Xích [赤] là từ để chỉ phương Nam thời xưa [theo từ điển Hán Việt trích dẫn]. Ngoài ra, Xích [đỏ] có thể liên quan đến học thuyết ngũ hành, giống như nhà Tần chọn màu đen vì cho rằng ứng với mệnh Thủy, nhà Hán chuộng màu đỏ vì cho rằng ứng với mệnh Hỏa nên còn gọi là Viêm Hán. Nếu quả là như vậy thì người Việt xưa cũng dựa vào thiên văn để đặt ra quốc hiệu của riêng mình.

Tương tự như vậy “Thiên thư” trong bài thơ “Nam quốc sơn hà” nếu hiểu thâm sâu hơn, chính là ý nói đến các ngôi sao trên bầu trời, ứng với cương vực của một nước, là điều được công nhận từ ngàn xưa và được xem là “ý Trời”. Người Hoa Hạ hay Bách Việt đều có tín ngưỡng vào trời đất, áp dụng học thyết “thiên – địa – nhân” vào cuộc sống hàng ngày, nên hiểu rằng “thiên thư” ấy là phép tắc vĩnh hằng mà con người cần phải viên dung theo đó.

Cũng như vậy, hai câu sau của bài thơ:

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời

không phải là một lời tuyên bố mang tính khiêu khích hay một lời cổ động tinh thần quân sĩ, mà là một lẽ hiển nhiên, bởi một khi đi ngược lại với “thiên thư”, ngược với ý Trời thì không thể thành công được.

                                                                                                                                                  Trần Hưng

Video liên quan

Chủ Đề