Phương pháp chiếu xạ có tác dụng

TTCT - Chiếu xạ thực phẩm là gì? Việc chiếu xạ có lợi ích như thế nào? Và thực phẩm được chiếu xạ an toàn đến mức độ nào? Tình hình áp dụng việc chiếu xạ ở nước ta ra sao?

Phương pháp chiếu xạ có tác dụng
Phóng to

Biểu tượng chiếu xạ Radura

Thời gian qua, việc trái thanh long được “cấp visa” vào Mỹ là bước khởi đầu tốt đẹp cho trái thanh long nói riêng và trái cây Việt Nam nói chung trên con đường xuất ngoại, thâm nhập một thị trường khó tính như Mỹ. Tuy nhiên, để có được “visa” vào Mỹ, các nhà sản xuất, xuất khẩu đã phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt do Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) đề ra. Một trong những quy định đó là bất kỳ trái cây nào nhập khẩu vào nước này đều phải qua khâu xử lý chiếu xạ để đảm bảo loại trừ sâu bệnh.

Câu chuyện xuất khẩu thanh long qua Mỹ và vấn đề chiếu xạ lại vừa trở thành một tiêu điểm được các phương tiện thông tin đại chúng quan tâm và đề cập trong thời gian gần đây.

Từ những năm 1960, kỹ thuật chiếu xạ đã bắt đầu được sử dụng vào một số thực phẩm với mục đích diệt khuẩn và loại trừ sâu bệnh. Kể từ đó, kỹ thuật này được sử dụng ngày một nhiều hơn và việc hoài nghi về hiệu quả cũng như sự an toàn của việc sử dụng phương pháp này tăng dần theo thời gian.

Chiếu xạ thực phẩm là gì?

Phương pháp chiếu xạ có tác dụng
Phóng to

Thực phẩm đã chiếu xạ với biểu tượng Radura

Chiếu xạ thực phẩm là việc sử dụng các tia bức xạ (thường là tia gamma được phát ra từ chất phóng xạ Coban 60 hoặc Xesi 137) để chiếu vào thực phẩm nhằm diệt vi khuẩn, côn trùng và một số ký sinh trùng (ngoài ra nó còn có thể có tác dụng làm chậm lại quá trình chín của trái cây cũng như ngăn chặn sự nảy mầm của củ, hạt). Các tia bức xạ này có tác dụng “bắn” vào ADN của các tế bào vi khuẩn hay vi sinh vật gây bệnh có trong thực phẩm để tiêu diệt chúng. Đôi khi phương pháp chiếu xạ này còn được gọi là phương pháp khử trùng điện tử (electronic pasteurization) hay khử trùng lạnh (cold pasteurization) vì phương pháp này không sử dụng nhiệt độ để tiệt trùng.

Theo các quy định quốc tế, thực phẩm chiếu xạ đều phải có gắn biểu tượng của việc chiếu xạ (biểu tượng Radura) trên bao bì để người tiêu dùng có thể nhận biết. Biểu tượng gồm có một vòng tròn đứt đoạn bao quanh (tượng trưng cho sự chiếu xạ), bên trong là hai cánh hoa và một chấm tròn (tượng trưng cho các loại thực phẩm), trên bao bì phải kèm theo ghi chú “sản phẩm được chiếu xạ”.

Lợi ích?

Ngày nay, việc chiếu xạ thực phẩm được thực hiện khá phổ biến vì nhiều lợi ích của kỹ thuật này mang lại như:

- Việc chiếu xạ với liều lượng thích hợp sẽ giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng thông qua việc tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh như E. coli, Salmonella.

- Việc chiếu xạ thực phẩm có lợi ích to lớn về phương diện kinh tế. Với kỹ thuật này, thực phẩm có thể được bảo quản lâu hơn, ít bị hư hao hơn (như ngăn ngừa côn trùng phá hoại, làm chậm quá trình chín của trái cây, ngăn chặn sự nảy mầm của khoai tây).

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít hoài nghi, quan ngại về tính an toàn của phương pháp này như:

- Với việc sử dụng các chất phóng xạ Coban 60 hoặc Xesi 137, liệu tính phóng xạ của chúng có làm thực phẩm nhiễm phóng xạ và trở thành “thực phẩm phóng xạ” hay không?

- Sau khi sử dụng, liệu các chất thải phóng xạ được tạo thành có ảnh hưởng đến môi trường sống?

- Sau khi chiếu xạ, liệu thành phần hóa học của thực phẩm có bị thay đổi? Hương vị, chất bổ dưỡng có bị mất bớt? Có tạo thành các chất độc hại trong quá trình chiếu xạ không?

Thật ra, phần lớn những lo ngại này là rất ít có cơ sở, nếu việc áp dụng quá trình chiếu xạ tuân thủ các quy định đề ra, vì những lý do sau:

- Trong quá trình chiếu xạ, thực phẩm không hề tiếp xúc với chất phóng xạ mà chỉ bị chiếu tia gamma phát ra từ các chất phóng xạ, do đó không thể bị nhiễm và trở thành “thực phẩm phóng xạ” được.

- Việc chiếu xạ đúng liều lượng trong một số trường hợp cũng có thể làm mất đi một phần nhỏ các vitamin nhóm B, vitamin A, C, E, K, các amino acid và các acid béo không no, nhưng tựu trung không ảnh hưởng đến chất lượng, giá trị dinh dưỡng của thực phẩm.

- Hương vị, hình thức của thực phẩm đã được chiếu xạ hoàn toàn giống như thực phẩm chưa chiếu xạ. Người tiêu dùng chỉ có thể nhận biết và chọn lựa để sử dụng thông qua biểu tượng Radura và các ghi chú trên bao bì.

- Cũng chưa ghi nhận được các chất độc hại có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng được tạo thành sau khi chiếu xạ thực phẩm.

- Thêm vào đó, các cơ sở sử dụng công nghệ chiếu xạ thực phẩm nếu vận hành theo đúng các quy định an toàn sẽ không gây ảnh hưởng có hại đến sức khỏe của công nhân trực tiếp làm việc. Các chất thải phóng xạ sau khi sử dụng xong, nếu được xử lý, quản lý đúng các quy chế thì sẽ không gây hại đến môi trường.

Cũng cần nói thêm là từ năm 1972, Cơ quan NASA Hoa Kỳ đã cho chiếu xạ tất cả thực phẩm được sử dụng trong các chuyến du hành vũ trụ. Nhiều tổ chức và hiệp hội khoa học cũng lên tiếng ủng hộ và xác nhận tính chất an toàn của việc sử dụng phương pháp này như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO), Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), và Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng thực phẩm chiếu xạ cần được bảo quản và chế biến cẩn thận tuân theo các quy tắc an toàn vệ sinh thực phẩm như thực phẩm không chiếu xạ, vì sau khi chiếu xạ thực phẩm vẫn có thể bị nhiễm các mầm bệnh (do vậy thực phẩm nên được đóng gói trước khi chiếu xạ).

Ở Việt Nam, việc chiếu xạ nói chung cho các mục đích khoa học (như chiếu xạ cắt mạch các hợp chất cao phân tử) và việc chiếu xạ trên thực phẩm nói riêng hiện chủ yếu còn ở dạng thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. Chỉ có việc chiếu xạ cho thanh long xuất khẩu là được áp dụng ở quy mô thương mại. Cho đến nay mới có một cơ sở chiếu xạ duy nhất hoạt động (Công ty CP Sơn Sơn, TP.HCM, do ông Trầm Bê làm chủ tịch hội đồng quản trị. Hệ thống này hiện ngừng hoạt động. Tuy nhiên, việc nhập và đưa vào hoạt động các thiết bị này lại không đơn giản vì giá thành đầu tư cho mỗi hệ thống lên đến cả triệu USD. Hơn nữa, các thủ tục liên quan đến việc nhập và vận hành thiết bị này rất phức tạp (vì liên quan đến việc sử dụng nguồn phóng xạ như Coban 60 hoặc Xesi 137).

Trong tương lai, với xu hướng hội nhập toàn cầu, việc chiếu xạ thực phẩm cũng như nhập khẩu thực phẩm chiếu xạ chắc chắn sẽ ngày một phổ biến hơn ở nước ta. Đây cũng là một hướng đi đầy triển vọng cho các nhà sản xuất và xuất khẩu thực phẩm, cũng như những nhà đầu tư tiềm năng quan tâm đến lĩnh vực thiết bị chiếu xạ.

(HNM) - Tôi đọc báo được biết, các hoa quả đặc sản của Việt Nam khi xuất sang Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… đều đòi hỏi phải được chiếu xạ. Vậy xin hỏi, chiếu xạ thực phẩm (CXTP) là gì? Chiếu xạ mang lại những lợi ích gì cho thực phẩm? - Vũ Văn Đồng (Long Biên, Hà Nội)

Trả lời: Theo Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, CXTP là công nghệ sử dụng năng lượng bức xạ ion hóa để xử lý thực phẩm nhằm nâng cao chất lượng vệ sinh và an toàn thực phẩm. Thực phẩm chiếu xạ đã được chứng minh là lành tính và mang lại những lợi ích kinh tế - xã hội to lớn. Tuy nhiên, cũng giống như các công nghệ chế biến và bảo quản thực phẩm bằng hóa học hoặc bằng nhiệt, công nghệ CXTP cũng đòi hỏi cơ sở chiếu xạ và cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm phải tuân thủ những yêu cầu nhất định về liều chiếu, quy cách sản phẩm và điều kiện lưu kho, vận chuyển và chế biến thực phẩm sau khi chiếu xạ. Chiếu xạ mang lại hai lợi ích chủ yếu cho thực phẩm, đó là: Thứ nhất: Giúp kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm. Nếu như đông lạnh chỉ có khả năng ức chế sự phát triển của vi sinh vật thì tia bức xạ có tác dụng gây tổn thương cơ chất di truyền (phân tử AND) làm bất hoạt khả năng sinh sản của vi sinh vật. Nhờ đó, sau khi chiếu xạ, các vi sinh vật gây bệnh cho người và các vi sinh vật gây hại cho thực phẩm bị bất hoạt. Quá trình tương tác giữa bức xạ và thực phẩm chỉ tạo ra một lượng nhiệt không đáng kể nên chiếu xạ diệt được vi khuẩn nhưng không làm chín, không làm mất các chất dinh dưỡng và không làm biến dạng bao gói thực phẩm bằng plastic… Nhờ các hiệu ứng đó, thực phẩm chiếu xạ trở nên vệ sinh và an toàn hơn, chất lượng dinh dưỡng được ổn định, thời gian sử dụng của thực phẩm được kéo dài… tạo thuận lợi cho khâu lưu trữ và phân phối tới các thị trường xa, trái thời vụ.

Thứ hai: CXTP góp phần ngăn chặn sự lây lan nhiều dịch bệnh ngũ cốc, hoa quả, thịt, trứng, sữa, hải sản… là môi trường khu trú thích hợp cho nhiều vi khuẩn, côn trùng, ký sinh trùng gây bệnh. Khu trú trên thực phẩm, các mầm bệnh này rất dễ lây lan sang người sử dụng hoặc sang các vùng địa lý khác nhau. Vì vậy, chiếu xạ trước khi thực phẩm được xuất đi tiêu thụ là một biện pháp kiểm dịch hữu hiệu góp phần ngăn chặn đáng kể sự lây lan, làm giảm sự thiệt hại về nhân mạng và kinh tế. Ví dụ, từ năm 1970 đến 1982, khi phương pháp thanh trùng sữa tươi bằng bức xạ ion hóa ở Scotland được áp dụng đã giúp giảm thiểu số người bệnh do sữa gây ra từ 3.500 xuống còn 12 trường hợp. Vì vậy, thanh trùng bức xạ sữa ngày nay đã trở thành phương pháp phổ biến.