Sức mạnh thị trường đáng kể là gì

Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

Trong những năm gần đây, vấn đề kiểm soát hành vi của doanh nghiệp thống lĩnh trên thị trường đã thu hút nhiều sự quan tâm, chú ý. Mặc dù thực tiễn thực thi pháp luật cạnh tranh giữa các quốc gia trên thế giới có sự khác biệt đáng kể, tuy nhiên, các cơ quan cạnh tranh đều chung quan điểm cho rằng, chỉ nên áp dụng các quy định kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh đối với những doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể. Hành vi lạm dụng của doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể gây thiệt hại cho người tiêu dùng và làm suy giảm cạnh tranh lớn hơn so với hành vi lạm dụng của doanh nghiệp không có hoặc có sức mạnh thị trường không đáng kể.

Do đó, quá trình thực thi các quy định về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường đòi hỏi cơ quan cạnh tranh và tòa án phải phân biệt rõ giữa doanh nghiệp có và không có sức mạnh thị trường đáng kể. Tuy nhiên, trên thực tế nhiệm vụ này không hề đơn giản. Để xác định sức mạnh thị trường có đạt ngưỡng cấu thành hành vi lạm dụng hay không, không thể chỉ sử dụng một phép phân tích kinh tế duy nhất. Thay vào đó, các cơ quan cạnh tranh và tòa án phải xem xét hàng loạt các chứng cứ khác nhau, đa phần là chứng cứ gián tiếp để xác định doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể hay không.

Bài phân tích này xem xét cách thức mà các cơ quan cạnh tranh sử dụng các loại chứng cứ để xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp.

Khái niệm “sức mạnh thị trường đáng kể”

Luật cạnh tranh và thực tiễn tư pháp sử dụng một loạt các thuật ngữ và định nghĩa khác nhau để xác định doanh nghiệp là đối tượng áp dụng các quy định về hành vi lạm dụng, bao gồm khái niệm “thống lĩnh”, “độc quyền” và “mức độ đáng kể sức mạnh thị trường”. Bất chấp tên gọi của nó là gì, các hệ thống thực thi cạnh tranh khác nhau đều đồng nhất quan điểm nên áp dụng các quy định về hành vi lạm dụng đối với doanh nghiệp có “sức mạnh thị trường đáng kể”.

“Sức mạnh thị trường đáng kể” tồn tại khi sức ép cạnh tranh của các doanh nghiệp khác đối với doanh nghiệp thống lĩnh là không hiệu quả. Trong trường hợp này, mọi quyết định của doanh nghiệp thống lĩnh đối với giá cả và sản lượng của riêng họ đều có thể ảnh hưởng đến toàn thị trường. Để phân biệt giữa sức mạnh thị trường “bình thường”, không đáng kể và loại sức mạnh thị trường cần tăng cường giám sát theo các quy định về hành vi lạm dụng, việc xác định tính bền vững của sức mạnh thị trường, nghĩa là việc duy trì sức mạnh thị trường trong một khoảng thời gian tương đối dài là khá quan trọng. Đánh giá tính bền vững của sức mạnh thị trường cho thấy phân tích rào cản gia nhập và mở rộng thị trường là một bước quan trọng trong việc xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp.

Vai trò của việc phân tích rào cản gia nhập thị trường

Rào cản gia nhập thị trường là một yếu tố quan trọng nhất được sử dụng trong đánh giá sức mạnh thị trường của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp không thể duy trì sức mạnh thị trường trong một khoảng thời gian dài, nếu các doanh nghiệp khác có thể gia nhập hoặc mở rộng thị trường, do đó sức mạnh thị trường hiện có sẽ không bền vững. Vì vậy, phân tích rào cản gia nhập và mở rộng thị trường là điều kiện cần, nhưng không phải là điều kiện đủ để xác định sức mạnh thị trường đáng kể. Thị trường vẫn có thể cạnh tranh hoặc đặc thù bởi sự cạnh tranh mạnh mẽ về giá bất chấp rào cản gia nhập thị trường cao.

Để đánh giá rào cản gia nhập thị trường, đòi hỏi phải phân tích kỹ lưỡng khả năng, cường độ và tính kịp thời của việc gia nhập và mở rộng thị trường. Cơ quan có thẩm quyền có thể kết luận vội vàng và không chính xác rằng rào cản gia nhập thị trường thấp trong khi rào cản có thể tồn tại, nhưng thực tế chưa làm hạn chế sức mạnh thị trường. Ngược lại, cũng có nguy cơ sự tồn tại của các rào cản gia nhập thị trường được thừa nhận dựa trên cơ sở mức thị phần cao, mặc dù chưa đáp ứng các điều kiện đủ.  

Có một số loại chứng cứ gián tiếp cho phép cơ quan cạnh tranh và tòa án đưa ra kết luận về mức độ và tính bền vững của sức mạnh thị trường dựa trên đặc điểm cấu trúc thị trường. Các chứng cứ gián tiếp quan trọng khác bao gồm điều kiện cạnh tranh trên thị trường và sức mạnh đối kháng của người mua. Một khách hàng có tiềm lực kinh tế mạnh có thể loại bỏ khả năng một doanh nghiệp lạm dụng sức mạnh thị trường và thực hiện các hành vi phản cạnh tranh. Sức mạnh người mua thể hiện rõ nhất khi người mua có quyền lựa chọn thay thế hiệu quả, chẳng hạn như nhờ khả năng chuyển sang nhà cung cấp khác, khả năng tích hợp theo chiều dọc, hoặc “tài trợ” cho việc gia nhập thị trường của một nhà cung cấp mới. Do vậy, sức mạnh của người mua có thể tác động ở một mức độ nhất định đối với rào cản gia nhập và mở rộng thị trường. Thêm vào đó, nguy cơ người mua chuyển sang nhà cung cấp khác có thể tạo sức ép đáng kể đối với nhà cung cấp đang bán phần lớn sản phẩm của họ cho một người mua duy nhất. Hành vi lạm dụng phản cạnh tranh, chẳng hạn như hành vi ràng buộc tất cả các nhà phân phối đang hoạt động trên thị trường, bản thân nó cũng có tác động như một rào cản gia nhập hoặc mở rộng thị trường, do đối thủ cạnh tranh không thể tìm thấy các nhà phân phối thay thế hiệu quả về mặt chi phí.

Vai trò của việc phân tích thị phần

Mặc dù thị phần không phải là đại diện cho sức mạnh thị trường, tuy nhiên nó vẫn giữ vai trò quan trọng trong đánh giá sức mạnh thị trường của doanh nghiệp.

Thứ nhất, dữ liệu thị phần đúng nghĩa phải phụ thuộc vào khả năng xác định thị trường liên quan một cách chính xác, trong khi ranh giới thị trường rất khó phân định, dữ liệu về mức độ tích tụ thị trường không có chuẩn mực. Vấn đề này càng bộc lộ rõ hơn trong việc đánh giá vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh của doanh nghiệp, do pháp luật và chính sách cạnh tranh chưa đưa ra được mô hình kinh tế áp dụng chung để xác định thị trường liên quan khi một doanh nghiệp lạm dụng sức mạnh thị trường và tăng giá. Mặc dù trong trường hợp này có thể xác định thị trường liên quan dựa trên “mức giá cạnh tranh hoặc mức giá phổ biến”, tuy nhiên phương pháp này tiềm ẩn nhiều rủi ro mang lại kết quả không chính xác và thiếu tin cậy.

Thứ hai, ngay cả khi xác định thị trường liên quan chính xác, thì thị phần cao cũng không nhất thiết phản ánh sức mạnh thị trường đáng kể. Mối tương quan giữa thị phần và sức mạnh thị trường còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như phản ứng của đối thủ cạnh tranh và người tiêu dùng khi một doanh nghiệp hạn chế sản lượng, nguyên nhân doanh nghiệp duy trì mức thị phần cao, và các điều kiện khác làm hạn chế khả năng tăng giá có lợi nhuận của doanh nghiệp. Những yếu tố này đôi khi còn liên quan chặt chẽ hơn trong việc xác định sức mạnh thị trường so với yếu tố thị phần. Chính vì vậy, nếu chỉ có mức thị phần cao thì chưa đủ để kết luận doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể. 

Tuy nhiên, thị phần có thể là bước đầu tiên trong phân tích cạnh tranh. Đặc biệt, nó giúp cho người ra quyết định phán đoán liệu vụ việc đang xem xét có nhiều khả năng xảy ra các vấn đề về độc quyền nhóm hoặc liên quan đến hành vi lạm dụng hay không, do đó lái cuộc điều tra đi đúng hướng.

Mặc dù vậy, suy đoán “sức mạnh thị trường đáng kể” dựa trên cơ sở thị phần phải được sử dụng hết sức thận trọng. Do số liệu thị phần phụ thuộc rất nhiều vào việc xác định chính xác thị trường liên quan, và chỉ riêng mức thị phần cao không đủ tin cậy để kết luận về sức mạnh thị trường đáng kể, nên vẫn có rủi ro phán đoán theo cách này sẽ gộp cả những doanh nghiệp không có sức mạnh thị trường đáng kể.

Ngoài ra, phán đoán sức mạnh thị trường dựa trên thị phần còn dẫn đến rủi ro làm ảnh hưởng mạnh đến quá trình phân tích các yếu tố khác. Cụ thể, khi đã thỏa mãn với kết quả phán đoán dựa trên thị phần, người ra quyết định sẽ phân tích các chứng cứ còn lại một cách có lựa chọn để nhằm kiểm chứng phán đoán. Ngược lại, phán đoán dựa trên thị phần với ngưỡng thị phần cao bất hợp lý có thể tạo ra “ngưỡng an toàn” [safe habours] có lợi cho những doanh nghiệp có thể đang có sức mạnh thị trường đáng kể, do đó có khả năng thực hiện hành vi lạm dụng gây hại cho người tiêu dùng.

Trên thực tế, phán đoán dựa trên thị phần phụ thuộc rất nhiều vào việc nó được sử dụng như thế nào và ảnh hưởng ra sao đến việc phân tích các chứng cứ khác về sức mạnh thị trường đáng kể. Thị phần có thể hữu ích trong việc xây dựng “ngưỡng an toàn”, mặc dù cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn thống nhất đâu là ngưỡng thị phần hợp lý cần thiết lập mà không quá cao. Tuy nhiên, ngưỡng an toàn có thể khiến doanh nghiệp vững tin và giúp phát huy hiệu quả. Thêm vào đó, giả thuyết dựa trên thị phần có thể rất hữu ích nếu nó được sử dụng để chỉ ra rằng vụ việc đòi hỏi phân tích sâu hơn, mà không ảnh hưởng đến tính thấu đáo và kết quả của quá trình phân tích đó.

Chứng cứ trực tiếp về “sức mạnh thị trường đáng kể”

Chứng cứ trực tiếp về sức mạnh thị trường đáng kể, chẳng hạn như tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp, độ co giãn của cầu theo giá...không được sử dụng thường xuyên trong phân tích vụ việc về hành vi lạm dụng. Phương pháp đo lường trực tiếp sức mạnh thị trường đòi hỏi rất nhiều số liệu, thậm chí nếu các số liệu cần thiết này có sẵn thì chúng cũng thường được diễn giải khác nhau, do đó sẽ không xác định chắc chắn doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể hay không. Tuy nhiên, bằng chứng trực tiếp có thể hữu ích, giúp hỗ trợ xác định sức mạnh thị trường đáng kể trong một số trường hợp thích hợp, nếu nó được sử dụng đồng thời cùng với các bằng chứng khác.

 

Đánh giá độ co giãn của cầu là một phương pháp kinh tế đo lường trực tiếp sức mạnh thị trường của doanh nghiệp. Độ co giãn của cầu là tỷ lệ phần trăm thay đổi lượng cầu đối với một sản phẩm nhất định ứng với một phần trăm thay đổi giá của mặt hàng đó. Đánh giá độ co giãn của cầu của một sản phẩm giúp đo lường phản ứng của người tiêu dùng trước sự thay đổi giá sản phẩm và mức độ ảnh hưởng của doanh số bán hàng của một doanh nghiệp đến sự thay đổi doanh số bán hàng của các đối thủ cạnh tranh. Một doanh nghiệp sẽ có độ co giãn của cầu theo giá thấp hơn [nghĩa là, cầu ít co giãn hơn], nếu các đối thủ cạnh tranh không thể phản ứng một cách hiệu quả bằng cách tăng sản lượng bán nhằm đáp lại sự tăng giá hoặc giảm sản lượng của doanh nghiệp đó. Do vậy, nếu độ co giãn của cầu theo giá thấp chứng tỏ doanh nghiệp có sức mạnh thị trường lớn hơn. Mặc dù về nguyên tắc, phương pháp này có thể cho bằng chứng đánh giá sức mạnh thị trường một cách chính xác và đáng tin cậy hơn so với việc sử dụng phương pháp xác định thị trường liên quan và thị phần, tuy nhiên nó cũng kéo theo một loạt các vấn đề như đòi hỏi phải thu thập một lượng lớn dữ liệu và những khó khăn trong việc xác định một doanh nghiệp với mức độ quyền lực thị trường nhất định liệu có đạt sức mạnh thị trường đáng kể theo quy định của pháp luật cạnh tranh hiện hành hay không. Thêm vào đó, độ co giãn của cầu không đề cập đến mối quan hệ giữa giá cả và chi phí cận biên dài hạn là những yếu tố có thể liên quan chặt chẽ hơn trong đánh giá tính bền vững của sức mạnh thị trường của doanh nghiệp.

Tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp đôi khi cũng được xem xét, đánh giá xem có phù hợp với việc kết luận doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể hay không. Tuy nhiên, phương pháp này cũng gây quan ngại đáng kể, trong đó bao gồm khó khăn trong việc thu thập số liệu lợi nhuận chính xác từ dữ liệu kế toán, bất cập trong việc thiết lập định mức cạnh tranh để so sánh, khả năng lợi nhuận trên mức cạnh tranh có thể thu được nhờ các yếu tố khác ngoài sức mạnh thị trường đáng kể, bền vững, và khó khăn trong thu thập dữ liệu về tỷ suất lợi nhuận dài hạn. Do đó, dữ liệu về tỉ suất lợi nhuận cũng chỉ có vai trò hạn chế trong phân tích, đánh giá sức mạnh thị trường đáng kể. 

Tuy nhiên, nếu lợi nhuận cao liên tục và phù hợp với các chứng cứ khác, thì trong một số trường hợp nhất định nó cũng có thể được sử dụng như một chỉ số về sức mạnh thị trường đáng kể. Một số cơ quan cạnh tranh đã chỉ ra rằng lợi nhuận cao bất thường có thể liên quan đến một ngành công nghiệp hàng hóa đã trưởng thành, đòi hỏi vốn lớn mà trong đó yếu tố thương hiệu, sự cải tiến công nghệ và quảng cáo không quan trọng, mà sự đầu tư là nhằm kiếm lợi. Thêm vào đó, tỉ suất lợi nhuận thấp không nhất thiết được coi là bằng chứng về sự thiếu vắng sức mạnh thị trường đáng kể, do nó có thể là kết quả hoạt động kém hiệu quả của doanh nghiệp.

Hành vi của doanh nghiệp cũng có thể được coi là bằng chứng trong phân tích sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hành vi tự nó không thể trở thành chứng cứ về sức mạnh thị trường đáng kể nếu không phân tích hoàn cảnh và điều kiện phát sinh hành vi. Phân tích hành vi phân biệt giá [việc áp dụng các mức giá khác nhau đối với các khách hàng khác nhau cho một giao dịch giống nhau] minh họa khá rõ cho luận điểm này. Phân biệt giá là hành vi diễn ra phổ biến trong thực tế, và có thể hoàn toàn tương thích với một thị trường cạnh tranh. Do vậy, hiện tượng doanh nghiệp thực hiện hành vi phân biệt giá tự nó không thể chứng minh rằng doanh nghiệp có một mức độ sức mạnh thị trường cần phải kiểm soát theo các quy định về hành vi lạm dụng. Tuy nhiên, nó cũng không loại trừ khả năng hành vi phân biệt giá diễn ra liên tục và có hệ thống trong những trường hợp nhất định cũng có thể là một chỉ số cho thấy doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể.

Cơ quan cạnh tranh và tòa án đồng thời cũng nên coi hành vi của doanh nghiệp như một bằng chứng liên quan về việc doanh nghiệp thiếu sức mạnh thị trường. Chẳng hạn, trong các cuộc đấu thầu giành khách hàng khi các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn giành được những khách hàng mới hoặc doanh nghiệp bị coi là thống lĩnh/độc quyền buộc phải giảm giá để gia nhập thị trường, điều đó không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể.

Vai trò của việc phân tích tác động phản cạnh tranh

Phân tích sức mạnh thị trường là một nhiệm vụ quan trọng trong điều tra các vụ việc liên quan đến hành vi lạm dụng. Nếu doanh nghiệp không có sức mạnh thị trường đáng kể, thì không cần phải xem xét các tác động phản cạnh tranh. Tuy nhiên, phân tích sức mạnh thị trường chỉ là một bước trong phân tích hành vi lạm dụng của doanh nghiệp. Thậm chí, nếu doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể, thì cơ quan cạnh tranh vẫn phải chứng minh hành vi của doanh nghiệp có tác động phản cạnh tranh. Bằng chứng về sức mạnh thị trường của doanh nghiệp không thể rút ngắn quá trình phân tích đầy đủ tác động cạnh tranh của hành vi trước khi chứng minh vi phạm.

Thậm chí có quan điểm cho rằng tác động cạnh tranh phải đóng vai trò trực tiếp hơn trong phân tích và có vị trí quan trọng hơn so với thị phần và các yếu tố cấu trúc khác và rằng đánh giá sức mạnh thị trường chỉ nên là một cấu thành trong phân tích tổng thể về vụ việc lạm dụng, chứ không phải là một bước phân tích sơ bộ. Tuy nhiên, phân tích riêng biệt về sức mạnh thị trường của doanh nghiệp cũng có một ý nghĩa nhất định.

Phân tích riêng biệt về sức mạnh thị trường có thể giúp những người ra quyết định cân nhắc, đánh giá vụ việc trong trường hợp việc phân tích tác động phản cạnh tranh khó có khả năng thực hiện hoặc không khả thi. Hơn nữa, nếu không tham chiếu đến các thị trường nơi diễn ra cạnh tranh, thì có rủi ro trong nhiều trường hợp không thể phân biệt giữa thiệt hại đối với quá trình cạnh tranh và thiệt hại đối với đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh đó, trong trường hợp cơ quan cạnh tranh hoặc tòa án đánh giá tác động tiềm ẩn của một hành vi nào đó, thì điều tra sức mạnh thị trường là một bước cần thiết để dự đoán tác động cạnh tranh có thể xảy ra. Cuối cùng, nếu cơ quan cạnh tranh sử dụng các bằng chứng được cung cấp qua chương trình khoan dung để chứng minh tác động phản cạnh tranh mà bỏ qua một bước riêng biệt đánh giá sức mạnh thị trường đáng kể, thì ngưỡng can thiệp có thể giảm xuống, do đó sẽ có nhiều khả năng hành vi không gây hại cho phúc lợi của người tiêu dùng vẫn sẽ bị buộc tội.

Nguồn: “Substantial market power and competition”, OECD Policy Brief, Sep. 2008, www.oecd.org.

Hoàng Thị Thu Trang

Video liên quan

Chủ Đề