Vì sao phải bảo vệ môi trường biển và đại dương

NTTU – Việt Nam có hơn 1 triệu km2 diện tích mặt nước biển, gấp 3 lần diện tích đất liền; có bờ biển dài 3.260km; hơn 2.770 đảo ven bờ cùng hàng loạt các bãi tắm đẹp từ Bắc vào Nam. Các vùng ven biển hằng năm thu hút khoảng 70% số lượng khách quốc tế và 50% khách nội địa, mang lại 70% doanh thu cho ngành du lịch cả nước.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biển có vai trò, vị trí rất quan trọng, gắn bó mật thiết và ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của nước ta.

Nhưng hiện nay, môi trường biển nước ta bị ô nhiễm lên đến mức báo động. Vấn đề này có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau. Hàng ngày con người đã thải ra một lượng rác rất lớn và gây ảnh hưởng đến sự bình yên của biển cả. Hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư đồng bộ, cho nên nguồn nước thải tại các khu vực này chủ yếu được xả thẳng ra đại dương; du khách xả rác bừa bãi trên các bãi tắm; rác thải chỉ xử lý bằng phương pháp chôn lấp; các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại các khu du lịch biển lơ là trong công tác vệ sinh môi trường… Sau tất cả, chúng ta đang biến biển cả thành thùng rác khổng lồ.

Sinh viên Đại học Nguyễn Tất Thành tham gia làm sạch môi trường tại Khu du lịch Đá Vàng, Bình Thuận

Không chỉ riêng Việt Nam, vấn đề khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển ở nhiều khu vực, quốc gia đang đứng trước những thách thức. Nhiều nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường biển nhiều nơi bị ô nhiễm đến mức báo động đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng, cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội của nhiều quốc gia.

Biển có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh tồn của loài người. Bảo vệ biển là bảo vệ môi trường chung của nhân loại, tức là bảo vệ tương lai của loài người. Chính vì thế, trong đợt Hội trại truyền thống NTTU 2019 với chủ đề “Tự hào tuổi 20” nhân kỉ niệm 88 năm thành lập Đoàn TNCS HCM, sinh viên Đại học Nguyễn Tất Thành đã cùng chung tay thực hiện một công việc vô cùng văn minh đó là dọn rác ở Khu du lịch Đá Vàng tỉnh Bình Thuận.

Hành động đã cũng tạo được sức lan tỏa sâu rộng, khi quy tụ được đông đảo đoàn viên, thanh niên; thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là cộng đồng dân cư sinh sống tại khu vực ven biển.

Không chỉ dừng lại ở số rác được thu gom hay số lượt người tham gia mà hiệu quả của hành động được nhìn thấy bằng hình ảnh những bãi biển xanh, sạch thay vì ngập trong rác thải. Điển hình, Bình Thuận vốn nổi tiếng với những bãi biển trải dài thơ mộng, là điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế, nhưng những năm gần đây lại đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, chủ yếu là do rác thải sinh hoạt của người dân, của khách du lịch sau mỗi kì nghỉ lễ.

Nhận thức được bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp bách, Đoàn viên, sinh viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành, đã chung tay giữ gìn, bảo vệ môi trường, cũng như giúp sinh viên Trường ngày càng nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh…

Nào, chúng ta hãy cùng chung tay làm sạch biển trong khả năng của mình bạn nhé!

Đại học Nguyễn Tất Thành

Ảnh: NTTU và Internet

Nhờ có 71% diện tích biển và đại dương bao phủ bề mặt mà môi trường Trái đất có những điểm khác cơ bản so với các hành tinh khác trong hệ Mặt trời. Biển và đại dương được các nhà khoa học công nhận là cội nguồn của sự sống trên Trái đất. Không có biển và đại dương, cuộc sống như được biết hôm nay có thể không tồn tại [Seibol và Berger, 1989]. Bởi lẽ, biển và đại dương có nhiều chức năng quan trọng liên quan tới sự sống của Trái đất. Nó hoạt động với tư cách là một "cỗ máy điều hoà nhiệt độ" và "cỗ lò sưởi" khổng lồ có tác dụng điều chỉnh cân bằng các cực từ nhiệt độ thịnh hành trên Trái đất và làm dịu các ảnh hưởng khốc liệt của thời tiết như mưa bão, lũ, lụt, khô hạn,... Thiếu biển và đại dương, các đại lục sẽ trở thành các sa mạc khô cằn, môi trường sống của loài người trên Trái đất sẽ khắc nghiệt hơn.

Trong bối cảnh loài người đang phải đối mặt và nỗ lực ứng phó với những tác động khôn lường của biến đổi khí hậu, thì biển và đại dương một lần nữa lại chứng tỏ vai trò quan trọng toàn cầu của nó. Hiện nay, đại dương và biển có khả năng thu và lưu giữ được 30% lượng CO2thừa trong nhóm khí nhà kính từ bầu khí quyển của Trái đất và nếu làm cho đại dương lành mạnh hơn thì khả năng này tiếp tục tăng lên.

Sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên: Trong số những lợi ích mà biển mang lại, các yếu tố môi trường biển, các Hệ sinh thái và Đa dạng sinh học đóng vai trò đặc biệt quan trọng, luôn đan xen giữa lợi ích trước mắt và lâu dài theo đúng nghĩa của nó. Đây là nguồn tài nguyên tái tạo, là nền tảng đối với phát triển bền vững các ngành kinh tế sinh thái [ecosystem-based economy] của đất nước. Cho nên, có thể nói sự "trường tồn của biển cả" sẽ phụ thuộc vào việc sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên biển.

Giảm thiểu suy thoái và ô nhiễm môi trường biển và vùng ven biển: Chú trọng phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm biển kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; tăng cường bảo tồn Đa dạng sinh học, chú trọng sử dụng hợp lý các tài nguyên thiên nhiên và kết hợp phát huy nội lực với tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tăng cường thực thi Luật Bảo vệ môi trường [2004] liên quan tới quy định các hành vi huỷ hoại môi trường bị nghiêm cấm trong các điều 14 - 16, 20 - 29,... áp dụng cho vùng biển.

Quản lý tổng hợp và thống nhất đối với biển và hải đảo: thông qua áp dụng và thực thi các giải pháp và giải quyết các vấn đề mang tính liên ngành, liên cơ quan, liên vùng, liên kết với cộng đồng và các bên liên quan [stakeholder] và quản lý không gian biển [marine spatial management] dựa trên cách tiếp cận hệ sinh thái [ecosystem-based approach]. Mục đích chung của quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo là: đảm bảo phát triển đa ngành, sử dụng đa mục tiêu [tối ưu hoá] và bảo đảm đa lợi ích [các bên cùng có lợi] giữa nhà nước, lĩnh vực tư nhân, các bên liên quan và cộng đồng địa phương, cũng như giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích giữa các ngành trong quá trình khai thác sử dụng các hệ thống tài nguyên - môi trường biển, ven biển và hải đảo.

Tăng cường kiểm soát môi trường biển và vùng ven biển: Phương thức này bao gồm các công cụ pháp lý liên quan đến hệ thống kiểm tra, kiểm soát, cưỡng chế thực thi [kiểm soát liên ngành], chủ yếu như: tiêu chuẩn môi trường, đánh giá tác động môi trường [ĐTM] và đánh giá môi trường chiến lược [ĐMC], quan trắc cảnh báo môi trường, xác định các điểm nóng môi trường hoặc ô nhiễm, các loại giấy phép và biện pháp kiểm soát sử dụng đất ven biển và mặt nước biển và hải đảo.

Quan trắc - cảnh báo môi trường: Tiến hành quan trắc định kỳ và lập lại để đánh giá hiện trạng và xu thế diễn biến chất lượng môi trường biển, kịp thời cảnh báo để xử lý và có biện pháp cải thiện chất lượng môi trường. Ngoài hệ thống quan trắc môi trường biển quốc gia, gần đây Chính phủ đang đầu tư xây dựng hệ thống giám sát môi trường biển bằng Rada tích hợp [18 trạm dọc biển, đảo].

Các công cụ kinh tế và chính sách: Xây dựng và áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường biển, như: lệ phí ô nhiễm, lệ phí xả thải, phí sử dụng biển, phí sản phẩm, lệ phí hành chính thuế, cấp phép và thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng biển, đảo, các quỹ môi trường biển và các khoản trợ cấp khác.

Thực tế cho thấy các quy định xử phạt của Việt Nam còn nhiều khác biệt và chồng chéo. Nhiều hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường biển còn chưa được đề cập đến. Các mức độ vi phạm đã cố gắng chi tiết hoá nhưng chưa đầy đủ, mức độ xử phạt còn thấp và còn thiếu qui định về sử dụng các công cụ pháp lý - kinh tế như những biện pháp hữu hiệu để kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm biển. Cho nên cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường biển.

Tham vấn của các bên liên quan và tuyên truyền: Về bản chất, tài nguyên biển - ven biển thuộc loại tài nguyên chia sẻ [shared resources] cho nên việc sử dụng nó làm gia tăng mâu thuẫn lợi ích giữa các cộng đồng hưởng dụng các hệ thống tài nguyên này. Vì thế, cần một giải pháp quan trọng là phải tranh thủ càng nhiều càng tốt sự tham vấn của các bên liên quan và lôi cuốn được khả năng tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động quản lý môi trường biển và ven biển. Vấn đề này thực hiện đơn lẻ ở từng khu vực, chưa đại trà.

Thúc đẩy tiến trình xây dựng "Thương hiệu biển Việt Nam": xây dựng hướng dẫn xác định và cấp chứng chỉ xanh cho các vùng biển, ven biển, hải đảo", cũng như "Nhãn sinh thái biển cho các sản phẩm và dịch vụ kinh tế biển",... Triển khai thường xuyên hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội và người dân địa phương về quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, ven biển và hải đảo. Tổ chức hàng năm Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam [l - 7/6] và hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới [8/6]. Xây dựng và truyền thông điệp về ý thức biển cả của dân tộc Việt Nam qua câu nói bất hủ của Bác Hồ [1959]: "Biển cả của ta do nhân dân ta làm chủ!".

 Vân Hồng

Video liên quan

Chủ Đề