Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ

Mục lục bài viết

  • 1.Các hình thức mua sắm tài sản công
  • 2. Quy định về phương thức mua sắm tài sản công
  • 3.Mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước
  • 4.Thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công
  • 5.Quy trình thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung

1.Các hình thức mua sắm tài sản công

Khoản 2 Điều 5 Luật Đầu tư công về đối tượng đầu tư công có quy định: “Đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội”.

Điểm b Khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công quy định về phân loại dự án đầu tư công.

Khoản 1, Khoản 2 Điều 2 Thông tư số58/2016/TT-BTCcủa Bộ Tài chính quy định về sử dụng vốn Nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan Nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Nghiên cứu các quy định nêu trên và nhận thấy, về nguyên tắc, việc mua sắm tài sản phục vụ cơ quan Nhà nước (thiết bị, phương tiện theo định mức, thiết bị phục vụ công tác chuyên môn,...) có thể thực hiện theo 2 hình thức mua sắm thường xuyên và lập dự án đầu tư công. Tuy nhiên, quy trình, thủ tục và trình tự thực hiện theo hai hình thức này rất khác nhau.

Việc mua sắm tài sản phục vụ cơ quan Nhà nước (thiết bị, phương tiện theo định mức, thiết bị phục vụ công tác chuyên môn,..) khi nào nên thực hiện theo hình thức mua sắm thường xuyên và khi nào nên thực hiện theo hình thức lập dự án đầu tư công? Đặc biệt là khi sử dụng “nguồn vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập” (loại nguồn vốn có quy định cả trong Luật Đầu tư công và Thông tư số 58/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính).

Theo Khoản 2 Điều 5Luật Đầu tư côngsố 39/2019/QH14 thì đối tượng đầu tư công gồm có đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư số58/2016/TT-BTCngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn Nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan Nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

2. Quy định về phương thức mua sắm tài sản công

Mua sắm tập trung;

Cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản thực hiện mua sắm.

Phương thức mua sắm tập trung được áp dụng đối với các loại tài sản có số lượng mua sắm nhiều, tổng giá trị mua sắm lớn và có yêu cầu được trang bị đồng bộ, hiện đại. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu cơ quan khác ở Trung ương (sau đây gọi chung là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương), Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh mục tài sản mua sắm theo phương thức tập trung, thuộc phạm vi quản lý.

3.Mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp phải lập thành dự án đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan.

Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp không thuộc phạm vi quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện như sau:

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khácởtrung ương (sau đây gọi là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương) quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương;

b) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công, cơ quan nhà nước có nhu cầu mua sắm tài sản lập 01 bộ hồ sơ gửi cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) để xem xét, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này xem xét, quyết định.

Hồ sơ đề nghị mua sắm tài sản gồm:

a) Văn bản đề nghị của cơ quan nhà nước có nhu cầu mua sắm tài sản: 01 bản chính;

b) Văn bản đề nghị của cơ quan quản lý cấp trên (nếu có): 01 bản chính;

c) Danh mục tài sản đề nghị mua sắm (chủng loại, số lượng, giá dự toán, nguồn kinh phí): 01 bản chính;

d) Các hồ sơ khác có liên quan đến đề nghị mua sắm tài sản (nếu có): 01 bản sao.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này xem xét, quyết định việc mua sắm tài sản hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp đề nghị mua sắm tài sản không phù hợp. Cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tạikhoản 2, khoản 3 Điều 19 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản côngcó trách nhiệm có ý kiến bằng văn bản về sự cần thiết mua sắm, sự phù hợp của đề nghị mua sắm với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công trước khi cơ quan, người có thẩm quyền quyết định trong trường hợp việc mua sắm tài sản do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.

Nội dung chủ yếu của Quyết định mua sắm tài sản gồm:

a) Tên cơ quan nhà nước được mua sắm tài sản;

b) Danh mục tài sản được mua sắm (chủng loại, số lượng, giá dự toán, nguồn kinh phí);

c) Phương thức mua sắm;

d) Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

Việc bố trí dự toán ngân sách nhà nước và tổ chức thực hiện mua sắm tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan. Việc tổ chức thực hiện mua sắm tài sản theo phương thức tập trung được thực hiện theo quy định tại Chương VI Nghị định này.

4.Thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công

Bộ trưởng Bộ Tài chính giao cơ quan quản lý tài sản công thuộc Bộ giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính:

a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về tài sản công quy định tại Điều 15 của Luật này;

b) Trực tiếp quản lý, xử lý đối với một số loại tài sản công theo quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương giao một cơ quan, đơn vị đang thuộc quyền quản lý của Bộ, cơ quan trung ương làm đầu mối giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương:

a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước đối với tài sản công quy định tại Điều 16 của Luật này;

b) Trực tiếp quản lý, xử lý đối với một số loại tài sản công theo quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện giao cơ quan tài chính cùng cấp giúp Ủy ban nhân dân:

a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước đối với tài sản công quy định tại Điều 18 của Luật này;

b) Trực tiếp quản lý, xử lý đối với một số loại tài sản công theo quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan.

Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với tài sản công theo quy định của pháp luật.

5.Quy trình thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung

Danh mục tài sản thực hiện mua sắm tập trung bao gồm:

-Mua sắm tập trung cấp Quốc gia như: xe ô tô phục vụ công tác chung, chức danh, xe chuyên dùng

- Mua sắm tập trung cấp tỉnh như: Máy photocopy; máy vi tính để bàn, máy xách tay, máy tính bảng; máy in (trừ máy in chuyên dùng như: máy in giấy phép lái xe, máy in ấn chỉ, máy in màu, máy in kim khổ A3); Trang thiết bị ngành giáo dục kể cả trang thiết bị giảng dạy như: thiết bị thí nghiệm Lý, Hóa, Sinh, công nghệ, phòng máy vi tính phục vụ học tập, phòng Lab, bàn ghế học sinh.

Cách thức và thời gian thực hiện

- Mua sắm tập trung quốc gia ( xe ô tô): Cơ quan, tổ chức, đơn vị, tổng hợp nhu cầu mua sắm theo Mẫu số 01b/TH/MSTT Thông tư số 35/2016/TT-BTC ngày 26/2/2016 của Bộ Tài chính gửi Sở Tài chính trước ngày 20 tháng 2 hàng năm để Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và gửi Bộ Tàichính trước ngày 28 tháng 02hàng năm.

- Mua sắm tập trung theo phương thức ký thỏa thuận khung :

+ Trung tâm Thông tin tư vấn và Dịch vụ tài chính là đơn vị tổng hợp tổng hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đầu thầu, ký thỏa thuận khung với nhà thầu được lựa chọn. Trung tâm thông tin tư vấn và dịch vụ tài chính có trách nhiệm thông báo nội dung thỏa thuận khung đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị đầu mối (cơ quan chủ quản). Các cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng tài sản trực tiếp ký kết hợp đồng và thanh toán tiền mua tài sản với nhà thầu được lựa chọn, tiếp nhận tài sản, hồ sơ về tài sản và thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng, chế độ bảo hành, bảo trì tài sản từ nhà thầu được lựa chọn.

+ Thời gian thực hiện mua sắm tập trung tài sản theo cách thức thỏa thuận khung được thực hiện 2 đợt trong năm (đợt 1 vào quý I, đợt 2 vào quý III), trừ trường hợp đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

- Mua sắm tập trung theo phương thức ký hợp đồng trực tiếp: chỉ áp dụng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu mua sắm tài sản để phục vụ hoạt động các chương trình, dự án sử dụng vốn nước ngoài mà nhà tài trợ có yêu cầu áp dụng theo phương thức ký hợp đồng trực tiếp.

Ngoài ra, Sở Tài chính còn hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục mua sắm tập trung theo phương thức thỏa thuận khung về nội dung, thời gian thực hiện và trách nhiệm của từng đơn vị có liên quan với trình tự:

1. Lập và phê duyệt dự toán mua sắm tài sản

2.Tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung

3. Lập thẩm định và phê duyệt dự toán mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu

4. Ký kết thỏa thuận khung

5. Ký hợp đồng mua sắm tài sản

6. Thanh toán, bàn giao tiếp nhận và bảo hành tài sản

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)