Vai trở của đạo đức nghề nghiệp đối với sự phát triển của ngành ngân hàng

Tháng 1-1965, trong Thư gửi Hội nghị cán bộ ngân hàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Cán bộ ngân hàng phải luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, thấu suốt hơn nữa đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu học tập lý luận và nghiệp vụ, cải tiến lề lối làm việc, để phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân được nhiều và tốt hơn”. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên ngân hàng trong tỉnh đã luôn tự giác “sửa mình” rèn luyện đạo đức và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, văn hóa nghề nghiệp để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, phục vụ nhân dân.

Giải ngân vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH huyện Vụ Bản tại điểm giao dịch xã Quang Trung.

Ngân hàng là ngành kinh doanh đặc biệt, nhạy cảm vì liên quan đến tiền, lợi ích vật chất, luôn đối mặt với nhiều rủi ro. Trong đó, rủi ro đạo đức đang là nguy cơ ngày càng lớn đối với người làm ngành Ngân hàng đặc biệt là cán bộ tín dụng. Đây là những người trực tiếp làm việc với khách hàng, thẩm định hồ sơ, ra quyết định tín dụng. 5 năm qua, hàng loạt đại án ngân hàng cùng nhiều vụ án liên quan đến sai phạm pháp luật của cán bộ ngân hàng trên cả nước đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về đạo đức cán bộ ngân hàng. Các sai phạm liên quan đến đạo đức nghề nghiệp như lừa đảo khách hàng, rút ruột “sổ tiết kiệm” hàng chục tỷ đồng; đòi tiền “lại quả”, nhũng nhiễu khách hàng khi cho vay tiền; cố ý làm sai quy định, lợi dụng chức vụ quyền hạn và giấy tờ giả, chữ ký giả, lập chứng từ khống, cấu kết với tổ chức/cá nhân chiếm đoạt tài sản, ôm tiền bỏ trốn; thông đồng với khách hàng nâng khống giá trị tài sản thế chấp để vay vượt giá trị thế chấp hoặc quay vòng tài sản thế chấp vay nhiều lần ở các ngân hàng khác nhau, gây thiệt hại cả trăm, nghìn tỷ đồng; thậm chí cạnh tranh thiếu lành mạnh của cán bộ tín dụng các ngân hàng khác nhau; ép khách hàng phải sử dụng các dịch vụ kèm khi vay vốn như bảo hiểm; hoặc sử dụng các dịch vụ khác không bắt buộc… Tháng 8-2019, Công an Nam Định đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam một nhân viên ngân hàng trên địa bàn tỉnh về hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt 16 tỉ đồng bằng cách lợi dụng sơ hở của ngân hàng và lòng tin của khách hàng, nhân viên này đã lừa người vay ký trước vào các thủ tục hồ sơ vay vốn còn để trống nội dung. Sau đó, tự soạn thảo nội dung lên các mặt còn trống và đề nghị ngân hàng giải ngân nhằm chiếm đoạt.

Theo phân tích của các chuyên gia trong ngành “Rủi ro đạo đức” trong ngân hàng phần lớn do buông lỏng chất lượng tuyển dụng, đào tạo và giám sát cán bộ ngân hàng; những áp lực cao về lãi suất và điều kiện tiếp cận khoản vay, áp lực vay và trả nợ vay, tạo ra cơ hội “đục nước béo cò”, nảy sinh lòng tham ở những nhân viên thiếu rèn luyện đạo đức. “Rủi ro đạo đức” gia tăng khi bối cảnh bất ổn trên thị trường tài chính tăng cao. Dù xảy ra ở khâu nào trong hoạt động ngân hàng, thì hậu quả mà nó gây ra là vô cùng to lớn. Do đó, việc nâng cao chất lượng đạo đức cán bộ ngân hàng được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình tái cơ cấu tại các ngân hàng. Đảng bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam [Agribank] chi nhánh Bắc Nam Định hiện có 79 đảng viên sinh hoạt ở 5 chi bộ trực thuộc. Triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 [khóa XI, XII], Đảng uỷ đã phát động các phong trào thi đua lao động sáng tạo trong quản lý điều hành, trong tác nghiệp nghiệp vụ đến cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống gắn với học tập và làm theo Bác như: Phong trào thi đua “Hai giỏi”, [Giỏi chuyên môn nghiệp vụ giỏi tin học], “Lãnh đạo điều hành giỏi”, “Cán bộ tín dụng hoàn thành tốt nhiệm vụ, cán bộ kế toán hoàn thành tốt nhiệm vụ, Cán bộ huy động vốn giỏi”, hay phong trào thi đua hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm... Mỗi cá nhân đều nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, thấm nhuần, tôi luyện các chuẩn mực đạo đức cách mạng “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” gắn với thực hiện văn hóa doanh nghiệp, Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng. Nhiều cán bộ tín dụng đã vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về công tác dân vận, ngoại giao, nâng cao đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ… vào công việc tiếp xúc khách hàng “gần dân, hiểu dân”; tác phong giao dịch niềm nở, ân cần, tận tuỵ với khách hàng. Bên cạnh đó, Chi nhánh cũng quán triệt đến cán bộ, nhân viên nêu cao tinh thần cảnh giác, hỗ trợ tư vấn khách hàng cảnh giác đối với các giao dịch, hoạt động vay vốn có dấu hiệu lừa đảo. Mới đây, ngày 8-7-2021, chị Đặng Thị Kim Son, cán bộ tín dụng Phòng Khách hàng, Hộ sản xuất và cá nhân đã kịp thời hỗ trợ khách hàng Đ.T.T, 60 tuổi, trú tại thành phố Nam Định tránh khỏi bị lừa đảo dưới hình thức vay vốn trực tuyến để chuyển tiền cho một tài khoản giả danh người nước ngoài ở Hà Nội với số tiền 200 triệu đồng. Các ngân hàng khác như Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh cán bộ, nhân viên không quản ngại khó tận tuỵ chuyển tải từng đồng vốn giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Ngân hàng TMCP Phát triển và Đầu tư Việt Nam [BIDV] Chi nhánh Thành Nam đã ban hành xây dựng bộ chỉ tiêu chất lượng BSC, KPI; tăng cường quản lý, kiểm tra giám sát, siết chặt kỷ cương, đổi mới bưu cục và phong cách giao dịch viên chuyên nghiệp, kiên quyết không để xảy ra hiệu quả tiêu cực do quan liêu thiếu trách nhiệm trong cung cấp các dịch vụ phục vụ khách hàng. Xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là đối với lãnh đạo quản lý, người đứng đầu tổ chức, cơ quan đơn vị khi để xảy ra sai phạm. Nhờ vậy, giai đoạn 2016-2020, BIDV Chi nhánh Thành Nam giữ vững danh hiệu đơn vị hoàn thành tốt/xuất sắc nhiệm vụ. Đảng bộ BIDV Chi nhánh Thành Nam hàng năm đều đạt danh hiệu tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.

Với các giải pháp trọng tâm, ngành Ngân hàng liên tục nằm trong tốp dẫn đầu về chỉ số cải cách thủ tục hành chính của tỉnh trong 6 năm liên tiếp. 6 tháng đầu năm 2021, ngành Ngân hàng đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng trên địa bàn an toàn, hiệu quả. Tổng nguồn vốn huy động đạt 81.620 tỷ đồng, tăng 3.552 tỷ đồng [4,5%] so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay thương mại và cho vay chính sách đạt 74.295 tỷ đồng, tăng 4.629 tỷ đồng [6,6%] so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu thấp chiếm 0,86% tổng dư nợ, đảm bảo duy trì ở mức dưới 3% theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo an toàn, liên tục và thông suốt hoạt động ngân hàng.

Những năm tới, việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục của ngành Ngân hàng góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ ngân hàng tận tâm, chuyên nghiệp, nhiệt huyết, sáng tạo, tiếp tục cùng ngành giữ vững vai trò chủ lực là “huyết mạch của nền kinh tế”./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

Ngày 25/2/2019, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã ban hành “Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng”.

Hoạt động ngân hàng là một loại hình kinh doanh đặc biệt, chứa đựng nhiều rủi ro, đó là kinh doanh tiền tệ, kinh doanh trên cơ sở chữ “tín”. Do vậy, người làm ngân hàng phải tuân theo những yêu cầu và chuẩn mực khắt khe về kiến thức, kinh nghiệm, đạo đức và tâm thế đúng với nghề của mình. Để nâng cao những phẩm chất đạo đức cần thiết của người cán bộ ngân hàng, xây dựng hình ảnh đẹp của ngân hàng đối với xã hội, việc ban hành Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng là cần thiết và cần được tuyên truyền, áp dụng sâu rộng.

Bộ chuẩn mực nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng bao gồm:

* Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng: gồm 06 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp chính sau:

Tính tuân thủ: Cán bộ ngân hàng phải tôn trọng, tuân thủ pháp luật, quy định, quy trình nghiệp vụ của ngành và nội bộ ngân hàng; không vi phạm pháp luật hoặc đồng lõa, tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật.

Sự cẩn trọng: Cán bộ ngân hàng phải cẩn thận, kỹ lưỡng, cân nhắc thấu đáo, lường đoán kỹ mọi rủi ro, thận trọng trong giao tiếp và giữ kỷ luật phát ngôn; không chủ quan, liều lĩnh, dễ dãi, cả tin; đề cao tinh thần tự chịu trách nhiệm, tránh xảy ra sai sót, sơ suất trong quá trình giải quyết công việc.

Sự  liêm chính: Cán bộ ngân hàng phải luôn tu dưỡng, rèn luyện, xây dựng bản lĩnh nghề nghiệp, giữ gìn sự liêm chính, minh bạch trong các mối quan hệ, trung thực, thẳng thắn, nghiêm túc; có tinh thần trách nhiệm, tránh lãnh phí, không tham ô, lợi dụng hoặc tiếp tay cho hành vi tham ô, vụ lợi.

Sự tận tâm và chuyên cần: Cán bộ ngân hàng phải tận tâm và chu đáo, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ với nỗ lực cao; thường xuyên học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kiến thức, rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ; không làm việc tắc trách, thiếu tập trung, thiếu tinh thần trách nhiệm.

Tính chủ động, sáng tạo và thích ứng: Cán bộ ngân hàng phải rèn luyện tính tự giác, chủ động tìm tòi, sáng tạo để nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả công việc; thích ứng cao trước sự thay đổi của môi trường và yêu cầu mới; cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao kỹ năng mềm; không ỉ lại, dựa dẫm, đẩy việc cho người người, không bảo thủ, cứng nhắc, cản trở đổi mới, sáng tạo.

Ý thức bảo mật thông tin: Cán bộ ngân hàng tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật và của tổ chức về bảo mật an toàn thông tin, không đưa thông tin sai lệch, thiếu chính xác, mang tính chủ quan cá nhân gây tổn hại đến tổ chức và ngành, gây hoang mai lo ngại, ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng; Lưu trữ, bảo quản hồ sơ, tài liệu theo đúng quy định; Không tùy tiện, sơ hở trong trao đổi thông tin.

*Quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng bao gồm:

Quy tắc ứng xử trong nội bộ:

Cán bộ cấp dưới phải chấp hành nghiêm sự phân công nhiệm vụ, tôn trọng và ứng xử đúng mực đối với cấp trên; thực hiện đúng phận sự; không được có những hành vi gây tổn hại với uy tín của cấp trên; Mạnh dạn bày tỏ chính kiến, tham mưu, thuyết phục cấp trên khi cần thiết.

Cán bộ cấp trên cần tôn trọng, lắng nghe, khuyến khích cấp dưới bày tỏ quan điểm, ý kiến; luôn gương mẫu trong cư xử, tạo không khi hòa đồng, cởi mở, động viên, khích lệ, đối xử công bằng, bình đẳng đối với cấp dưới; chủ động hỗ trợ cấp dưới giải quyết khó khăn, vướng mắc; bảo vệ quyền lợi chính đáng của cấp dưới; không trù dập, phân biệt đối xử, làm tổn hại đến danh dự của cấp dưới; không lợi dụng chức vụ, địa vị để thu lợi cá nhân hoặc làm tổn hại đến lợi ích ngân hàng.

Đối với cán bộ đồng cấp cần giữ gìn đoàn kết nội bộ, có tinh thần tập thể, tôn trọng, tin cậy, giúp đỡ lẫn nhau. Lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp, khiêm nhường tiếp thu học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp; góp ý, phân tích trên tinh thần xây dựng, không lợi dụng quan hệ cá nhận đồng nghiệp để thực hiện hành vi gian lận.

Quy tắc ứng xử với khách hàng và đối tác: Cán bộ ngân hàng phải thể hiện phong cách giao dịch chuyên nghiệp, thân thiện; tác phong nhanh nhẹn, chu đáo, thái độ niềm nở, tận tình, tạo ấn tượng tích cực, tin tưởng; trang phục gọn gàng, lịch sự, có thái độ nghiêm túc, đúng mực trong lúc làm việc, tôn trọng và đối xử công bằng đối với đối tác và khách hàng.

Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng được ban hành nhằm nâng cao ý thức cho đội ngũ cán bộ ngân hàng về tầm quan trọng và sự cần thiết phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp và văn hóa để hoàn thành công việc được giao và là cơ sở cho các tổ chức hội viên thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam xây dựng và phát triển bộ quy tắc/chuẩn mực đạo đức riêng, phù hợp với đặc thù đơn vị mình.

Khánh Ly

Admin NHNN

Video liên quan

Chủ Đề