Bơi lội là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong

Bơi lội là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong
Dạy bơi cho trẻ em. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo số liệu của WHO công bố ngày 23/7, hai ngày trước Ngày Thế giới phòng chống đuối nước (25/7), trong giai đoạn 2009-2019, trên thế giới có khoảng 2,5 triệu người tử vong do đuối nước. Trong số các ca tử vong có 60% dưới dưới 30 tuổi, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi.

Phát biểu với báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ), nhà khoa học của WHO - Tiến sỹ David Meddings, cho biết riêng năm 2019 có 236.000 người tử vong do tai nạn đuối nước. Ông lưu ý "những con số gây sốc" nêu trên không tính những trường hợp tử vong do lũ lụt, tai nạn giao thông đường thủy và những nguyên nhân có chủ định.

Tại Trung Quốc, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ vị thành niên, trong khi tại Mỹ và Pháp, đây là nguyên nhân gây tử vong thứ hai. Theo ông, điều đáng nói đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hoàn toàn có thể phòng ngừa.

Số liệu của WHO cũng cho thấy đa số ca tử vong do đuối nước tại châu Á là trẻ nhỏ. Tỷ lệ tử vong do đuối nước tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cao hơn gấp 3 lần so với các quốc gia có thu nhập cao.

[Việt Nam đặt mục tiêu giảm 20% trẻ tử vong do đuối nước vào năm 2030]

Nhằm ngăn ngừa nguy cơ tử vong do đuối nước, Tiến sỹ Meddings khuyến nghị xây cao phần miệng giếng, đảm bảo an toàn phòng chống đuối nước tại nơi vui chơi của trẻ em, tổ chức dạy bơi và kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ, tập huấn chuyên môn kỹ thuật về cứu hộ và hồi sức cấp cứu, thực thi các quy định về an toàn vận tải đường thủy, tăng cường năng lực quản lý rủi ro lũ...

Cuối tháng Tư vừa qua, Đại Hội đồng Liên hợp quốc lần đầu tiên thông qua nghị quyết về phòng chống tai nạn đuối nước và chọn ngày 25/7 hằng năm là Ngày Thế giới phòng chống đuối nước.

Theo nghị quyết, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc được khuyến khích tham gia hoạt động hợp tác quốc tế thông qua việc chia sẻ các bài học kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất; thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các công cụ và công nghệ sáng tạo nhằm phòng chống đuối nước, và nâng cao năng lực thông qua hợp tác quốc tế; đưa các bài học về an toàn dưới nước, bơi lội và sơ cấp cứu vào chương trình giảng dạy ở trường học.

Nghị quyết yêu cầu WHO hỗ trợ các quốc gia thành viên trong các nỗ lực phòng chống đuối nước và phối hợp hành động giữa các thực thể có liên quan trong hệ thống của Liên hợp quốc./.

15:44, 27/09/2020

Mặc dù biết bơi nhưng tôi đã từng suýt bị đuối nước ở hồ bơi chỉ vì mấy đứa nhỏ cùng bơi nghịch ngợm mải đuổi nhau ra giữa hồ, hồn nhiên chọn lưng tôi làm trụ để chúng đứng tạt nước nhau cho dễ.

Đang bơi giữa vùng nước sâu mà đột ngột bị nhấn xuống, bị tóm chặt chân tay, không thể khua khoắng hay trồi lên, tôi nhanh chóng bị sặc nước trong sự hoảng loạn. May mà bọn nhóc hiếu động không trụ lại lâu một chỗ…

Vụ việc hú hồn đó khiến tôi chợt nhận ra rằng lâu nay mình đã quá chủ quan, cứ nghĩ rằng biết bơi là có thể yên tâm xuống nước, trong khi điều quan trọng hơn là an toàn trong môi trường nước thì hầu như không hề biết, hoặc có biết nhưng cũng không để tâm học hỏi kỹ để biết cách xử trí khi cần.

Bơi lội là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong
Ảnh minh họa

Có lẽ, đó cũng là thực trạng chung, là nhận thức lâu nay của không ít người. Để phòng chống tai nạn đuối nước, nhất là đuối nước trẻ em, thì việc tập để biết bơi, biết cách nổi trên mặt nước là hết sức cần và cấp thiết, nhưng chỉ vậy thôi chưa đủ.

Trong chương trình Tọa đàm phòng, chống đuối nước cho trẻ em do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị hữu quan tổ chức mới đây, cùng với việc đề cập đến thực trạng đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em Việt Nam, minh chứng bằng những con số đau lòng, các chuyên gia trong lĩnh vực này còn nêu lên một vấn đề đáng lưu tâm: trong số trẻ bị đuối nước, có nhiều em biết bơi!

Báo cáo thống kê cho thấy, trong các trường hợp đuối nước, ngoài nguyên nhân không biết bơi, còn có nhiều nguyên nhân khác như: Không biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước khi đi bơi, khi tham gia vui chơi dưới nước; không khởi động trước khi xuống nước, bơi ra khỏi khu vực an toàn, thiếu sự giám sát và trợ giúp khi cần, khi ngạt nước không được sơ cứu đúng cách và kịp thời…

Như vụ việc tôi đã gặp nêu trên, dù đã biết bơi nhưng chẳng may gặp sự cố bất ngờ dưới nước, nếu không bình tĩnh và không có những kỹ năng cần thiết để tìm cách thoát ra thì rất dễ lâm nguy. Do đó, trang bị kỹ năng, kiến thức an toàn trong môi trường nước là hết sức quan trọng với tất cả mọi người, nhất là với trẻ em. Khi các em còn non nớt cả về nhận thức và hành động, thì cùng với sự quan tâm giám sát chặt chẽ, người lớn cũng cần thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn các em về vấn đề này, làm sao để trẻ nhận thức được rằng biết bơi là tốt, nhưng chỉ vậy thôi chưa đủ, mà còn cần phải có kỹ năng an toàn trong môi trường nước nữa, nhất là cách phòng tránh, xử lý tình huống nguy hiểm có thể gặp khi đang bơi như bị chuột rút, bị người đuối nước bám víu, bơi phải vào vùng nước xoáy, cách sơ cứu người ngạt nước…

Không ai phủ nhận lợi ích của việc bơi lội, nhưng không phải ai cũng lường hết những mối nguy có thể xảy ra với chính hoạt động này. Nói chung, khó có thể lường hết mọi tình huống nguy hiểm có thể bất ngờ xảy ra dưới mặt nước sâu, nhất là ở khu vực sông suối, ao hồ, bãi biển …Vì thế, tốt nhất vẫn là bơi lội ở khu vực an toàn và có sự giám sát để có thể kịp thời được cứu hộ khi cần thiết.

Hoa Hồng