Cách viết CV cho người chưa có kinh nghiệm làm việc

X

This site uses cookies. By continuing, you agree to their use. Learn more, including how to control cookies.

Qua một thời gian trao đổi online cũng như gặp mặt nói chuyện với một số các bạn trường mình cũng như các trường khác, có một câu hỏi chung mà mình rút ra được từ rất nhiều bạn hỏi mình “Nếu tớ chẳng có tí kinh nghiệm làm việc gì, thì biết viết gì vào CV đây?”.

Bài viết này mình xin chia sẻ một chút về kinh nghiệm cá nhân mình đúc kết được, giúp cho các bạn ‘chưa có kinh nghiệm’ và còn ‘ít kinh nghiệm’ có thể tận dụng tốt nhất những gì bạn đang có để viết vào CV của các bạn.

Trước tiên, với các bạn còn chưa biết CV/ hay nhiều nơi gọi là Résume, cần có những thông tin gì:

  1. Thông tin cá nhân (Personal Information). Thông tin này bắt buộc phải có email, tên và số điện thoại. Tuỳ nơi có thể có thêm địa chỉ, ảnh đại diện và ngày tháng năm sinh. Ngoài ra có thể có một phần là ‘Career Summary’, goi làm tóm tắt định hướng nghề nghiệp của bạn.
  2. Kinh nghiệm làm việc. Chắc chắn là quan trọng nhất rồi. Kinh nghiệm này có thể chia ra làm 2 phần: Kinh nghiệm làm việc và Kinh nghiệm làm tình – nguyện.
  3. Học vấn. Chỉ cần nêu tên trường đại học, ngành bạn học thôi. Có thể nêu thêm một số khoá học bổ sung về kĩ năng vẽ vời hay gì gì đó nếu nó liên quan.
  4. Kĩ năng. Liệt kê các kĩ năng của bạn. Bao gồm kĩ năng mềm như giao tiếp, thuyết trình, etc và kĩ năng kĩ thuật như sử dụng Microsoft Office, vẽ trên Photoshop, etc.
  5. Tham khảo (References). Là tên, chức vụ, công ty và số điện thoại của người từ là xếp của bạn.

Ở trên là sơ sơ những gì cần có cho một CV hoàn chỉnh. Tối thiểu phải có thông tin liên lạc, kinh nghiệm và học vấn. Những cái khác có thể có hoặc không, tuỳ nơi bạn ứng tuyển.

Vậy như chúng ta đã thấy, dù bạn có kinh nghiệm hay không, thì bạn vẫn phải đề cập đến chủ đề này vào CV của bạn. Sau đây mình sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này với 2 giải pháp, một là tạm thời và 2 là giải pháp lâu dài nhé.

Giải pháp tạm thời

Giả sử bạn chưa hề có kinh nghiệm làm việc đi, hãy viết về các hoạt động tình nguyện, các câu lạc bộ tại trường mà bạn đã tham gia. Vậy nếu như bạn chẳng tham gia các CLB nào, hãy viết về những hoạt động nhóm của bạn khi làm bài, những dự án bài vở của bạn có liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển.

Ví dụ, một công ty đang cần tuyển vị trí trợ lý marketing, đòi hỏi có kiến thức chuyên ngành, kĩ năng giao tiếp, lãnh đạo và làm việc nhóm. Bạn có thể liệt kê trong kinh nghiệm của mình về sự tham gia của bạn trong nhóm Marketing, của một tổ chức tình nguyện ABC, nhiệm vụ của bạn là làm việc với một nhóm để nghĩ ra các ý tưởng, vân vân và vân vân.

Tips ở đây là, việc liệt kê các hoạt động tình nguyện và bài tập ở trường như kinh nghiệm sẽ có hiệu quả, nếu những hoạt động đó thực sự liên quan và nhà tuyển dụng thấy được bạn đã làm gì trong các hoạt động đó. Vì vậy, khi liệt kê bạn hãy:

  • Thật cụ thể, chi tiết vai trò bạn đã làm trong công việc đó.
  • Sử dụng các số liệu cụ thể để chứng minh.
  • Bắt đầu mỗi gạch đầu dòng với các động từ mạnh để gây ấn tượng.

Dưới đây là một ví dụ:

Tình nguyện viên nhóm Truyền thông – Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

  • Quản lý nhóm 20 bạn tình nguyện viên phụ trách các hoạt động khác nhau bao gồm;

  • Liên hệ, làm việc trực tiếp với báo đài như VTV1, Vnexpress, etc.

  • Quản lý, quảng bá sự kiện trên Website và Facebook. Trong sự kiện năm 2013, trang Facebook của Bảo tàng đã tăng từ 7,000 đến 12,000 likes nhờ các sự kiện quảng bá.

  • Biên tập ảnh, video clip phục vụ cho quảng bá sự kiện của Bảo tàng.

  • Kết quả, đã có 22,000 lượt khách thăm quan BTDTH trong 3 ngày Tết 2015, vượt chỉ tiêu đề ra.

Giải pháp lâu dài

Với các bạn sinh viên mới, việc các bạn thổ lộ rằng mình chưa có kinh nghiệm, có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, với các bạn sinh viên sau 3-4 năm trong ghế nhà trường, việc các bạn nói với nhà tuyển dụng rằng bạn chẳng có tí kinh nghiệm nào, sẽ làm bạn mất điểm trầm trọng. Vậy 3,4 năm qua bạn đã làm gì? Chắc là bạn phải học chăm chỉ lắm, liệu bạn có đạt GPA 4.0 không?

Vì vậy mình khuyến khích những ai chưa có kinh nghiệm làm việc, hãy bắt đầu tự tạo cho mình kinh nghiệm ngay. Vẫn là lời khuyên như các bạn nghe được từ nhiều người khác, hãy tham gia các CLB, hãy tìm một vài tổ chức tình nguyện và xin làm việc. Các bạn có thể tìm cơ hội thực tập ở một số công ty nhỏ, xin làm việc không lương ở công ty mà bạn thích. Qua các công việc đó, kinh nghiệm bạn học được không chỉ là kĩ năng chuyên môn, mà còn là các kĩ năng làm việc khác như giao tiếp, các mối quan hệ, cách sử dụng các phần mềm thông dụng, cách thuyết trình, cách quản lý một buổi họp, vân vân và vân vân.

Chúc các bạn viết được cho mình một bản CV thật tốt và gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.

Mọi thắc mắc các bạn có thể comment trực tiếp, mình rất sẵn lòng giúp đỡ.

Để đọc các bài viết khác về cách viết CV, phỏng vấn và phát triển bản thân, bạn xem tại đây: https://anhtuanle.com/articles/

Nếu bạn đang gặp khó khăn trong chuyện tìm việc và cần được hỗ trợ tư vấn, hãy ngó qua đây: https://bit.ly/tuvan-anhtuanle

___

Mục kinh nghiệm làm việc luôn được đánh giá cao bởi nhà tuyển dụng vì họ luôn coi trọng những ứng viên giàu kỹ năng, kinh nghiệm và năng lực chuyên môn. Vậy những sinh viên mới tốt nghiệp ra trường muốn đi xin việc thì làm thế nào để tạo được CV ấn tượng, được đánh giá cao? Gợi ý dưới đây của viecmarketing24.com sẽ chia sẻ cho bạn cách viết CV cho người chưa có kinh nghiệm hạ gục nhà tuyển dụng chỉ trong một nốt nhạc. Cùng theo dõi nhé.

1. Cách viết CV cho người chưa có kinh nghiệm

Cách viết CV cho người chưa có kinh nghiệm làm việc

Cách viết CV cho người chưa có kinh nghiệm

1.1. Các mục cần có trong CV

Trong một CV, dù cho bất cứ đối tượng nào cũng cần có đầy đủ những mục cơ bản sau:

1. Thông tin cá nhân: bao gồm tên ứng viên, số điện thoại liên lạc, email, địa chỉ thường trú/tạm trú.

2. Trình độ học vấn: trình độ học vấn cao nhất tính đến thời điểm viết CV như trình độ Đại học, Cao đẳng, Thạc sĩ, Tiến sĩ,...

3. Mục tiêu nghề nghiệp: nêu định hướng của bản thân, mong muốn từ công việc đang hướng tới

4. Kinh nghiệm làm việc: nêu những công việc từng làm trước đó, thành tích đạt được, có liên quan đến vị trí ứng tuyển hiện tại.

5. Thành tích và giải thưởng: thành tích có được trong quá trình học tập, làm việc, có liên quan đến vị trí ứng tuyển

6. Kỹ năng: những kỹ năng bạn thành thạo, nổi trội như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lí tình huống, kỹ năng tin học văn phòng,...

7. Sở thích: Có thể nêu lên sở thích cá nhân nhưng tốt nhất những sở thích đó cũng có đặc điểm hỗ trợ bạn trong công việc. Dù không quá quan trọng nhưng mục sở thích cũng nên được viết cẩn thận, chỉn chu để tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. 

1.2. Lời khuyên viết CV cho người chưa có kinh nghiệm

Người chưa có kinh nghiệm trong công việc, thường là sinh viên mới ra trường thường có nhiều mặt hạn chế hơn, ít lợi thế cạnh tranh hơn so với những ứng viên đã có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, ai cũng có “khởi đầu”, những ứng viên giàu kinh nghiệm cũng đã từng trải qua quá trình xin việc khi chưa có kinh nghiệm. Vì vậy, cũng đừng quá bi quan, bởi những sinh viên mới ra trường thường có ưu thế về thái độ làm việc tích cực, ham học hỏi, lại dễ đào tạo nên được nhiều nhà tuyển dụng ưa chuộng.

Dưới đây là một số lời khuyên dành cho những ứng viên chưa có kinh nghiệm trong việc viết CV xin việc sao cho thật ấn tượng, hạ gục nhà tuyển dụng ngay từ những cái “liếc nhìn” đầu tiên. 

Thứ nhất, chưa cần biết nội dung CV ra sao, đề cập đến vấn đề gì, nhưng trước nhất CV cần được trình bày một cách sạch đẹp, dễ nhìn, chuyên nghiệp, giúp nhà tuyển dụng dễ dàng thâu tóm được ngay trong những giây đầu tiên nhìn vào CV. Đề làm được điều này, ứng viên cần phân chia các mục trong CV thành các phần cụ thể như đã nêu trên. Tiêu đề của các mục nên được bôi đen, in đậm để dễ dàng phân biệt. Giữa các phần cũng nên có khoảng cách để giúp người đọc dễ nhìn và nhanh chóng rà soát thông tin hơn. Cỡ chữ, kiểu chữ cũng cần được chọn lọc sao cho dễ đọc nhất. Nên tránh những kiểu chữ nghệ thuật, nhiều đường nét khiến người đọc rối mắt.

Thứ hai, về ngôn ngữ sử dụng trong CV. Nên sử dụng ngôn ngữ chuyên nghiệp. Không sử dụng tiếng lóng, tiếng địa phương và sử dụng đại từ nhân xưng.

Thứ ba, ứng viên chưa có kinh nghiệm cần đặc biệt trau chuốt nội dung trong CV. Bên canh việc nêu được những thông tin cơ bản kể trên, ứng viên cần nhấn mạnh vào kỹ năng mà mình có được, thêm vào những thành tích, giải thưởng mình đã đạt được để nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn quá trình học và sự nỗ lực của bạn. 

Cuối cùng, với những ứng viên chưa có kinh nghiệm, thái độ chính là điều quan trọng và được đánh giá rất cao. Hãy thể hiện mình là người nhiệt tình, ham học hỏi, có trách nhiệm và mong muốn gắn bó lâu dài với công việc. Hãy trung thực trong việc kê khai các thông tin. Đừng cố tỏ ra tài giỏi và nói dối về kinh nghiệm làm việc vì bạn sẽ nhanh chóng bị những nhà tuyển dụng “lão làng” nhìn ra mà thôi. 

2. Mẫu CV cho người chưa có kinh nghiệm

Dưới đây là mẫu CV cho người chưa có kinh nghiệm bạn có thể tham khảo

Phần đầu tiên trong CV, ứng viên cần để ảnh đại diện và nêu rõ tên cũng như vị trí ứng tuyển, thông tin liên lạc của bản thân.

Cách viết CV cho người chưa có kinh nghiệm làm việc

Mẫu CV cho người chưa có kinh nghiệm

1. Thông tin cơ bản

Nguyễn Văn A-Ứng tuyển vị trí nhân viên kinh doanh

Ngày sinh: 19/05/1998

Số điện thoại: 0987654321

Email: [email protected]

Facebook: www.fb.com/nguyena

Giới tính: Nam

Địa chỉ: Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

2. Mục tiêu nghề nghiệp

Tận dụng lợi thế về kỹ năng bán hàng, những hiểu biết trong ngành được đào tạo trong quá trình học hỏi để trở thành một nhân viên Sale chuyên nghiệp, mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp. Trong tương lai sẽ có những đóng góp to lớn và trở thành nhân viên cốt cán trong bộ phận kinh doanh của doanh nghiệp.

3. Trình độ học vấn

Chuyên ngành: Quản trị kinh doanh

Trường: Đại học Thương Mại

Khóa học: 2016-2020

Xếp loại bằng: Khá

4. Hoạt động

- Từng tham gia các hoạt động do Đại sứ quán tổ chức như hoạt động trao học bổng cho sinh viên xuất sắc của các trường Đại học. 

-Tham gia hoạt động mùa hè xanh do câu lạc bộ tình nguyên ở trường Đại học tổ chức

5. Kinh nghiệm làm việc

Vị trí: Nhân viên kinh doanh

Thời gian: 06/2020-12/2020

Công việc chính: 

  • Viết bài và đăng thông tin sản phẩm của doanh nghiệp lên website chính, các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter,...

  • Liên hệ và trao đổi với khách hàng tiềm năng về sản phẩm của doanh nghiệp

  • Giải quyết những thắc mắc, khiếu nại của khách hàng về sản phẩm

=> Những kỹ năng học được: Kỹ năng bán hàng, kỹ năng nắm bắt tâm lý khách hàng, kỹ năng chăm sóc khách hàng, mang lại sự hài lòng cho khách. 

Vị trí: Nhân viên tư vấn bán hàng

Thời gian: 5/2019- 03/2020

Công việc chính:

  • Làm việc tại cửa hàng, tư vấn bán sản phẩm cho khách hàng

  • Trưng bày sản phẩm

  • Quản lý fanpage của cửa hàng, liên hệ với khách hàng

  • Giải quyết những thắc mắc, khiếu nại của khách hàng về sản phẩm

=> Kỹ năng học được: Kỹ năng bán hàng, giao tiếp với khách hàng, kỹ năng tư vấn bán hàng, chăm sóc khách hàng, làm hài lòng cả những vị khách khó tính nhất. 

6. Chứng chỉ

  • Chứng chỉ TOEIC (750 điểm)

  • Chứng chỉ tin học văn phòng

7. Kỹ năng

  • Kỹ năng giao tiếp

  • Kỹ năng xử lí tình huống

  • Kỹ năng tin học văn phòng

  • Kỹ năng thuyết trình

8. Sở thích

Đọc sách về kinh doanh, giao lưu kết bạn mở rộng mối quan hệ.

Sau khi theo dõi bài viết trên đây của viecmarketing24.com, hy vọng bạn sẽ thấy rằng viết một CV ấn tượng cho người chưa có kinh nghiệm không phải là một điều quá khó khăn. Nắm được cách viết CV cho người chưa có kinh nghiệm giúp bạn tạo được CV hoàn hảo, hạ gục nhà tuyển dụng, tạo điều kiện để bạn có được công việc mơ ước.

Chúc các bạn thành công!