Giáo viên được gì khi hướng dẫn nckh

Xem thêm bài đầy đủ của tác giả Tara Brabazon đăng trên tạp chí Time Higher Education (11/7/2013) tại đây.

dzungo

(Lược dịch và diễn giải)

About dzungtringo

Work on forest and natural resource management. Interested in how human activities shape the nature including ecology, landscape, and habitats.

Giảng dạy và nghiên cứu khoa học (NCKH) là nhiệm vụ cơ bản của người giảng viên đại học. Đây không chỉ là tiêu chí quan trọng để đánh giá một cá nhân, hay rộng hơn một tập thể cán bộ giảng dạy, mà còn phản ánh chất lượng, uy tín, danh dự, tầm cỡ của một trường đại học. Trong bối cảnh ngày nay, khi những nhân tố làm phẳng thế giới không ngừng biến đổi thì việc đổi mới không ngừng theo chiều hướng tích cực trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục là điều tất yếu. Giáo dục đại học giữ vai trò chủ đạo trong toàn bộ hệ thống giáo dục quốc gia, cho nên đây là mảng cần sớm nhất sự đổi mới căn bản và toàn diện, đúng như Nghị quyết 29 của Hội nghị trung ương 8 khoá XI đã xác định. Để giáo dục Việt Nam không bị tụt hậu ngày càng xa so với các nước phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới, các cán bộ giảng dạy đại học cần chú trọng đặc biệt tới việc làm thế nào để nâng cao năng lực giảng dạy cũng như NCKH của mình, chung sức vào việc giữ vững và nâng cao vị thế của nhà trường. Hai nhiệm vụ giảng dạy và NCKH trong trường đại học có mối quan hệ khăng khít, có vai trò hỗ trợ lẫn nhau. Ý thức được điều đó, trong những năm qua, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã luôn quan tâm tới vấn đề này

Mục tiêu của giáo dục hiện đại là nhằm hướng tới phát triển, hoàn thiện cá nhân mỗi con người. Do đó, dạy học ngày nay không còn đơn thuần là quá trình truyền đạt kiến thức, truyền thụ kinh nghiệm của người giáo viên, mà là quá trình bồi dưỡng kĩ năng, phẩm chất và phát huy năng lực vốn có của người học. Đó được coi là quá trình lấy học trò làm trung tâm, người thầy với tư cách của một đạo diễn, một nhà thiết kế, người tổ chức, sẽ trở thành cố vấn đắc lực giúp học trò hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập. Quá trình dạy - học này đòi hỏi cả người dạy và người học phải hết sức năng động, sáng tạo. Gắn với yêu cầu đổi mới giáo dục, theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo nước ta, kể từ khi bắt đầu chuyển đổi sang hình thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ, chương trình dạy học trong nhà trường đại học sư phạm đã có những bước điều chỉnh cho phù hợp, và từ bấy đến nay vẫn đang tiếp tục được chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện để thích ứng với giai đoạn hiện tại, với xu thế chung của giáo dục thời kì hội nhập. Yêu cầu đổi mới thường xuyên đòi hỏi mỗi cán bộ giảng dạy cũng phải thường xuyên trau giồi, cập nhật, bổ sung kiến thức mới không chỉ về nội dung chương trình, mà còn về nhiều phương diện khác, trong đó có đổi mới phương pháp giảng dạy. Có thể nói, từ nội dung chương trình đến việc chuyển tải nội dung ấy cho sinh viên như thế nào để tạo hứng thú, kích thích họ phát huy được vai trò tích cực, chủ động sáng tạo là công việc vô cùng khó khăn. Thực tế cho thấy, không ít giảng viên lâu nay đã miệt mài, trăn trở, loay hoay trong sự kiếm tìm đổi mới, song dường như vẫn cảm thấy lực bất tòng tâm. Đây là tình trạng chung của nhiều trường sư phạm trong cả nước.

Giải pháp khắc phục tình trạng này, theo chúng tôi, nằm ở cả hai nhân tố chủ quan và khách quan. Nói tới nhân tố khách quan là nói tới cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, giảng đường, thư viện… Trong những năm qua ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các phòng học đã được quan tâm đầu tư. Hệ thống máy chiếu, máy tính, phầm mềm phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu đã được bổ sung, nâng cấp. Đặc biệt, với định hướng chỉ đạo đúng đắn của các cấp lãnh đạo, cùng với sự ủng hộ của cán bộ, sinh viên, học viên, hiện nay 100% phòng học đã được lắp đặt điều hoà, máy chiếu. Trung tâm Thông tin - Thư viện của nhà trường cũng đã từng bước nâng cao hiệu quả phục vụ cũng như chất lượng nguồn lực và các dịch vụ thông tin, khắc phục sự nghèo nàn, lạc hậu để đáp ứng tối đa nhu cầu của cán bộ giảng viên toàn trường, phấn đấu tiến tới tương xứng với tầm vóc của một thư viện của trường đại học trọng điểm.

Bên cạnh nhân tố khách quan, nhân tố chủ quan chính là sự nỗ lực của bản thân mỗi cán bộ giảng dạy trong trường. Chất lượng giảng dạy, chúng tôi thiết nghĩ, phụ thuộc trước hết, và cơ bản được quyết định ở chính người giảng viên. Nếu chất lượng giảng dạy tốt, người giảng viên có quyền tự hào và khẳng định mình. Ngược lại, chất lượng giảng dạy kém, thì không thể đổ lỗi cho những yếu tố khách quan. Người thầy giáo chỉ có thể có những giờ giảng chất lượng khi có sự đầu tư công sức chuẩn bị cho bài giảng. Ngoài nội dung kiến thức phong phú, một bài giảng thành công còn phải nói đến việc vận dụng phương pháp giảng dạy tích cực phù hợp. Các đơn vị, các bộ môn trong toàn trường đã có sự chủ động trong công tác đổi mới phương pháp dạy học cho phù hợp với phương thức đào tạo mới và đặc thù từng môn học. Nhiều đơn vị đã tổ chức thành công các cuộc Hội thảo khoa học Quốc gia và Quốc tế về vấn đề này. Nhà trường và Công đoàn trường đã mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, bồi dưỡng kĩ năng sử dụng các phương tiện dạy học kĩ thuật số và bồi dưỡng ngoại ngữ thu hút đông đảo giảng viên tham gia. Một hoạt động hết sức hữu hiệu, thiết thực thời gian gần đây không thể không nói tới, đó là hoạt động tổ chức dự giờ do công đoàn thuộc các đơn vị phát động. Các tổ bộ môn ở nhiều đơn vị tích cực động viên, khuyến khích giảng viên đăng kí giờ dạy đổi mới phương pháp, trên cơ sở đó cùng nhau tham gia góp ý, trao đổi, rút kinh nghiệm về phương pháp dạy học. Ai cũng biết, một giảng viên giàu kinh nghiệm không chỉ biết lực chọn phương pháp phù hợp đối tượng, còn phải biết thực hành phương pháp. Mọi kinh nghiệm, phương pháp chỉ biến thành cái của riêng mình khi mỗi người tự mình có ý thức nghiêm túc học hỏi và trau giồi, thể nghiệm.

Một trong những yếu tố quyết định tới chất lượng giảng dạy, cũng là tiêu chí quan trọng để phân biệt một cán bộ giảng dạy đại học với một giáo viên phổ thông, đó là năng lực NCKH. Tất nhiên ở phổ thông, người giáo viên cũng cần bồi dưỡng, NCKH, song yêu cầu đó không phải được đặt ra cấp thiết như ở môi trường đại học. Tại các trường đại học nước ngoài, đây được coi là tiêu chí hàng đầu trong tuyển dụng giảng viên. Trong thời đại bùng nổ thông tin, khoa học phát triển với tốc độ “vũ bão”, kể cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, nếu người cán bộ giảng dạy đại học không chú trọng tới công tác này rất dễ lạc hậu, lạc hậu một cách hồn nhiên. Nghĩa là lạc hậu mà không biết rằng mình lạc hậu. Chúng tôi được biết, đây đó không phải không còn những giảng viên vẫn sử dụng các giáo trình viết từ thập niên 80 của thế kỉ trước để giảng dạy - những kiến thức đã lạc hậu gần 30 năm so với Việt Nam và hàng thế kỉ so với thế giới. Chỉ trong vòng 5 - 10 năm qua, các chuyên ngành sư phạm về cơ bản đã có nhiều thay đổi, nhiều kiến thức mới mẻ mà nếu không nghiên cứu, học hỏi, người cán bộ giảng dạy sẽ không thể tiếp thu và theo kịp.

Ý thức sâu sắc điều này, các đơn vị trong trường ĐHSP Hà Nội đã thường xuyên động viên, tạo điều kiện, giúp đỡ để mỗi giảng viên tự khắc phục hoàn cảnh cá nhân, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn. Trong hoàn cảnh hiện nay, đi vào lĩnh vực học tập, bồi dưỡng, nghiên cứu là chấp nhận sự hi sinh, chấp nhận những thử thách, khó khăn, bởi NCKH không phải là con đường bằng phẳng để ai cũng có thể dễ dàng hễ đi là đến. Nếu bản thân mỗi người không có nghị lực, quyết tâm cao, không có niềm say mê khoa học, rất có thể sẽ vội vàng bỏ cuộc. Thế nhưng, phần lớn các giảng viên trong trường đã không bỏ cuộc. Nhiều đề tài NCKH các cấp đã được nghiệm thu đúng thời hạn, nhiều bài báo đã được công bố trên các tạp chí, hội thảo khoa học trong và ngoài nước. Hàng năm, nhà trường còn tổ chức xét duyệt, trao tặng giải thưởng cho các nhà nghiên cứu có các công trình khoa học xuất sắc; khen thưởng các giảng viên hướng dẫn sinh viên có thành tích báo cáo khoa học đạt kết quả cao. Nhiều thầy cô tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ để phục vụ cho việc mở rộng quan hệ giao lưu học thuật, phối hợp nghiên cứu cùng các nhà khoa học nước ngoài… Tất cả đều đã nói lên những nỗ lực không ngừng của cán bộ giảng dạy trong toàn trường.

Chúng tôi nghĩ rằng, để có được bất cứ phong trào nào cũng cần có những người khởi xướng, có những con chim đầu đàn để cổ vũ khích lệ mọi người. Nếu trong một tập thể mà tất cả đều “bình chân như vại”, không có những mũi nhọn, những tấm gương về sự say mê tìm tòi nghiên cứu khoa học thì cũng khó có thể tạo được không khí học tập, bồi dưỡng chuyên môn. Điều đáng mừng là trường ĐHSP Hà Nội đã có không ít những tấm gương như thế. Khó có thể liệt kê ra hết những tấm gương thầy cô mái đầu đã bạc vẫn đêm ngày miệt mài cày trên luống chữ, tận tuỵ hướng dẫn, truyền lửa nhiệt tình, đam mê nghiên cứu cho các thế hệ học trò.

Chúng ta không thể phủ nhận ý kiến cho rằng, đối với người cán bộ giảng dạy, thì học tập, NCKH trước hết là do quyền lợi bản thân, học là học cho mình. Nhưng cũng không hoàn toàn chỉ vì thế. Công việc mang tính tự nguyện tự giác này không chỉ xuất phát từ quyền lợi, mà còn do danh dự - danh dự của bản thân và cũng là danh dự của đơn vị, của nhà trường. Sự thành đạt của mỗi cá nhân trên bước đường học tập và nghiên cứu cũng là niềm tự hào, là cơ sở tồn tại của mỗi đơn vị. Việc đầu tư cho hôm nay là cơ sở góp phần vào sự tồn tại và vị trí của nhà trường ngày mai. Trong một đơn vị, nếu một vài giảng viên chưa có điều kiện học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ, có thể chưa ảnh hưởng nhiều tới chất lượng chuyên môn của đơn vị ấy, nhưng nếu đa số cán bộ giảng viên vì không được khuyến khích, động viên thoả đáng, tạo điều kiện thuận lợi, thì sau 5 năm, 10 năm, chắc rằng đơn vị đó không thể nói là có đội ngũ giảng dạy đáp ứng kịp thời với sự phát triển của khoa học. Ở đây, chúng tôi muốn nói tới vai trò không thể thiếu của tổ chức công đoàn trong việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các công đoàn viên cũng như trong việc phối hợp với chính quyền tham gia quản lí chuyên môn.

Dẫu là trong thời đại nào, thì yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng giảng dạy vẫn là người giáo viên. Có thầy giỏi sẽ có phương pháp hay, và tất sẽ có những trò giỏi. Bởi vậy, việc quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ giảng dạy có cơ hội phát triển, nâng cao trình độ chuyên môn để có được một đội ngũ vững mạnh trong tương lai là việc làm hết sức cần thiết của các trường đại học nói chung, đại học sư phạm nói riêng trong cả nước. Trong thời gian qua, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã làm tốt công tác này. Mỗi cán bộ giảng dạy trong trường luôn được hâm nóng bầu nhiệt huyết không chỉ bởi quan niệm “học thì ấm vào thân”, mà còn vì vị trí, trách nhiệm lớn lao đối với nhà trường và xã hội. Các cán bộ giảng viên toàn trường tin tưởng rằng, trong thời gian tới, với sự quan tâm hơn nữa của các ban, ngành Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như của lãnh đạo Công đoàn cấp trên, các mặt hoạt động của nhà trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đặc biệt là hoạt động giảng dạy và NCKH sẽ đạt được nhiều thành tích cao hơn nữa, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của nền giáo dục nước nhà.