Phạt đúng người đúng tội trong tiếng anh là gì năm 2024

Phạt đúng người đúng tội trong tiếng anh là gì năm 2024

Tóm tắt: Trong số các nguyên tắc của tố tụng hình sự, nguyên tắc suy đoán vô tội đóng vai trò hết sức quan trọng, được xem là trụ cột hay xương sống của hệ thống pháp luật tố tụng hình sự ở các nước văn minh. Suy đoán vô tội cũng là một trong những nội dung của nguyên tắc xét xử công bằng theo luật nhân quyền quốc tế. Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội còn bộc lộ những hạn chế như tư duy của cơ quan và người tiến hành tố tụng coi người bị cáo buộc phạm tội là người có tội; tình trạng tuân thủ không nghiêm chỉnh thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án; tình trạng kết tội khi không đủ chứng cứ thuyết phục. Do đó, cần hoàn thiện quy định của pháp luật để hạn chế tình trạng trên, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội.

Từ khoá: nguyên tắc, suy đoán vô tội, pháp luật.

Abstract: The principle of presumption of innocence plays a significant role in the fundamental principles of criminal procedure. This principle is considered the mainstay or “backbone” of criminal procedural law in civilized countries. “Presumption of innocence” is also one of the principles of a fair trial under international human rights law. However, there are many shortcomings in the application of “presumption of innocence” in judicial practice. For example, competent procedural authorities or individuals always have the mindset that the accused persons are always the guilty ones. In addition, there is a lack of strict compliance with the criminal procedure during the settlement of the case and the conviction when there is not enough evidence. Therefore, it is necessary to improve the law provisions to deal with the above situations and to ensure that the adjudication was applied to the exact entities precisely for what they commit according to the laws

Keywords: “principle”, “presumption of innocence”, “law”.

  1. Khái niệm “Suy đoán vô tội” và sự cụ thể hoá nguyên tắc “Suy đoán vô tội” trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Suy đoán vô tội theo tiếng Anh là “presumption of innocence”. Thuật ngữ này còn có tên gọi khác là “the right to be presumed innocent”, với nghĩa là quyền được giả định vô tội, theo đó, người bị cáo buộc thực hiện một tội phạm được coi (được giả định) là không có tội cho đến khi cơ quan công tố thuyết phục được Tòa án rằng bị cáo đã phạm tội.

Ngày 24/9/1982, Việt Nam gia nhập Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị, thể hiện sự cam kết của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người nói chung và thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội nói riêng. Điều 10 Bộ luật TTHS năm 1988 quy định: “Không ai có thể bị coi là có tội và phải chịu hình phạt, khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”. Tương tự như vậy, Bộ luật TTHS năm 2003 vẫn tiếp tục quy định: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”. Đồng thời, Điều 72 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đó có hiệu lực pháp luật. Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh”. Như vậy, cho đến trước Hiến pháp năm 2013, pháp luật Việt Nam quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội chưa cụ thể và chưa bao hàm hết nội dung cơ bản của nguyên tắc suy đoán vô tội. Mặt khác, về mặt hình thức thì cả trong Hiến pháp và Bộ luật Hình sự cũng chưa có điều nào có tên gọi “suy đoán vô tội”.

Lần đầu tiên trong lịch sử lập Hiến của Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 đặt ra quy định tại Chương II – “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” như sau: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” (khoản 1, Điều 31 Hiến pháp năm 2013). Đó chính là nội dung đầy đủ của một nguyên tắc pháp lý quan trọng: Nguyến tắc suy đoán vô tội.

Để thi hành Hiến pháp, bảo đảm sự phù hợp của pháp luật tố tụng hình sự với Hiến pháp, BLTTHS tại Điều 13 đã quy định một nguyên tắc hoàn toàn mới của tố tụng hình sự Việt Nam, đó là “nguyên tắc suy đoán vô tội” với nội dung như sau:

“Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

Theo quy định trên, nguyên tắc suy đoán vô tội gồm 03 nội dung chính và Bộ luật TTHS năm 2015 đã có những quy định tiến bộ cụ thể hoá nguyên tắc Suy đoán vô tội:

Thứ nhất, người bị buộc tội được coi là không có tội khi tội phạm do họ thực hiện chưa được chứng minh theo đúng các quy định của BLTTHS năm 2015

Theo quy định này thì việc kết tội một người không qua thủ tục chứng minh của tố tụng hình sự hoặc có bất kỳ sự vi phạm thủ tục tố tụng trong quá trình chứng minh của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đều không có giá trị buộc tội. Nội dung này nhấn mạnh yêu cầu về mặt thủ tục pháp lý, là dấu hiệu quan trọng nhất của chế độ pháp quyền, theo đó thủ tục công khai, minh bạch là đòi hỏi số một cho việc bảo vệ quyền con người tránh sự bức cung, nhục hình dẫn đến nhận tội một cách tùy tiện.

Theo tinh thần đó, tại nhiều điều luật cụ thể, BLTTHS năm 2015 đã nhấn mạnh các yêu cầu nghiêm ngặt về trình tự, thủ tục, coi đó cũng là một nguyên tắc của tố tụng hình sự. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 được đánh giá có sự thay đổi mang tính đột phá, là bước ngoặt về thủ tục tố tụng hướng tới khách quan, công bằng trong quá trình giải quyết vụ án với các quy định như: Bình đẳng trước pháp luật, tranh tụng trong xét xử được bảo đảm, xác định sự thật khách quan của vụ án, đổi mới quy định về chứng cứ và chứng minh, luật hóa các biện pháp điều tra đặc biệt, kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong tố tụng hình sự… Điều 7 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này. Không được giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định.” Chứng cứ sẽ vô hiệu (Điều 87), hồ sơ phải được trả lại để điều tra bổ sung (Điều 236 và 280), bản án bị hủy để điều tra lại hoặc xét xử lại khi xét xử phúc thẩm (Điều 358) và trong thủ tục giám đốc thẩm (khoản 3 Điều 371, Điều 388) nếu phát hiện có vi phạm thủ tục tố tụng.

Để bảo đảm cho yêu cầu này, Điều 10 Bộ luật Tố tụng hình sự đã đặt ra yêu cầu nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình và các hình thức trái pháp luật khác trong quá trình thu thập chứng cứ và thực hiện các hoạt động tố tụng khác.

Điều 98 Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định, lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án; không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội.

Như vậy, Luật tố tụng hình sự đã nghiêm cấm mọi vi phạm về trình tự, thủ tục giải quyết vụ án hình sự, đồng thời cũng khẳng định khi có vi phạm thì việc chứng minh sẽ không có giá trị buộc tội đối với người bị cáo buộc phạm tội trong quá trình giải quyết vụ án.

Thứ hai, người bị buộc tội được coi là không có tội khi chưa được xác định bằng bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Tức là, người bị buộc tội chỉ có thể bị coi là có tội khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, trước khi có bản án kết tội của Toà án thì người đó chưa có tội. Bộ luật TTHS 2015 đã có sự tiến bộ để khẳng định nội dung này trong nhiều điều khoản. Điển hình là việc thay đổi chủ từ nhân xưng “Không ai” thành “Người bị buộc tội”. Cách diễn đạt như vậy, không chỉ đơn thuần là thay đổi thuật ngữ mà sự thay đổi trên đã lột tả hết bản chất của nguyên tắc. Theo đó, các chủ thể suy đoán vô tội được xác định rõ gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Ngoài những chủ thể đầu tiên được suy đoán vô tội là bị can, bị cáo, Bộ luật hiện hành đã bổ sung người bị tạm giữ và người bị bắt cũng là hai chủ thể được suy đoán vô tội (điểm đ khoản 1 Điều 4 BLTTHS).

BLTTHS 2015 cũng thay cụm từ “người phạm tội” bằng các cụm từ “người thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm” (Điều 179, 180, 280…) nhằm nhấn mạnh, tạo sự nhận thức rõ ràng cho người có thẩm quyền tiến hành tố tụng là chừng nào chưa có bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì người bị buộc tội vẫn chưa bị coi là có tội; những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng không được đối xử với người bị buộc tội như người có tội.

Tinh thần SĐVT đã được đưa vào trong điều luật bằng việc thay đổi thuật ngữ từ “bắt người” sang “giữ người” thể hiện ngay tại biện pháp ngăn chặn “Giữ người trong trường hợp khẩn cấp”. Bộ luật TTHS hiện hành đã thay đổi thuật ngữ “giữ người” đã thể hiện được sự khách quan hơn của pháp luật TTHS cũng như điều chỉnh được hành vi đối xử đối với những người bị giữ như những công dân bình thường. Nguyên tắc suy đoán vô tội còn được đồng bộ với các quy định về hệ thống quyền của người bị buộc tội. Quy định về quyền của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, Hiến pháp năm 2013 quy định không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật. Để khắc phục quy định tại Điều 81 BLTTHS năm 2003 về bắt người trong trường hợp khẩn cấp, đồng thời phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, cũng như để tạo điều kiện cho người bị bắt có cơ sở bảo vệ mình, BLTTHS năm 2015 bổ sung một số điều luật mới nhằm xác định tư cách tham gia tố tụng của “người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và người bị bắt”.

Thứ ba, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Tại Điều 15 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về ngyên tắc xác định sự thật vụ án như sau: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình có tội.”.

Trong các điều luật cụ thể tại BLTTHS 2015 đều quán triệt nguyên tắc này: Toàn bộ quá trình chứng minh tội phạm được Bộ luật quy định rất chặt chẽ, đầy đủ, cụ thể về trình tự, thủ tục, nhất là quá trình thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, theo đó, bổ sung quy định những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự (Điều 87); mỗi chứng cứ phải được kiểm tra để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải kiểm tra, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện mọi chứng cứ đã thu thập được về vụ án (Điều 108). Điều 98 BLTTHS hiện hành quy định rõ: “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội.”. Việc không coi lời nhận tội của bị can bị cáo là chứng cứ duy nhất để kết tội nhằm mục đích tránh tình trạng bức cung, mớm cung, dùng nhục hình ép bị can, bị cáo nhận tội làm sai lệch sự thật khách quan.

Để xác định một người là người phạm tội, trên cơ sở đó tiến hành truy cứu, áp dụng trách nhiệm hình sự đối với người đó, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh được người đó là người thực hiện hành vi bị luật hình sự coi là tội phạm. Nếu không chứng minh được một người đã thực hiện tội phạm thì không thể kết tội người đó. Về vấn đề quyền chứng minh của người bị buộc tội. Người bị buộc tội có quyền được chứng minh sự vô tội của mình. Người bị buộc tội có thể trực tiếp bào chủa để bảo vệ mình hoặc gián tiếp thông qua người khác làm người bào chữa. Quyền chứng minh của người bị buộc tội thể hiện tính công bằng và khách quan của TTHS nhằm bảo đảm sự bình đẳng và bảo vệ công lý. BLTTHS năm 2015 cho phép người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đều có quyền đưa ra chứng cứ mà không chỉ là đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu. Họ có quyền trình bày ý kiến của mình về chứng cứ do các chủ thể tố tụng khác đưa ra, yêu cầu người có thẩm quyền THTT kiểm tra, đánh giá chứng cứ đó.

Bên cạnh đó, người bào chữa còn có quyền thu thập chứng cứ, đưa ra chứng cứ, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản. Đây là một trong những điểm mới rất quan trọng và có ý nghĩa lớn trong việc giúp người bị buộc tội tự bảo vệ và thực hiện quyền suy đoán vô tội.

  1. Ví dụ điển hình vụ án hình sự vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội

Vụ án thứ nhất: Theo cáo trạng, Võ Tấn Minh (26 tuổi, ở P.Tấn Tài, TP.Phan Rang – Tháp Chàm) bị Cơ quan CSĐT Công an Ninh Thuận khởi tố về tội mua bán trái phép chất ma túy và giao cho Công an TP.Phan Rang – Tháp Chàm thụ lý theo thẩm quyền. Khoảng 15 giờ 30 ngày 8/9/2017, Minh được Cơ quan CSĐT Công an Ninh Thuận dẫn giải về Nhà tạm giữ Công an TP.Phan Rang – Tháp Chàm để tiếp tục giam giữ theo thẩm quyền. Minh được đưa lên phòng hỏi cung số 2 để học nội quy buồng giam, đồng thời khi được hỏi nguyên nhân đánh nhau nhưng Minh có thái độ không hợp tác; không thừa nhận hành vi vi phạm nên 5 bị cáo trên đã dùng tay, chân và một ống nhựa đường kính 2,7 cm, dài 53 cm (bên trong ống nhựa có nhét một khúc gỗ dài 10 cm) đánh vào người Minh. Sau đó, Minh bị còng tay, chân ở trong phòng hỏi cung thì đến khoảng 16 giờ 10 cùng ngày, phát hiện Minh đã chết lâm sàng. Giám định pháp y về tử thi của Trung tâm pháp y tỉnh Ninh Thuận kết luận nguyên nhân Minh tử vong là do phù phổi cấp, xẹp phổi gây suy hô hấp, trụy tim mạch cấp tính, đa sung huyết phủ tạng trên cơ thể đa chấn thương.

Trước đó, ngày 13/9/2018, HĐXX sơ thẩm TAND tỉnh Ninh Thuận đã tuyên phạt các bị cáo gồm: Ngô Văn Sáng (32 tuổi) 7 năm tù; Trần Đức Lâm (29 tuổi) và Nguyễn Phạm Việt Hà (23 tuổi) cùng mức án 6 năm tù; Hồ Bá Đồng (27 tuổi) 5 năm tù và Vũ Trọng Trường (29 tuổi, cùng nguyên là cán bộ, chiến sĩ thuộc đội Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp Công an TP.Phan Rang – Tháp Chàm) 3 năm tù cùng về tội dùng nhục hình. Sau phiên xét xử sơ thẩm, gia đình bị hại có đơn kháng cáo đề nghị tăng mức hình phạt, thay đổi tội danh từ dùng nhục hình sang tội giết người đối với các bị cáo; đồng thời các bị cáo có đơn xin giảm mức hình phạt.

Tại phiên phúc thẩm sáng 21/5/2019, HĐXX TAND cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh nhận định HĐXX sơ thẩm TAND tỉnh Ninh Thuận đã đánh giá đúng tính chất nghiêm trọng của vụ án và tuyên phạt 5 bị cáo về tội dùng nhục hình là có căn cứ, đúng người, đúng tội nên HĐXX phúc thẩm tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm; chỉ chấp nhận một phần kháng cáo dân sự của các bị cáo.

Vụ thứ hai: vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, oan sai là do lỗi của Cơ quan điều tra. Khi vụ án xảy ra thì điều tra viên chỉ nghĩ đến ông Chấn là thủ phạm và buộc tội bằng được ông Chấn. Đó là do nguyên tắc suy đoán vô tội chưa được đảm bảo. Và khi mỗi vụ việc oan sai xảy ra, người ta chỉ nghĩ đến thiệt hại kinh tế là Nhà nước tốn một khoản tiền bồi thường. Cái đau khổ hơn của oan sai là gia đình họ tan nát, con cái họ thất học…

Vụ án thứ ba: vụ án ông Hàn Đức Long không đủ yếu tố truy cứu trách nhiệm hình sự: Ngày 24/9/2011 TAND tỉnh Bắc Giang xét xử sơ thẩm đối với ông Hàn Đức Long về các tội hiếp dâm trẻ em, tù chung thân về tội giết người. Hình phạt chung của hai tội là tử hình. Ông Long kháng cáo kêu oan.

Bản án sơ thẩm và phúc thẩm bị kháng nghị đã được Hội đồng Thẩm phán TANDTC chấp nhận kháng nghị và quyết định hủy hai bản án bị kháng nghị để điều tra lại vụ án. Với lý do có nhiều vi phạm trong điều tra vụ án.

Kết quả điều tra lại vụ án đã kết luận không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Hàn Đức Long về các tội danh đã bị khởi tố.

  1. Một số đề xuất hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 nhằm bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội

Một là, để bảo đảm sự nhận thức và thực hiện thống nhất nguyên tắc này, cần có văn bản hướng dẫn thực hiện nguyên tắc này và giải thích những trường hợp như thế nào được xác định là trường hợp: không đủ và không thể làm tỏ được căn cứ buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục quy định trong BLTTHS năm 2015.

Hai là, sửa đổi Điều 13 BLTTHS 2015 theo hướng đổi từ “coi” thành từ “suy đoán vô tội” để phù hợp với tên nguyên tắc. Cụ thể nên sửa lại như sau:

“Điều 13. Suy đoán vô tội

Người bị buộc tội được suy đoán vô tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.”

Ba là, hoàn thiện quy định pháp luật về nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội như: bỏ quy định về đăng ký bào chữa, bổ sung quyền cho bị can, bị cáo được tạm hoãn các thủ tục tố tụng cho đến khi có sự tham vấn của người bào chữa, bổ sung quyền của luật sư được tiếp xúc riêng tư với bị can bị cáo, bổ sung chế tài xử lý đối với người tham gia tố tụng, các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác vi phạm nghĩa vụ hợp tác trong hoạt động thu thập chứng cứ với người bào chữa… Việc bổ sung này giúp người bị buộc tội bảo vệ được mình. Bên cạnh đó, các quy định về quyền bào chữa hiện nay thường được quy định một cách rãi rác, xuyên suốt BLTTHS. Điều này dẫn đến việc áp dụng các quy định pháp luật không được thống nhất, không bao quát hết để có thể vận dụng chính xác. Vì vậy, cần quy định một chương riêng về quyền bào chữa, tập hợp những điều luật một cách thống nhất, logic khi áp dụng. Việc quy định một chương riêng về quyền bào chữa cũng nói lên tầm quan trọng của quyền bào chữa trong hệ thống TTHS.

Bốn là, Mặc dù một số quy định pháp luật tố tụng hình sự đã có sự mặc nhiên thừa nhận “Quyền im lặng” nhưng cho đến nay vẫn chưa có một quy định cụ thể nào nói về nội dung cũng như phạm vi của Quyền im lặng. Do đó, cần bổ sung quy định về “Quyền im lặng” trong BLTTHS 2015 để người bị buộc tội có quyền tự bảo vệ mình trước những áp lực từ phía cơ quan buộc tội.

  1. Kết luận

Suy đoán vô tội bảo vệ chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự và lợi ích của người bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, nguyên tắc suy đoán vô tội cũng đặt ra yêu cầu cao hơn cho những người tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm.

Vì vậy, việc bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam cần được coi là một trong những nguyên tắc trụ cột và là một nhu cầu cấp thiết nhằm thực hiện đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cải cách tư pháp trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Phạm Hồng Hải (2018) “Suy đoán vô tội và kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật về nguyên tắc suy đoán vô tội” tại địa chỉ: http://lapphap.vn/Pages/TinTuc/208309/Suy-doan-vo-toi-va-kien-nghi-hoan-thien-quy-dinh-cua-phap-luat-ve-nguyen-tac-suy-doan-vo-toi.html.

Nguyễn Thành, Xét xử phúc thẩm vụ án dùng nhục hình gây chết người tại Ninh Thuận, https://vov.vn/phap-luat/xet-xu-phuc-tham-vu-an-dung-nhuc-hinh-gay-chet-nguoi-tai-ninh-thuan-911755.vov

Tâm Lụa, Oan sai là bài học xương máu, https://tuoitre.vn/oan-sai-la-bai-hoc-xuong-mau-1181157.htm, 2016

Việt Chung – Bảo Hà, 12 năm lao lý của người 4 lần mang án tử, https://vnexpress.net/12-nam-vuong-lao-ly-cua-nguoi-4-lan-mang-an-tu-3575543.html

Phạm Nguyễn Viết Cường, Luận văn: Nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, 2019

[6] Tiến Long, Ngọc Hiển; Báo cáo của Toà án, Viện kiểm sát: án oán giảm dần theo từng năm, https://tuoitre.vn/bao-cao-cua-toa-an-vien-kiem-sat-an-oan-giam-dan-theo-tung-nam-20210325101324694.htm

[7] Hải Duyên – Hoàng Thuỳ, 6 vấn đề VKS đề nghị xem lại trong vụ án Hồ Duy Hải, https://vnexpress.net/6-va-n-de-vks-de-nghi-xem-lai-trong-vu-an-ho-duy-hai-4102385.html

[8] PGs, TS Nguyễn Thị Trường Giang, Ths Nguyễn Thy Lệ, Một số biểu hiện vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội trên báo chí hiện nay, https://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/201802/mot-so-bieu-hien-vi-pham-nguyen-tac-suy-doan-vo-toi-tren-bao-chi-hien-nay-303615/

[9] Lâm Anh Tuấn, Luận văn: Nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, 2016;

[10] TS Phạm Hùng Hải, Suy đoán vô tội và kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật về nguyên tắc suy đoán vô tội, http://lapphap.vn/Pages/TinTuc/208309/Suy-doan-vo-toi-va-kien-nghi-hoan-thien-quy-dinh-cua-phap-luat-ve-nguyen-tac-suy-doan-vo-toi.html, 2018;