Tình hình lộ, mất bí mật nhà nước

Sáng 21/12, Bộ Công an tổ chức hội nghị Phòng ngừa vi phạm tội phạm trong chuyển đổi nền kinh tế số và đảm bảo an ninh thông tin mạng đối với dịch vụ nội dung số tại Việt Nam. Dự và điều hành hội nghị có Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp và các cục nghiệp vụ Bộ Công an.

8 triệu cảnh báo tấn công mạng

Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Cục A05 - Bộ Công an) cho biết, qua chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước cho thấy, Việt Nam đang chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần 4.  

Theo ông Chính, hiện nay nước ta có 70 triệu người sử dụng internet (tương ứng với 70% dân số) với 154 triệu thiết bị kết nối internet. Ngành công nghiệp công nghệ thông tin có thứ hạng cao, cơ sở hạ tầng số phát triển nhanh với 68 triệu tài khoản mạng xã hội Facebook. Bối cảnh trên đặt ra khó khăn, thách thức lớn trong công tác đảm bảo an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. 

Tình hình lộ, mất bí mật nhà nước
Các đại biểu dự hội nghị

Qua công tác nắm bắt, điều tra của các đơn vị nghiệp vụ, Trung tướng Nguyễn Minh Chính cho biết, các đối tượng lợi dụng sức lan tỏa, đặc tính ẩn danh, xuyên biên giới, bảo mật cao của internet để hoạt động tuyên truyền phát tán thông tin xấu độc chống phá Đảng, nhà nước. Đặc biệt, trong năm 2021, loại tội phạm này diễn ra nhiều hơn do nước ta tổ chức nhiều sự kiện quan trọng, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. 

"Các đơn vị nghiệp vụ đã xử lý hơn 1.100 mục tiêu trọng điểm với 2,3 triệu tin, bài viết vi phạm pháp luật. Trong năm 2021, Bộ Công an ghi nhận 8 triệu cảnh báo tấn công mạng với 2.763 cuộc tấn công nhằm trang, cổng thông tin điện tử trong nước (tăng 26 % so với năm 2020).

Đặc biệt, Bộ Công an triệt phá nhiều chuyên án và phạt vi phạm hành chính hàng chục đối tượng; vô hiệu hóa hàng trăm hệ thống thu thập dữ liệu cá nhân trái phép và thu giữ 1.400 GB dữ liệu cá nhân bị chiếm đoạt", Trung tướng Chính cho biết tại hội nghị. 

30 vụ lộ, mất bí mật nhà nước

Đáng chú ý, theo Trung tướng Nguyễn Minh Chính, năm 2021, qua kiểm tra 26 cơ quan đơn vị địa phương, Bộ Công an phát hiện nhiều lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng. Hệ thống bị lây nhiễm virus và phần mềm gián điệp nguy hiểm gây nguy cơ mất an ninh, an toàn hệ thống thông tin mạng. 

Trong năm 2021, cơ quan chức năng phát hiện 30 vụ lộ, mất bí mật nhà nước với 202 đầu tài liệu. Một số ứng dụng phòng chống dịch Covid-19 có nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân. 

Về tình hình tội phạm sử dụng tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự an toàn xã hội, lãnh đạo Cục A05 cho biết, tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng có dấu hiệu gia tăng. 

Thủ đoạn phổ biến các đối tượng sử dụng là giả danh cơ quan thực thi pháp luật; xâm nhập giả mạo tài khoản email của doanh nghiệp cá nhân; chiếm quyền điều hành, quản trị để lừa đảo; giả mạo các website, trang thông tin điện tử của ngân hàng; thiết lập các trạm BTS viễn thông giả mạo, phát tán tin nhắn thương hiệu và lắp đặt thiết bị đánh cắp thông tin thẻ tại máy ATM, làm giả thẻ...

"Trong 5 năm qua, Bộ Công an đã phát hiện, đấu tranh, xử lý 2.386 chuyên án, khởi tố 1.158 vụ với 1.055 đối tượng và xử phạt hành chính 51 vụ liên quan tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng", Trung tướng Chính thông tin. 

Tình hình lộ, mất bí mật nhà nước
Trung tướng Nguyễn Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đoàn Bổng

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép nhằm trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp với nhiều loại hình hoạt động như: huy động tài chính theo mô hình đa cấp; đầu tư ngoại hối, bất động sản; phát hành tiền ảo theo mô hình đa cấp; bán cổ phiếu, khóa học trên mạng hoặc huy động đủ vốn sẽ đánh sập hệ thống rồi bỏ trốn... Đối với loại tội phạm này, từ năm 2016 đến nay, Bộ Công an xử lý 12 vụ, khởi tố 9 vụ với 37 đối tượng.

Theo Cục trưởng A05, tình trạng tội phạm trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ thanh toán cũng diễn ra rầm rộ với hình thức sử dụng ví điện tử "rác", sim "rác". Bộ Công an phát hiện và phá hàng loạt đường dây tội phạm với số tiền phạm pháp lên đến hàng nghìn tỉ đồng.  

Gần hơn 800 tội phạm nước ngoài bị bắt, xử lý

Một nội dung trọng tâm tại hội nghị được Trung tướng Nguyễn Minh Chính đề cập là tội phạm người nước ngoài sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam. Các phương thức chủ yếu các đối tượng sử dụng là lấy cắp thông tin, làm thẻ ngân hàng để rút tiền; Sử dụng thẻ tín dụng giả để thanh toán "khống" hàng hóa; Thuê địa điểm, thiết lập quản trị, điều hành đánh bạc, cá cược thể thao...

Đến nay, Bộ Công an đã bắt, xử lý 819 đối tượng, khởi tố 48 đối tượng liên quan đến tội phạm nêu trên. Trong đó, có 530 đối tượng người Trung Quốc, 20 người Thái Lan và các đối tượng khác. 

Trong thời gian qua, để ngăn ngừa các loại tội phạm sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, Bộ Công an đã tham mưu đến Đảng, nhà nước để xây dựng, ban hành chính sách pháp luật. Trong đó nổi bật là Nghị quyết số 30 của Chính phủ về chiến lược An ninh mạng quốc gia. Thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng về tăng cường công tác bảo vệ an ninh mang trong tình hình hiện nay. 

Bên cạnh đó, Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thành lập Ban chỉ đạo an toàn an ninh mạng quốc gia và xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng và các Nghị định hướng dẫn thi hành.  

Đoàn Bổng

Tình hình lộ, mất bí mật nhà nước

Công tác bảo vệ bí mật nhà nước có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ an ninh tổ quốc.

(PL)- Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, tình trạng lộ, mất bí mật Nhà nước vẫn diễn ra với tính chất, mức độ rất nghiêm trọng.

Ngày 19-8, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị tuyên truyền Luật Phòng, chống tham nhũng và tập huấn công tác bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2019 cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng công tác bảo vệ bí mật Nhà nước của các cơ quan Đảng, Nhà nước trong thời gian qua còn nhiều khó khăn, sơ hở, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước vẫn diễn ra phức tạp ở nhiều cấp độ khác nhau. Theo ông, tình trạng lộ, mất bí mật Nhà nước vẫn diễn ra với tính chất, mức độ rất nghiêm trọng, số vụ được phát hiện gần đây năm sau đều cao hơn năm trước; một số vụ đã ảnh hưởng lớn đến chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, ngoại giao của đất nước.

“Những sơ hở, tồn tại trong công tác bảo vệ bí mật Nhà nước như trên đã và đang tạo ra những nguy cơ trực tiếp dẫn đến lộ, mất bí mật Nhà nước nếu không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, khắc phục”. Ông Tân nói thế và dẫn chứng việc soạn thảo tài liệu bí mật Nhà nước trên máy tính kết nối Internet hoặc có lịch sử kết nối Internet có thể bị các đối tượng xấu lợi dụng, sử dụng mã độc, phần mềm gián điệp xâm nhập máy tính và các thiết bị lưu trữ di động nhằm đánh cắp, thu thập bí mật Nhà nước.

Tình hình lộ, mất bí mật nhà nước

Thượng tá Đặng Thị Hồng Nhung, Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an),  đang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CTV

Cạnh đó, tình trạng sao, chụp tài liệu bí mật Nhà nước không đúng thủ tục và thẩm quyền dẫn đến không kiểm soát được bản sao, nơi gửi văn bản.

“Việc thực hiện không đúng pháp luật khi lưu giữ, tiêu hủy, cung cấp tài liệu bí mật Nhà nước cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nắm giữ bí mật Nhà nước với các cá nhân không có trách nhiệm; phổ biến thông tin bí mật nhà nước không đúng phạm vi, đối tượng... đã và đang trực tiếp dẫn đến những vụ lộ, mất bí mật Nhà nước thời gian gần đây” - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.

Thượng tá Đặng Thị Hồng Nhung, Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an), thông tin từ năm 2000 đến nay xảy ra hơn 1.000 vụ lọt, lộ bí mật Nhà nước. “Tuy nhiên, con số này chưa đầy đủ, thực tế có thể nhiều hơn rất nhiều vì đây là con số tổng hợp trên các báo cáo của ngành công an” - bà Nhung nói.

Bà Nhung cũng dẫn chứng một bộ cụ thể, trong hai năm bộ này soạn thảo 400 tài liệu bí mật Nhà nước. “Các đồng chí sử dụng chính phủ điện tử rất nhiều, chuyển nhận, xử lý tài liệu qua email, cũng mặc nhiên 400 tài liệu này được đánh máy, xử lý qua các đường truyền kết nối Internet, nguy cơ lọt lộ rất nhiều” - bà nói và nhận xét rất nhiều bộ khác đều có tình trạng đánh máy, lưu trữ tài liệu bí mật Nhà nước trên máy tính kết nối Internet.

“Đánh máy tài liệu mật trên máy tính có kết nối Internet (kể cả rút kết nối ra) là vi phạm. Nếu ở Trung Quốc như thế là bị truy cứu trách nhiệm hình sự” - bà nêu rõ.

Theo bà, việc đổ lỗi cho hệ thống pháp luật khiến tình trạng lộ, lọt bí mật Nhà nước tăng dần qua các năm là không đúng. “Pháp luật của chúng ta đã tương đối đầy đủ nhưng việc thực thi pháp luật thế nào, có đầy đủ hay không thì đây là vấn đề còn nhiều hạn chế” - bà Nhung kết luận.

Theo Thượng tá Đặng Thị Hồng Nhung, Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an), sáu tháng đầu năm 2019 có 49 vụ lộ, lọt bí mật Nhà nước với 198 đầu tài liệu, sáu vụ xảy ra ở năm cơ quan trung ương và 43 vụ xảy ra ở 26 địa phương. Qua công tác quản lý an ninh mạng phát hiện 1.149 tài liệu lộ bí mật nhà nước như công văn, báo cáo mật do các bộ ngành, địa phương chuyển chế độ fax rọc, chuyển qua mạng viễn thông công cộng không được mã hóa, chuyển qua email.

“42/49 vụ lộ qua đường này. Năm năm gần đây, con số này đều 80%-90%, tức là chủ yếu lộ qua con đường thông tin truyền thông. Còn lại 7/49 vụ lộ, lọt bí mật Nhà nước qua các hình thức khác như kèm theo đơn thư khiếu nại tố cáo, qua báo chí xuất bản…” - bà Nhung nói.