Cách học tốt môn Kinh tế chính trị

Kinh nghiệm để học tập tốt các môn lý luận Mác - Lênin

Cách học tốt môn Kinh tế chính trị

Tạp chí CSND - Thực hiện Quyết định số 52/2008/QĐ - Bộ GDĐT, các môn Lý luận chính trị giảng dạy tại các trường ĐH - CĐ trên toàn quốc từ năm học 2009 - 2010 được cấu trúc lại gồm: Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam. Các môn Lý luận chính trị Mác - Lênin có vai trò rất trọng yếu trong chiến lược giáo dục toàn diện cho sinh viên. Chúng góp phần hình thành, bồi dưỡng cho sinh viên thế giới quan - nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học, trang bị những kiến thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng ta, góp phần định hướng suy nghĩ, hành động và hoàn thiện nhân cách cho thế hệ trẻ.

Học viện Cảnh sát nhân dân nằm trong khối trường lực lượng vũ trang, có nhiệm vụ đào tạo ra cán bộ Công an vừa có bản lĩnh chiến đấu, giữ gìn an ninh trật tự của đất nước, vừa đào tạo ra những con người có lập trường chính trị vững vàng, không hoang mang, dao động trước những biến cố mà các thế lực thù địch gây dựng nên,. Vì vậy, việc đổi mới phương pháp và tổ chức học tập các môn lý luận Mác - Lênin theo hướng tự giác, tự học và lấy người học là trung tâm có ý nghĩa quan trọng hơn, đặc biệt là đối với sinh viên lớp Chất lượng cao tại trường Học viện Cảnh sát nhân dân.
Tuy nhiên hiện nay, chất lượng học tập các học phần lý luận chính trị Mác - Lênin của khối sinh viên nói chung, và sinh viên tại lớp chất lượng cao nói riêng nhìn chung chưa cao. Nguyên nhân là do một bộ phận sinh viên chưa nhận thức đúng vai trò, tầm quan trọng của các học phần lý luận chính trị, đặc biệt là việc vận dụng kiến thức học phần vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống. Không ít sinh viên còn chưa thấy vai trò, mối liên hệ giữa các học phần lý luận chính trị với các học phần chuyên ngành, coi các học phần lý luận chính trị là học phần bắt buộc khô khan, trừu tượng mang tính đường lối, chính sách không liên quan tới chuyên môn sau này dẫn tới động cơ học tập không cao, thái độ học tập chưa đúng đắn. Hơn nữa, dù trong giảng dạy đã quan tâm đến việc áp dụng những phương pháp tích cực nhưng đánh giá lại vẫn chủ yếu theo kiểu truyền thống dẫn tới việc thi cử còn mang nặng tính kinh viện, sách vở, sinh viên chỉ học thuộc lòng câu chữ mà không hiểu sâu sắc nội dung nguyên lý, quy luật để vận dụng vào thực tế.
Thực trạng trên không chỉ tạo nên lối tư duy sai lầm của sinh viên coi việc học chỉ để đối phó mà còn làm suy giảm nghiêm trọng giá trị của các môn lý luận Mác - Lê nin đối với thực tiễn, yêu cầu đổi mới ở nước ta hiện nay. Thông qua quá trình áp dụng việc đổi mới phương pháp học tập các môn lý luận Mác - Lênin, tôi xin trao đổi một số kinh nghiệm để tổ chức tốt việc học tập bộ môn này với tư cách là cựu sinh viên từng học tập tại lớp Chất lượng cao.
Thứ nhất, việc tổ chức tự học tại Ký túc xá
Đối với bất cứ môn học nào, điều đầu tiên cần làm là xác định rõ đối tượng, động cơ và mục đích của việc học tập. Hàng ngày, chúng ta luôn đứng trước nhiều sự kiện, hiện tượng cần nhận biết đúng đắn, suy nghĩ sâu sắc và tìm biện pháp giải quyết phù hợp. Việc học tập các môn lý luận Mác - Lê nin là để xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học làm nền tảng học tập các môn chuyên ngành và vận dụng sáng tạo trong hoạt động tiễn của đời sống. Khi đã xác định rõ tầm quan trọng, tính thiết thực của môn học, chúng ta sẽ có động cơ học tập đúng đắn: học là để có thể hiểu và vận dụng vào giải quyết các công việc hàng ngày. Từ đó bản thân nêu cao quyết tâm, tích cực trong quá trình học tập lĩnh hội tri thức.
Học là hoạt động nhận thức tích cực, tự giác và sáng tạo của sinh viên. Vì vậy, để tổ chức tốt việc học tập các môn lý luận Mác - Lê nin, chúng ta cần dựa trên yêu cầu, hướng dẫn của giảng viên chuẩn bị bài trước mỗi buổi học.
Công cụ quan trọng nhất của việc học tập ở các trường CĐ - ĐH là giáo trình. Sinh viên cần biết khai thác tối đa dung lượng kiến thức trong đó thông qua trình tự: trước tiên đọc nhanh toàn chương để có ý niệm chung, sau đó đọc từng đoạn ngắn để nắm bắt nội dung cụ thể từng phần. Những ý khai thác được, những điểm chưa hiểu rõ cần gạch chân hoặc ghi chép lại để phục vụ việc tiếp thu bài trên lớp hiệu quả. Cùng với đó, chúng ta xem lại bài trước, liên kết nội dung, nắm vững kiến thức đã học sẽ lĩnh hội nội dung bài mới tốt hơn.
Bên cạnh giáo trình các môn lý luận, chúng ta cần chủ động sưu tầm tài liệu, thông tin có liên quan đến bài học trong sách báo, trên các phương tiện thông tin. Để khi tiến hành bài học trên lớp, chúng ta sẽ cùng làm việc với giảng viên một cách tích cực nâng cao hiệu quả tổ chức học tập. Việc chúng ta tìm hiểu bài trước ở nhà là bước tiến mới trong nhận thức kích thích năng lực sáng tạo, năng lực tự tổ chức lao động trí óc một cách hợp lý dần dần chủ động định hướng được kiến thức bài học và tự khai thác tri thức.
Thứ hai, việc tổ chức học tập trên giảng đường
Ở trình độ CĐ - ĐH, các môn Lý luận chính trị có khối lựợng kiến thức rộng, mang tính trừu tượng được tổng hợp từ nhiều lĩnh vực nên hình thức giảng dạy chủ yếu vẫn là thuyết giảng, phát vấn. Vì vậy, để tổ chức tốt việc học tập các môn lý luận chính trị này chúng ta cần tập trung tư tưởng và có ý thức chủ động thu nhận kiến thức. Trong đó, nghe giảng và ghi chép là hai hoạt động tiến hành đồng thời cùng với hoạt động phát biểu. Các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng, việc tiến hành đồng thời hai loại hoạt động chỉ có thể đạt được kết quả cao khi một trong hai hoạt đó đã trở nên thành thạo đến mức gần như tự động hóa.
Chúng ta đều biết rằng, cùng một lúc có nhiều tín hiệu khác nhau tác động vào các giác quan, nhưng không phải tất cả các tín hiệu đó đều đi vào ý thức, mà người học sẽ tiếp nhận những tín hiệu đó một cách có lựa chọn. Vì vậy khi nghe giảng, chúng ta phải hoạt động tư duy hết sức tích cực, khẩn trương và có chọn lọc để có thể nắm được những vấn đề giảng viên gợi mở, trình bày. Hoạt động nghe giảng tốt là cơ sở để ghi chép bài tốt.
Cách ghi chép lại mang sắc thái cá nhân. Ở mỗi môn học lại đòi hỏi một phương pháp ghi chép khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là nếu sinh viên không hiểu bài thì không thể ghi chép tốt được. Như vậy, việc ghi lại bài giảng phải tuân theo sự hiểu biết khi nghe giảng và có sự thay đổi linh hoạt tùy theo đặc trưng từng môn học và phong cách giảng của từng giảng viên. Đối với các môn Lý luận chính trị, cần đảm bảo tính chính xác và tính logic của các quan điểm, luận cứ, luận chứngVì thế, bài ghi của sinh viên phải chính xác, đảm bảo yêu cầu về kiến thức và tính logic của bài học. Mặt khác, cách ghi bài của mỗi sinh viên có thể khác nhau, tùy thuộc vào vốn hiểu biết và sự vận dụng sáng tạo của mỗi sinh viên.
Hoạt động phát biểu xây dựng bài chính là một biểu hiện tích cực của việc đổi mới tư duy tiếp thu kiến thức và góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức học tập các môn lý luận Mác - Lê nin. Chính ở hoạt động này chúng ta phát huy được tinh thần chủ động làm việc, cầu tiến đối với tri thức lý luận. Cũng nhờ phát biểu mà những thắc mắc nảy sinh trong quá trình đọc giáo trình và tiếp cận tài liệu liên quan chuẩn bị ở nhà được giải đáp. Đồng thời thông qua mạnh dạn trao đổi, các vấn đề được đào sâu sẽ hiểu kỹ, nhớ lâu và có khả năng vận dụng trong thực tiễn cao. Mặt khác hoạt động phát biểu trước lớp còn là phương pháp luyện tập nêu, trình bày và biện giải chủ kiến của bản thân trước tập thể một cách mạch lạc, tự tin. Đây cũng chính là con đường tiến tới xây dựng tư duy logic, biện chứng duy vật.
Hiện nay, để tổ chức tốt việc học tập các môn lý luận Mác - Lê nin chúng ta còn cần tích cực tiến hành hoạt động nhóm. Hoạt động nhóm là công việc tương đối phức tạp, đa dạng hóa đòi hỏi mỗi chúng vừa phải có khả năng làm việc cá nhân vừa có khả năng làm việc tập thể. Trước các buổi thảo luận, các nhóm đều phải chuẩn bị, xây dựng bài chung.
Trong quá trình thảo luận nhóm trên lớp, đại diện nhóm thay phiên thuyết trình, các nhóm khác sẽ tham gia phản biện, đặt câu hỏi cho nhóm được thuyết trình giải đáp. Đối với những vấn đề khó, giảng viên sẽ gợi ý, định hướng để sinh viên giải quyết đúng và trúng vấn đề thảo luận. Kết thúc mỗi vấn đề thảo luận, các nhóm cần tổng kết một cách ngắn gọn nội dung vấn đề thảo luận, đánh giá những ý kiến đúng, sai và viết được bài thu hoạch ứng dụng thực tế.
Thứ ba,mở rộng tổ chức học tập ngoài giờ
Bài giảng của giáo viên trên lớp chỉ mang tính hướng dẫn, gợi ý chứ không phải trình bày hoàn chỉnh, trọn vẹn về một vấn đề. Vì vậy, chuyển kiến thức mà giảng viên truyền thụ thành kiến thức của mình, chúng ta cần xem xét lại bài ngay sau buổi học. Để ghi nhớ tốt nhất hệ thống kiến thức bề bộn của các môn lý luận chính trị Mác - Lê nin, chúng ta cần phải thực hiểu để có sự liên hệ trước sau giữa các bài học, phần học. Cách tốt nhất là lập bảng biểu, sơ đồ, đề cương để trực quan hóa kiến thức.
Ngoài ra, điểm quan trọng nhất để tổ chức tốt việc học tập các môn chính trị Mác - Lê nin là khả năng ứng dụng, liên hệ thực tế của chúng ta đối với kiến thức đã ghi nhớ được. Tính đúng đắn của những nguyên tắc phương pháp luận được chứng minh trong đời sống hoặc từ các câu ca dao, tục ngữ mà từ kinh nghiệm trong cuộc sống ông cha ta đã khái quát như: tích tiểu thành đại, năng nhặt chặt bị, góp gió thành bão, kiến tha lâu cũng đầy tổ để nói về ý nghĩa phương pháp luận của quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và ngược lại; hay ở bầu thì tròn, ở ống thì dài để nói nguyên lý tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội...
Để đưa các kiến thức đã học vào thực tế, góp phần mở rộng và hoàn thiện công tác tổ chức học tập các môn lý luận chính trị Mác - Lê nin, chúng ta cần nhất là tham gia các phong trào, hoạt động thi đua mà nhà trường, tổ chức phát động như: Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hành chính trị - xã hội,.... để gắn lý luận với thực tiễn nhằm nâng cao nhận thức chính trị và chất lượng học viên.
Như vậy, học tập các môn lý luận chính trị Mác - Lê nin góp phần quan trọng trong giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức cho sinh viên chúng ta, đặc biệt là học viên cảnh sát. Bên cạnh thay đổi tích cực của công tác giảng dạy, bản thân sinh viên chúng ta phải có ý thức tự giác, nhận thức đúng đắn về vai trò của bộ môn này đối với đặc thù nghề nghiệp của mình. Trang bị lý luận Mác - Lê nin vững chắc là vũ khí lợi hại để chúng ta đánh giá đúng những biến động xã hội, giữ vững lập trường tư tưởng và đạo đức nghề nghiệp.
Do đó, kinh nghiệm tổ chức tốt học tập lý luận Mác - Lênin trên tinh thần tự giác, tích cực, chủ động có ý nghĩa thực tiễn rất lớn. Thế nên chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rằng học tập chủ nghĩa Mác - Lênin không phải để học thuộc lòng từng chữ, từng câu và áp dụng một cách máy móc mà phải học tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin, học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế: Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình.
Trên đây, là kinh nghiệm về việc tổ chức học tập các môn Mác - Lê Nin của cá nhân tôi, rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, để bản tham luận được hoàn chỉnh hơn.

Đỗ Thị Mai Hương

Cựu sinh viên CLC D31

Khoa Nghiệp vụ Cảnh sát điều tra - T32