Sự giống nhau giữa tăng trưởng và phát triển

31. Vì sao nói "tăng trưởng" khác với "phát triển"?

"Tăng trưởng” và “phát triển” vừa quan hệ mật thiết với nhau, vừa khác nhau về bản chất.

“Tăng trưởng” tức là tăng trưởng kinh tế, là chỉ sự tăng trưởng của một quốc gia hoặc một khu vực trong một thời gian nhất định về mặt của cải quốc dân hoặc của cải xã hội. Cụ thể đó là “sự tăng thêm về sản phẩm sản xuất và tổng lượng dịch vụ của một nước”. Kinh tế tăng trưởng thông thường có thể dùng chỉ tiêu tổng giá trị sản xuất quốc dân (GNP) hoặc tổng giá trị sản lượng quốc nội (GDP) để biểu thị.

“Phát triển” là chỉ kinh tế phát triển, hoặc xã hội phát triển. Nó không những bao hàm nội dung tăng trưởng về kinh tế mà còn có ý nghĩa rộng hơn là cùng với sự tăng trưởng đó đã xuất hiện sự biến đổi về “cấu trúc”, ví dụ kết cấu kinh tế, kết cấu xã hội, kết cấu chính trị, v.v..Có thể thấy nội hàm của “Tăng trưởng kinh tế” khá hẹp, là một khái niệm đơn thuần thiên về số lượng và tốc độ, còn nội hàm của “Phát triển kinh tế” rộng hơn, là một khái niệm tổng hợp bao gồm cả số lượng và chất lượng, vừa xét đến nhân tố kinh tế lại vừa xét đến nhân tố xã hội và nhân tố môi trường. Cho nên chúng ta nói “tăng trưởng” khác với “phát triển”.

Tăng trưởng kinh tế là biện pháp, phát triển kinh tế và xã hội là mục đích. Tăng trưởng kinh tế là cơ sở của phát triển kinh tế, kinh tế phát triển là kết quả của tăng trưởng kinh tế. Nói chung không có tăng trưởng kinh tế thì không thể phát triển kinh tế, nhưng có tăng trưởng kinh tế không nhất thiết sẽ có phát triển kinh tế. Có lúc kinh tế tuy tăng trưởng với tốc độ nhanh, nhưng lâu dài lại tạo ra sự phân hoá hai cực, người giàu càng giàu, người nghèo càng nghèo. Hoặc trong tăng trưởng kinh tế phần lớn là sự tiêu hao kinh tế quốc dân, không bù đắp cho quốc kế dân sinh, hoặc chỉ theo đuổi tốc độ tăng trưởng của kinh tế mà không chú ý đến phúc lợi cho nhân dân, không xét đến cái giá xã hội phải trả. Tất cả những điều đó chứng tỏ: tăng trưởng và phát triển không phải là thống nhất, có thể có tăng trưởng mà không có phát triển.

Trước thập kỷ 70 của thế kỉ XX, kinh tế học truyền thống phương Tây thường lẫn lộn giữa khái niệm tăng trưởng và phát triển kinh tế là một, xem sự tăng thêm về của cải là mục tiêu căn bản nhất của hoạt động kinh tế loài người. Đến năm 1970, người ta mới bắt đầu chú ý đến những nước đang phát triển, tổng giá trị sản xuất quốc dân tăng lên nhưng sự cải thiện phương thức sản xuất không tương xứng, cục diện sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa đô thị đều không tăng cao. Vì vậy khi Liên hợp quốc định ra chiến lược phát triển quốc tế 10 năm lần thứ 2 (1970 – 1980) đem sự phát triển khái quát thành “Tăng trưởng kinh tế cộng với cải cách xã hội”. Đến thập kỉ 80, khái niệm “Có thể tiếp tục phát triển” được chính thức đề ra. Căn cứ định nghĩa trong “Chương trình nghị sự thế kỉ XXI của Trung Quốc”, “Có thể tiếp tục phát triển” tức là “cố gắng tìm một con đường hài hòa hỗ trợ lẫn nhau giữa dân số, kinh tế, xã hội, môi trường và nguồn tài nguyên để vừa có thể thỏa mãn nhu cầu của nhân dân hiện nay, vừa không cản trở năng lực thỏa mãn nhu cầu của nhân dân sau này”. Vì vậy chúng ta có thể nói như sau: tăng trưởng khác với phát triển, càng khác với “Có thể tiếp tục phát triển”.

Từ khoá: Tăng trưởng; Phát triển; Có thể tiếp tục phát triển.

Tác phẩm, tác giả, nguồn

  • Tác phẩm: 10 vạn câu hỏi vì sao về khoa học môi trường
  • Dịch giả: Nguyễn Văn Mậu
  • Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam
  • Nguồn: tve-4u

Trong ngôn ngữ thông thường, khái niệm “tăng trưởng” thường được xem tương đồng với “phát triển”, bởi tăng trưởng đóng vai trò thiết yếu định hình mức độ phát triển. Động lực từ những thành công kinh tế là tiền đề thúc đẩy những mục đích cộng đồng thành hiện thực.

Kinh tế mở cửa, hiện đại hóa xứ sở, nhiều doanh nghiệp được thành lập và phát triển, cơ sở hạ tầng được nâng cấp, người dân được có thêm nhiều cơ hội và chọn lựa. Tuy vậy, trên phương diện lý thuyết, các nhà kinh tế cảm thấy cần phân định giới hạn giữa hai cụm từ diễn tả một ý nghĩa gần tương đồng. Một mặt thực tế cho thấy, tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước chỉ giới hạn thịnh vượng ở bề mặt như hiện đại hóa bề ngoài.

Trong khi những vùng trung tâm đô thị chuyển biến mạnh mẽ thì tầng lớp dân cư ngoại vi hay các vùng sâu, vùng xa vẫn còn trong cảnh lạc hậu, kém văn minh. Nguy hiểm hơn, quá trình hiện đại hóa lan tỏa không đồng đều, dẫn đến sự chắp vá, hỗn tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân nông thôn. Mặt khác, ở hầu hết các nước nghèo đang mở cửa hội nhập thì phát triển bền vững, có chất lượng còn là một cụm từ khá mới mẻ.

Nếu chỉ bán tài nguyên thô thu ngoại tệ, đốt rừng, hủy hoại môi sinh tập trung cho công nghiệp, nhằm tăng các chỉ số kinh tế hàng năm thì mức độ bền vững của tăng trưởng sẽ kéo dài bao lâu? Đó là chưa kể đến sự cần thiết chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất, từ làm thuê gia công sang lắp ráp, chế tạo, từ nông-công nghiệp sang dịch vụ-thông tin, hướng tới một nền kinh tế tri thức.

Những lập luận đó mở đường cho khái niệm “phát triển” nâng cấp lên một tầm mới, giảm bớt sự phụ thuộc vào những chỉ số thống kê kinh tế. Phát triển ngày nay nên được hiểu như sự thay đổi mang tính cấu trúc, không những về lượng mà còn về chất. Nhân đây xin nêu lại bài học đáng ghi nhớ từ xứ Mặt trời mọc.

Lượng và chất

Sau Đệ nhị thế chiến, nước Nhật từ đống tàn tích hoang tàn đã có những bước vượt trội mạnh mẽ. Gần 30 năm liên tục (1950-1987), mức độ tăng trưởng kinh tế của nước này luôn trong khoảng từ 6 đến 7,1%. Những năm từ thập niên 1980, tuy có sút giảm nhưng tổng sản phẩm quốc gia hàng năm của nước này vẫn tăng 4%, vượt hơn các nước công nghiệp khác trong cùng thời kỳ. Sản phẩm Nhật Bản ngày nay bán đi khắp thế giới với những thương hiệu toàn cầu như Sony, Honda, Toyota…

Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công Nhật Bản thường được đề cập đến là người Nhật rất coi trọng chất lượng sản phẩm. Thu nhập từ hoạt động xuất khẩu phần lớn được sử dụng cho mục đích tái đầu tư vào các lĩnh vực nghiên cứu, nâng cao hàm lượng tri thức trong mỗi sản phẩm bán ra. Trên thế giới, nước Nhật không phải là nước đi đầu về nghiên cứu, nhưng việc họ ý thức được việc chuyển dịch từ lượng sang chất trong các mặt hàng đã tạo nên thế cạnh tranh độc đáo, sớm xây dựng một thương hiệu riêng cho mình.

Thành công của Nhật Bản trên hết là thành công của nhận thức: Một là, nhu cầu sản xuất phải gắn liền với nghiên cứu, từ đó mở rộng ứng dụng, thương mại hóa sản phẩm; hai là, tăng trưởng kinh tế ban đầu được coi là bàn đạp để hình thành những bước chuyển dịch tương lai.

Về mặt cơ cấu kinh tế, bước chuyển dịch này còn tùy thuộc vào lợi thế so sánh của mỗi quốc gia. Cốt lõi của vấn đề là các ngành mũi nhọn tạo thương hiệu phải được kiến thiết trên cơ sở tận dụng tối đa khoa học - công nghệ, giảm thành phần tài nguyên thô trong hàng hóa xuất khẩu. Điều này đối với Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Ước tính trong mười tháng qua, đầu tư nước ngoài (FDI) đạt mức kỷ lục, hơn 11 tỉ USD, xuất khẩu tăng cao, đến 39 tỉ USD.

Những con số này đáng mừng, nhưng cũng đáng lo. FDI dồi dào dù là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, song tự nó không đủ để bảo đảm cho sự phát triển cao và bền vững. Một chính sách phát triển kinh tế hiệu quả phải làm sao vừa có thể khai thác nguồn đầu tư nước ngoài thành công, vừa có thể định hướng con đường tương lai thông qua các chương trình tái đầu tư. Ưu tiên trước mắt tập trung vào các ngành nghề Việt Nam đang cạnh tranh, chú trọng nhiều về yếu tố chất lượng.

Song song, cần khởi động các lĩnh vực có tiềm năng cao nhờ khoa học, công nghệ mới. Rõ ràng, khi “lượng” vẫn còn là lợi thế so sánh của một quốc gia trên thương trường toàn cầu, thì quốc gia đó đang tăng trưởng chứ chưa thật sự phát triển. Cơ cấu sản xuất đóng vai trò phép thử đầu tiên trong việc giải mã biến số đầu tiên của bài toán phát triển.

Hai biến số còn lại

Tài nguyên là nguồn vốn tối quan trọng cho một quốc gia, nhưng nó không vô hạn. Các quốc gia đang phát triển có thể chỉ là môi trường thuận lợi cho công ty đa quốc gia khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên phong phú và lao động rẻ và mãi mãi vẫn chậm tiến, lạc hậu. Để tăng trưởng trở thành phát triển, một trong những bài toán hàng đầu là giải quyết tính hiệu quả của những quyết định kinh tế khi sử dụng nguồn lực này. Mở rộng vượt khỏi khái niệm môi trường, tài nguyên ngày nay được hiểu như tất cả nguồn lực vật chất cũng như phi vật chất phục vụ cho sản xuất và đời sống của một cộng đồng xoay quanh mô hình tam giác: môi trường - thị trường - xã hội - ba yếu tố không thể tách rời nhau trong quá trình phát triển.

Tiêu chí hoạt động của tam giác này là làm sao dung hòa lợi ích giữa những nhóm người khác nhau về xuất phát điểm. Nguồn lợi thu từ thị trường tạo tiền đề mở rộng sự thịnh vượng chung, nhưng không được xâm phạm đến tài nguyên thiên nhiên, hoặc nếu có thì bắt buộc phải có giải pháp tái tạo. Thị trường phải tìm cách chung sống an bình với môi trường. Tương tự, mục đích tăng trưởng kinh tế là nâng cao chất lượng sống của con người. Nếu sự thịnh vượng về vật chất chỉ nhỏ giọt trong phạm vi thiểu số hạn hẹp thì tính ưu việt của những gì mà toàn cầu hóa, thương mại hóa đem lại đều phải xem xét lại.

Đặc biệt, hai biến số này càng được sáng tỏ khi sự thay đổi mang tính cấu trúc mà theo định nghĩa “phát triển” mở rộng đã đóng góp thêm nhiều giả thuyết mới: (i) Tăng trưởng kinh tế chỉ có thể bền vững nếu những yếu tố đóng góp vào quá trình này (con người, nhu cầu xã hội, đất đai, môi trường...) cũng phải bền vững; (ii) Phát triển là sử dụng thành công kinh tế thực hiện những mục tiêu chung mà cộng đồng đang hướng tới, cụ thể là xóa đói giảm nghèo; nâng cao chất lượng sống của nhân dân, trong đó trọng tâm là cải thiện hệ thống giáo dục, y tế, an sinh xã hội, thúc đẩy nâng cao dân trí ở diện rộng.

Cũng giống như mọi bài toán kinh tế, việc hiện thực hóa kế hoạch đạt được những mục tiêu trên quyết định sự thành công hay thất bại. Đáp ứng nhu cầu xã hội ở từng thời điểm là một câu hỏi mang tính bắt buộc mà mỗi chính phủ trong giai đoạn canh tân cần đặt lên bàn nghị sự một cách nghiêm túc. Hội nhập cũng đồng nghĩa với cả đón nhận cơ hội lẫn rủi ro. Mọi quyết định đều cần có sự đồng thuận từ đa số.

Chúng ta đã chứng kiến nhiều hình ảnh “tam giác lệch” trên khắp thế giới mà hậu quả của nó không lường trước được. Mexico, Argentina hồi những năm đầu thập niên 1990 và ngay cả nước láng giềng Trung Quốc với nạn ô nhiễm môi sinh đáng báo động ngay thời điểm nền kinh tế nước này sắp bước lên những thứ hạng đầu là những ví dụ điển hình. Không phải tự nhiên mà giải Nobel hòa bình từ năm 2000 trở lại đây đều tập trung tôn vinh các nhà hoạt động vì môi trường, vì sự phát triển bền vững, tham gia chống đói nghèo và vì quyền con người trên toàn thế giới. Những tư duy, hành động mới đang hình thành từ những giá trị với thời gian càng trở nên phổ quát trong cộng đồng nhân loại.

“Ra biển lớn” chúng ta nhằm mục đích không những hội nhập về thị trường, thương mại…, mà còn là sự tham gia định hình về giá trị, chuẩn mực hành xử. Những quan điểm đó không trái với nhu cầu xã hội đang phát triển ở nước ta: bên cạnh thị trường là môi trường và xã hội hướng tới mục đích tối thượng - phục vụ lợi ích con người.

Để tăng trưởng mau chóng trở thành phát triển, trước tiên chúng ta phải cố gắng giải mã nhanh ba biến số của bài toán trên.

Theo NGUYỄN CHÍNH TÂMDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần