Chi chuyển nhượng của chính phủ là gì

Trước khi xem xét sơ đồ chu chuyển kinh tế trong hình bên dưới để thấy luồng tiền chạy giữa các khu vực trong nền kinh tế như thế nào, chúng ta hãy làm quen với các ký hiệu và khái niệm trong sơ đồ.

1. Lương [W]:

Khái niệm đầu tiên là thu nhập từ lao động, còn được gọi chung là lương [W]. Nó được định nghĩa là tổng thù lao, bằng tiền mặt hay hiện vật, mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động như là các khoản bồi hoàn cho công việc mà họ đã làm cho người sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định. Thu nhập từ lao động trả bằng tiền mặt bao gồm: a] lương, b] các khoản phụ cấp khác ngoài lương như phụ cấp làm ngoài giờ, phụ cấp độc hại, tiền chiết khấu, tiền hoa hồng, tiền thưởng... và c] thuế thu nhập cá nhân và các khoản đóng góp cho an sinh xã hội như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; dù các khoản này là do chính người lao động đóng hay người sử dụng lao động đóng thay cho người lao động đều được tính vào thu nhập từ lao động. Thu nhập từ lao động trả bằng hiện vật có thể là các bửa ăn, nước uống, đồng phục, các kỳ nghỉ mát...

2. Tiền lãi [i]

Khái niệm thứ hai là tiền lãi [i]. Nó được định nghĩa là các khoản tiền mà người đi vay có trách nhiệm phải trả cho người cho vay trong một khoảng thời gian nào đó mà không làm giảm nợ gốc. Số tiền lãi này là thu nhập tài sản hay thu nhập từ vốn mà người cho vay sẽ nhận được thông qua các khoản tiền trong ngân hàng, các khoản cho vay, chứng khoán...

3. Tiền thuê [R]

Khái niệm thứ ba là tiền thuê [R]. Nó là một khoản thu nhập tài sản mà người chủ đất nhận được từ người đi thuê. Tiền thuê được báo cáo chính là giá trị tích lũy liên tục của người cho thuê đất trong thời gian hợp đồng thuê có hiệu lực. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp bỏ một số tiền để thuê nhà hay thuê văn phòng thì số tiền này không được xem là tiền thuê mà phải được tính vào đầu tư vì số tiền này được xem là các khoản chi phí để mua "dịch vụ nhà".

4. Thuế [T]

Khái niệm thứ tư cần phải được định nghĩa là thuế [T]. Thuế là các khoản nộp bắt buộc và không được bồi hoàn của các đơn vị thể chế cho chính phủ. Trước đây, thuế được chia thành thuế trực thu và thuế gián thu. Sở dĩ phân biệt thuế gián thu hay thuế trực thu là vì nếu loại thuế nào được doanh nghiệp xem như là chi phí sản xuất và tính ngược vào giá của hàng hóa và dịch vụ để thu thuế người tiêu dùng một cách gián tiếp thì sẽ được gọi là thuế gián thu. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, khi chính phủ đánh thuế thì cả người sản xuất và người tiêu dùng cùng nhau chia sẽ phần thuế đó. Như vậy đối với mỗi loại thuế, chúng ta cần phải xác định rõ đó là thuế gián thu hay thuế trực thu, ai là người chịu thuế và chịu thuế nhiều hay ít. Do đó, SNA 1993 cho rằng rất khó để xác định một cách chính xác ai là người chịu thuế trong mỗi loại thuế. Chính vì lý do đó, thuế gián thu và thuế trực thu không còn được sử dụng nữa, mà SNA 1993 dùng hai khái niệm mới, đó là a] thuế sản xuất và thuế nhập khẩu và b] thuế đánh trên thu nhập và tài sản. Thuế sản xuất và nhập khẩu bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế doanh thu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường...Mặc dù gọi là thuế sản xuất và nhập khẩu nhưng nó bao gồm luôn thuế xuất khẩu. Trong khi đó, thuế đánh trên thu nhập và tài sản chủ yếu là các loại thuế đánh vào thu nhập của hộ gia đình và doanh nghiệp như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đánh trên thu nhập nhận được từ việc trúng số...

5. Chi chuyển nhượng [Tr]

Khái niệm thứ năm là chi chuyển nhượng [Tr]. SNA 1993 định nghĩa chi chuyển nhượng là những khoản giao dịch mà một đơn vị thể chế sẽ cung cấp hàng hóa, dịch vụ hay tài sản cho một đơn vị thể chế khác mà không nhận về lại bất kỳ hàng hóa, dịch vụ hay tài sản nào như là những khoản bồi hoàn. Trong thực tế, đơn vị thể chế thực hiện việc chi chuyển nhượng thường là khu vực chính phủ và đơn vị nhận các khoản chi chuyển nhượng thường là các hộ gia đình. Do đó chi chuyển nhượng có tác động trực tiếp đến thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình. Chi chuyển nhượng có thể ở dạng tiền mặt như trợ cấp thất nghiệp, lương hưu, thai sản...hay ở dạng hiện vật như cung cấp thuốc men, lương thực miễn phí...

6. Chi tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình [C]

Khái niệm thứ sáu là chi tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình [C]. Đó là các khoản tiền mà hộ gia đình chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ để thỏa mãn nhu cầu của con người. Các hộ gia đình có thể chi tiêu cho hàng hóa tiêu dùng như quần, áo, giày, lương thực, thực phẩm...hay là những hàng hóa lâu bền như tủ lạnh, tivi, máy vi tính...hoặc là chi cho dịch vụ như đi học, khám chữa bệnh, cắt tóc, xem phim...Nó không bao gồm các khoản chi tiêu cho nhà ở và chi để mua những đồ vật quý giá. Đó là do nhà ở được xem là một phần của tổng tài sản cố định. Do đó, những khoản chi tiêu cho nhà ở sẽ được tính vào đầu tư của nền kinh tế. Còn những đồ vật quý giá, đó là những loại hàng hóa lậu bền đắt tiền, không bị hư hao theo thời gian cũng như là không bị tiêu thụ hết; do đó chúng được xem như là phương tiện tích lũy giá trị. Thông thường, những vật quý giá này có thể là những tác phẩm nghệ thuật, đá quý, kim loại quý, nữ trang...Người ta cất giữ những vật quý giá này với mong muốn rằng giá trị của chúng sẽ tăng theo thời gian. Mặc dù người sở hữu những đồ vật quý giá có thể có được một sự thỏa mãn nhất định khi sở hữu chúng; nhưng vì chúng không thể được tiêu dùng hay sử dụng hết như cách thức mà các hộ gia đình tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ nên những đồ vật này không được tính vào tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình.

7. Đầu tư [I]

Khái niệm thứ bảy là tổng tích lũy tài sản, còn được gọi là đầu tư [I]. Tổng tích lũy tài sản bao gồm hai phần, đó là tổng tài sản cố định và thay đổi tồn kho của doanh nghiệp. Đối với tổng tài sản cố định, theo SNA 1993, đó là khoản chên lệch giữa phần tài sản cố định có được và phần tài sản cố định mất đi; trong đó phần tài sản cố định mất đi không phải là do doanh nghiệp sử dụng trong các qui trình sản xuất, mà là do bán hay bị chuyển nhượng. Tài sản cố định có thể là hữu hình hay vô hình, được sử dụng lặp lại hay liên tục trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp nhiều hơn một năm. Tài sản cố định hữu hình bao gồm nhà ở, cao ốc, chung cư, máy móc, thiết bị hay tài sản để trồng trọt chăn nuôi như cây lâu năm, bò để lấy sữa...Tài sản cố định vô hình có thể là chi phí dành cho việc thăm dò khoán sản, phần mềm máy vi tính...Đối với thay đổi tồn kho, đó là khoản giá trị tồn kho tăng thêm của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nào đó của doanh nghiệp.

8. Chi tiêu dùng cuối cùng của khu vực chính phủ [G]

Khái niệm thứ tám là chi tiêu dùng cuối cùng của khu vực chính phủ [G]. Tiêu dùng cuối cùng của khu vực chính phủ bao gồm các khoản chi cho hàng hóa dịch vụ "cá nhân" và hàng hóa dịch vụ "công". Hàng hóa và dịch vụ "cá nhân" chủ yếu là đem lại phúc lợi cho các hộ gia đình, các cá nhân hay một nhóm người cụ thể trong xã hội, ví dụ như chương trình xóa mù chữ, tiêm vắc-xin, tiêm chủng...Tuy nhiên, sẽ có một số thành phần khác trong cộng đồng lại không nhận được phúc lợi do những hàng hóa và dịch vụ "cá nhân" mang lại. Ví dụ, khi chính phủ thực hiện chương trình tiêm chủng cho trẻ sơ sinh thì chỉ có trẻ sơ sinh mới có thể thụ hưởng được phúc lợi đó, trong khi những người khác trong cộng đồng lại không được thụ hưởng.

Trong khi đó, nếu chính phủ chi tiền ra để cung cấp dịch vụ "công" thì phúc lợi xã hội mà hàng hóa và dịch vụ công tạo ra là dành cho toàn thể cộng đồng, trong đó mỗi cá nhân đều có thể thụ hưởng mà không làm ảnh hưởng đến người khác. Ví dụ như chính phủ chi tiền để làm đường thì tất cả mọi người trong cộng đồng đều có thể đi trên con đường đó và có được phúc lợi do con dường mang lại. Chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ "công" có thể là chi cho khu vực hành chánh sự nghiệp [ví dụ như trả lương cho công chức nhà nước], an ninh quốc phòng [ví dụ như chi phí cho quân đội], y tế công [ví dụ như xây dựng bệnh viện công], bảo vệ môi trường, giáo dục [ví dụ như xây trường học], giao thông [ví dụ như xây cầu, đường]...

9. Khấu hao [De]

Khái niệm thứ chín là khấu hao [De]. Khấu hao chính là sự tiêu dùng tài sản cố định của doanh nghiệp và được định nghĩa là sự giảm sút trong giá trị hiện tại của tài sản cố định do các doanh nghiệp sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định.

10. Xuất khẩu [X] và nhập khẩu [M]

Khái niệm thứ mười là xuất khẩu [X] và nhập khẩu [M]. Đây là phần giao dịch, trao đổi hàng hóa và dịch vụ của khu vực trong nước và khu vực nước ngoài. Đối với hàng hóa, trong SNA 1993, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của một quốc gia được tính theo giá FOB. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu hết các hàng hóa nhập khẩu đều được cơ quan hải quan báo cáo bằng giá CIF. Trong trường hợp này cần phải điều chỉnh từ giá CIF thành giá FOB. Vì việc điều chỉnh thường rất khó khăn, cho nên IMF đã tổ chức các cuộc khảo sát trên các chứng từ xuất nhập khẩu để đưa ra tỷ số CIF/FOB có thể dùng trong điều chỉnh kim ngạch nhập khẩu từ giá CIF sang giá FOB. Trong khi đó, kim ngạch xuất nhập khẩu dịch vụ được tính theo giá thực tế.

11. Lợi nhuận [π]

Khái niệm thứ mười một là lợi nhuận [π]. Đó chính là phần chênh lệch giữa tổng doanh thu và tổng chi phí của các doanh nghiệp.

12. Tiết kiệm [S]

Khái niệm cuối cùng là tiết kiệm [S], đó là phần còn lại trong thu nhập khả dụng của các hộ gia đình sau khi đã trừ đi các khoản chi tiêu.

 * Sơ đồ chu chuyển kinh tế

Bây giờ chúng ta bắt đầu xem xét sơ đồ chu chuyển kinh tế [như hình ở trên]. Trong hình này, một nền kinh tế mở có bốn khu vực, đó là khu vực hộ gia đình, khu vực doanh nghiệp, khu vực chính phủ và khu vực nước ngoài.

Đối với khu vực hộ gia đình, khi hộ gia đình cung cấp các yếu tố sản xuất cho doanh nghiệp thông qua thị trường các yếu tố sản xuất, họ sẽ nhận về các khoản thu nhập từ lao động [W] khi hộ gia đình cung cấp sức lao động, tiền lãi [i] khi hộ gia đình cung cấp vốn, tiền thuê [R] khi hộ gia đình cho thuê tài sản. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp không giữ một phần của lợi nhuận [π] thì các hộ gia đình sẽ nhận được toàn bộ phần lợi nhuận đó dưới hình thức lợi tức chia cho cổ đông, vì xét cho cùng chủ sở hữu của các doanh nghiệp là các hộ gia đình. Đồng thời, hộ gia đình còn nhận một số tiền gọi là  chi chuyển nhượng [Tr] từ chính phủ. Với thu nhập có được, hộ gia đình phải nộp thuế đánh trên thu nhập và tài sản [T] cho chính phủ, trích một phần để chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ [C] do các doanh nghiệp sản xuất ra thông qua thị trường hàng hóa; phần còn lại để tiết kiệm [S].

Đối với khu vực doanh nghiệp, họ sẽ sử dụng các yếu tố sản xuất để sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ và đem bán các hàng hóa và dịch vụ trên thị trường hàng hóa để các hộ gia đình mua về tiêu thụ. Tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ cuối cùng đó chính là Tổng sản phẩm quốc nội [GDP] và đó cũng chính là tổng luồng tiền mà nền kinh tế có được. Với số tiền có được, doanhy nghiệp lại tiếp tục đầu tư [I], nộp thuế [T] chi chính phủ, trích khấu hao [De], trả tiền lương [W], tiền lãi [i], tiền thuê [R] cho hộ gia đình và các doanh nghiệp còn lại lợi nhuận [π].

Đối với khu vực chính phủ, ngân sách sẽ trang trãi chi tiêu của chính phủ. Nguồn thu ngân sách chính phủ là từ các khoản thuế [T] từ các hộ gia đình và doanh nghiệp dưới dạng thuế sản xuất, thuế nhập khẩu và thuế đánh trên thu nhập và tài sản...Từ nguồn thu này, chính phủ dùng để chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ [G]nhay để thực hiện các khoản chi chuyển nhượng [Tr].

Đối với khu vực nước ngoài, khu vực này sẽ chi tiền để mua hàng hóa và dịch vụ trong nước thông qua hoạt động xuất khẩu [X] của quốc gia đó. Đồng thời, khu vực này sẽ nhận tiền khi bán hàng hóa và dịch vụ thông qua hoạt động nhập khẩu [M] của quốc gia này.

 Sau khi xem xét luồng tiền lưu thông như thế nào thông qua sơ đồ chu chuyển kinh tế, ta thấy rằng khi có các yếu tố sản xuất đầu vào, hàng hóa và dịch vụ sẽ được tạo ra thông qua quá trình sản xuất. Giá trị của những hàng hóa dịch vụ cuối cùng được bán trên thị trường hàng hóa chính là Tổng sản phẩm quốc nội [GDP]. Từ đây, các khu vực sẽ nhận vào một số tiền, nhưng cũng đồng thời phải chi ra một khoản tiền nào đó để hoạt động của nền kinh tế lại tiếp tục theo sơ đồ chu chuyển.

 Source: Kinh tế vĩ mô - Nguyễn Thái Thảo Vy

Video liên quan

Chủ Đề